Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

487. CHUYỆN DẠY HỌC, MỘT ĐỜI CÓP NHẶT


   3. Mỗi độ hè về, thầy N từ làng Kim Long hay Kim Giao ở Quảng Trị lại vào làng Kế mở lớp dạy tư. Thầy có một cái bướu trên lưng, thuộc kiểu người có tật có tài. Học với thầy, trò nào cũng tấn tới.
    Năm nay, thầy lại vào. Đám học trò làng Kế lục tục ôm vở viết tìm đến, trong đó có thằng cu T. Cu T là quý tử “hủ mắm treo đầu giàn” của nhà bà T, một gia đình neo đơn, mẹ góa con côi.

       Một buổi sáng nọ, thầy kiểm tra vở, cu T chưa làm bài, thầy giơ thước đánh. Không hiểu sao lại trúng vào mắt, làm mắt nó bầm tím. Về nhà mẹ nó lo lắng, âm thầm thuốc men cho con. Câu chuyện đến tai bác nó. Bác nó hộc tốc đến, kéo nó ba chân bốn cẳng xồng xộc vào lớp thầy N. Thầy chưa kịp nói gì, bác nó đã trấn áp bằng lời lẽ cộc cằn, bằng hành động lỗ mãng, rất thô bạo. Thầy ngã lăn trên đất, mặt tái xanh. Cu T co rúm người lại. Hết nhìn bác, nó nhìn thầy N. Rồi nó cắm mặt xuống đất, những giọt nước mắt trong veo lăn tròn trên má.
        Sau sự cố đó, thầy N bỏ lớp, bỏ cả mùa hè làng Kế. Thời gian bọc bao chuyện trong tấm giấy bợt màu cũ kĩ của nó. Riêng giọt nước mắt ngày ấy vẫn để trần, vẫn tinh khôi màu xưa trong lòng cậu học trò nhỏ.
        Cu T lớn lên đi dạy học. Mỗi lần học trò mắc lỗi, trước mắt thầy T, giọt nước mắt kia như treo lửng lơ.  

       4. Một đồng nghiệp hỏi về cách ứng xử với một học trò phạm lỗi với anh. Nghe kể, thầy T nhìn đồng nghiệp nhỏ nhẹ : “Nếu là tôi, tôi sẽ tha thứ”. Anh bạn dạy cùng trường khó hiểu nhìn thầy T. Bằng giọng hồi ức, thầy T chậm rãi:
       “Ở một ngôi trường làng nọ, một học trò đã xé tờ giấy làm bài vì nhận điểm kém. Thấy hành động đó, thầy cậu ta đến nhặt những mảnh giấy lên, rồi ôn tồn: “Xé bài làm thì có ích gì đâu. Con điểm không mấy vui đó vẫn ở trong đầu em. Sao em không vuốt phẳng các mảnh giấy, ghép chúng lại, rồi đọc lại bài làm khi rảnh rỗi…”. Cậu bé cúi mặt, lặng lẽ cất những mảnh giấy vào túi áo.
      Sáng hôm sau, cậu ta đến lớp, nước mắt lưng tròng, đã nói lời xin lỗi thầy mình.
      Anh biết cậu bé đó là ai không ? Là tôi đấy”.

      5. Cô giáo bước vào lớp mặt hằm hằm. Cả lớp đứng dậy chào, nhưng đây đó vẫn sót lại những tiếng nói chuyện cố nén mà không  kịp. Cô quăng cặp lên bàn rồi té tát: “Tôi chưa bao giờ dạy một lớp nào như lớp này. Ồn hơn hàng tôm hàng cá ở chợ Đông Ba. Mà không… lao nhao còn hơn vịt…”
      Cô giáo chưa dứt lời. Học trò lần lượt nối đuôi nhau ra khỏi phòng, đứng xếp hàng trước lớp. Cả lớp đứng mãi và im phắc. Cô giáo mặt vẫn đỏ tái, xuống phòng Giám học. Một lát lớp trưởng cũng được mời đến phòng ấy. Lớp trưởng quay về cùng thầy Giám học. Thầy bảo: “Các em tứ ba (4/3). Các em vào lớp nào. Chút nữa cô H sẽ nói chuyện với các em”.
      Học sinh trật tự vào lớp. Thầy Giám học và cô giáo H vào sau. Lớp đứng dậy chào. Thầy Giám học bảo: “Các em thân mến. Giữa cô trò có chút hiểu lầm. Thầy mong các em quý trọng lời  cô giáo”. Nói xong thầy chào rồi ra khỏi phòng.
      Cô giáo H dịu dàng đề nghị học sinh ngồi xuống, rồi cũng rất nhẹ nhàng cô xin lỗi cả lớp vì những lời bất nhã, không nên có. Cả lớp lắng nghe. Nét mặt mọi người dãn ra.


(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét