Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

207. QUÁ TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA VHVN 1900-1945

    (tiếp theo và hết)
      2.2.3. Thế hệ nhà thơ của những năm 1932-1945:

       a. Đây là thế hệ nhà thơ trí thức Tây học. Do có sự thay đổi tư tưởng tình cảm nên đòi hỏi phải có sự đổi mới về hình thức thơ ca. Lưu Trong Lư từng viết: "đối với chúng ta thì tình cảm có thiên hình vạn trạng, cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình thân thiết, cái tình ảo mộng. cái tình ngây thơ, cái tình già dặn, cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu" (Học hội Qui Nhơn,
1934). Hoài Thanh: lớp trẻ "không thể vui cái vui ngày trước, buồn cái buồn ngày trước, yêu, ghét, giận hờn nhất nhất như ngày trước". Chính Phan Khôi cũng đưa ra quan niệm mới mẻ về tình yêu:
                    Ta là nhân ngãi, đâu phải là vợ chồng
                                     mà tính việc thủy chung
                                                (Tình Già)
    Và Xuân Diệu:
                    Tình yêu đến tình yêu đi ai biết.
    Yêu, ghét, nhất là buồn cứ mặc sức tuôn tràn cảm xúc nhiều khi bất chợt, vô cớ, bâng quơ:
                    Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.
                                (Xuân Diệu)
                    Bỗng dưng buồn bã không gian.
                                (Huy Cận)
                    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
                    Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.
                                (Bích Khê)
                    Để lòng buồn, buồn mãi không thôi.
                                (Lưu Trọng Lư)
                    Trời hỡi trời! Hôm nay ta chán hết
                    Những sắc màu hình ảnh của trần gian.
                                (Chế Lan Viên)
    b. Những quan niệm ấy đòi hỏi phải có một hình thức thơ mới, cụ thể là một giọng điệu mới, hình thức mới. Giọng điệu mới là giọng điệu của đời sống hằng ngày, phong phú, thoát khỏi những niêm luật của thơ cổ. Tuy vậy, trong quá trình hiện đại hóa thơ ca dân tộc vẫn còn hiện tượng văn xuôi hóa, văn xuôi biền ngẫu. Câu thơ cốt giữ sự nhịp nhàng, xóa những khô cứng mòn cũ, ghi lại kịp thời những cảm xúc thoắt hiện, thoắt biến, những gì gần gũi và xa xôi, cụ thể và mơ hồ. Dù ý thức hay không, giọng điệu thơ mới vẫn gần với giọng điệu thơ ca dân gian. Giọng điệu thơ ca dân gian là giọng điệu giải bày tâm trạng một cách hồn nhiên, chân thành. Phú, tỷ, hứng: kể lại sự việc, dùng hình ảnh so sánh, ẩn dụ cụ thể hóa những cái trừu tượng, tức cảnh sinh tình. Những bài thơ mới đầu tiên là những câu văn xuôi nhịp biền ngẫu như Tình già của Phan Khôi:  
                    Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau
                    Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen hung,
                                                                                                 đố có nhìn ra được?
                    Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
                                                                                                  con mắt còn có đuôi.
và Lưu Trọng Lư:
                    Lần bước tiếng gieo thầm, bóng ai kia lủi thủi?
                    Lẳng lặng với sương gieo, im lìm cùng gió thổi
                    Không tiếng, không tăm, không thưa, không hỏi
                    Không hát, không cười, không than, không tủi
                                (Trên đường đời)
    Thơ có sử nhấn nhá, nhiều lời, diễn giải, nhưng đã ghi lại giọng điệu của dòng cảm xúc, thể hiện đúng tư tưởng tình cảm của chủ thể trữ tình. Bài Vắng khách thơ của Lưu Trọng Lư có hơi hướm của bài ca dân gian:
                    Rồi ngày lại ngày
                    Sắc màu: phai
                    Lá cành: rụng
                    Ba gian: trống
                    Xuân đi
                    Chàng cũng đi
                    Năm nay xuân còn trở lại
                    Người xưa không thấy tới
                                (1932)
giọng điệu thơ Lưu Trọng Lư váng vất ý tình bài ca Bình Trị Thiên: Mười cái trứng.
    Phong trào thơ mới sử dụng hầu hết các thể thơ truyền thống trong thơ ca dân gian, thơ ca bác học; nhưng các câu, các dòng thơ có sự sáng tạo nâng cao phù hợp với dòng cảm xúc. Thơ Đường nhòa bóng. Thơ Pháp tác động mạnh theo sự khúc xạ qua lăng kính thơ ca dân tộc. "Hồn thơ Pháp hễ chuyển được vào thơ Việt là đã Việt hóa hoàn toàn" (Hoài Thanh).
    c. Phong trào thơ mới bắt đầu từ 1932 đến 1936 đã thực sự hòa vào văn mạch dân tộc đúng như Lê Tràng Kiều viết trong lời tựa tập Những áng thơ hay: "Hai chữ "Thơ mới" là biểu hiện một cuộc cách mạng đương bồng bột. Cuộc cách mệnh về thơ ca ấy, ngày nay đã yên lặng như mặt nước hồ mùa thu".
        - Thế Lữ: Ông là người có công đầu xây dựng lầu thơ Việt hiện đại. "Thế Lữ chỉ lặng lẽ điềm nhiên bước những bước những bước vững vàng mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ" (Hoài Thanh). Nhà thơ là người lữ khách đi tìm cái đẹp ở tiên giới, ở nghệ thuật. Nhà thơ bay theo âm điệu tiếng sáo nhập cõi thiên thai mơ màng (Tiếng sáo Thiên Thai). Thi sĩ ôm  Cây đàn muôn điệu dạo bước trên  "đường trần gian xuôi ngược để vui chơi”. Là người dạo đầu khúc vĩ thanh thơ mới, Thế Lữ đã táo bạo mới mẻ trong cách đặt câu, dùng chữ, gieo vần đến âm thanh nhịp điệu. Nhà thơ rất phóng túng và lôi cuốn ở thể thơ tám tiếng. Ông có cách ngắt câu lạ để câu thơ trên tràn xuống câu dưới:
                    Trời cao xanh ngắt: - Ô kìa!
                    Hai con hạc trắng bay về bồng lai.
                            (Tiếng sáo Thiên Thai)
    Vì thế, dù ông chỉ vút qua vòm trời thơ, nhanh chóng nhường vương miện cho người đến sau; nhưng ánh hào quang của ông thì kéo dài mãi mãi trong lịch sử văn học.
       - Lưu Trọng Lư: Thơ ông là cung sầu, cõi mộng, cơn say và chốn giang hồ phiêu lãng. Ông là người nuối mộng, luôn mơ trong cõi mơ và tắm đẫm trong một tình yêu mơ màng. Vì thế, ông ít sử dụng thể thơ 8 tiếng mà thường là 7 tiếng kết hợp với từ khúc và một số bài lục bát rất uyển chuyển.
       - Xuân Diệu: Là người tiếp nhận vương miện từ tay trao của Thế Lữ, nhà thơ đã có những cách tân mới mẻ, độc đáo và đem đến cho văn chương Việt Nam một quan niệm tình yêu mới mẻ của con người hiên đại. Sống và yêu đời mạnh mẽ, vội vàng và hối hả, thơ Xuân Diệu tiếp thu cả thơ ca lãng mạn và thơ tượng trưng của Pháp.
    Nét nổi bật trong thơ Xuân Diệu là tha thiết, trẻ trung với một năng lực cảm thụ tinh tế dồi dào, một giác quan nhạy cảm có thể nắm bắt tài tinh những cái vô hình để hữu hình hóa trong thơ:
                    Không gian như có dây tơ
                    Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu
                                (Chiều)
    Tho ông vì thế tạo cảm giác nhiều hơn, câu thơ có hình khối, có những liên tưởng nối liền, hòa hợp giữa âm thanh màu sắc và hương vị, tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến người đọc, thỏa mãn cảm xúc, tình cảm thẩm mĩ của người đọc. Đọc thơ ông người đọc không chỉ rung động mà còn cộng hưởng, đồng sáng tạo:
                    Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời
                    Đàn ghê như nước, lạnh trời ơi!
                            (Nguyệt cầm)
    Cấu trúc thơ nhiều khi lộ rõ dấu tích thơ Pháp:
                    Hơn một loài hoa đã rụng cành
                            (Đây mùa thu tới)
                    Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm
                            (Tương tư chiều)
                    Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
                            (Vội vàng)
    Về thể thơ, Xuân Diệu thường viết thơ 7 hay 8 tiếng. Thơ 8 tiếng là biến thể của thơ 7 tiếng,  vậy nên cái mới của thơ ông chính là ở nhịp điệu, ngôn từ và hình ảnh.
       - Huy Cận: Ông là nhà thơ yên ổn khi vừa đặt chân vào vườn thơ mới. Khi Lửa Thiêng (1940) ra mắt người đọc, người ta đã cảm nhận tài năng thơ của ông đã thực sự chín. Thơ ông bao giờ cũng ngân lên điệu buồn nhân thế, mở ra trong không gian cao rộng vô cùng và vĩnh cưu. Cho nên hồn thơ ấy có một cái gì đó rất cổ điển và thích suy tưởng, triết lí. Ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ thơ Đường và tha thiết với thơ ca dân tộc. Ông luôn đi tìm cái đẹp, chất thơ ở thiên nhiên vũ trụ. Ông tìm thấy sự hài hòa của tạo vật, sự sống tốt tươi và niềm vui ở đấy.  Huy Cận cũng rất nhạy cảm, nhất là thính giác, tạo nên những câu thơ tinh tế, có sức lan tỏa vang vọng:
                    Tai nương nước giọt mái nhà
                    Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn
                                (Buồn đêm mưa)
    Thơ ông thường là thơ 7, 8 tiếng, nhưng Lục bát là những bài thơ hay của ông (Ngậm ngùi, Buồn đêm mưa, đẹp xưa,...)
       - Hàn Mặc Tử: Ông là một nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt nhất. Chỉ trong mấy năm (1935-1948) mà hành trình thơ của ông tưởng như cả một thế kỉ sáng tạo. Ông đến với nàng thơ bằng thể thơ Đường luật với bút danh Phong Trần, sau đó chuyển sang thơ tượng trưng siêu thực. Ông là người tiên phong đưa thơ vào con đường hiện đại, hòa vào mặt bằng thi ca thế giới. Ngay những bài thơ đầu đã bộc lộ tài năng đặc biệt của ông:
                    Nằm gắng đã không thành mộng được
                    Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thu
                                (Buồn thu)
                    Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
                    Gió thu lọt cửa cọ mài chăn
                                (Đêm không ngủ)
    Các tập thơ Gái quê (1936), Thơ điên (Đau thương), Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên chứa đựng cả một thế giới khác thường: quằn quại, đau đớn, khao khát sống với những hồn, máu và trăng. Hàn viết rất say, rất mơ về trăng. Trăng thơ của ông kì lạ, biến ảo khôn lường nhưng chở chuyên ý nguyện tha thiết vươn tới cái đẹp, cái hoàn mĩ mà không đạt được của hồn thơ ông. Có thể nói, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao băng lóe lên vụt qua bầu trời thơ Việt, nhưng vẫn còn và sẽ còn lưu lại ánh sáng cho bao thế hệ.
       - Chế Lan Viên: Sáng tác lúc mơi 17 tuổi với tập Điêu tàn (1937). Thơ ông "dựng một thế giới đầy sọ dừa, xương máu cùng yêu ma" (Hoài Thanh). Thơ ông gần với Hàn Mặc Tử, bởi ông viết nhiều về hồn ta, hồn tôi, hồn cô, hồn mi, hồn ma, hần tan,...
                Hồn mi bay trong đống lửa ma trơi
                ... Theo hồn ta tuôn chảy những lời thơ
                                (Cái sọ người)
     Và hồn thơ ông cũng quay cuồng bấn loạn:
                Ngoài kia trăng sáng chảy bao la
                Ta nhảy vào quay cuồng thôi lăn lộn
                Thôi ngụp lặn trong ánh vàng hỗn độn
                Cho trăng ghì, trăng riết cả làn da
                                (Tắm trăng)
    Và cũng như các nhà thơ lãng mạn khác, Chế Lan Viên cũng nặng lòng với mùa thu - một sắc thu tan rã, úa vàng và hắt hiu:
                Tôi kiếm trong hoa những sắc tàn
                                (Thu)
có điều Chế Lan Viên cực đoan hơn nên gần với hư vô chủ nghĩa:
                Với tôi tất cả đều vô nghĩa
                Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau
                                (Xuân)
                Ai bảo giùm: Ta có, có ta không?
                                (Ta)
    Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử đã hình thành một trường phái thơ, tạo ra những vần thơ "kinh dị" bột phát từ ẩn ức, tiềm thức và cả những ý thức tôn giáo tối thượng linh thiêng.
       - Nguyễn Bính:  Nhà thơ của mơ mộng say mê hồn quê, cảnh quê mộc mạc chất phác với cách ví von, so sánh ý nhị, duyên dáng qua thể thơ 5 tiếng, 7 tiếng và lục bát quen thuộc. Ông là nhà thơ của tình yêu trắc trở. Thiên nhiên làng quê chỉ là cái nền để nhà thơ bộc lộ những mối tình trai gái, những cuộc đời mộc mạc, những thương nhớ dang dở,... Đó là cái riêng, nét đặc sắc của thơ Nguyễn Bính. Thiên nhiên trong thơ của Nguyễn Bính đẹp nhưng buồn cái buồn của thời đại và có khả năng khơi dậy hồn quê, tình yêu quê hương.
     3. Sự phát triển của loại thể truyện ngắn:
        3.1. Nguồn gốc:
    3.1.1. Truyện ngắn Việt Nam hình thành khá sớm trong văn học trung đại ít nhất là từ thế kỉ XVI. Điều đó có cơ sở từ bản thân văn học và theo ý kiến của M. Bakhtin: "Thể loại đang sống trong hiện tại nhưng bao giờ cũng nhớ tới quá khứ của mình, nguồn gốc của mình. Thể loại là kí ức sáng tạo của nhân loại trong tiến trình văn học" (Những vấn đề thi pháp Đôtxtôiepxki).
        3.1.2. Truyện ngắn cũng như tiểu thuyết Việt Nam có một số đặc điểm có tính chất khu vực. Văn xuôi nghệ thuật có hai nguồn gốc chính: nguồn gốc dân gian và nguồn gốc lịch sử. Truyện Việt Nam bắt nguồn từ những "thần tích", "chí quái", "truyền kì" (Việt điện u linh - Lý Tế Xuyên, Thánh Tông di thảo - Lê Thánh Tông, Lĩnh Nam chích quái - Vũ Quỳnh và Kiều Phú, Truyền kì mạn lục - Nguyễn Dữ,...) ghi chép những truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết trong dân gian và những truyện lịch sử. Quá trình hình thành của truyện cũng là quá trình tách rời giữa văn học và lịch sử. Đó cũng là quá trình đi từ những chuyện lạ hoang đường, kì lạ đến những truyện bình thường trong cuộc sống hằng ngày của con người. Những nguồn gốc trên đã qui định một số đặc điểm dân tộc của truyện ngắn Việt Nam trung đại. Nguyễn Tuân công nhận "theo tôi nghĩ, còn tìm thấy ở tiếu lâm một cái gì đó có tính chất kĩ thuật và nghệ thuật viết truyện ngắn nữa".
    Đặc điểm của truyện ngắn trong văn học Việt Nam trung đại: mang nội dung dân gian, chịu ảnh hưởng lối kể chuyện dân gian, đồng thời ảnh hưởng lối văn tự sự trong các bộ sử, giàu tính ước lệ, tượng trưng.
        3.2. Sự phát triện của truyện ngắn Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.
    3.2.1. Công đầu cho sự hình thành truyện ngắn Việt Nam giai đoạn này là Phạm Duy Tốn (hơn 100 truyện) và Nguyễn Bá Học với rất nhiều truyện ngắn, Tuy vậy, truyện ngắn của hai nhà văn trên vẫn chưa thật sự "li dị" với truyện ngắn trong văn học trung đại. Vào những năm 20 của thế kỉ XX, Nguyễn Ái Quốc đã viết những truyện ngắn xuất sắc bằng tiếng Pháp có tính chất hiện đại với một phong cách nghệ thuụat phong phú và đa dạng.
    3.2.2. Truyện ngắn Việt Nam từ 1932 có những thành tựu lớn và phát triển rực rỡ. Riêng về phong cách nghệ thuật đã có sự nở rộ độc đáo: Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Nam Cao,...
       a. Nguyễn Công Hoan (1903-1977). Sáng tác đầu tay của ông là "Sóng Vũ Môn" (1920). Ông sáng tác khoảng 200 truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật của ông như là một phòng triển lãm với nhiều cảnh đời, nhiều kiếp người, nhiều tình huống éo le, phức tạp, dở khóc dở cười. Ngòi bút truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan linh hoạt và uyển chuyển với nhiều thủ pháp khác nhau: có truyện như hài kịch (Đàn bà là giống yếu, Một tấm gương sáng), có truyện như ngụ ngôn mới (Đào kép mới, Ngậm cười,...). Nguyễn Công Hoan tiêu biểu cho cho khuynh hướng phong cách truyện ngắn - hài hước đậm tính chất hiện thực.
       b. Nam Cao (1917 - 1951): Bắt đầu viết văn năm 1936, nổi tiếng 1941 với truyện ngắn Chí Phèo. Truyện ngắn Nam Cao  có nhiều đểm cách tân: ngôn ngữ đa thanh, hiện thực nghiêm ngặt, phong cách hiện đại - phong cách tâm lí.
      c. Nguyễn Tuân (1910-1987): Nguyễn Tuân gần Thạch Lam ở cái cốt cách lãng mạn, trữ tình, nên thơ trong truyện ngắn. Ngôn từ Nguyễn Tuân điêu luyện, có hình thức hiện đại mới gần với thơ, rất tự do, chỉ nhằm bộc lộ tâm tưởng của mình hơn là kể chuyện.
        4. Phương Đông phương Tây trong văn học:
    4.1. Văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX đã tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa. Quá trình đổi mới và hiện đại hóa đã diễn ra dưới ảnh hưởng của các trào lưu văn học, triết học phương Đông và phương Tây. Đó là một qui luật.
    4.2. Phương Đông, phương Tây trong văn xuôi.
      4.2.1. Văn học lãng mạn trước năm 1932 chịu ảnh hưởng của văn học Pháp và Trung Quốc. Tiếng khóc vợ khóc chồng sầu thảm trong thơ Đông Hồ, Tương Phố phảng phất một chút tiếng khóc não nùng, sướt mướt của Từ Trẫm Á trong Tuyết Hồng lệ sử. Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách (1929) với hai nhân vật Tố Tâm và Đạm Thủy gần gũi với các nhân vật Julie của Rousseau, Corine của De Stael, Werther của Goeth. Tuy vậy, Tố Tâm đã mở một hướng mới cho tiểu thuyết truyền thống. Các nhà tiểu thuyết những năm đầu thế kỉ XX như Trọng Khiêm (Kim Anh lệ sử), Hồ Biểu Chánh có sự hài hòa Đông Tây. Ngọn cỏ gió đùa (1929) mượn cốt truyện Những người khốn khổ của Victor Hugo. Cay đắng mùi đời phỏng theo Không gia đình của Hector Malot, nhưng một số chương lại phảng phất không khí Tam Quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung.
    4.2.2. Bắt đầu từ những năm 1932 trở đi Andre Gide ảnh hưởng sâu sắc các nhà văn Việt Nam. Gánh hàng hoa (1933) của Khái Hưng và Nhất Linh kể lại mối tình lãng mạn giữa một cô gái bán hoa với một văn sĩ mù. Nắng thu của Nhất Linh là mối tình của một học sinh trung học với một cô gái câm ở một làng quê êm đềm. Những tác phẩm này gần với Bản giao hưởng đồng quê của A. Gide. Triết lí hành động để hành động của A. Gide đã có mặt trong Thiếu quê hương của Nguyễn Tuân, Đôi bạn của Nhất Linh, Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng. Nhân vật tự kỉ trung tâm (tự tra vấn hạnh phúc) của Gide cũng là những nhân vật của Nhất Linh trong Bướm trắng.
    4.2.3. Những tiểu thuyết quái dị của Thế Lữ: Vàng và máu (1934), Trại Bồ Tùng Linh (1941) chịu ảnh hưởng truyện kể quái dị của Hofmann, Eadgar Poe và cả Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Lan trong Hồn bướm mở tiên của Khái Hưng là Alisa trong Khung cửa hẹp của A. Gide; nhưng cũng là Thị Kính trong truyện Quan Âm Thị Kính, Nam Hoa kinh của Trang Tử. Ngay cái tên Hồn bướm mơ tiên cũng gắn với câu thơ của Lê Thánh Tôn mà Vũ Phương Đề ghi lại trong Công dư tiệp kí:
                    Gió thông đưa kệ tan niềm tục
                    Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời.
Tiêu Sơn tráng sĩ của khái Hưng có chất liệu của Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái) và Sơ kính tân trang (Phạm Thái).
      4.3. Phương Đông, phương Tây trong thơ ca.
    4.3.1. Baudelaire và Rimbaud là hai nhà thơ tượng trưng ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà thơ mới Việt Nam. Lí thuyết tương giao, thơ là sự tổng hòa các cảm giác, thấy một âm thanh, ngửi vị ngọt ngào của màu sắc đã được các nhà thơ Việt hưởng ứng nồng nhiệt.  Trong không khí... hương với màu hòa hợp (Huy Cận), Này lắng nghe em khúc nhạc thơm (Xuân Diệu),  và:
                    Nàng hé môi ra - bay điệu nhạc
                    Mát như xuân mà ngọt tợ hương
                                (Bích Khê)
    Sự tương hợp giữa các cảm giác đã in dấu rõ rệt lên những bài thơ như Đi giữa đường thơm (Huy Cận), Huyền diệu, Nguyệt cầm (Xuân Diệu), Chơi giữa mùa trăng (Hàn Mặc Tử), Màu thời gian (Đoàn Phú Tứ), Nhạc, Sọ, Hiện hình (Bích Khê).
    Nhạc điệu thơ tượng trưng Pháp đã ảnh hưởng đậm sâu trong nhạc thơ của Lưu Trọng Lư, Bích Khê, Nguyễn Xuân Sanh. Đặc biệt cái lối láy đi láy lại một số chữ một số câu trong bài thơ.
                    Trăng gây vàng, vàng gây nên sắc trắn
                    Của gương hồ im lặng tựa bài thơ
                    Chân nhịp nhàng, lòng nghe hương nằng nặng
                    Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ
                    Trăng gây vàng, vàng gây nên sắc trắng
                    Của hồn thu đi lạc ở trong mơ.
                                (Bích Khê - Mộng cầm ca)
    4.3.2 Thơ Đường cũng có dấu ấn sâu sắc trong các bài thơ mới. Những câu thơ của J. Leiba là cách diễn tả khác bài Xuân tình của Vương Giả.
                    Xuân hết, đào hoa, lí rụng rồi
                    Hoa đình tĩnh mịch vẻ xuân phai
                    Tơi bời ong bướm bay qua ngõ
                    Những tưởng mùa xuân ở xóm ngoài.
     Bài Cảnh đó, người đâu của Thái Can cũng có ánh trăng lặng lẽ trong vườn trong bài Kí nhân của nhà thơ Đường: Trương Bật:
                    Gặp em thơ thẩn bên vườn hạnh
                    Hỏi mãi mà em chảng trả lời
                    Từ đó Bắc Nam người mỗi ngả
                    Bên vườn hoa hạnh bóng trăng soi.
    Bài Giang hồ của Lưu Trọng Lư có đêm trăng thu lạnh lùng rải bóng trên sông:
                    Chừ đây đêm hãy đầy sương
                    Con thuyền còn buộc trăng buông lạnh lùng
trong Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị cũng có ánh trăng ấy:
                    Thuyền mấy lá đông tây lạnh ngắt
                    Một vầng trăng trong vắt lòng sông.
    Bài Tràng giang của Huy Cận thì cái chất Đường thi rải dọc ngang cả bài.
                    Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
                    Con thuyền xuôi mái nước song song
thấy phảng phất Đăng cao của Đỗ Phủ:
                    Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ
                    Bất tận trường giang cổn cổn lai
bốn câu cuối của Tràng giang tứ thơ của Thôi Hiệu, Lưu Trường Khanh đời Đường.
    Xuân Diệu nhà thơ rất Tây, nhưng trong câu thơ:
                    Bông hoa rứt cánh rơi không tiếng
                    Chẳng hái mà hoa cũng hết dần
lấy ý từ hai câu thơ Đường của Vi Thừa Kháng:
                    Lạc hoa tương dữ hận
                    Đáo địa nhất vô thanh.
                            (Nam hành biệt đệ)
    Có khi thơ Pháp và thơ Đường hội ngộ trong một bài thơ của Xuân Diệu. Ở khổ một thơ trong Đây mùa thu tới, 3 câu đầu rất Pháp:
                    Hơn một loài (...) rung rinh lá
nhưng đến câu thứ tư: Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh là nét chấm phá trong thơ Đường. Trong Nguyệt Cầm, nhưng câu thơ: Linh lung bóng sáng bỗng rung mình, Đàn ghê như nước, lạnh trời ơi! là cái nhìn tinh tế, cách diễn đạt bằng cảm giác của thơ tượng trưng Pháp. Thế mà ý hai câu thơ:
                    Mây vắng trời trong đêm thủy tinh
                    Linh lung bóng sáng bỗng rung mình
lại như ý thơ của Lý Bạch:
                    Khước há thủy tinh liêm
                    Linh lung vọng thu nguyệt
                            (Ngọc giai oán)
II) Kết Luận:
   1. Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam từ 1900 đến 1945 diễn ra ở nhiều phương diện và nở rộ vào giai đoạn cuối 1932-1945.
   2.  Văn học Việt Nam giai đoạn này dù hiện đại hóa nhưng vẫn nằm trong văn mạch dân tộc, có sự hài hòa giữa truyền thống, cổ điển với hiện đại.  

                                                                                                                 HD-2007

2 nhận xét:

  1. Chú có nhiều bài viết rất hữu ích. Cảm ơn chú ạ. Chúc chú luôn mạnh khỏe.

    Trả lờiXóa