Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

486. CHUYỆN DẠY HỌC, MỘT ĐỜI CÓP NHẶT

Một buổi sáng, ngồi chuyện trò với con gái về việc dạy học. Cha con cùng nghề nên buông bắt tự nhiên, chuyện trường ốc bỗng hóa thành những tâm tình. Những gì được và chưa được trong nghề đã trải, đã nghe, đã thấy hiện về lung linh. Những ấn tượng về dạy học lặn chìm bao năm, nay nổi lên mang theo những thao thức về nghề. Để rồi, khi chuyện trò kết thúc, lòng lại không nguôi nhớ. 
      Nhớ tuổi xưa. Dưới mái trường trung học, sở nguyện sống cùng phấn trắng bảng đen đã hình thành trong trí nghĩ. Niềm say mê dạy học được ươm mầm từ ấn tượng về một người thầy. Đó là ấn tượng, là niềm kính yêu Thầy Đặng Minh Ấn, thời ở quê nhà hồn nhiên dưới mái trường Tiểu học Phong Hương. Sở nguyện lớn dần lên, rồi lan tỏa trong hồn trí. Để khi học đệ nhị tại Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, những giáo sư văn học: Nguyễn Đình Trọng, Trần Đình Quân, Phan Thị Mộng Hoàn định hướng rõ thêm lối vào nghề. Thế là ướm chân trên con đường vào sân trường Đại học Sư phạm Huế. May mắn đã được ngồi trong lớp Việt Hán mà mơ màng bục giảng ở cái thời ai cũng cảm giác “văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Nhưng có hề gì. Biết làm sao được, một khi đã yêu nắng sân trường, thích cùng học trò cảm nhận văn chương sau khung cửa lớp.
      Từ đó, chăm chỉ học nghề. Từ đó chuyên tâm với những tín chỉ lí thuyết và kĩ năng nghề được dạy rất kĩ ở trường đào tạo nghề dạy học này. Những tín chỉ Nguyên lí giáo dục, Giáo dục học, Thống kê giáo dục, Trắc nghiệm giáo dục, Hướng dẫn khải đạo, Tâm lí lứa tuổi, Sinh hoạt học đường, Luân lí chức nghiệp,… đã học. Rồi giảng tập ở năm thứ ba dưới sự hướng dẫn của hai thầy cô ở hai trường trung học khác nhau, năm thứ tư với ba thầy cô… đã hình thành bước đầu ý thức về kĩ năng soạn - giảng, kĩ năng ứng xử sư phạm. Tất cả tưởng đã đủ đầy để tự tin một mình bước lên bục giảng.
      Nhưng đâu phải như vậy. Từ đại học sư phạm đến trường trung học là một khoảng cách mở. Những kiến thức và kĩ năng về nghề ở nhà trường sư phạm chỉ là những phần cứng, còn những phần mềm lại tiềm tàng ở đối tượng học trò phong phú và đa dạng. Cho nên, một đời dạy học là một đời vui buồn trộn lẫn. Có khi rơi vào tình huống “khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt”, có khi dằn vặt sống trong mặc cảm kiến thức hang động, có khi xót xa vì cơn giận dữ không đâu, có khi đắng lòng nhưng thấy ngọt ngào như tình yêu đầu đời. Dẫu có thế nào, dạy học vẫn một đời gắn bó đã làm nên một phương diện sự sống của người thầy. Tất cả đã trở thành dấu yêu.
      Bây giờ bục giảng đã ở phía sau. Những buồn vui nghề nghiệp tưởng đã xa nhưng vẫn cận kề quanh đây. Những gì từng sống, từng nghe và thấy trong nghề cứ ken dày trong nỗi nhớ ngày xưa. Ngồi nhớ và suy ngẫm, chẳng để làm gì. Thôi thì… ghi lại “Chuyện dạy học, một đời cóp nhặt” mà gởi vào thời gian.

      1. Năm học lớp nhất (lớp năm), tại một trường tiểu học vùng quê, để luyện văn cho trò, thầy giáo yêu cầu học sinh viết nhật kí, cuối tuần nộp chấm, đầu tuần trả. Học sinh nào không viết phải nằm dài lên bàn, bị đánh 3 roi vào mông. Người được đánh là học sinh viết nhật kí đều đặn và hay. Thế là chừa, ai cũng chăm viết. Lúc đầu văn trò nào cũng gầy lép rối như chuôm nè, dần dần có cái để kể, suôn sẻ và có da có thịt hơn. 
       T, người học trò viết nhật kí đều đặn và hay ngày ấy, nay là thầy giáo dạy văn tại một trường ở thành phố. Người học trò này muốn rèn câu chữ cho học sinh nên áp dụng phương pháp của thầy mình ngày xưa. Thầy kể lại chuyện cũ rồi dặn dò, nhưng cuối tuần chẳng học sinh nào “nộp quyển”. Thầy hỏi tại sao. Một học sinh đứng dậy: Thưa thầy, nhật kí là chuyên riêng tư không thể để người khác đọc được, với lại không thể đánh như vậy vì sẽ làm tổn thương chúng em.
       Thầy đỏ mặt nhìn học trò… rồi xin lỗi… Và lúng túng bắt đầu bài học mới.

      2. Chuyện thầy K dạy trường Tiểu học Phong Hương yêu cô L, một thôn nữ, không biết ngọn gió nào ác ý đưa tin mà đầu làng cuối làng đều bàn tán. Người lớn không chịu dừng bàn tán khiến trẻ con đâm ra tò mò.
      Một buổi tối chạng vạng, một nhúm trẻ lóc nhóc lấp ló ở hàng rào nhà trọ của thầy K. Chúng nó thấy cô L kín đáo đến, ngồi trò chuyện với thầy ở hàng hiên, rồi thầy hôn vào má cô. Không biết thằng nhóc nào cười ré lên: Thầy hun cô, thầy hun cô! Cả đám giật mình dợm chạy, nhưng không kịp. Đứa nào cũng nhận một bạt tai tóe đóm của thầy K rồi mới quáng quàng tháo thân. Một thằng vô phúc bị tóm, khóc lu bù khai vanh vách tên đám bạn mang tội tày trời, cả gan rình xem thầy hôn cô.
      Sáng hôm sau, thầy K tìm đến lớp học của đám nhóc. Mặt hằm hằm đưa cho thầy A một tờ giấy và nói gì đó. Thầy A gật đầu, bắt tay thầy K rồi quay vào lớp. Đám nhóc lên ruột, gằm mặt, đứa nào cũng sợ thầy mắng hoặc hạ hạnh kiểm. Thầy chẳng đả động gì, vẫn tiếp tục bài giảng như bình thường. Cuối tuần vào giờ sinh hoạt, thầy nói nhẹ nhàng: Tuần này, một số bạn trong lớp ta có hành động không hay, thầy không vui chút nào. Thầy mong các em thấy lỗi của mình, đừng làm chuyện đại loại như thế nữa. Cả lớp im phắc. Đám nhóc lại cúi mặt.
       Ngày thứ hai, tổ ba trực nhật, con H vô tình thấy mảnh giấy xé tư có tên mấy bạn mình. H tò mò ghép các mảnh giấy lại. Tên đám nhóc hôm nọ hiện ra đầy đủ với dòng chữ kèm theo : Đề nghị thầy cho mỗi đứa một con zéro.
        H ngẩn tò te. Sau đó, nhớ lời thầy A, H để gió cuốn những gì nó đọc trên tờ giấy đi xa. Lần này ngọn gió như hối hận, đã im lặng đầy thiện ý. Cả làng quê ấy không một người nào biết chuyện đó, ngoài H và thầy của nó.
         (Còn tiếp) 
       

2 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã ghé thăm và có lời động viên. Người viết chỉ mong bài viết có ích, thế là vui rồi! Bây giờ được khen thì có gì bằng. Chúc bạn vui, khỏe.

      Xóa