Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

493. CHUYỆN DẠY HỌC, MỘT ĐỜI CÓP NHẶT

       22. Thầy như nhập hồn vào thế giới nghệ thuật thơ ca. Học trò nghe mà choáng váng, thơ quả có ma lực kì diệu thật. Trống hết tiết rồi mà bài giảng vẫn mãi vọng vang. Thầy ra đứng ở hành lang, mắt nhìn xa xăm. Những ngọn đồi trước mặt hình như đang mơ màng trong khói sương.
        Bỗng một học trò đến bên và rụt rè: “Thưa thầy, thầy giảng chiếc mũ rơm trong câu thơ Mang mũ rơm đi học đường dai…/ Truyện thần kì, dân tộc ta là vậy! (Chào xuân 67 – Tố Hữu) là vẻ đẹp dân tộc Việt Nam. Chiếc mũ rơm là một biểu tượng của sự giản dị, mang màu sắc dân dã, thể hiện sự thông minh, sáng tạo của người Việt. Chiếc mũ rơm là một hình ảnh kết tinh tính dân tộc đậm đà… Em thấy rất thú vị, nhưng em nghe bố em bảo, chiếc mũ rơm làm ra là để ứng phó với bom bi…”
       Thầy nghe mà mặt ỉu xìu, nói như gió thoảng ngoài: “Thì… có nhiều cách hiểu…”
       Tiếng trống gọi vào lớp vang ra. Trò ù vào lớp. Thầy uể oải bước theo, trong đầu nhấp nhỉnh ý nghĩ: “Tệ thật… Chả trách người xưa bảo: “Văn chương tự cổ vô bằng cứ”! Phải xin lỗi các em và điều chỉnh bổ sung thôi!”
  
        23. Giờ ra chơi, hai cậu học trò cãi nhau vì hai câu thơ :
        Như con chim chích
        Nhảy trên đường vàng…
        (Lượm - Tố Hữu)
        - Thầy tao bảo, “đường vàng” là con đường quê, ngập lúa vàng”, một cậu phân bua.
        Cậu kia gân cổ:
        - Cô tao giảng: “đường vàng” là con đường cách mạng. Vàng là màu của ngôi sao như thơ Tố Hữu “Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ôi” (Huế tháng tám).
        - Không đúng. Màu đỏ mới là màu cách mạng, còn màu vàng…
        - Đúng. Cô tao liên hệ với thơ Tố Hữu. Chả lẽ… Tố Hữu sai.
        - …
        Chuông vào lớp vang lên, nếu không, cậu thầy tao, cậu cô tao còn cãi đến bao giờ!

        24. Ông cán bộ huyện nghiêm nét mặt, bảo thầy Hiệu trưởng phải xem lại tư tưởng lập trường của cô giáo dạy sử. Theo ông, trong tiết dạy, cô giáo cứ luôn miệng trước Thiên chúa giáng sinh, sau Thiên chúa giáng sinh… như thế là tuyên truyền tôn giáo rồi còn gì… Phải kiểm điểm nghiêm túc thầy ạ.
        Thầy Hiệu trưởng nghe xong, vâng dạ rối rít. Mặt ông ta từ đỏ chuyển sang tái xanh.
        Ông cán bộ huyện vừa ra về. Hiệu trưởng đã lệnh xuống khu nội trú giáo viên:
        - Mời cô Ng lên phòng Hiệu trưởng gấp, nhớ mang theo giấy bút.

        25. Không hiểu sao, việc cô giáo Đ hát nhạc vàng tối hôm qua lại đến tai Hiệu trưởng. Sáng hôm sau, giờ ra chơi, cô bị gọi đến phòng ông ta. Hiệu trưởng bảo với cô: :"Quan điểm lập trường như vậy là không vững vàng, cô đứng lớp làm sao được. Cô phải lột xác đi, phải vứt bỏ những gì cô đã sống dưới chế độ cũ đi… Tôi đề nghị cô về viết bản tường thuật, bản kiểm điểm. Cô nhớ cho, chưa nộp là chưa lên lớp đó".
        Cô Đ vâng dạ rồi về khu nội trú. Cuộc sống ở một huyện miền núi với cô vốn buồn nay lại càng buồn hơn.
        Sáng sớm hôm sau, không ai thấy cô Đ ở khu nội trú. Buổi trưa quây quần bên mâm cơm tập thể đạm bạc hơn cơm chùa, một thầy giáo giọng buồn rầu: "người ta thấy cô… ở bến xe lên thị xã lúc còn tờ mờ…"

       (Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét