Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

317. BA ĐIỀU TRONG ĐỜI KHÔNG ĐƯỢC ĐÁNH MẤT

     Cuộc sống là một hành trình bất tận mà mỗi người chúng ta đều đang cố gắng bước trên con đường xa xăm, khúc khuỷu để đi trọn hành trình ấy. Và giống như những thử thách của số phận, không ai có thể đi hết hành trình cuộc sống mà không một lần gặp phải những biến cố, những trở ngại đôi lúc khiến con người vô tình gục ngã. Mỗi lần như vậy lại có những thay đổi nhất định
trong chính bản thân con người. Họ làm được gì ? Mất đi điều gì ? Và họ có được những gì sau mỗi lần gặp bất trắc ấy ? Bàn về vấn đề này, có một ý kiến đáng để chúng ta suy nghĩ : “Ba điều trong đời không được đánh mất : sự thanh thản, niềm hi vọng và lòng trung thực”.
      Mỗi người sinh ra đều ôm ấp trong mình những điều quan trọng và vô giá. Đó có thể là tình cảm gia đình, tình yêu, tình bạn, là sức khoẻ, danh dự và cả trái tim biết yêu thương tha thiết. Trải qua nhiều sóng gió, mỗi người có thể mất đi khá nhiều điều, nhưng cũng có những điều không thể đánh mất : “sự thanh thản, niềm hi vọng và lòng trung thực”.
      Sự thanh thản làn trạng thái bình yên, thư thái của tâm hồn. Sự thanh thản là khi tâm hồn không có một gợn sóng lo âu, một nếp nhăn muộn phiền, ganh tị. Một tâm hồn thanh thản giống như một hồ nước trong trẻo, không gợn bẩn, rất bình lặng và luôn toả sáng một cách diệu kì, phản chiếu nét đẹp phong cách thức giả của một con người. Niềm hi vọng là đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn ở tương lai. Hi vọng trái với tuyệt vọng. Hi vọng là không từ bỏ, không gục ngã mà luôn vững bước vào tương lai, luôn gửi gắm vào ngày mai bằng một lòng tin chính đáng. Lòng trung thực là tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lí, lẽ phải, sống ngay thẳng, thật thà và dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc phải một khuyết điểm nào đó.
       Sự thanh thản, niềm hi vọng và lòng trung thực là ba điều vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của một con người. Giữa cuộc đời đầy biến động, với những bon chen, toan tính thiệt hơn này khiến lòng người hiếm khi lắng lại vô tư. Tìm cho hồn mình không một chút vẫn đục, cho trái tim mình một chút bình yên, trải lòng ra với niềm hạnh phúc giản dị, để tâm hồn mình thư thái, không vướng víu những âu lo, sầu muộn có lẽ là một cách giúp con người thư giản sau bao ngày bận rộn. Sự thanh thản như một liều thuốc an thần êm ái và ngọt ngào giúp lòng người an nhiên tự tại, ru ngủ những nỗi đau, soi sáng những góc đen tâm hồn để trái tim rực sáng, một thứ ánh sáng hiền hoà, trong trẻo. Hi vọng rất cần cho cuộc sống con người. Trong tăm tối, tuyệt vọng hay bế tắc, người ta vẫn nuôi một chút hi vọng nhỏ nhoi, rồi chính niềm hi vọng đó có thể hồi sinh tất cả những ước mơ giúp con người có sức mạnh vượt qua số phận. Mất đi của cải, sức khoẻ còn có thể tìm lại, có thể thay thế, làm ra, khắc phục được ; nhưng một khi đã mất đi hi vọng nghĩa là đã mất tất cả. Cánh cửa tương lai đã đóng sầm trước mắt ta, bóng tối bi quan sẽ trở thành bạn hữu trên hành trình đời tăm tối của ta. Lòng trung thực là đức tính cần thiết và quý báu của mỗi con người. Lòng trung thực giúp ta nâng cao phẩm giá, làm lành mạnh các mỗi quan hệ xã hội và con người sẽ được mội người tin yêu và kính trọng. Có lòng trung thực thì con người mới tìm được sự thanh thản trong tâm hồn, bởi càng dối trá, bóng đêm lại càng đè nặng lên trái tim con người, đôi lúc dẫu những lời nói vô tình cũng khiến ta ân hận, sống trong hoang mang, lo lắng. Có sự thanh thản, rũ sạch mọi bụi bậm vấy bẩn tâm hồn, con người mới có lòng tin vào cuộc sống, để từ đó hi vọng sẽ bừng sáng và dẫn lối ta về với những ước mơ, với hành trình đời đang dang dở. Sự thanh thản, lòng trung thực và niềm hi vọng vốn liên hệ chặt chẽ với nhau và cực kì cần thiết phải có mặt bên nhau. Bởi lẽ, chúng là ba nét đẹp làm nên một con người, chúng là “ba  điều trong đời không được đánh mất” của một con người nhân cách và phẩm giá.
       Đi dọc suốt chiều dài lịch sử văn học dân tộc, ta có thể bắt gặp nhiều nhà thơ, nhà văn đã sẵn sàng từ bỏ danh lợi, xa lánh bụi bặm trần thế với những mưu toan, lo lắng để về ẩn cư nơi rừng núi, tìm cho mình một tâm hồn thư thái, một ấm lòng thanh thản “an bần lạc đạo” như Nguyễn Trãi : “Rồi hóng mát thuở ngày trường”, hay Nguyễn Bỉnh Khiêm với lối sống :
                    Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
                    Xuân tắm hồn sen, hạ tắm ao
.
                                                                  (Nhàn)
Họ từ bỏ tất cả nhưng không hề đánh mất sự thanh thản trong trái tim mình.
       Trong cuộc sống hiện đại, có biết bao nạn nhân HIV, những người nhiễm chất độc màu da cam, tưởng như tất cả mọi cánh cửa cuộc sống đã đóng sập lại trước mắt họ. Nhưng nhiều người đã chẳng hề ngã gục. Họ quyết tâm chữa bệnh, làm lại cuộc đời. Họ không hề mảy may tuyệt vọng, ngược lại luôn tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn bởi chưa bao giờ họ đánh mất hi vọng cả.
Shakespeare đã từng nói : “Phải thành thật với mình, có thế mới không dối trá người khác”. Trong những điều răn của Phật giáo cũng có câu : “Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá”. Mọi con người chân chính đang sống trên hành tinh này, ai ai cũng đều coi trọng lòng trung thực, bởi đấy là một phẩm chất cao quý, là thước đo giá trị con người. Một kẻ chỉ biết dối trá sẽ không bao giờ có được lòng tin của kẻ khác. Có một câu chuyện kể về chú bé chăn cừu, để đùa vui, gây cười cho mọi người đã luôn hét lên có chó sói đến. Lần thứ nhất, lần thứ hai người còn tin tưởng và chạy đến giúp chú lùa bầy cừu về chuồng an toàn. Nhưng đến lần thứ ba, khi chó sói đến thật, dù cậu gào rả cổ họng, cũng chẳng ai đến cứu giúp cậu cả vì họ nghĩ sẽ cậu lừa như những lần trước. Câu chuyện giản dị nhưng đã giúp ta hiểu giá trị của lòng trung thực.
       Sự thanh thản, niềm hi vọng và lòng trung thực quan trọng là vậy, nhưng liệu trong cuộc sống hiện đaị hôm nay, chúng  có còn giữ nguyên giá trị hay không ? Có lẽ vẫn còn. Có thể thấy điều đó qua cuộc vận động chống bệnh thành tích và hình thức trong học tập, thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đòi hỏi trung thực nhưng liệu đã thực hiện triệt để chưa khi mà bệnh thành tích vẫn còn nặng nề, gian lận trong học tập và thi cử vẫn lan tràn. Liệu có hay không sự trung thực khi mà những dối gian vẫn còn đầy rẫy, kẻ dối trá nhiều lúc lại đạt được kết quả tốt đẹp hơn người trung thực. Và có phải lúc nào trung thực cũng đúng, cũng nên làm ? Một bác sĩ nói thật với bệnh nhân căn bệnh hiểm nghèo và hậu quả của nó cho bệnh nhân biết liệu có cần thiết không ? Trung thực mà gây ra sự chấn động tâm lí hay nói tránh sự thật để tạo một liệu pháp tâm lí cho bệnh nhân, điều nào nên làm, hơn ai hết bác sĩ đã thuộc làu điều này. Không trung thực khiến trái tim hoang mang, lúc nào cũng sống trong lo âu, không một lần thanh thản. Và một khi việc dối trá bị phát hiện làm mất đi lòng tin của mọi người thì ta sẽ rơi vào tuyệt vọng, ta tự dập tắt hi vọng của chính mình.
      “Ba điều trong đời không được đánh mất : sự thanh thản, niềm hi vọng và lòng trung thực” là một ý kiến hoàn toàn đúng. Con người ta có thể đánh mất tiền bạc, địa vị,… nhưng không thể đánh mất lòng trung thực. Bởi một khi lòng trung thực rời bỏ ta thì cũng chính là lúc niềm hi vọng lụi tắt và sự thanh thản trong tâm hồn ta cũng theo gió mà bay đi.
       Khi tất cả mọi cánh cửa dường như đã đóng sập trước mắt ta, khi mọi điều tưởng chừng đã tắt ngấm thì ta cũng đừng vội tuyệt vọng mà ngã gục, chỉ cần ta biết sống trung thực, biết tìm sự thanh thản và nuôi dưỡng niềm hi vọng thì mọi điều sẽ tốt thôi. Và hãy tin, khi loài người còn khao khát sống đẹp, sống đúng với chân lí : chân – thiện – mĩ thì loài người sẽ không bao giờ quên : “Ba điều trong đời không được đánh mất : sự thanh thản, niềm hi vọng và lòng trung thực”.
                                      ___________________________


12 nhận xét: