Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

492. CHUYỆN DẠY HỌC, MỘT ĐỜI CÓP NHẶT

 
     19. T ngừng giảng, đưa mắt về cuối lớp. Nhiều cánh tay đưa lên. Những thắc mắc của học sinh về bài giảng “Trách lỗi ngày hẹn, trách lỗi nơi hẹn”, trích Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, anh lần lượt trả lời một cách thỏa đáng.

        T rất  vui vì mọi việc diễn ra thuận lợi. Anh cảm nhận không khí lớp có vẻ dịu lại. Thế nhưng vẫn còn một cánh tay chưa chịu hạ xuống. Anh mời chủ nhân cánh tay ấy phát biểu. Cô nữ sinh giọng mạch lạc:
          - Thưa thầy, theo thầy, hiện có tài liệu khẳng định bản dịch Chinh phụ ngâm hiện hành là  của Phan Huy Ích, chứ không phải của Đoàn Thị Điểm. Thầy có thể nói cụ thể hơn quan điểm của thầy không ạ ?
         Chà một câu hỏi khó đây. Học sinh lớp 11 mà hỏi ác dữ, T nhủ thầm và trả lời:
         - Vấn đề này đã được Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và Giáo sư Nguyễn Văn Dương chứng minh rõ rồi. Chúng ta cũng đã tìm hiểu trong bài học.
         - Thưa thầy, còn quan điểm của riêng thầy thì thế nào? Cô học trò khăng khăng.
         T. Cảm giác căng thẳng, anh chưa suy nghĩ chín về vấn đề này. Anh cố xoay xở.
         Cũng may, chuông báo hết giờ vang lên.
         
        20. V và T cùng một nhóm giảng tập, cùng dạy “Văn tế tướng sĩ trận vong” của Nguyễn Văn Thành.
        Việc soạn giảng của T rất suôn sẻ, nhưng với V lại khá rắc rối. Lần thứ nhất anh nộp bài giảng tập, giáo sư hướng dẫn xem, chỉ nói chưa được, yêu cầu soạn lại. Lần thứ hai, thứ ba cũng chẳng khác gì. V tham khảo tài liệu, đọc kĩ bài soạn, xem chưa được chỗ nào,… mệt đến bở hơi tai. Bạn cùng nhóm, có người kêu thầy chi mà khó quá, có người bảo đó là cách của thầy, nhưng ai cũng động viên V.
        Lần nộp vở giảng tập thứ tư, V rất hồi hộp. Thầy xem xong bảo: “Anh đã thấy chỗ chưa được. Tuần tới, anh có thể lên lớp”.
        V cám ơn thầy. Anh vui ra mặt, không phải vì soạn tốt bài dạy mà vì có một trải nghiệm về nghề rất đáng quý.

        21. Anh khá hài lòng về giờ giảng tập. Không khí lớp học sôi nổi, thân thiện, thậm chí rất tình cảm nữa. Thầy giảng với cảm hứng đầy tràn, có khi rất ngẫu hứng nhưng không chệch ra khỏi trọng tâm bài dạy. Trò cọng tác với thầy từ trả lời câu hỏi đến hỏi thầy về bài giảng.
         Anh cám ơn các thầy giáo dự giờ, các bạn cùng nhóm giảng tập, cám ơn học sinh xong, cũng là lúc chuông báo hết giờ.
         T gấp vở giảng tập, thong thả bước ra khỏi lớp. Anh cảm giác mái trường NTH TN đẹp hơn, ai cũng đáng yêu cả. Đang vẩn vơ, anh nghe: “Thầy ơi, có cái này”, một nữ sinh nhét vào tay anh tờ giấy, rồi chạy vụt đi. Anh mở tờ giấy, một giòng chữ mực tím nét tròn và mềm hiện ra trước mắt anh: “Thầy đáng yêu quá đi!”.
          T ngỡ ngàng, rồi mỉm cười: “Như một lời động viên!”

          (Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét