Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

319. CHÉP PHẠT VÀ BIÊN PHẠT


      Một học trò cũ đến thăm. Thầy trò trao đổi nhiều đề tài. Khi nói về trường cũ, hỏi thăm các thầy cô giáo đã từng đứng trên bục giảng của lớp em ấy, em học trò “ruột” này bỗng nhiên buột miệng khen tôi  hiền. Theo em, một trong những nguyên nhân để tôi được tiếng hiền, vì không bắt học trò chép phạt khiến các em vừa mỏi tay vừa tốn giấy, mực như các thầy cô khác. Em bảo, từ
khi em học tiểu học, lên trung học cơ sở rồi trung học phổ thông, cứ mỗi lần không thuộc bài, em đều bị các thầy cô giáo bắt chép phạt. Có thầy bắt chép mười lần bài học, có cô lại tính số trang, yêu cầu phải chép 20 trang. Mỗi thầy cô bắt học sinh chép phạt một kiểu, không giống nhau.
      Nghe em học sinh đó vừa khen tôi mình vừa than thở phận mình, tôi bảo: Thầy không bắt các em chép phạt, đâu phải vì hiền mà có quan niệm riêng. Còn các thầy cô khác, họ nghĩ chép phạt cũng là một biện pháp giáo dục, giúp học sinh một là thuộc bài, hai là có ý thức học tập hơn. Tôi vừa nói xong, em học sinh ấy giẫy nẫy lên: Mà thầy ơi, có thầy không phải bắt học trò chép phạt vì hai lí do như thầy vừa nói đâu. Em nghe các bạn nói thầy T, hở một tí là bắt chép phạt. Đọc bài thơ nếu quên một từ thì chép phạt. Trả lời một câu hỏi có tính chất học thuộc lòng mà quên một cụm từ, chép phạt. Trả lời về hoàn cảnh sáng tác tác phẩm văn học, nhầm lẫn năm ra đời là chép phạt. Mà thầy ấy yêu cầu ghê lắm. Bao giờ cũng từ 50 đến một trăm lần tác phẩm thơ, phần bài giảng không thuộc hoặc thuộc không kĩ. Nhưng điều này mới đáng nói, rất nhiều bạn đồn thổi, thầy ấy mỗi năm kiếm cũng khá từ tiền cân kí giấy chép phạt của học sinh. Không biết có thật không, nhưng em nghĩ đó là cũng hiện tượng không nên có, nếu có thì phải làm cách nào đó để hạn chế hay loại bỏ đi. Nhưng nghĩ lại, em thấy cũng không trách các thầy cô đó được, nghề dạy học lương quá thấp, nên phải tìm cách xoay để sống thôi. Với lại, riêng em nhờ chép phạt mà khá lên, cho nên em nghĩ tào lao thế này, thầy đừng trách em nha : cứ duy trì chép phạt cũng tốt, vừa lợi cho trò vừa có ích cho các thầy như thầy T. 
      Em học sinh vừa nói xong, tôi nghiêm nét mặt, nhưng không nhịn được cười: Này nói xấu người khác là không tốt đâu!... Theo em thì phải nhân rộng chép phạt chứ gì… Chép phạt là một điển hình giáo dục tiên tiến cần được chỉ đạo thực hiện một cách nghiêm túc trên phạm vị cả nước để giúp cả trò lẫn thầy chứ gì?... Chép phạt là một cách bồi dưỡng kín đáo cho các thầy cô phải không? Đúng là tào lao… hết sức… Em học sinh phát hoảng: Không,… không… em không có ý đó. Tôi vỗ vai em và bảo: đùa thôi mà em… Hai thầy trò nhìn nhau rồi cùng cười phá lên.
      Câu chuyện tào lao của thầy trò ngày nào “tưởng rằng đã quên”, tưởng chìm lắng đâu đó dưới đáy của dĩ vãng, ai ngờ bây giờ sống lại khi tôi đọc báo Tuổi Trẻ bài : “Sao lại trích 70% tiền phạt để bồi dưỡng CSGT?”. Đọc xong bài báo, tôi  bỗng nhớ đến em học sinh cũ ngày xưa, nay đã là một cảnh sát giao thông một quận tại thành phố Đà Nẵng. Ngày xưa em bị “chép phạt”, nay em được “biên phạt”. Ngày xưa em tốn khá nhiều công sức giấy mực để thuộc được bài học làm người, ngày nay em thực thi trách nhiệm và bổn phận của một cảnh sát giao thông – thực hiện nhiệm vụ người thi hành luật pháp để giúp những ai tham gia giao thông mà phạm luật biết sống theo luật pháp.Còn về thu nhập, ngoài tiền lương, tiền “dưỡng liêm” của thành phố Đà Nẵng hỗ trợ, em còn được hưởng một khoảng tiền mà năm 2011, Bộ Tài chính đã trích 1.700 tỷ đồng tiền phạt (70% trong số hơn 2.540 tỷ đồng) để bồi dưỡng cho cảnh sát giao thông. Nếu so với thầy T bắt học trò biên phạt để có giấy mà bán hầu cải thiện đời sống như lời đồn thì em được ưu đãi hơn nhiều.  Em học sinh của mình vừa có lương cao, vừa được thành phố quan tâm vừa được nhà nước giúp đỡ hỗ trợ.
      Viết những dòng so sánh này, tôi hoàn toàn  không trách gì em, bởi cơ bản tôi vẫn tin học sinh của mình luôn sống tốt, sống có ích, biết điều nhân nghĩa. Tôi viết ra chỉ để mong giải tỏa những nỗi băn khoăn.
        - Đã là người làm việc ăn lương thì ai cũng phải có ý thức làm đúng và làm tốt chức năng và quyền hạn của mình. Nếu ai đó không làm đúng và tốt trách nhiệm và bổn phận, thậm chí còn có biểu hiện tiêu cực, sao không có biện pháp chế tài đúng và hữu hiệu mà lại nương tay.
        - Nhớ có lần, một quan chức cao cấp ở Bộ Công an nói về vấn đề tiêu cực của cảnh sát giao thông : “Mãi lộ không thể dẹp được ngay”. Nghe câu nói đó, mình cảm giác không ổn. Nhất là khi thành phố Đà Nẵng cấp tiền “dưỡng liêm” và nay Bộ Tài chính trích 1.700 tỉ đồng tiền phạt để bồi dưỡng, thì càng không ổn hơn. Liệu như thế có hết nạn “mãi lộ” không? Vấn đề ở đây, đâu phải là tiền lương thấp mà là vấn đề đạo đức, nhân cách của một con người, của một viên chức.
        - Một điều băn khoăn nữa, tại sao nhà nước không tăng lương cao hơn nữa cho cảnh sát giao thông mà bồi dưỡng bằng 70% tiền phạt năm 2011. Trong khi nước ta còn nghèo, hệ thống đường sá, cầu cống, biển báo giao thông còn nhiều bất cập, tại sao không dùng tiền phạt đó cho việc bảo dưỡng, nâng cấp đường giao thông?
      Ôi, băn khoăn cũng chỉ để băn khoăn. Làm sao cho hết “chép phạt” và “biên phạt” đây. Ai có cao kế gì không, xin mách nước giùm.
      Bỗng nhiên, ước gì có em học sinh cũ ấy ngay bây giờ để thầy trò cùng tao lao chuyện đời... cho vui.
                                                        HD, 21-6-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét