Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

501. LẶNG VÀ LẠNH

Bìa và trang 8 sách Đồng dao
      Mình có lẽ là người “bao cấp suy nghĩ”. Chuyện nhỏ, nghĩ. Chuyện lớn, nghĩ. Chuyện mình, nghĩ. Chuyện người, nghĩ. Chuyện dưới đất, nghĩ. Chuyện trên trời, nghĩ. Nghĩ, nghĩ, nghĩ… cứ liên tu bất tận, nhưng chẳng đâu vào đâu, chỉ tổ trán có thêm nhiều nếp nhăn, tóc rụng nhiều lại lắm sợi bạc. Nhiều lúc tự dặn, đừng nghĩ nữa, cứ như người xưa: “Ngủ quách, sự đời thây kẻ thức”, nhưng lòng chẳng nghe cho.

      Đem chuyện mình kể với mọi người, ai cũng cho mình là dư cơm, cả nghĩ, bao đồng, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, “lo bò trắng răng”… hay những từ đại loại như thế. Biết họ nói đúng nhưng sửa khó quá. Mà đã không sửa được nên mình cứ sống trong chuỗi tâm trạng “lặng” và “lạnh”, mỗi khi nghĩ già nghĩ non. Đó là “sự thực tâm hồn” mình.
      Ồ không! Ai có thể tin đấy là “sự thực tâm hồn” mình nhỉ? Đúng rồi, nhớ ngày xưa thầy dạy, để người tin phải kết hợp lí lẽ với dẫn chứng. Dẫn chứng không thể là một, là hai mà phải từ ba trở lên. Một dẫn chứng chỉ là cơn gió thoảng, hai dẫn chứng có thể lay động các bức rèm, ba dẫn chứng thì có thể làm nghiêng ngả các đồ vật trong nhà. Nhiều dẫn chứng hơn nữa, gió có thể thành bão. Vậy thì…
      Nhớ một lần trường mình khai giảng năm học mới, ông Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân về dự. Lần đó, ông phát biểu nhiều điều, trong đó có kể một câu chuyện mắt thấy, nhiều học trò miền Tây đi học phải cheo leo cầu khỉ, phải chòng chành đò giang giữa sóng nước bao la. Vậy mà các em vẫn học giỏi. Đó là những tấm gương hiếu học chói lóa. Nghe ông kể, mình lặng người phục các em ấy lắm, nhưng rồi chuyển sang lạnh người nghĩ về cái chết rình rập xung quanh các em. Tại sao người lớn không thay thế những chiếc cầu tre lắc lẻo, nhưng con đò gỗ ván long đinh bằng những chiếc cầu kiên cố, mà cứ luôn mồm ca ngợi các em “vượt lên nỗi chết để học tập tốt”. Học tốt có quý hơn sự sống con người không ?
      Lại một lần khác, cũng ông ấy khi còn yên vị trên ghế Bộ trưởng, vào năm 2006, đã tuyên bố hùng hồn, năm 2010, giáo viên sẽ sống bằng lương. Nghe trên các phương tiện truyền thông ra rả phát ngôn ấy, mình lặng người sướng rân. Không phải sướng vì mình, cho mình. Bởi mình may mắn dạy cái trường chuyên to nhất miền Trung nên được thành phố hào phóng hay chơi sang không rõ, trợ cấp thêm một phẩy, nên tiền lương tháng của mình gấp đôi các thầy cô giáo của trường khác cùng hệ số bậc lương. Mình sướng vì các đồng nghiệp trên cả nước, đến năm 2010, có thể yên tâm soạn giảng, không còn bị áo cơm cấu xé nữa. Cái thành ngữ lương ba đồng ba cọc, từ nay xếp xó trong quên lãng. Thế nhưng, ngày tháng trôi. Lời tuyên bố ấy cũng trôi. Không, bị nhấn chìm đâu đó dưới đáy sông thời gian. Mình lại lạnh người nghĩ về những đại ngôn, nghĩ về những người thầy giáo cả tin về cái năm 2010 ấy.
     Gần đây, theo VietNamnet, “Tại lễ tuyên dương 160 giáo viên tiêu biểu sáng nay (17/11) tại Hà Nội, sau khi kể lại câu chuyện khiến mình 'lặng người và xấu hổ', ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ mong muốn các thầy cô hãy dấn thân.
     Cách đây hơn 2 tháng, tôi có gặp một người mẹ có hai con đang học tiểu học và THCS ở Hà Nội. Chị nói: “Thầy ạ, con em đang học lớp 7, hầu như cả lớp phải học thêm ba môn Văn, Toán, Tiếng Anh, mỗi tháng đóng 900.000 đồng. Em còn một cháu học tiểu học nữa, khó quá thầy ạ”.
     Tháng vừa rồi chị gặp tôi lại nói: “Từ tháng 10 là đóng 950.000 đồng thầy ạ”. Tôi lặng người, không nói nên lời, cảm thấy xấu hổ.”
       Mình lại lặng người theo ông. Chỉ có điều ông “xấu hổ” còn mình thì buồn. Buồn vì “lời nói chẳng mất tiền mua” cho nên người ta cứ nói mà không chịu trách nhiệm về lời nói của mình, chẳng biết nó có giá trị gì không? Buồn vì ông yêu cầu thầy cô giáo dấn thân, nhưng chính ông chả dấn thân tẹo nào! Và rồi cũng lạnh người khi nghĩ về tình cảnh của những phụ huynh trước thị trường học thêm, khi nghĩ về một thị trường không nên có trong nền giáo dục gọi là dân tộc, nhân bản.
      Và mới đây đọc bài viết nói về bài đồng dao ở trang 8 của sách “Đồng dao dành cho trẻ mầm non” do Nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành năm 2012 (số đăng ký KHXB: QĐ.87-2011/CXB/36-04/MT ngày 12.10.2011).  Nguyên văn bài đồng dao như sau : Ở với ai/ Với bà/ Bà gì?/ Bà ngoại/  Ngoại gì?/ Ngoại xâm/ Xâm gì?/ Xâm lăng/ Lăng gì?/ Lăng Bác/ Bác gì?/ Bác Hồ/ Hồ gì?/ Hồ ao/ Ao gì?/ Ao cá/ Cá gì?/ Cá quả/ Quả gì?/ Quả đấm.
       Đọc xong bài đồng dao mình lặng người. Lặng người vì cái tính độc đáo, hiện đại của nó. Lặng người vì cảm phục tài năng người soạn nó. Lặng người vì tính sáng tạo của giáo dục xứ ta. Thế những, nghĩ xuôi ngược, nghĩ gần xa lại lạnh người. Không hiểu trẻ mầm non sẽ học được gì trong bài đồng dao này. Các cháu sẽ học được  những xác ve từ ngữ hay học điều gì trong từ ngữ đó. Với kiểu học này, không khéo sẽ hình thành cách nghĩ lăn quăn cho các cháu. Và biết đâu đó, tâm hồn các cháu cũng chỉ là những mảnh ghép vô hồn, bên ngoài kín kẽ nhưng bên trong đứt gãy!

     Hoàng Dục
     25-11-2013
     _______________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét