Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

251. GIỌT NƯỚC MẮT PHỤ NỮ

                                                  Cho mồng tám tháng ba 2012  
      
      Vì sao phụ nữ khóc?

      Một cậu bé hỏi mẹ:
      - Tại sao mẹ lại khóc?
      Người mẹ đáp:
      - Vì mẹ là một phụ nữ.
      - Con không hiểu mẹ? Cậu bé thốt lên.
      Người mẹ ôm chặt con và âu yếm:
      - Con không bao giờ hiểu được, nhưng nó là như thế đấy.
      Thời gian trôi đi, cậu bé lại hỏi cha:
      - Sao mẹ lại khóc hả cha?
      - Tất cả phụ nữ đều như thế, con yêu ạ - người cha mỉm cười đáp.
      Cậu bé lớn dần lên và khi cậu trở thành một người đàn ông nhưng vẫn thường tự hỏi: “Tại sao phụ nữ lại khóc???”
      Cuối cùng anh tìm đến một nhà hiền triết. Nghe hỏi, nhà hiền triết ôn tồn nói:
      - Khi Thượng đế tạo ra phụ nữ, người phải làm cho họ thật đặc sắc. Người làm cho đôi vai họ cứng cáp để che chở được cả thế giới, đôi tay họ mát lành để che chở sự yêu thương, và người cho họ một sức mạnh tiềm ẩn để mang nặng đẻ đau.
      Người cho họ một sự dũng cảm để nuôi dưỡng và chǎm sóc gia đình, người thân, bạn bè ngay cả những lúc mọi người dường như buông trôi, và dù có nhọc nhằn đến mấy đi nữa họ cũng không bao giờ than thở? Người cho họ tình cảm để họ yêu thương con cái ở mọi nghĩa trên đời, ngay cả những lúc con cái họ gây cho họ đau khổ.
      Người cho họ sức mạnh để chăm sóc người chồng của họ, tránh vấp ngã vì người tạo dựng họ từ những xương sườn của người đàn ông để bảo vệ trái tim anh ta? Người cho họ sự khôn ngoan để biết rằng một người chồng tốt sẽ không bao giờ làm tổn thương vợ mình, hiểu rõ sự chịu đựng của người phụ nữ và cô ta luôn thấp thoáng sau mỗi thành công của người chồng.
      Để làm được những việc nhọc nhằn đó, Người cũng cho họ giọt nước mắt để rơi, để họ sử dụng bất cứ lúc nào và đấy là điểm yếu duy nhất của họ. Khi con thấy họ khóc, hãy nói với họ con yêu họ biết bao. Và nếu họ vẫn khóc, con hãy làm trái tim họ được bình yên.

      “Vì sao phụ nữ khóc ?”, trích trong “Quà tặng cuộc sống”, là một câu chuyện nhỏ  giản dị mà giàu ý nghĩa nhân văn. Câu chuyện gợi lên ý nghĩa triết lí về bản chất của người phụ nữ, chính xác hơn là trả lời câu hỏi : Phụ nữ là ai ? Thiên chức của họ là gì ? Bên cạnh đó, truyện còn kín đáo gởi gắm một bài học ứng xử văn hóa và đạo lí cho mọi người đối với những người vợ, người mẹ và nữ giới trên hành tinh này.
      Đọc xong câu chuyện, tôi như quay cuồng trong giọt nước mắt người phụ nữ. Giọt nước mắt, một hình ảnh đầy ám ảnh, dù những lời giải thích của nhà hiền triết cho nhân vật chàng trai kia đã quá rõ ràng, có sức khái quát lớn và rất sâu sắc.
      Sự ám ảnh của giọt nước mắt, hình như bắt nguồn từ tâm trạng băn khoăn trải dài lớn lên theo thời gian từ ấu thơ cho đến trưởng thành của hình tượng người con trai trong truyện lan nhiễm và bám chặt lấy tâm hồn và trí nghĩ của tôi. Theo thời gian, trong đầu hình tượng nhân vật ấy luôn dậy lên một câu hỏi về nguyên nhân người phụ nữ khóc, đúng hơn là hành động “khóc” của họ. Câu hỏi ấy không đến một lần mà nhiều lần. Đối tượng hỏi không chỉ là một mà là hai. Nói cách khác đi, nhân vật ấy đặt ra nhiều câu hỏi và mong cầu đến thiết tha nhận được câu trả lời thỏa đáng, nhưng tựu trung chỉ có hai câu, một câu hỏi cụ thể : “Sao mẹ lại khóc ?” và một câu hỏi khái quát : “Tại sao phụ nữ lại khóc ?”. Những câu hỏi ấy, ứng với từng lứa tuôi, tùy theo sự trải nghiệm của bản thân hình tượng nhân vật. Lúc còn trong vòng tay mẹ, mẹ là thế giới của con, cho nên những gì diễn ra trong thể giới ấy luôn gợi cho con sự ngạc nhiên, rồi khao khát tìm hiểu. Sao cha không khóc mà mẹ lại khóc. Hỏi mẹ, mẹ trả lời giản dị mà quá hàm súc : “Vì mẹ là phụ nữ ?”. Câu trả lời của mẹ là chân lí, là sự thật, mà đã là chân lí thì bao giờ cũng giản dị, có nhiều vỉa tầng ý nghĩa và có sức khái quát rộng lớn nhất. Đứa trẻ không thể hiểu được ý nghĩa của lời mẹ cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, bởi nội dung câu trả lời không phù hợp với tâm lí lứa tuổi, đúng như người mẹ âu yếm, vỗ về con : “Con không bao giờ hiểu được, nhưng nó là như thế đấy” (Xin có chút hoài nghi, chữ “bao giờ” liệu có chủ quan không!). Rồi đến lượt người cha trả lời : “Tất cả phụ nữ đều như thế, con yêu ạ”. Một sự lặp lại và khẳng định chân lí bằng giọng điệu yêu thương, nhưng chỉ làm “tối”, làm “rối” thêm đầu óc non nớt của cậu bé.
      Cho đến khi trưởng thành, nhu cầu nhận thức thế giới càng mãnh liệt hơn, cậu bé ngày xưa, chàng trai hôm nay đã tìm đến vị hiền triết. Chân lí đã thực sự sáng rõ. Chàng trai đã thực sự được khai mở huyệt “nhâm đốc” nên hiểu biết sâu sắc bản chất của người phụ nữ qua giọt nước mắt của họ. Khi nói đến giọt nước mắt của con người, Nam Cao gọi đó là “giọt châu”, nó có khả năng biến hình vũ trụ. Nhưng riêng với phụ nữ thì giọt nước mắt của họ vừa là “giọt châu của loài người” vừa là giọt ngọc của THIÊN NỮ TÍNH. Vì vậy, giọt nước mắt của giới nữ cao quý gấp bội lần của con người nói chung. Bởi theo nhà hiền triết, “Thượng đế tạo ra phụ nữ, người phải làm cho họ thật đặc sắc”. Người phụ nữ “che chở được cả thế giới”, “che chở sự yêu thương”, có “sức mạnh tiềm ẩn để mang nặng đẻ đau”. Người phụ nữ “dũng cảm để nuôi dưỡng và chǎm sóc gia đình, người thân, bạn bè ngay cả những lúc mọi người dường như buông trôi, và dù có nhọc nhằn đến mấy đi nữa họ cũng không bao giờ than thở?”. Và người phụ nữ giàu “tình cảm để họ yêu thương con cái ở mọi nghĩa trên đời, ngay cả những lúc con cái họ gây cho họ đau khổ”; họ có  “sức mạnh để chăm sóc người chồng của họ, tránh vấp ngã vì người tạo dựng họ từ những xương sườn của người đàn ông để bảo vệ trái tim anh ta?
      Qua lời của nhà hiền triết, tôi hiểu ra một điều. Phải hiểu khái niệm phụ nữ là người vợ, người mẹ chứ không phải tất cả những ai thuộc về giới nữ hay có nữ tính. Người ta thường xưng tụng, phụ nữ là phái đẹp. Lời ngợi ca ấy không có gì sai, ngược lại đó là sự thật. Lời nói ấy chỉ sai khi nó là lời “nịnh đầm”, sáo rỗng và có tính hình thức. Nhưng nếu nhìn người phụ nữ theo lịch sử một con người thì cái đẹp ấy có những biến tấu của nó. Phụ nữ ở thời con gái có cái đẹp vừa mang tính cá thể, vừa có tính chất giới tính; nhưng chưa thật sự hoàn thiện. Còn khi đã làm vợ làm mẹ mới thật sự hoàn thiện, bởi ở giai đoạn này THIÊN NỮ TÍNH của họ mới thật sự phát huy đúng như lời nhà tiên tri nói, hay nói có phần thô mộc như chúng ta là : Họ đã thực hiện tốt ba thiên chức : sinh đẻ, nuôi dưỡng và chở che. Hiểu như thế để thấy rằng cũng là giọt nước mắt ấy, nhưng ở người làm vợ, làm mẹ có sự khác biệt. Giọt nước mắt của họ lung linh THIÊN NỮ TÍNH của họ, nhưng cũng ẩn chứa niềm đau, nỗi khổ, sự vất vả, hi sinh. Cho nên, khóc là một phương cách giải tỏa tâm lí, một phương thuốc xoa dịu nỗi đau, một suối nguồn cuốn trôi, rửa sạch bao nhiêu muộn phiền để làm sáng lên, đẹp lên vẻ đẹp của sự hi sinh, lòng vị tha, sự nhẫn nhịn và dũng cảm, sự mềm mỏng nhưng kiên nhẫn,…
      “Vì sao phụ nữ khóc” là câu chuyện thú vị. Truyện hàm súc trong một hình thức rất mộc, nhưng đã cho tôi một nhận thức sâu sắc về người vợ, người mẹ; đặc biệt, cho tôi biết ứng xử văn hóa và ân tình đối với những người phụ nữ thương yêu trong gia đình của tôi như lời nhà hiền triết khuyên răn : “Khi con thấy họ khóc, hãy nói với họ con yêu họ biết bao. Và nếu họ vẫn khóc, con hãy làm trái tim họ được bình yên”.
       Và tôi nghĩ, nếu tôi ứng xử được như thế, và mọi người đều như thế, thì đâu cần những khẩu hiệu, những tuyên ngôn đòi bình đẳng giới. Bởi sự hiểu biết về bản chất, THIÊN NỮ TÍNH của phụ nữ và “Khi con thấy họ khóc, hãy nói với họ con yêu họ biết bao. Và nếu họ vẫn khóc, con hãy làm trái tim họ được bình yên” là cái gốc của sự bình đẳng nam nữ, của nhân bản, nhân văn.
      Viết đến đây bỗng nhớ Xuân Quỳnh và “Thơ vui về phái yếu”, xin lẫy ra đây một đoản khúc :
         Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên trái đất.
         Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
         Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay
         Càng không có hạt nhân nguyên tử
         Chúng tôi chỉ có chậu có nồi có lửa
        Có tình yêu và có lời ru
        Những con cò  con vạc từ xưa
        Vẫn lặn lội bờ sông bắt tép
        Cuộc sống vẫn ngàn đời nối tiếp
        Như trǎng lên, như hoa nở mỗi ngày...

        Nếu không có ví dụ chúng tôi đây
        Liệu cuộc sống có còn là cuộc sống
       Ai sẽ mang lại cho các anh vui buồn hạnh phúc
       Mở lòng đón các anh sau thất bại nhọc nhằn
       Thử nghĩ xem thế giới chỉ đàn ông
       Các anh sẽ không còn biết yêu biết ghét
       Các anh không đánh nhau nhưng cũng chẳng làm nên gì hết
       Thế giới sẽ già nua và sẽ lụi tàn
       Ai sẽ là người sinh ra những đứa con
       Để tiếp tục giống nòi và dạy chúng biết yêu, biết hát.

       Buổi sớm mai ướm bước chân mình lên vết chân trên cát
       Bà mẹ đã cho ra đời những Phù Đổng Thiên Vương
       Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
       Là bác học... hay là ai đi nữa
       Vẫn là con của một người phụ nữ
       Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên
                                                            
       Đà Nẵng, 8 - 3 - 2012


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét