31. Đang giữa học kì I, lớp 11 A bị mất sổ điểm. Ngôi trường trung học của huyện miền núi vốn yên tĩnh bỗng náo động lên. Hiệu trưởng chỉ đạo, hội đồng sư phạm họp, các học sinh lớp 11 A làm kiểm điểm, cô giáo chủ nhiệm rà soát xem em nào có điểm kém nhiều nhất để khoanh vùng đối tượng. Nhưng xem ra, mọi cố gắng tìm kiếm cuốn sổ điểm mất tích đã hơn một tuần vẫn không có tiến triển nào.
Một hôm, chị cấp dưỡng đánh rơi gàu múc nước xuống giếng. Lúc ấy mới phát hiện ra cuốn số điểm ngâm mình trong nước, nó vẫn còn bìa cứng bọc ni-lông, nhưng ruột đã bắt đầu rã.
Cuốn sổ tìm lại được, nhưng cô giáo đã bị cắt chức chủ nhiệm để làm kiểm điểm.
32. Đã hết học kì, học sinh và thầy giáo đi lao động một tuần. Ngày phát rẫy, đêm nằm trong lán nhìn sao trời, còn gì thú hơn. Đoàn trường bảo, “là thanh niên phải lao động giỏi, vì lao động là vinh quang”. Thầy Hiệu trưởng nói, “lao động là yêu nước”. Thế nhưng, thầy T cứ lăn tăn, “đi lao động thế này, khi về liệu trang giáo án văn của mình có dậy lên mùi tình yêu cuộc sống không ?”.
Một buổi tối, cơm nước xong, thầy trò quây quần tán gẫu. Chuyện đang giòn, bỗng một học sinh giọng ỉu xìu, “bên kia suối có Fulro, mấy anh bộ đội nói thế. Lỡ chúng nó đánh thì thế nào thầy”. Thầy T tỉnh queo, “thì chạy. Các em chạy trước, thầy chạy sau”.
Một trận cười vỡ ra, ồn ã một góc rừng.
33. Nằm trong lán trại giữa núi rừng sau một ngày phát cây nhọc nhằn, thầy T đâm ra nhão lòng. Anh nhớ lại, sau năm 1975, học lí luận văn học, phần “Lao động là nguồn gốc của văn học”.
Lớp phân công T thuyết trình, “Nguồn gốc lao động qua thần thoại Hi Lạp”. Đăng đàn, anh hùng hồn diễn giải nhiều vấn đề, trong đó 12 kì tích của Heracles (Hercules). Đến kì tích Heracles dọn sạch chuồng bò của Augeas, T khẳng định, “Văn học khắc họa hình tượng anh hùng Heracles ở kì tích này, như thế không phải văn học bắt nguồn từ lao động sao?”.
Cả lớp im như phòng trống không người.
…
Bây giờ T cũng đang lao động. Anh nghĩ lại mà sao cười không ra hơi, “chao ôi, cái thời…!”.
34. Cứ mỗi lần từ Tây Nguyên về nghỉ hè, thầy T lại bán dần bán mòn tủ sách quý của mình. Xót lắm nhưng biết làm sao.
Lúc hai mẹ con bên mâm cơm đạm bạc, anh thưa với mẹ việc bỏ nghề với lí do vừa để hôm sớm gần gũi mẹ, vừa để có một tương lai hi vọng hơn.
Nghe xong, mẹ anh nhìn anh và bảo, “Tùy con. Nhưng mẹ nghĩ, dạy học là nghề con đã chọn, đã yêu. Sao con có thể dứt bỏ một đam mê lương thiện!”.
35. Hai vợ chồng quá khó khăn, có đứa con đầu lòng càng thêm khốn đốn. Vợ bảo với chồng, “Anh T ơi, anh cứ tiếp tục dạy học, còn em bỏ thôi anh ạ. Em ra chợ họa may cuộc sống gia đình mình khá hơn chăng ?”.
Những ngày đầu ra chợ, vợ anh rất vui. Chả là cũng kiếm được chút chút. Đã có chút thịt, chút sữa bồi dưỡng cho cháu bé. Dễ chừng đã hơn một tuần, anh chị T thấy đời tươi hơn.
Bỗng một chiều, vừa bước chân vào nhà, chị T òa khóc. Anh hỏi, chị nức nở, “Không chèo kéo khách được, không chửi được như người ta, lại bị người ta kêu cả dòng cả họ lên mà chửi! Nhục lắm!...”
Anh T chỉ biết ôm bờ vai đang rung lên của vợ mà kêu trời.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét