Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

273. TRẦN HUYỀN THOẠI VỚI "HOA VƯỜN CŨ"


       Thân tặng Cao Thông 
    Cầm bài thơ, nhìn nét chữ viết tay của Thoại trên giấy khổ lớn, tôi bồi hồi nhớ về ngày xưa. Không biết Thoại lấy giấy từ cuốn tập nào mà ố vàng đến thế. Không biết vô tình hay hữu ý, khi bạn tặng tôi bài thơ trên giấy manh đã tráng màu thời gian. Phải chăng khổ giấy lớn là để trân trọng bạn xưa. Và phải chăng, màu sắc của giấy đã kín đáo giãi bày tâm tư của bạn: thơ nay nhưng tình thì đã có từ xưa lắm rồi. Thơ nay là để đong đầy, để trang trải tình xưa. Thời gian có
làm phôi pha những gì gọi là vật chất nhưng vẫn không thể xói mòn ân tình ngày cũ, ngược laị cảm xúc ngày ấy vẫn tươi nguyên, vẫn nóng hổi như xúc cảm trong thơ nay.
   Và rồi… Tôi bỗng giật mình khi cùng CT đọc toàn bộ bài thơ. Bên cạnh cái “vô ngôn” là tình cảm mà bạn kín đáo, tế nhị dành cho tôi và chỉ tôi cảm nhận; bài thơ còn chứa đựng một thứ tình cảm khác mà Thoại đã lưu giữ qua bao nhiêu thăng giáng của đời sống và của riêng mình. Đó là tình yêu, một hiển ngôn trữ tình thể hiện ngay ở đề tài của thơ. Bài thơ vì thế mà bảng lảng một nỗi buồn, một  nỗi hoài nhớ bâng khuâng. Bài thơ đã gieo vào lòng tôi chút ngậm ngùi vì “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” trong tình cảm của người xa trở về dành cho ai kia đang là hoa vườn cũ.  Từ đó, tôi nghiệm ra rằng, tên bài thơ đã chứa đựng cái nhìn trữ tình của Thoại, một cái nhìn không có sự chi phối của thời gian.
      Nguyễn Khuyến ngày xưa cũng xa xót : “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái” (Thu vịnh), thì với Thoại là hoài nhớ “hoa vườn cũ”. Tựa bài thơ vừa chứa đựng một không gian nghệ thuật có màu sắc hoài niệm, có sự vật biểu tượng cho người con gái của ngày xưa. Cái tựa thơ ấy đã đưa tôi vào trạng thái hồ đồ, không phân biệt được chữ nghĩa! Tôi cứ loay hoay với những cấu trúc : “Hoa vườn cũ”, “hoa của vườn cũ”, “hoa trong vườn cũ”, “hoa với vườn cũ”,…Nếu là “hoa của vườn cũ”, “hoa trong vườn cũ” thì hoa ấy là hoa nay, hoa mới khoe sắc trong không gian xưa. Cái nhìn thời gian như thế là có sự vận chuyển đổi thay. Còn “hoa vườn cũ” là hoa xưa nhưng vẫn tinh khôi trong cái nhìn thời gian không trôi chảy. Như vậy, “hoa trong vườn cũ” hay “hoa của vườn cũ” là “màu” nhạt phai và “hương” bay đi của sự vật hiện tượng, nhưng “hoa vườn cũ” là tình không phôi pha.  Chỉ có cái nhìn tình yêu, một tình yêu âm thầm mà mãnh liệt thì mới đủ sức “cản phá” bước đi của thời gian như thế.
      Từ cấu trúc của nhan đề bài thơ, ta hiểu thêm cấu trúc của bài thơ. Bài thơ có cấu trúc tương phản, bao gồm hai dạng, đó là cấu trúc theo thời gian và cấu trúc theo tâm trạng. Đúng hơn cấu trúc thời gian là phần nổi là điểm tựa làm bật lên phần chìm là tâm tình của người thơ.
       Cấu trúc thời gian là cấu trúc xưa - nay.  Cấu trúc này thể hiện rõ qua hai đối tượng thẩm mĩ, đối tượng cảm xúc:  không gian nghệ thuật và hình tượng nhân vật trữ tình cô gái trong thơ. Không gian nghệ thuật là nơi gặp gỡ - chia xa - gặp lại - chia xa. Không gian cho một cuộc tình nẩy nở ấy  là một cấu trúc tương phản được nhìn bằng con mắt thời gian chảy trôi. Ngày xưa ấy là vườn “xanh lá”, là vườn xưa “mướt trăng mơ”. Ngày nay đã thành “hiên nhà buồn”, “hiên vắng”  , thậm chí tiêu sơ, quạnh quẽ hơn : “vườn khuya cành lan héo rủ”.  Và nhan sắc người tình cũng đổi thay trong cái nhìn xưa nay. Ngày xưa, thuở xuân thì, em “tóc xanh theo thời con gái - Màu áo lan vàng một thuở tìm nhau” thì ngày nay “hoa chớm những tàn phai”, ánh nhìn cũng nhuốm màu tàn phai “Nên gặp lại trao mắt cùng xa lạ”.
      Nhìn từ góc độ tâm trạng, tâm trạng cấu trúc bởi hai nét tưởng đối nghịch nhưng thống nhất, đó là nỗi buồn và mãnh lực tình yêu. Đến với bài thơ ai trong chúng ta cũng cảm lây cái giọng điệu sầu buồn khi man mác, khi xa xăm,… Giọng điệu thơ buồn bởi cái “tôi” trữ tình trong thơ ngày xưa đã bị trói bằng sợi dây buồn tình thì nay càng bị sợi dây đó thít chặt hơn. Nỗi buồn xưa là nỗi buồn của một tình yêu không dám thổ lộ: “Tôi chưa nói - chút tình non nín lặng”. Và buồn cũng bởi, tình yêu ấy cũng chỉ là tình yêu một chiều, một phương:
      Trở về đây - nhớ vườn xưa xanh lá
      Người chợt quên từ dạo mướt trăng mơ
      Còn nhớ nhau không một phút tình cờ
      Đôi mắt tối trôi xa rồi chốn ngụ
 
     Những câu thơ có những hình ảnh tương phản, gợi hai tình cảm của hai người theo hai nẻo khác nhau. Ta về đây sống trong hoài niệm một quá vãng xanh, còn người “chợt quên từ dạo mướt trăng mơ”, quên cái đẹp của một thời lãng mạn. Tình đơn phương nên mang buồn đeo giận cũng là nét tâm lí phổ biến. Trong “Tương tư”, chàng trai thôn Đoài trách giận cô gái thôn Đông: “Nhưng đây cách một đầu đình - Có xa xôi mấy mà tình xa xôi” (Nguyễn Bính). Không chỉ có thế. Nỗi buồn của cái “tôi” trong thơ  còn gắn với nỗi đau, nỗi lo cho “hoa chớm tàn phai”, cho:
       Trên môi khô vườn đêm mộng tưởng
       Em đứng nhìn có chia sớt nỗi đau
       Khi áo mây bạc trong suốt nhiệm mầu
       Tôi gọi nhỏ theo mắt nhìn ái ngại
  
    Khổ thơ lời lẽ nhẹ nhàng có sự thấu cảm, hình ảnh thơ không mới nhưng diễn tả được cái tình của cái tôi trong thơ. Phải chăng tình yêu là khao khát hạnh phúc cho người mình yêu là đây.
      Từ “mãnh lực tình yêu”, cấu trúc tình cảm là cấu trúc thống nhất bất chấp dòng chảy thời gian. Nếu xưa, tình cảm của cái “tôi” trữ tình ánh lên màu xanh yêu thương, màu “trăng mơ” của cảm xúc dạt dào bay bổng, thì nay, cho dù “Trở về đây tôi buồn nghêu ngao hát” vẫn không hề thay đổi gam màu tình cảm. Cái “tôi” ấy đứng ở vườn xưa vào đêm mà nghe:
       Trong ta vườn khuya cành  lan héo rủ
       Chợt hồn đau cúi xuống với thinh không
       Quanh đây vẫn hương xưa tình vẫn vô cùng
       Đêm đứng lặng - mắt nhạt nhòa mưa xuống

    Cảnh vật dẫu  nhuộm màu tàn phai, hồn có đau giữa vô cùng thinh không thì “vẫn hương xưa tình vẫn vô cùng”. Thời gian chảy trôi từ vô thủy đến vô chung, hình như cũng để khẳng định sự thủy chung của một mối tình nín lặng trong mấy mươi năm. Người ta nói “xa mặt cách lòng”, nhưng ở bài thơ này thì khác. Mấy mươi năm xa tình vẫn hương nồng, nay trở về chốn xưa trước “hoa vườn cũ” lại cháy lên mơ ước:
       Trở về đây chiều bên trời - hiên vắng
       Mắt đêm sâu - tìm một thoáng mưa  ngâu

     Hình ảnh thơ thật lạ. “Chiều bên trời”, “mắt đêm sâu”, thời gian nối tiếp thời gian diễn tả sự trãi dài tâm trạng. Từ sự trống vắng cô đơn đến ước mơ hội ngộ như Ngưu Lang - Chức Nữ trên cầu Ô Thước dưới làn mưa ngâu tình tứ. Đến đây mới thấy tại sao hình ảnh biểu tượng cái nhìn đau đáu tình xưa xuất hiện nhiều trong bài thơ. Mở đầu là “mắt cùng xa lạ”, rồi “đôi mắt tối”, “mắt nhạt nhoà mưa xuống”, “mắt nhìn ái ngại” và khép lại “mắt đêm sâu” gợi sự cô đơn, diễn tả niềm khao khát rộng rãi được trùng phùng… Và hình như ước mơ cũng để ước mơ, bởi cặp tình nhân này chưa một lần gặp lại, nhưng bây giờ họ đang đối diện với chia li. Thế nhưng, trong tâm tư của cái “tôi” trữ tình vẫn dâng trào một tình yêu mãnh liệt, một tình yêu dâng hiến và hi sinh :
        Tôi sẽ đi trời phố cũ  - chìm sâu…
        Em ở lại xin một trời phúc hạnh
  
    Vẫn hình ảnh thơ tương phản, nhưng tình yêu vẫn ngát một màu xanh. Đọc hai câu thơ của Thoại bỗng nhớ đến “Tôi yêu em” của Puskin :
        Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
        Cầu em được người tình như tôi đã yêu em

       Câu kết của bài thơ đã thể hiện một tình yêu không chiếm hữu, một tình yêu chân chính, đó là cái đẹp của phẩm chất tình yêu.
       Đọc thơ là âm thầm theo dõi dòng tâm tình, cảm xúc của tác giả. Từ ngày ấy cầm bài thơ Thoại trên tay, rồi đến hôm nay đọc lại, tôi cũng có cảm giác ấy. Tôi vừa thấy bạn nói với tôi những gì tốt đẹp về tình bạn một thời của chúng tôi, và tôi cũng cảm nhận một tình yêu không trọn vẹn mà bạn riêng mang. Nhưng có một điều tôi không rõ, những điều tôi viết ra đây có nói được những gì mà bạn kí thác vào thơ không? Mong rằng, trong muôn một, tôi ít nhiều cũng “trang trải được nợ tình” với bạn xưa.
              HD, 4-4-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét