Tượng nhà bác học Lê Quý Đôn ở trường chuyên LQĐ |
Sáng thứ hai ấy, người cha và cậu con trai dựa sát vào nhau cùng cúi mặt, chôn chân ở cột cờ. Sân trường như đông cứng lại. Không khí nặng nề, bức bối như có bão. Cậu học sinh bị trừng phạt là đúng. Tại sao người cha cũng phải chịu như thế ? Giờ chào cờ đã hết. Học sinh toàn trường bất động. Hiệu đoàn học sinh bãi học cả buổi sáng để thỉnh cầu Ban Giám hiệu xin lỗi vị phụ huynh kia vì cách hành xử không hay trong môi trường giáo dục. Trước yêu cầu dứt khoát và mạnh mẽ, mang màu sắc nhân văn của học sinh toàn trường, Ban Giám hiệu đồng ý sáng hôm sau, thứ ba, như một buổi chào cờ, họ mời phụ huynh đến và xin lỗi trước toàn thể học sinh và thầy giáo.
Sáng hôm sau, vị phụ huynh kiêu hãnh nhận lời xin lỗi của Ban Giám hiệu, nhưng khóe mắt đỏ hoe. Hình như có những giọt nước mắt trào ra. Những giọt nước mắt hôm nay có màu rất khác với những giọt nước mắt ngày hôm qua.
14. Những ngày học Đại học Sư phạm Huế, T thường đến thăm thầy cũ ở đường Võ Tánh. Một lần T ghé thăm, thầy bảo anh chấm bài làm văn của học trò lớp thầy đang dạy ở trường Trần Quốc Toản. Thầy không đưa đáp án, chỉ bảo T đọc kĩ đề bài rồi định ra đáp án mà chấm.
Như lời thầy bảo, T ngồi chấm bài theo đáp án của mình. T chấm xong, thầy anh xem lại, góp ý cho anh rất nhiều điều. Thầy còn đưa ra một tình huống và đề nghị T giải quyết:
“Giờ làm văn, thầy ra đề : “Kể lại câu chuyện đáng nhớ nhất trong đời em”. Một học sinh viết văn rất hay, chỉ có điều cậu ta kể, khi sinh ra cậu ta cười ba tiếng. Trong trường hợp này em ứng xử thế nào ?”
T nhanh nhẩu, em cho điểm 5, điểm hình thức. Thầy nhìn T cười. Thầy cho 10 điểm, rồi trao đổi riêng với cậu học trò đầy cá tính ấy.
T ra về cùng với cách ứng xử của thầy, nhưng vẫn chưa thông suốt. Mãi khi đã trải nghiệm dạy học được một năm, anh mới hiểu được cái thâm thúy trong ứng xử sư phạm của thầy mình.
15. Một lần khác, T ghé thăm thầy. Anh cũng được thực tập chấm bài như những lần trước. Điểm anh chấm không sai số với điểm của thầy bao nhiêu. Chỉ có một bài lạc đề, anh cho điểm 0, được thầy đề nghị xem lại. T phân vân. Thầy kể một câu chuyện nhỏ:
“Vị giáo sư nọ băn khoăn trước bài làm của một sinh viên. Ông không biết nên cho bài này điểm 0 hay điểm 1. Thấy chồng tư lự, người vợ cũng là một giáo sư, xin phép được đọc bài sinh viên đó. Đọc xong, người vợ đề nghị: Nếu anh muốn cậu ta trở thành công dân tốt thì cho điểm một, còn muốn thành tướng cướp thì cho điểm 0. Người chồng, vị giáo sư đáng kính, cho rằng vợ nói không đâu, đã hạ bút cho điểm 0 vào bài làm.
Thời gian trôi đi. Một đêm mưa gió, có tiếng gõ cửa, vị giáo sư ra mở. Trước mắt ông là hình ảnh một người đàn ông ướt sũng nước, râu tóc um tùm, trông rất rừng rú. Vị giáo sư đang ngạc nhiên, người đàn ông lên tiếng : “Em chào thầy. Thầy vẫn khỏe ạ. Em ghé thăm để cám ơn thầy vì điểm 0 ngày xưa. Thầy đã cho em cơ hội làm tướng cướp, cướp nhà giàu giúp đỡ người nghèo đấy ạ.”
Kể xong câu chuyện, thầy hỏi T: “Theo anh chấm bài, nhất là bài làm văn, là chấm thực tại hay chấm tương lai của một con người ?”.
Câu hỏi của thầy đã theo T đi suốt chiều dài nghề dạy học.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét