Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

500. CHUYỆN DẠY HỌC, MỘT ĐỜI CÓP NHẶT

Một phân khúc đường hoa Đà Nẵng, Tết Quý Tỵ
       47. Gần đến hạn vào sổ điểm chính của lớp, môn văn vẫn thiếu một cột hệ số 1. Cô giáo yêu cầu học trò nộp vở ghi bài để chấm. Chấm xong, cô vào sổ điểm cá nhân. Đếm lui đếm tới vẫn thiếu bốn em. Cô hỏi bốn em không nộp vở. Hóa ra hai em vắng có phép, hai em quên mang vở.
        Bực mình, cô gọi 2 em quên vở lên dò bài, mỗi em mỗi con điểm 6, kèm theo lời giải thích : “đáng ra được điểm 8, nhưng trừ 2 điểm vì tội đãng trí”. Riêng 2 em vắng có phép, cô cho mỗi em 8 điểm như các bạn nộp vở khác.
        Lớp xôn xao tiếng nói cười. Riêng hai em quên vở, mặt nhăn như bị rách. Không biết hai em vắng có phép nếu có mặt lúc này thì sẽ thế nào!

       48. Hình như là năm 1998 thì phải, người ta đưa vào chương trình học của lớp 12 CCGD, môn triết học Mác. Cô giáo phụ trách môn này vốn dạy công dân nên cô giảng triết như giảng đạo đức con người mới xã hội chủ nghĩa. Học trò nhiều em chán ngán như ăn phải cơm thiu. Thế nhưng, điểm số bài làm không em nào dưới trung bình. Và hình như viết dài hơn thì điểm số cao hơn, nên em nào cũng cố gắng viết một đôi giấy.
         T học gương sáng của các bạn, cố viết dài, nhưng không thể. Trong một tiết kiểm tra, em đã đem vở môn sử, lấy một số đoạn, chép xen vào bài triết cho đầy kín 4 trang. Bài làm ấy, T được điểm 9. T cố nén tiếng cười sung sướng, nhưng không thể. Em cười, miệng ngoác đến mang tai! 

        49. Không hiểu sao, tiết kiểm tra này, cô giáo ra đề quá khó. Học trò, từ em yếu đến em giỏi đều như cố thoát người ra khỏi cái lỗ quá chật, nhưng không thể. Bỗng cô giáo đi đến bàn đầu, quay lưng nói những gì đó không rõ. Khi cô trở lại bàn thầy giáo, học sinh bàn đầu, em nào cũng cắm cúi viết, mặt em nào cũng giãn ra. Học sinh các bàn còn lại vẫn chưa chui được cái đầu ra khỏi lỗ nhỏ.
        Sáng thứ hai, vào tiết văn, cô giáo được mời lên phòng hiệu trưởng. Khi trở về, mắt cô rưng rưng. Nhiều học sinh không hiểu tại sao. Chỉ một học sinh hiểu nhưng cũng chẳng biết là em nào, bởi em ấy là tác giả bức thư nặc danh, tố cáo cô giáo không công bằng.
 
        50. Mười lần như chục, thầy luôn ra vài chục bài tập toán cho học trò về nhà làm sau tiết học trên lớp. Học trò, quá nửa lớp, cố lắm cũng chỉ giải được 1/3 đống bài tập ấy. Và thế là tiết này đến tiết khác, bài tập dồn ứ lại, chất cao hơn cây bàng góc sân trường.
        Học sinh lúc đầu im lặng, sau đó xầm xì, bảo thầy ép cours (học thêm). Không hiểu thầy có nghe không. Ai hỏi tại sao ra bài tập nhiều thế, thầy cười, “đó là phương pháp luyện học giỏi bộ môn”.

        (Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét