Bài diễn văn Gettysburg huyền thoại
của Abraham
Lincoln
ngày 19.11.1863
Nguyễn
Xuân Xanh
Abraham Lincoln
(1809 – 1865)
(1809 – 1865)
Dưới đây là
bài diễn văn nổi tiếng, có lẽ nổi tiếng
nhất của Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln, mà ông
đã đọc trong buổi lễ khánh thành
Nghĩa trang quốc gia Gettysburg ngày 19.11.1863, tức 144
năm trước đây. Trong cuộc nội chiến Nam Bắc
(1861–1865),
trận chiến xung quanh thành phố Gettysburg thuộc bang
Pennsilvania vào tháng 7 năm đó có lẽ
là đẫm máu nhất và được xem như khúc
quanh cho cuộc chiến.
Bài diễn văn tuy
ngắn ngủi nhưng đã toát ra tinh thần trách
nhiệm cao cả nhất của những người còn sống đối
với sự nghiệp dân tộc mà biết bao chiến sĩ
đã ngã xuống. Nó khẳng định lại lý
tưởng Tự do, Bình đẳng đã được viết
trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.
Gettysburg đã trở
thành cái tên rất nổi tiếng trong lịch sử
Mỹ. Một vị lãnh đạo của một quốc gia lớn châu
Á mấy năm trước trong chuyến công du tại Hoa
Kỳ đã xin cho ông được đi thăm địa danh này.
Ông coi đấy là một phần văn hóa không
thể thiếu của chương trình thăm nước Mỹ.
Những ngày gần
đây một số báo chí Mỹ đưa tin, hai
tấm ảnh vừa được tìm thấy trong thư viện quốc
gia (Congress library) có thể là của Abraham
Lincoln lúc trước khi ông đọc diễn văn. Cho đến
nay chỉ có một tấm ảnh duy nhất còn lưu lại
của ông chụp chung với đám đông sau khi
đọc diễn văn. Cuộc thảo luận còn tiếp diễn về
hai tấm ảnh mới này.
Sau đây là nguyên văn của Bài diễn
văn:
Diễn văn Gettysburg
Abraham Lincoln
Tám
mươi bảy năm trước
ông cha chúng ta đã khai sinh ra trên lục
địa này một quốc gia mới, được thai nghén
trong Tự do, và sống hiến dâng cho lý tưởng
được đề ra, rằng tất cả mọi người được tạo
hóa sinh ra bình đẳng.
Giờ
đây chúng ta bị
lâm vào một cuộc nội chiến lớn, thử thách
xem quốc gia này, hay bất cứ quốc gia nào được
thai nghén và sống hiến dâng như thế, có
thể tồn tại được lâu dài hay không.
Chúng ta gặp nhau trên một chiến trường lớn
của cuộc chiến này. Chúng ta đến để hiến
dâng một phần đất nhỏ của chiến trường này
làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người đã
để lại mạng sống mình tại đây, để cho
quốc gia này có thể tồn tại. Tất cả đều
phù hợp và chính đáng để chúng
ta làm việc này.
Tuy
nhiên, theo một nghĩa rộng
hơn, chúng ta không thể hiến dâng – không
thể tôn phong – không thể thánh hóa – miếng đất này. Chính những con
người dũng
cảm đã chiến đấu tại đây, dù còn
sống hay đã chết, đã làm thiêng
liêng nó, vượt xa khả năng kém cỏi của
chúng ta để thêm hay bớt đi điều gì cho
nó. Thế giới sẽ ít chú ý, hay nhớ
lâu những gì chúng ta nói ở đây,
nhưng sẽ không bao giờ quên điều gì họ
đã làm ở đây. Chính chúng ta,
những người còn sống, mới phải hiến dâng
mình cho công việc dở dang mà những người chiến đấu ở đây đã tiến hành
một
cách cao quý. Chính chúng ta mới là
những người phải hiến dâng mình cho nhiệm vụ
lớn còn ở trước mặt – rằng từ những người
chết được vinh danh này chúng ta sẽ nhận lấy
sự tận tụy nhiều hơn cho sự nghiệp mà họ đã
cống hiến đến hơi thở cuối cùng – rằng chúng
ta ở đây sẽ có quyết tâm cao để cho
những người đã ngã xuống sẽ không hy
sinh một cách phí hoài – rằng quốc gia
này, dưới ơn trên của Chúa, sẽ chứng
kiến một cuộc sinh nở mới của tự do – và rằng
chính quyền của dân, do dân và vì
dân, sẽ không biến mất khỏi trái đất
này.
(Xin cám ơn Diễn Đàn và anh Bùi Văn Nam Sơn về nhiều cải thiện quý báu trong bản dịch.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét