Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

212. DU LỊCH NGÀY TẾT

Chiều nay mới chính thức nghỉ tết, nên lên lịch : đi mua sắm một ít đồ cần dùng và đi hớt tóc. Lịch lên rồi, nhưng có lẽ để chắc ăn, chạy qua tiệm hớt tóc xem khách có đông hay không, nếu đông thì bảo thợ khi nào có khoảng trống thì gọi cho mình. Nghĩ là làm. Mình chạy ngay đến tiệm, đông khách ghê, ai cũng lo sửa soạn để đón năm mới mà; mình bèn vào giao hẹn với chủ tiệm rồi yên tâm đi lo việc khác.
      Xong việc mua sắm, vừa về đến nhà, điện thoại reo, mở máy, nghe chủ tiệm bảo đến hớt tóc, vội vàng đi. Vào tiệm, không đợi ông chủ mời mọc, mình cứ nhằm ghế trống mà ngồi. Một anh thợ quen hớt cho mình hỏi : Như cũ hả thầy ? Ừ, như cũ.
      Tiếng tông-đơ điện chạy xè xè, tiếng kéo lách tách và tiếng nói chuyện giữa thợ và khách khiến không khí trong tiệm thật vui. Bỗng ông chủ quay sang hỏi : Tết thầy có đi chơi đâu không? Cũng loanh quanh như mọi năm. Thầy không đi du lịch à ? Mấy năm nay người ta đi du lịch trong nước và nước ngoài vào dịp tết nhiều lắm. Mình bảo : Mỗi người một quan niệm. Tôi không nghĩ đi du lịch vào dịp tết là thú vị...
     Cuộc trò chuyện tưởng chừng sẽ không còn hứng thú nữa mà đang nguội dần. Đột nhiên, một ông khách đang nằm ở ghế thứ ba, mặt đang đắp mặt nạ lên tiếng. "Tôi nghĩ, tết di chơi xa cũng hay hay, chỉ tội mình không có tiền thôi".  "Ôi, dịp tết các tour khuyến mãi nên giá rẻ rề. Người ta du lịch tết cũng vì lí do các gói du lịch khuyến mãi lớn đó", một người khách khác góp chuyện.
     Nghe chiều hướng câu chuyện có vẻ hay hay, mình nằm xuống cho anh thợ váy tai, lắng nghe và suy nghĩ. Thú thật, những người tham gia câu chuyện ai cũng có lí khi nói "có" hay "không" đi du lịch dịp tết cả. Con người ai cũng có sở thích riêng, có quyền lựa chọn cho riêng mình những gì họ thích. Nhưng mà... Mình chả đồng tình chút nào về chuyện du lịch tết, cho dù mồng hai mới khởi hành. Xưa nay, cứ mỗi độ năm hết tết đến, năm cũ nhường chỗ cho năm mới, bao giờ vợ chồng mình cũng thu xếp về quê thắp hương cho ba mẹ mình vào những ngày 27, 28. Có người hỏi tại sao mình không về vào ngày mồng một, mồng hai để thắp hương như người ta thường làm. Mình chỉ bảo, quen đi rồi.
      Sỡ dĩ, chọn ngày về quê như thế vì, mình không muốn ba ngày tết nhà đóng cửa im ỉm. Theo phong tục của dân tộc ta, ngày 30 làm mẫm cỗ rước ông bà, ngày mồng ba hay mồng bốn cũng sắm sanh cỗ bàn để cúng tiễn tổ tiên về lại Tiên cảnh. Nếu đi du lịch thì sẽ không đưa rước ông bà, nếu mồng hai đi thì rước ông bà về, chưa vui tết với cháu con đã bị cháu con tống tháo ra cửa!  Hơn nữa, tết cũng là dịp bà con, bạn bè, chòm xóm thăm và chúc tết. Chẳng phải ngẫu nhiên mà xưa nay có câu : "Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy".  Như thế, mình không chỉ ở nhà đón tiếp khách đến chúc tết mà còn phải đi thăm và chúc tết nữa. Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy. Mồng một tết mình xuống thắp hương cho bố vợ, chúc tết mừng tuổi cho mẹ vợ, thăm anh chị em bên vợ; sau đó xuống thăm anh chị ruột của mình, về ghé các anh họ, thăm một số bà con khác. Đêm về loanh quanh chúc tết hàng xóm. Thế là qua một ngày tết. Mồng hai, đi thăm bạn bè. Mồng  ba ở nhà tiếp khách. Mồng bốn làm một mâm cỗ cúng đưa ông bà. Lịch tết của mình đại loại như thế. Tất nhiên vẫn có du di, linh hoạt về giờ giấc. Nhưng có vấn đề này thì không thay đổi, đó là vợ chồng mình ra khỏi nhà thì con trực, nếu mình đi thăm tết bạn thì vợ mình ở nhà và ngược lại. Nói chung, luôn có người ở nhà để ngày tết ấm áp hơn, để đón tiếp khách.  
     Với mình, ngày tết dù bận bịu một chút, mệt nhọc một chút, nhưng đó là những ngày có ý nghĩa truyền thống. Ngày tết đã trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta. Văn hóa truyền thống, đó là văn hóa ứng xử, tình nghĩa của người Việt, mối quan hệ có tính chất tâm linh trong tín ngưỡng văn hóa của dân tộc,. Trong một gia đình người Việt, tổ tiên, ông bà dù đã chết nhưng luôn  sống  cùng  con cái, cháu chắt - những người đang sống;  người chết luôn theo dõi, chở che cho người sống; người sống do vậy mà không làm điều gì trái đạo lí vì có người chết chứng giám. Từ đó, ta hiểu tại sao nhà của người Việt - căn nhà ba gian hay năm gian hai chái - bao giờ cũng dành gian giữa để làm nơi thờ tự tổ tiên.
      Thử hỏi, cứ nghĩ như thế làm sao mình có thể du lịch ngày tết, cho dù tour có khuyến mãi lớn đến đâu đi nữa. Thôi thì dành cho người khác, còn mình "giấy rách phải giữ lấy lề". Không biết nghĩ và làm như thế, mình có là người bảo thủ không ?

                                                  HD, 18-1-2012

2 nhận xét:

  1. Đọc bài của thầy nhớ Tết của VN mình. Nhưng theo em nghĩ Tết của thầy như vậy là tốt nhất. Chuyện đi du lịch Tết thì kinh nghiệm của em là KHÔNG NÊN và ĐỪNG BAO GIỜ nghĩ đến. Tết người ta đi du lịch rất nhiều giá cả dịch vụ tăng lên rất ca và quan trọng là cung cách phục vụ rất tệ. Đầu năm mà rước các chuyện buồn bực là xui xẻo thêm( không phải mê tín). Tết tốt nhất dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Thời điểm để đi du lịch tốt nhất là tháng 4, 5 tháng 11 hằng năm. Đó là kinh nghiệm của em đó thầy. Ngoài Bắc cung ách phục vụ thua trong Nam( từ Hà Tĩnh trở ra là khác rồi ). Đi nước ngoài thì người Thái rất thân thiện mà giá cả đi Thailand nó rẻ hơn đi trong nước. Singapore thi đắt đỏ , India thi có nhiều bí ẩn. Mỹ, Âu Châu thì khó phần visa và chắc là rất tốn kém , đi mấy nước này tốt nhất nên chọn đi thăm thân nhân là tốt dù visa B1 dành cho du lịch.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn em đã đồng tình với quan niệm của thầy.

      Xóa