Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

494. CHUYỆN DẠY HỌC, MỘT ĐỜI CÓP NHẶT

     26. Vào tiết giảng văn “Ca dao tình nghĩa”, thầy đọc rất diễn cảm. Giọng đọc thơ của thầy làm mủi lòng bao cô cậu học trò của trường nội trú vùng cao Tây Nguyên.
        Nhìn ánh mắt rưng rưng của học trò, thầy càng hứng thú hơn, say sưa “trình tấu” bài giảng. Một số học trò cúi mặt, những giọt nước mắt long lanh khóe mắt. Một số em bụm miệng, hình như là cố giấu tiếng khóc?
       Tiết học kết thúc. Thầy cảm giác hạnh phúc vì đã mở cửa tâm hồn học sinh. Các học trò như thế là thực sự nhập cảm bài giảng.
         Tiết giảng văn của buổi học sau, thầy kiểm tra bài cũ. Hai trò lên bảng đều đọc vanh vách chùm ca dao đã học. Đến khi thầy hỏi cái hay của chùm ca dao, cả hai đều ngọng ngịu. Thầy hỏi tại sao? Một em nữ lí nhí: “Tại thầy làm tụi em khóc!”
         Thầy chỉ biết “ơ” một tiếng rồi cho học sinh về chỗ!

        27. Thư viện nhà trường mất cuốn “Thơ và mấy vấn đề trong thơ hiện đại” của Hà Minh Đức. Quản thủ thư viện sau khi đã rà soát lượt người mượn sách, lượt người đến phòng đọc, quả quyết: “Hai ngày trước chỉ có học sinh một lớp 10 đến mượn và đọc sách”. Việc đến tai hiệu trưởng, ông ta lệnh giáo viên chủ nhiệm lớp phải tìm cho ta thủ phạm, phải kỉ luật nghiêm thói ăn cắp.
        Giáo viên chủ nhiệm lớp 10 A, sau nhiều đêm mất ngủ, nhiều giờ trao đổi với hiệu trưởng, với quản thủ thư viện, đã tâm tình cùng học trò của mình.
        “Chắc các em đã biết, thư viện nhà trường mất cuốn sách “Thơ và mấy vấn đề trong thơ hiện đại”. Quản thủ thư viện báo với ban giám hiệu đã biết được học sinh nào lấy cắp. Thầy Hiệu trưởng bảo không vội vàng kết tội. Học trò nông nổi, đôi khi nghịch phá ấy mà. Hãy thông báo đến các lớp, nếu học sinh nào lỡ cầm nhầm cuốn sách thì trả lại thư viện theo cách em ấy đã lấy. Nhà trường cam đoan sẽ không kỉ luật một ai cả. Thầy xin thông báo như thế. Thầy tin các em không một ai có hành động như vậy. Chỉ mong các em, nếu biết bạn nào làm  cái việc không hay này thì động viện bạn ấy trả lại cho thư viện. Bạn mà bị kỉ luật, các em cũng chẳng vui sướng gì!”
        Một tuần yên ắng trôi qua. Bỗng ngày thứ tư tuần tiếp theo, quản thủ thư viện gặp thầy chủ nhiệm lớp 10A, cười hể hả: “Cuốn sách được trả lại rồi. Cám ơn thầy rất nhiều. Thật vui, không một ai bị kỉ luật!”

        28. Ở trường Trung học cấp 2-3 của một huyện vùng cao, vào tiết trả bài tập làm văn lớp sáu, thầy giáo tiến hành tiết dạy đúng đặc trưng của phân môn.
        Thầy cho học sinh phân tích đề, lập dàn ý; sau đó nêu nhận xét chung. Về phía học sinh, các em rất hứng thú, tham gia tích cực vào các hoạt động, các thao tác dạy-học. Không cần đợi hoạt động trả bài cho từng học sinh, cũng có thể nói, tiết học gần như hoàn hảo.
        Đến khâu trả bài, thầy vừa phát bài cho từng em vừa nhận xét. Những câu nhận xét ngắn gọn kèm theo ánh mắt động viên, khiến học sinh nào cũng cảm giác thoải mái. Chỉ còn bài cuối cùng, bài làm điểm cao nhất. Thầy thong thả quay lại bục giảng, yêu cầu học sinh yên lặng. Thầy nhận xét bài làm, đọc một đoạn tiêu biểu. Sau đó yêu cầu em A, tác giả của bài làm văn, đứng dậy. Thầy bắt tay em ấy và nói:
       - Chúc mừng em. Văn em rất thú vị. Đọc lên nghe như của Françoise Sagan, cứ như văn tiểu thuyết Buồn ơi, chào mi! Bonjour Tristesse ấy!
       Thầy vừa dứt lời. Cả lớp há hốc mồm, tròn mắt.
       
      29. Thời bao cấp, ngày Hiến chương nhà giáo, học sinh toàn trường làm báo tường. Tổ văn được phân công chấm. Các thầy cô trong tổ thống nhất “nhẹ tay” với lí do trường ta còn nghèo, còn nhiều khó khắn. Học sinh miền núi làm sao có tờ báo hay và đẹp.
       Nghĩ cho cạn lẽ là thế. Thực tế, nhiều tờ báo tường được trình bày rất bắt mắt, rất trang nhã; bài vở phong phú và hay. Thế nhưng vẫn có tờ báo khiến thầy cô cười ra nước mắt. Ai có thể không cười khi đọc bài gọi là thơ này:

       Hôm nay Nhà giáo Hiến chương
       Em ngồi em nghĩ em thương các thầy
       Thương nhất là các thầy gầy
       Còn các thầy béo sau này em thương
.

     30. Để có bài vở phong phú và đa dạng về thể loại cho tờ báo tường của lớp, một học sinh trong ban báo chí phỏng vấn thầy chủ nhiệm.
      - Thưa thầy, thầy nghĩ thế nào về người thầy ?
      Suy nghĩ một lát, thầy chủ nhiệm chậm rãi:
      - Khi còn sinh viên, thầy nghĩ có người thầy chỉ để kính trọng, có người thầy luôn được kính yêu.
       - Còn bây giờ, thưa thầy. Học sinh ấy hỏi tiếp.
       - Là người thầy, bây giờ thầy chỉ mong được học trò kính yêu.

       (Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét