Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

312. MẠO MUỘI VỚI TRUYỆN CỦA CỤ PHAN

  Chuyện người lương dân
                                             Phan Châu Trinh
                    
    Người ta đồn nhau rằng ở tỉnh X. phủ X. làng X có một người tên là Điền Xá ông. Trước ngõ vào nhà có treo một tấm bảng sơn son đỏ chói, trên có 4 chữ thếp vàng to tướng và bóng nhoáng: Sắc tứ lương dân, kẻ qua người lại, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Có một người khách nghe tiếng đồn tới xin ra mắt. Đến,
thấy một ông già ra đón. Vào, thấy trong nhà bàn ghế khay hộp đều là đồ xưa, trên tường treo mấy tấm tranh đã cũ rích. Hỏi ông chủ đâu thì té ra ông già ra đón mình chính là người chủ đó. Ngồi yên, sau mấy câu thù ứng rồi cũng nói chuyện, xem ra người chủ ăn nói lù khù, như là nói không ra câu. Khách hỏi:
- Ông thuở nay làm nghề gì?
- Tôi thuở nhỏ học chữ nho, nhưng học có mười năm mà không hiểu nghĩa được một chữ gì( ), cha mẹ giận bắt về đi cày. Tánh lại ưa phong lưu mà không muốn chơi với bọn tay lấm chân bùn kia, nên bỏ nghề nông làm sang nghề thương, có bao nhiêu vốn làm gì lỗ nấy. Sau cũng tưởng nghề thợ dễ ăn, tôi học nghề thợ mộc. Nhưng nó cũng rủi làm sao! Hễ đẽo cây gỗ nào thì hư cây gỗ ấy, cứ bị bác thợ cả mắng chửi mãi. Vì thế nên nay vẫn không có nghề gì.
- Cha mẹ ông thế nào?
- Trước kia ở đây, nhưng bị nhà quyền hào kia bức hiếp nên dời đi nơi khác.
- Còn anh em?
- Anh em vẫn đông, song vì đói, người đi một nơi, kẻ đi một ngả.
- Vậy thì tấm bảng vàng thếp treo trước ngõ đó, vì sao mà có?
- Năm trên, xứ này có cái nạn mất mùa, đói, giặc cướp lung tung. Dân đói, làng xóm này đua theo bọn đó, đi giựt cướp của người. Tôi vẫn không bằng lòng đi theo, nhưng bị chúng hiếp bắt đi, bất đắc dĩ cũng đi chung trong bọn ấy, nhưng không lấy tiền của ai hết. Sau việc yên, có người đem câu chuyện ấy tâu lên triều đình, nên may được ban cái ân điển lương dân đấy.
Nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, người khách có ý vừa khinh bỉ, vừa tức đời, bèn nói lớn như giọng nạt rằng:
- Ông trong nghề tứ dân, không được một nghề gì, trong gia đình cũng là người thừa, không coi giúp được việc gì, mà lại được tiếng đời khen, ơn vua ban. Vậy sao không xuất gia tư ra giúp cho dân nghèo, khiến bọn vô lại trong làng xóm có nghề làm ăn, để trừ tiệt cái nghề trộm cướp kia, như thế không những là cái công việc đời già bổ cái hư của lúc trẻ, mà cũng là khiến cho người cùng làng khỏi có lời nhạo báng nầy nọ?
Ông chủ ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi trả lời một cách chậm rãi rằng:
- Nhà tôi con đông, đương cùng bà hắn lo cho chúng nó mỗi đứa một ít tư bản cho kha khá mà tìm chưa ra cách. Tôi có phải người ngu dại, không tính việc của con cái sau này đâu.
Khách đổ giận, bước ra cửa, đi thẳng một bước. Lão lương dân kia, sau cũng không ai nhắc đến chuyện lão nữa.                       
                                                        1904
                                          Huỳnh Thúc Kháng dịch
                (Rút từ Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam chọn lọc (tập 1), 
                           Nxb Văn học, 1996. Số trang 178-180)

      Nhắc đến ngòi bút của Phan Châu Trinh, người ta nhớ đến những tác phẩm chính luận sắc sảo, những bài thơ trong “Santé thi tập”, “Tây Hồ thi tập”,… mấy ai nhớ đến một tác phẩm văn xuôi tự sự của ông, đó là “Chuyện người lương dân”.
      Truyện ngắn “Chuyện người lương dân” kể chuyện Điền Xá được vua ban cho bốn chữ sơn son thếp vàng “Sắc tứ lương dân”. Ông ta lúc trẻ không làm được một nghề gì cả, nhưng vào năm có trộm cướp, ông ta đi theo bọn trộm mà không ăn cắp gì nên được vua ban cho bốn chữ trên. Ông ta đem tấm bảng sơn son thếp vàng đó treo trước ngõ, ai đi qua cũng trầm trồ khen ngợi. Một người khách thấy lạ tìm đến hỏi Điền Xá tại sao có tấm bảng ấy. Sau khi nghe kể, người khách tỏ ra khinh bỉ, bảo với Điền bỏ tiền ra giúp cho dân nghèo, nhưng ông ta lại nói về chuyện lo cho con có tài sản để sinh sống. Khách giận bỏ đi, từ đó chẳng ai nhắc đến chuyện Điền Xá nữa.
     “Chuyện người lương dân” khi đưa vào "Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam chọn lọc", người biên soạn đã giới thiệu : “Truyện ngắn này nguyên văn chữ Hán, Phan Châu Trinh viết năm 1904, Huỳnh Thúc Kháng dịch năm 1933. Phan Châu Trinh sáng tác truyện ngắn này nhằm châm biếm sự thay đổi nội các ở triều Thành Thái, mà mục đích của người dịch là châm biếm sự thay đổi nội các ở triều Bảo Đại”.
     Và Huỳnh Thúc Kháng sau khi dịch đã viết lời bình : “Biết chữ mà không hiểu nghĩa như lão này, thiếu gì!”, cuối bài, lại có lời phụ phê bình: “Bài này bản ý tác giả vẽ ra một cái triều đại mà xã hội lộn xộn, nhân vật hèn hạ. Cùng đi ăn cướp mà không lấy của người, cái đó không phải là đức tính đáng khen hay là đáng ban thưởng. Người ở trên đời cốt làm sao cho có công nghiệp giúp ích cho nhân quần xã hội kia. Ở một cái đời mà dư luận và quốc điển biểu dương cho một người đi ăn cướp không lấy tiền thì cái thời đại và xã hội ấy nội dung thế nào, không nói cũng rõ. Tuy vậy anh khách kia cũng khắc trách quá, nếu như anh ta thấy hạng người “quốc sự mang đãy” ngày nay thì hơi đâu mà mắng”; cốt chửi bọn lo việc nước mà chỉ biết “nặng tui, dày cặp” không thiếu gì trong xã hội đương thời”.
     Qua lời giới thiệu của người biên soạn tuyển tập và lời bình của Huỳnh Thúc Kháng, ta có thể nắm được  nội dung tư tưởng của truyện, cảm hứng tư tưởng của Phan Châu Trinh. Truyện có ý nghĩa phê phán “xã hội lộn xộn” và vạch trần bản chất hèn hạ, bù nhìn của vua quan đương thời. Với nội dung ấy, truyện ra đời không nằm ngoài mục đích chính trị của chí sĩ Phan Châu Trinh. Điều đó cũng chẳng có gì đáng bàn, bởi với Phan Châu Trinh, cuộc đời và văn chương có sự thống nhất cao độ. Toàn bộ sáng tác và hành trạng của người chiến sĩ cách mạng dân chủ này đều hướng đến nhân dân và dân tộc với tư tưởng : Chấn dân khí, Khai dân trí và Hậu dân sinh. Cụ thể là thức tỉnh tinh thần tự cường, nhuệ khí đấu tranh trong đồng bào; mở mang trí tuệ cho dân như dạy chữ, khoa học thực nghiệm, bài trừ hủ tục,…; nâng cao mức sống của dân như lập xưởng sản xuất, lập hội buôn,… Như vậy, về phương diện nội dung, truyện ngắn hội tụ tình cảm yêu nước thương dân mang màu sắc dân chủ của Phan Châu Trinh. Đây là một tư tưởng tiến bộ không chỉ ở thời điểm truyện ngắn ra đời mà còn đối với mai sau. Nói như ai đó, tư tưởng này như vì sao trên trời, càng nhìn càng thấy sáng. Nếu đem thả vào dòng chảy thời gian thì vẫn không bị thời gian cuốn trôi và nhấn chìm mất.
      Xét về bình diện hình thức, “Chuyện người lương dân”  chưa hẳn đã mang màu sắc hiện đại. Đọc truyện, ta thấy cốt truyện khá giản dị, được kể theo trật tự thời gian, nhân vật cũng chỉ vỏn vẹn có hai, đó là Điền Xá ông và người khách. Ngay thời gian, không gian nghệ thuật, thậm chí tên nhân vật vẫn còn phiếm chỉ. Đây là một trong những đặc điểm thi pháp của truyện cổ dân gian và truyện ngắn trong văn học trung đại. Về nghệ thuật khắc họa nhân vật, nhân vật vẫn là nhân vật hành động nhưng đã có những nét diễn biến tâm lí.
      Tất nhiên,để đánh giá hình thức nghệ thuật của tác phẩm này không hề đơn giản chút nào, bởi đây là tác phẩm văn xuôi tự sự duy nhất của Phan Châu Trinh và có lẽ cũng  là một truyện ngắn  khơi dòng cho thể loại văn học, giàu tính hiện thực, không nhuốm màu hư ảo trong văn chương nước nhà. Hơn nữa, để nhìn nhận đúng giá trị của tác phẩm này ta nên chú ý thời điểm sáng tác của nó. Truyện ra đời năm 1904, sau Phan Châu Trinh đỗ Tiến sĩ 3 năm, trước ông từ quan 1 năm. Ra đời trong hoàn cảnh ấy, truyện rất dễ chuyên chở tư tưởng nho gia, nhuốm màu sắc trung quân. Nhưng không, truyện vừa có ý nghĩa khẳng định lí tưởng thẩm mĩ, lí tưởng xả thân vì dân tộc, nhân dân sâu sắc, vừa thể hiện triết lí nhân sinh hiện đại của phương Tây. Đấy là vẻ đẹp hiện đại về nội dung tư tưởng của tác phẩm. Về hình thức, yếu tố làm nên tính hiện đại của “Chuyện người lương dân” là nghệ thuật xây dựng tình huống truyện. Đấy là tình huống nghịch lí, Điền Xá ông đi ăn cướp mà không cướp nên được vua ban : “Sắc tứ lương dân”. Tình huống này là tình huống nhận thức. Nhân vật người khách nhận thức về cái vỏ hào nhoáng của xã hội phong kiến đang bọc che những cái mục ruỗng, trống rỗng, cũ kĩ, nghèo nàn; khác nào như cái bảng sơn son đỏ chói có 4 chữ thếp vàng to tướng kia đang đóng vai trò cái bình phong che đây vẻ già cỗi của Điền Xá, cái cũ kĩ của bàn ghế, sự rách nát của mấy tấm tranh treo trên tường trong nhà người được gọi là “lương dân kia”.  Nhân vật người khách ấy còn nhận thức một lẽ sâu xa. Không thể để nhân dân thụ động, không làm được một việc gì ra hồn, không thể sống chỉ biết vun đắp cho gia đình và bản thân, không chỉ biết hưởng thụ. Sống không thể vô cảm với những người xung quanh, chỉ biết chạy theo cái danh hảo huyền mà quên đi đạo lí làm người. Sống là phải sống có ý nghĩa với chính mình với mọi người xung quanh. Và cái bảng treo kia cũng là một thứ văn chương sáo rỗng hút hồn biết bao người qua lại nên ai cũng trầm trồ ngợi khen.
      Tóm lại, dù có thế này thế khác, “Chuyện người lương dân” vẫn là một truyện ngắn có giá trị, đáng trân trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Truyện đã thực sự cắm mốc tư tưởng duy tân trong bước đường hoạt động cách mạng của Phan Châu Trinh. Đọc truyện, ta càng thấm thía ý nghĩa hai câu thơ trong “Chí thành thông thánh” của người con ưu tú của Đất Quảng này.
                         Vạn gia nô lệ cường quyền hạ,
                         Bát cổ văn chương túy mộng trung
.

                                                                    HD, 29-5-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét