Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

485. THOÁNG NGHĨ VỀ GIA ĐÌNH

      Một người bạn gửi qua mail một bài viết, “Gia đình là gì” không rõ tác giả là ai. Đọc cảm thấy rất thú vị, nhất là khi tác giả chiết tự chữ FAMILY = Father And Mother, I Love You. Để là nổi  bật cái “công thức” thấm đậm tình cảm huyết thống này, tác giả cấu trúc bài viết theo hình thức quy nạp-diễn dịch. Mở đầu là câu chuyện của chính bản thân, rồi rút ra khái niệm, sau đó tạo niềm xác tín cho khái niệm bằng một câu chuyện của một người khác.
      Câu chuyện đầu kể về một người phụ nữ với hai thái độ ứng xử khi vấp phải một người đi đường trên phố và vấp phải đứa con trai của bà. Với người đi đường, người phụ nữ ấy xin lỗi chân thành và lịch sự. Với con trai bị bà vấp đang bị ngã trên sàn thì cáu gắt, “tránh ra chỗ khác”. Để rồi, khi hiểu ra đứa con lúc bị vấp ngã đang đem hoa tặng mình, người phụ nữ ấy hối lỗi vì đã làm tổn thương trái tim của con trai bé nhỏ yêu quý.
      Câu chuyện thứ hai kể đứa con trai lấy hòn đá rạch ở hông chiếc xe hơi của bố mình. Ông bố nổi giận, vô tình cầm mỏ lết đánh nát tay đưa bé. Đứa bé mất những ngón tay. Ông bố suy sụp vì hành động của mình. Ông ta đến bên hông chiếc xe, bỗng thấy giòng chữ thằng bé viết, “Con yêu bố, bố ơi”. Hôm sau, ông ta nhảy xuống sông tự tử.
      Hai câu chuyện cảm động gián tiếp trả lời câu hỏi gia đình là gì. Gia đình là cha và mẹ, con yêu cha mẹ. Đồng thời, qua đó phê phán hành động của người mẹ và người cha trong hai mẩu chuyện trên. Có lẽ không có gì để bàn về ý nghĩa trong hai câu chuyện và cách chiết tự gia đình bằng tiếng Anh ấy. Chỉ có điều, khái niệm trên chỉ dừng lại ở cấu trúc gia đình hạt nhân, một cấu trúc gia đình cơ bản của phương Tây, của một xã hội hiện đại mà chưa đề cập cấu trúc gia đình phương Đông.
      Với người Việt và với các dân tộc sử dụng chữ viết tạo sinh từ nền văn minh sông Hoàng Hà thì khái niệm gia đình chắc cũng có điểm giống với khái niệm FAMILY của phương Tây, nhưng vẫn có nhiều điểm khác biệt.
      Gia đình trong từ vựng tiếng Việt vốn là một từ ghép Hán Việt. Gia là nhà, đình là cái sân trước. Gia đình theo từ nguyên có thể hiểu là những người sống chung trong một mái nhà, chung một mảnh sân trước. Hiểu rộng hơn, gia đình là  những người sống trong một mái ấm, sinh hoạt trong một khoảng sân nhà thân mật, họ có quan hệ hôn nhân và huyết thống với nhau. Như thế, gia đình bao gồm các thành viên như ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em, cháu chắt. Gia đình gồm gia đình lớn và gia đình hạt nhân. Gia đình lớn chính là ba đời cùng sống chung dưới một mái nhà (tam đại đồng đường), gia đình hạt nhân chỉ có vợ chồng hay vợ chồng và con cái nhỏ hoặc chưa nên gia thất. Gia đình lớn bao gồm gia đình hạt nhân.
      Chỉ với từ nguyên, gia đình trong quan niệm, và trong đời sống xã hội, văn hóa cũng đã có những điểm chung và riêng. Không thể nói quan niệm nào đúng, quan niệm nào chưa đúng bởi chúng mang nét đặc thù văn hóa vùng miền. Cuộc sống vốn mang tính quy ước, quy ước trở thành quy phạm, tức sẽ trở thành đạo đức, thành truyền thống. Mà đã là đạo đức, truyền thống tất phải giữ gìn. Tất nhiên, đạo đức và truyền thống đều mang tính tương đối, chúng phát triển theo sự vận động của lịch sử xã hội nên có chỗ phù hợp hoặc chưa phù hợp với thời đại mới, cần gạn đục khơi trong. Nhưng dù thế nào, những gì là cơ bản thuộc của sự vật hiện tượng vẫn không hề thay đổi, chỉ ngày càng cụ thể hóa, khái quát hóa mà thôi.
      Từ cách hiểu đó, có thể thấy gia đình là truyền thống đẹp, gắn kết với nhau bằng huyết thống, bằng sự yêu thương và tình nghĩa, biết sống cho nhau và vì nhau, bằng đạo lí làm người cao cả. Muốn như vậy, con người phải nhận thức và tự nhận thức, giáo dục và tự giáo dục, có nghĩa là con người phải “tu thân” để “tề gia”. Nói cách khác, hiểu gia đình để bảo vệ sự toàn vẹn gia đình, đó mới là vấn đề.

Hoàng Dục
2-11-2013
______

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét