Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

318. SẮM VAI

      Trong bài viết “Sự suy đồi sắm vai đạo đức”, đăng ở báo Tuổi Trẻ, thứ Bảy, 16-6-2012, trang 12, tác giả Quang Thi đã giới thiệu, đánh giá sự thành công của một vở kịch do Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân đạo diễn.
      Vở kịch đó có tên là “Làm…”. Từ cái tít của bài báo đến nhan đề vở kịch đã gieo vào tâm trí mình một “vật cản lạ” đến nỗi phải tò mò đọc. Đọc xong,
mình sững sờ biến thành “người ngoài hành tinh” luôn.  Hóa ra vở kịch phỏng theo tiểu thuyết “Làm đĩ” của Vũ Trọng Phụng, do Chu Thơm chuyển thể kịch bản, vừa ra mắt tối 13-6 tại sân khấu kịch Phú Nhuận (TP. HCM) là bi kịch của Huyền, từ một cô gái trinh trắng phải sa chân vào lầu xanh.
      Đang băn khoăn không biết cớ làm sao tên vở kịch chỉ có một chữ “Làm” lẻ loi với ba chấm lửng, trông bộ dạng y như mèo cụt đuôi như thế thì bắt gặp chú thích của báo như sau:
      TÊN VỞ GẶP TỪ “HÚY KỊ”
      ““Làm…” chắc hẳn chưa đủ là tựa đề cho một vở kịch hay một tác phẩm nói chung. Nó ngắn ngủn, cộc lốc, không biểu lộ một thông tin hay cảm xúc nào. Đạo diễn Hồng Vân cho biết gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng lúc đầu đã cương quyết giữ tên “Làm đĩ” theo nguyên tác, nhưng phía cơ quan cấp phép thì xem tựa đề này nghe… không ổn (!) Thế nên, vở kịch được chú ý nhưng rất tiếc tựa đề lại lạc lõng và vô nghĩa. Đây cũng không phải lần đầu tiên sân khấu “húy kị” với từ “đĩ”. Trước đó, tiểu thuyết Trung Quốc “Xin lỗi em chỉ là con đĩ” khi lên sân khấu chỉ còn tên “Xin lỗi em chỉ là…!””
       Qua bài viết và lời chú thích, mình cảm giác có cái gì bất ổn ở đây.
       Thứ nhất, nếu đọc bài báo, người đọc thấy người viết rất thiện ý. Câu chữ vừa ca ngợi tài năng của đạo diễn Hồng Vân, vừa đồng cảm sâu sắc với bi kịch của cô Huyền, vừa phẫn nộ vạch trần bản chất của bọn quan tham, quan huyện trong xã hội Việt Nam thời Vũ Trọng Phụng. Dưới ngòi bút của tác giả bài báo, nhà văn Vũ Trọng Phụng và cũng là điểm nhìn tư tưởng của Hồng Vân, những quan tham, quan huyện,…  chúng nó đều là một lũ giả hình, bản chất suy đồi nhưng sắm vai đạo đức đúng như tít bài. “Nhưng Làm... nhắc nhở rằng những kẻ suy đồi như ông phán, tham Kim, ông Tân mà đóng vai chủ nhân đạo đức thì sẽ là mối họa với bất kỳ ai, ở bất kỳ thời đại nào”.Thế nhưng, với cái nhìn hệ thống,  ngẫm kĩ mới thấy không ổn tí nào. Hình như ca ngợi chỉ là nghĩa tường minh, nghĩa bề mặt của văn bản, còn nghĩa hàm ẩn thì lại khác. Mũi nhọn của ngòi bút thoạt nhìn tưởng chỉa về ngày xưa, người trước “nửa ông nửa thằng của VN đầu thế kỷ 20. (…) những gã đàn ông quyền chức thì phóng đãng và suy đồi”; nhưng nhìn lâu, nhìn kĩ mới thấy hướng về người nay. Nếu người xưa giả hình thì người nay… bề ngoài thì dị ứng với từ “đĩ”, nhưng bên trong lại có tâm lí của bà Phó Đoan trong tiểu thuyết “Số đỏ”, được tiếng giữ trinh tiết với hai đời chồng, “tiết hạnh khả phong”, nhưng hễ nghe chuyện hiếp dâm là tơm hớp: - Đâu, đâu…?
      Thứ hai, về phía cơ quan cấp phép, mình thấy cũng chẳng ổn chút nào. Nếu chỉ “cắt” từ “đĩ” ở nhan đề vở kịch, để nó không xuất hiện trên các pa-nô, tờ rơi quảng cáo,… thì nhẹ quá và chưa triệt để. Mình nghĩ cơ quan cấp phép cần mạnh tay hơn nữa để từ “đĩ” không còn chường mặt ra trước công chúng. Tất nhiên, không thể loại từ này ra khỏi từ điển, ngôn ngữ toàn dân; nhưng có thể khiến nó không còn chốn dung thân trên mặt báo, trong văn chương, trong môi trường giáo dục. Chẳng hạn, báo chí từ nay nên và chỉ dùng “bán dâm”, “mại dâm” thay từ “đĩ”; các nhà biên soạn lịch sử văn học hay nghiên cứu phê bình văn học, khi viết về Vũ Trọng Phụng nên viết trại tên tác phẩm “Làm đĩ” thành “Làm mại dâm” nghe sang hơn. Còn với các thầy cô dạy văn, tuyệt nhiên phải tránh cái tên tác phẩm có từ ta-bu này, thậm chí những từ ngữ, thành ngữ có từ “kị húy” ấy. Chẳng hạn như: “đánh đĩ” né thành “đánh mại dâm”; “đĩ cầu nôm” thành “bán dâm cầu nôm”,… Cách làm như thế sẽ khiến cho văn chương sạch sẽ, thơm muì đạo đức hơn; người đọc người nghe tâm hồn sẽ sực nức hương đạo lí. 
      Trên đây là hai điều chưa ổn qua một bài báo mà mình tào lao cảm nhận. Không biết mình có chủ quan, phiến diện không? Mong rằng những điều mình nói cũng được một phần triệu có lí. Và rất mong tác giả bài báo và cơ quan cấp phép văn hóa miễn thứ cho.
                                                                 HD, 16-6-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét