Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

497. CHUYỆN DẠY HỌC, MỘT ĐỜI CÓP NHẶT

        41. Tin thầy V đánh học trò lan nhanh. Cả trường Trung học phổ thông A ai cũng biết, thậm chí một số trường khác trong thành phố cũng hay. Thanh tra Ty Giáo dục (nay là Sở GD&ĐT) về xác minh rõ vụ việc. Khi được hỏi tại sao lại đánh học trò, thầy V hùng hồn:
         “Đã vào tiết, mọi học sinh khác đứng dậy chào thầy giáo, riêng A ngồi ngất ngưởng trên bàn học. Được nhắc nhở, hắn còn vênh mặt lên. Tôi phải đánh, bởi với thái độ và hành động đó, chứng tỏ A không phải học trò. Cho nên, xét cho cùng tôi không đánh học trò.”
         Nghe lí lẽ của thầy V, một số người cho thầy sắc sảo và khôn ngoan, hành động của thầy là phải, là đúng. Nhưng một số người khác lại bảo, “Ừ thì A không phải học trò, nhưng A là một con người!”
 
         42. Hay thầy giáo trò chuyện với nhau. Một thầy bảo:
          - “Ông biết không, tiết học sáng nay, mình lố to. Gọi A lên trả lời bài cũ, nó đứng đực ra, gọi B… lại trời trồng, gọi C thì y như là từ hành tinh khác đến ngơ ngác nhìn thế giới mới. Bực quá, mình quát C: “Tối hôm qua, anh làm gì mà không học bài ?”. Tự dưng, dưới lớp có những tiếng khúc khích. Mặt C đỏ bừng. Hết tiết, mình gọi lớp trưởng, hỏi lí do vì sao có tiếng cười. Em ấy rụt rè: “Thưa thầy… tại bạn C có vợ rồi ạ!”. Mình ngẩn tò te. Ôi, học trò cấp ba ở nông thôn có khác.”
          Nghe thế, thầy kia cười đến chảy nước mắt : “Tai nạn nghề nghiệp, tai nạn nghề nghiệp!”. Rồi thầy, lau nước mắt, nói với bạn :
          - “Mình cũng như ông. Hôm qua, dò bài cũ, mình gọi : “Anh Bốn Tân lên bảng”. Mình vừa dứt lời cả lớp rộ lên tiếng cười. Mình bỗng giật mình, ngượng ghê lắm. Ông biết sao không ?  Mình muốn gọi Nguyễn Văn Tấn nhưng lại gọi tên cha của trò ấy… Chả là lũ bạn cùng lớp thường gọi Tấn là Bốn Tân… nên mình cũng nhập tâm!”.
         Hai thầy nhìn nhau cười. Lần này chảy cả nước mũi.

         43. Học tín chỉ Giáo dục học, nhóm của T soạn chuyên đề “Krisnamuti, nhà giáo dục” trình bày trong buổi seminar. Chuyên đề soạn rất công phu, khoa học. Người thuyết trình nói ngắn gọn, mạch lạc, rất lối cuốn. Những câu hỏi của các bạn trong lớp đều được giải đáp một cách thỏa đáng. Sinh viên ai cũng hài lòng.
         Nhưng giáo sư giảng dạy lại kết luận: “Tôi không cùng quan điểm như nhóm của các anh chị. Với tôi, Krisnamuti chỉ là một nhà triết học”.
         Nhóm của T rơi vào cảm giác thất bại. Thế nhưng, giáo sư lại tiếp :
         - “Nhóm đã làm việc rất nghiêm túc, rất thành công trong buổi seminar. Tôi cho bài thuyết trình điểm A, bởi các anh chị đã thuyết phục được các bạn trong lớp tin vào quan điểm của mình”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét