Tặng Thiền Đăng - Người Thế Chí Tây.
Hôm trước, trong lời bình một bài viết trên blog của mình, bạn Thiền Đăng đã ghi hai câu đối có nhắc đến tên làng quê của bạn ấy. Sau đây là hai câu đối :
Hôm trước, trong lời bình một bài viết trên blog của mình, bạn Thiền Đăng đã ghi hai câu đối có nhắc đến tên làng quê của bạn ấy. Sau đây là hai câu đối :
Phong Lai Thượng, Phong Lai Hạ, thượng hạ Phong Lai.
Thế Chí Đông, Thế Chí Tây, đông tây Thế Chí.
Thú thật cặp đối ấy đã đem đến cho mình một cảm giác thích
thú khó tả. Mình tự trách tại sao
mãi đến bây giờ mới biết.
Vậy mà cũng tự hào là dân Phong Điền! Nhưng rồi nghĩ lại, tự
bào chữa cho mình. Quê mình ở xa quê bạn Thiền Đăng, xa cả Phong
Lai nên không hề nghe ai nhắc đến hai câu đối này. Mà... khi
sống ở quê, mình còn nhỏ quá, xung quanh mình, bà con hàng
xóm, ngay cả mẹ mình cũng chỉ biết kí bằng hình thức lăn tay,
điểm chỉ, nên cũng chẳng ai nói chữ bao giờ. Mà... với lại,
mình xa quê cũng đã lâu... Bao biện như thế, nhưng cũng không
tránh khỏi sự xấu hổ. Mà thôi, muộn còn hơn không, biết trễ
còn hơn chưa biết đến không biết!
Ở thời điểm ấy, khi tiếp nhận hai câu đối, mình chỉ cảm
nhận vẻ đẹp hình thức của chúng. Đọc hai câu đối, mình cứ
xuýt xoa mãi. Cặp đối chỉnh quá! Người ra câu đối đã rất mực
tài hoa, người đối lại cũng chẳng kém cạnh gì. Này nhé. Địa
danh song hành cùng địa danh : Phong Lai - Thế Chí; làng sóng đôi
cùng làng : Phong Lai Thượng - Thế Chí Đông, Phong Lai Hạ - Thế
Chí Tây; danh từ đối mặt với danh từ; tình từ chỉ nơi chốn
ngang ngửa với tính từ phương hướng : Thượng - Đông, Hạ - Tây,
Thượng Hạ - Đông Tây. Hai câu đối y như là trời sinh ra để ở bên
nhau, sống cùng nhau như hai giọt nước, như một cặp đôi tri âm
tri kỉ giữa cuộc đời. Càng đọc mình càng cảm thấy thú vị.
Hai câu đối, nếu xét về phương diện thẩm mĩ thì đã đạt được
vẻ đẹp cân xứng và hài hòa, cũng như vẻ hài hòa đối xứng
của các làng được nhắc trong câu đối vậy. Phong Lai, hay Thế
Chí đều thuộc huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế cả, nhưng khéo
là ở chỗ : Phong Lai Thượng, Phong Lai Hạ nằm bên kia sông Ô Lâu,
còn Thế Chí Đông, Thế Chí Tây lại ở bên này sông. Một bên
trông về phía núi, một bên nhìn ra phía biển.
Còn về nội dung ý nghĩa của cặp đối ấy, mình không chú ý
gì cả. Mình cứ nghĩ đây cũng là đối để chơi chơi hay chơi chữ
cũng thế thôi. Cặp đối ấy cũng đại loại như "Củ Chi ... hỏi
củ chi", hay "Da trắng vỗ bì bạch - Trời xanh màu thiên thanh"
thế thôi. Cho nên, mình đã vô tình đánh rơi chúng vào quên
lãng...
Thế nhưng, sáng nay xuống nhà ông anh con bà cô ruột có chút
việc, hai anh em trò chuyện với nhau rất nhiều chuyện, trong đó
có chuyện đường nào về quê nhanh nhất, tốt nhất. Mình bảo với
anh, về làng nhanh nhất là ra An Lỗ, rẽ về Chợ Nịu, ngang qua
Phong Lai rồi rẽ về Đại Lộc. Nghe xong, ông anh gật gù :
Phong Lai Thượng, Phong Lai Hạ, thượng hạ Phong Lai.
Mình tròn xoe mắt, nhưng cũng nối lời ra vẻ :
Thế Chí Đông, Thế Chí Tây, đông tây Thế Chí.
Đến lượt anh mình ngạc nhiên : "Em cũng biết hai câu đối này
à?". "Em mới biết đây thôi". "Anh biết lâu rồi. Khi anh còn bé
chú (Cha, bố) anh đã đọc cho anh nghe, không những thế còn kể
về xuất xứ của hai câu đối đó nữa". Mình bảo anh kể, anh chỉ
nói ngắn gọn. Ngày xưa, làng Phong Lai và Thế Chí chưa tách
ra, sau này mới tách ra thượng, hạ, đông, tây. Khi tách như thế
Phong Lại Thượng mâu thuẫn với Phong Lại Hạ và ngược lại,
tương tự như thế Thế Chí Đông (nay là Điền Hải), Thế Chí Tây
(nay là Điền Hòa) cũng lình xình, lục đục với nhau vì chuyện
chia đất chía đai không đồng đều, cân bằng. Từ mâu thuẫn đến
kiện thưa lên huyện lên phủ nhưng không giải quyết được. Việc
đến tai vua Tự Đức, vua mời đại diện các làng lên và đọc hai
câu đối. Các vị đại diện hiểu ra ý nghĩa sâu xa của vị vua
giỏi thơ văn nên làm hòa với nhau. Từ đó, các làng sống yên
bình, thuận hòa với nhau cho đến ngày nay.
Nghe xong câu chuyện, mình suy nghĩ mãi. Tại sao anh không giải
thích rõ ý nghĩa câu đối ? Anh muốn dành cho mình sự tìm tòi
thú vị hay sao ? Trên đường về mình cứ tìm tòi ý nghĩa cặp
đối mãi. Và rồi "ngộ" ra. Ý vua Tự Đức muốn nói : Dù làng
Phong Lai hay Thế Chí có tách ra thành hai làng thượng, làng
hạ; làng đông, làng tây thì cũng đều là Phong Lai, Thế Chí cả.
Tất cả có cùng một cội nguồn, một truyền thống văn hóa,
phong tục tập quán; cớ sao lại phân biệt tranh chấp làm gì.
Tại sao lại gây ra cảnh "Gà cùng một mẹ" lại mãi hoài "đá
nhau"!
Thâm thúy thật! Qua hai câu đối mới thấy tài hoa và cơ trí của
một vị vua và cũng từ đó mới biết sức mạnh của nghệ thuật,
nghệ thuật là sứ điệp hòa bình, nó nối kết con người lại
với nhau bằng cái đẹp, bằng vẻ đẹp của tinh thần nhân văn bất
diệt.
HD, 15-1-20012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét