Chiều nay,
tranh thủ giờ giải lao đọc một số tờ báo mạng, tình cờ đập
vào mắt mình bài viết về tiền lương tháng của cán bộ, nhân
viên ngân hàng Vietcombank. Theo bài báo, bình quân lương hàng
tháng của những người làm ngân hàng này là 22, 4 triệu đồng
một tháng. Nếu so với ngân hàng Vietinbank thì cao hơn, trong khi
đó tổng tiền lãi của Vietcombank năm 2011 chỉ 5.900 tỷ còn
Vietinbank thì 8.105 tỷ.
Đọc xong bài báo, mình cũng chẳng suy tư gì về tiền lương của
những người làm ngân hàng. Bởi ngành này là ngành kinh doanh
tiền tệ, vàng bạc, đá quý mà. Thậm chí, mình nhớ một lần,
có một anh bạn không biết cực đoan hay không đã phán một câu
chắc như của gạch : "Ôi, ngân hàng, biến không thành có. Siêu
lợi nhuận mà". Mình chẳng hiểu mô tê thế nào, chỉ biết hàng
năm ngành này tiền thưởng rất lớn. Thực ra, đâu phải riêng gì
ngành ngân hàng, các ngành kinh doanh khác cũng có thu nhập cao
và thưởng lớn, bởi chúng ta đang sống trong thời buổi kinh tế
thị trường mà. Làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, không làm...
cũng có ăn! Quy luật nào cũng hợp lí nhưng đằng sau cái gọi
là khoa học ấy lại chứa đựng cái nghiệt ngã, lạnh lùng của
nó, đôi khi thiếu tính nhân văn.
Dẫu tự dặn lòng đừng nghĩ suy nữa, nhưng tự dưng cảm thấy
chạnh lòng cho cái ngành mình đã gắn bó một đời, cái ngành
sự phạm, nói theo Nguyễn Công Hoan là Godautre (tên một truyện
ngắn), nó không còn là nghề mà đã trở thành cái nghiệp của
mình. Mà đã là nghiệp thì : "Đã mang lấy nghiệp vào thân - Cùng đừng trách lẫn trời gần đất xa". Rồi tự dưng liên tưởng đến các học trò của mình mà thương các em.
Mới hôm kia đây thôi. Trong một buổi tối cùng các em lớp
minh chủ nhiệm trong ba năm 2005-2008, ngồi nhà hàng Hai Lúa ở
đường 30-4. Thầy trò gặp nhau hàn huyên đủ chuyện, đặc biệt là
chuyện đi thực tập của các em vì đang cuối năm tư đại học.
Mình hỏi Hạnh về con đường tương lai, Hạnh bảo học sư phạm
nhưng em không đi dạy đâu. Em thích làm một việc gì đó hơn.
Giọng của Hạnh không vui. Nhưng biết làm sao được. Con đường dạy
học nó đâu có nhiều hoa! Hoạt động nghề nghiệp thì vất vả
nhưng đồng lương thì quá mỏng lép! Đang nghĩ thế, bỗng Trâm lên
tiếng : "Chỉ có thầy mình là sướng thôi. Vừa ra trường đã có
việc làm". Các em cười vang, mình cũng cười trước câu nói rất
thông minh và dí dỏm của Trâm - cô sinh viên năm tư ngành báo
chí. Đúng quá! Hay quá! Vừa rời trường chuyên, mình đã đi làm
ở Đại học Duy Tân. Không may mắn là gì. Nhưng ngẫm lại, đằng
sau nụ cười của Trâm và cũng của các em có cả nỗi lo, nỗi
buồn. Hình như không nói ra, nhưng em nào cũng canh cánh về việc
làm trong một xã hội thừa thầy thiếu thợ như thế này. Ngày
xưa, Nam Cao đã gởi gắm nhưng đau đáu suy tư, trăn trở của mình
vào các nhân vật, ông đã để cho các nhận vật trí thức của ông
xót xa trước nợ áo cơm để rồi phải làm những việc bất lương
thậm chí khốn nạn nữa. Ngày nay, nợ cơm áo không ghì người
trí thức sát đất, nhưng không phải đã buông tha những kẻ có
bằng cấp thực thụ, chân chính! Bao nhiêu học trò cũ của mình
đang đứng trên bục giảng, dạy văn, dạy sử, dạy địa, cũng đang
loay hoay chân trong chân ngoài, ngược xuôi để đắp đổi cuộc sống ,
một cuộc sống mà nhu cầu ngày càng cao, bão giá càng ngày
càng dữ dằn. Các em đang công tác thì như thế, thử hỏi làm sao
các em đang chuẩn bị bước ra khỏi giảng đường đại học tránh
khỏi băn khoăn về tương lại.
Vậy mà kì lạ thay!... Mình bỗng nhớ một buổi chiều trước
tết, một cô học trò cũ của trường THPT Ông Ích Khiêm năm 1985,
dẫn con đến "tết" thầy một dò lan gọi là để thầy cay cay với
mứt gừng, nhấp ngụm trà "Ô Long" mà thưởng thức cái đẹp của
hoa. Nhìn dò lan, mình bỗng nhớ đến truyện ngắn "Hương cuội"
trong "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân. Thật quý hóa vô
cùng tấm lòng của trò xưa. Khi trò chuyện, em ấy đã nói với
mình : "Thầy ơi, chắc em phải cho cháu đây đi theo con đường của
thầy... à... đúng hơn là của cô. Thầy nghĩ sao ? Cho em biết
với ?" Không suy nghĩ, mình hỏi cháu : "Cháu đi sư phạm ngoại
ngữ chứ gì ? Thầy hoan nghênh, nhưng đã thật sự, đã chắc chắn
lựa chọn nghề này chưa ?". Cháu bảo "đã", mẹ cháu - cô học
trò cũ của mình - khẳng định thêm, chắc như "rựa chém xuống
đá" . Mình nhìn hai mẹ con thật lâu và nói một hơi, một lèo :
"Như thế là tốt. Nhưng cháu cần phải xác định rõ mấy điều
sau : - Con gái đi dạy học thì có điều kiện tốt nhất để chăm
lo gia đình, nhất là nuôi dạy con cái nên người. - Dạy học là
một nghề an thân, môi trường ấy không có sự tranh giành chức
quyền, không có tình trạng "ngấm ngầm cho nhau ăn bùn" (Chí
Phèo - Nam Cao) nên nhìn chung con người còn giữ được sự sáng
trong của nhân cách. - Dạy học luôn tiếp xúc với tuổi trẻ nên
luôn được sống thanh thản, vui trẻ, hồn nhiên, đó là liều thuốc
bổ cho tâm hồn. - Nhưng dạy học, cho đến bây giờ, thời điểm
hiện tại, đồng lương vẫn còn rất bé tí, không biết mai đây thế
nào. - Nói chung, cháu đã chọn, thầy tin rằng niềm tin, niềm
đam mê, và ý thức đạo đức nghề nghiệp sẽ giúp cháu thành công
trên con đường dạy học. - Thầy muốn nói thêm một điều : "Làm
nghề gì cũng phải biết nhìn lên để kĩ năng nghề nghiệp ngày
càng nhuần nhuyễn, để biết ước mơ về một cuộc sống đẹp; nhưng
khi sống thì nên nhìn xuống để biết yêu thương, biết giữ gìn
đạo lí và nhân cách của chính mình". Cô học trò và cháu bé
"dạ" rất tươi, nán lại trò chuyện thêm một lúc rồi cáo từ.
Tiễn hai mẹ con ra cổng, mình cảm thấy có cái gì đó đang rộn
lên trong lòng. Ngắm dò lan mảnh mai còn nhiều nụ búp, chỉ
điểm một vài đóa hoa tím, mình cảm giác con người chính là
những cánh lan kia. Dù khí hậu có khắc nghiệt vẫn kịp nở hoa
cho ngày tết cho đời thêm sức xuân.
Nghĩ đến đó, mình cảm giác rất nhẹ lòng, một lần nữa mình
tủm tỉm cười về câu nói tếu táo của Dương Thùy Trâm : ""Chỉ
có thầy mình là sướng thôi. Vừa ra trường đã có việc làm".
HD, 3-2-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét