Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

269. VỀ NGÀY GIỖ TỔ

  Ngày hôm qua anh bạn đùa với cô gái làm cùng phòng : “Cháu ơi, chút nữa chú gửi tiền, cháu mua giùm ít trái cây nghe”. Cô gái hỏi lại : “để làm chi hở chú”. Ông bạn cười : “Ừ để mai giỗ Tổ Hùng Vương. À, mời cháu mai đến ăn giỗ nghe”…
      Đây là câu chuyện đùa một tí cho “đời lên hương”, cho sự mệt nhọc của công việc tan biến đi. Dù người nghe có thể chê trách, có thể bắt bẽ sao lại đem ngày giỗ Tổ thiêng liêng ra mà đùa!
Nhưng xét cho cùng thì sự đùa cợt ấy cũng chẳng làm tổn hại đến ai cả, ngược lại nó chứng tỏ một điều : là người Việt không ai không nhớ cội nguồn :
                         Dù ai đi ngược về xuôi,
                  Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Hay như thơ của Nguyễn Khoa Điềm :
                Hằng năm ăn đâu làm đâu
                Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ

                                                    (Chương V – Mặt đường khát vọng)
Ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba đã đi vào trong cái hằng ngày của mỗi người dân Việt. Ngày giỗ Tổ đã trở thành tín ngưỡng văn hóa, trở thành tình cảm cội nguồn cao cả trong tâm thức của người Việt. Cho nên, hằng năm nhân dân đều hành hương về Đền Hùng để làm lễ tưởng niệm đến Tiền nhân. Đây là một nét đẹp văn hóa, một biểu hiện vẻ đẹp tình nghĩa của cư dân lúa nước cần được tiếp nối, phát huy.
      Nghĩ như thế, cho nên, hằng năm vì không thể “hành phương Bắc” thì mình xem TV, đọc báo lắng lòng lại để chiêm ngưỡng, bái vọng Đức Hùng Vương và nét đẹp văn hóa của người Việt khi về Đất Tổ.  Thế nhưng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tâm trạng của mình lại có những xung đột, buồn vui lẫn lộn. Vui ngày giỗ Tổ diễn ra hết sức trang trọng, tôn nghiêm; buồn vì có nhiều bộ phận  đã làm hoen ố đi vẻ đẹp văn hóa của lễ hội này.


      Nếu chịu khó lướt vào các trang báo, chúng ta cũng không khó gì không nhận ra “cái xấu” cứ ngang nhiên, công khai lộng hành, tác oai tác quái ở khu vực lễ hội. Nào là nơi đất Tổ linh thiêng người ta ăn ở, nằm ngồi đủ kiểu, tạo nên sự nhếch nhác đến thảm hại. Nào là người ta xúm vào giếng Ngọc mà ném tiền lẻ để cầu xin tài lộc. Nào là có một nhóm hát quan họ không biết từ đâu đến hát múa giật gân, lại còn ngồi trên đùi người xem và ngữa nón xin tiền… Xin trích báo Tuổi Trẻ : “Tại đây nhóm hát quan họ mở những bản nhạc sàn với những động tác uốn éo, lời hát nhí nhố. Sau mỗi tiết mục ca hát những người tự xưng là liền anh, liền chị này lại thi nhau ngả nón moi tiền của khách. Nhiều người còn thô lỗ đến tận nơi lấy tay giật tiền từ tay khách”.


       Nghĩ mà buồn. Đây không phải là một hiện tượng cá biệt về “cái xấu” đang tồn tại và diễn ra trong các lễ hội ở nước ta. Hội hoa xuân Hà Nội nhiều năm không “hoa” chút nào. Lễ hội xin ấn đền Trần, nhiều năm không văn minh tẹo nào cả… Rồi lễ hội chùa Hương không còn màu Thiền : “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái - Lững lờ khe Yến cá nghe kinh” (Chu Mạnh Trinh - Hương Sơn phong cảnh ca). Tại sao cái không văn minh, không văn hóa cứ “sống dai” như thế. Những người có trách nhiệm quản lí văn hóa đâu? Người Việt hiện đại sao không phân biệt được đâu là tín ngưỡng văn hóa, sinh hoạt tâm linh với mê tín! Chuyện đổi tiền lẻ, rồi ném tiền lẻ, nhét tiền vào các chỗ có thể nhét được của tượng Thánh, Thần, Phật để cầu tài lộc, sức khỏe,… mình đã thấy lâu lắm rồi khi ra Bắc, và mới đây chứng kiến tại chùa Linh Ứng, Sơn Trà, Đà Nẵng! Nhưng đáng buồn hơn, dân ca quan họ là văn hóa phi vật thể độc đáo của dân tộc đã bị “đánh tráo” đã bị lợi dụng một cách trắng trợn!
       Buồn thay!  Thế mới biết xây dựng một xã hội văn minh, văn hóa không hề dễ chút nào!
                                                                                                                           31-3-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét