Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

234. NHỚ NHÀ THƠ XUÂN TÂM

       Đọc TT&VH online, giật mình trước bài báo : “Người thơ cuối cùng của Thi nhân Việt Nam đã ra đi”. Người thơ ấy là ai ? Hóa ra đó là nhà thơ Xuân Tâm, một nhà thơ được Hoài Thanh - Hoài Chân ưu ái dành cho một chỗ ngồi trang trọng trong tuyển thơ “Thi nhân Việt Nam”. Nhà thơ đã ra đi mãi mãi, về với cõi vĩnh hằng ngày 4 - 2 - 2012. Đọc đến dòng tin này, tự dưng trong trí nhớ bỗng hiện về bài thơ NGHỈ HÈ của nhà thơ Đất Quảng - Xuân Tâm.
                                                            NGHỈ HÈ

                                  Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,
                                  Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
                                  Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
                                  Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!

                                  Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã,
                                  Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu.
                                 Chờ đêm nay; sáng sớm bước lên tàu,
                                 Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ.

                                 Trong khoảnh khắc sách, bài là giấy cũ,
                                 Nhớ làm chi. Thầy mẹ đợi, em trông.
                                 Trên đường làng huyết phượng nở thành bông,
                                 Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.

                                 Kiểm soát kĩ, có khi còn thiếu sót :
                                 Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui
                                 Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi,
                                 Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.
                                 
                                       (Lời tim non - 1941)

     Bài thơ vẫn  vọng vang trong trí nhớ, cảm xúc thơ vẫn tươi nguyên như ngày nào,… Vậy mà… Lòng cứ băn khoăn, cứ cộm lên một nỗi hồ nghi sự xác thực của chữ “cuối cùng”. Không biết Xuân Tâm có đúng là người thơ cuối cùng của “Thi nhân Việt Nam” giã từ cõi tạm không ? Vội vàng lật giở lại trang sách xưa. Trong phong trào thơ Mới (1932 - 1945), với vô vàn thi nhân, chỉ có 45 người thơ được tuyển vào “Thi nhân Việt Nam”. Từ Thế Lữ, “người đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này” đến Xuân Diệu, nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới”; từ thi sĩ cất tiếng khóc chào đời sớm nhất như Đông Hồ (1906 - 1969) đến nhà thơ muộn nhất là Tế Hanh (1921 - 2009), tất cả đã “cưỡi hạc vàng lên đàn tiên”. Và bây giờ là Xuân Tâm, nhà thơ “chứng nhân của phong trào Thơ mới”.
     Thế là tất cả các nhà thơ từ người dạo khúc mở đầu đến người tấu khúc vĩ thanh  của trường thơ Mới, những thi sĩ sinh thành và khơi dòng cho nền thi ca hiện đại Việt Nam đã rời cuộc chơi. Họ đi xa nhưng vẫn mãi ở trong vườn thơ đất nước, vẫn mãi mãi thanh xuân. Họ chỉ tạm vắng mặt trên cuộc đời này thôi, họ chỉ lãng du đâu đó, bởi người thơ thường không có tuổi, và thơ sẽ không chịu khuất phục thời gian, mỗi khi thơ họ còn tiếp tục, liên tục làm hồi hộp biết bao tâm hồn. Tôi nghĩ Xuân Tâm cũng thế, dẫu ông chỉ để lại một tập thơ “Lời tim non” (1941) và cũng chỉ được Hoài Thanh đánh giá : “Tìm kiếm Xuân Tâm hoài, tôi chỉ thấy một ít Xuân Diệu, một Huy Cận không buồn mênh mông, một xứ Huế không có cái bâng khuâng của Phan Văn Dật, cái vẻ tài hoa của Nguyễn Đình Thư, cái dáng non yếu của Mộng Huyền, cái vẻ ngây thơ của Thu Hồng cái ẩn ước của Thanh Tịnh...” hay : “Lời thơ vẫn một giọng nhẹ nhẹ, êm êm. Nó chậm chậm đi vào hồn ta như một buổi chiều Xuân Diệu.” Nhận xét của Hoài Thanh đã kín đáo và tế nhị khẳng định, thơ Xuân Tâm không có dấu ấn bản ngã của ông, hay phong cách thơ ông có sự bàng bạc những phong cách nghệ thuật của các nhà thơ Mới khác. Đó là một nhận xét không vui đối với một người cầm bút. Nhưng dẫu sao, Hoài Thanh cũng rất tình cảm với Xuân Tâm, bởi nhà phê bình tài hoa theo trường phái phê bình ấn tượng, lãng mạn này không dùng lời lẽ báng bỗ như viết về Nguyễn Vỹ : “Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng, trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau ra xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì”. Ngược lại, Hoài Thanh đã viết về Xuân Tâm với một giọng văn nhẹ nhàng : “Cảnh trời hay tình người. Xuân Tâm chỉ muốn hưởng ở xa xa. Có khi mơ tưởng cảnh Đế Thiên, người thấy những tượng đá thử thách thời gian. Nhưng thời gian đã chịu thua”.
      Đúng là “thời gian đã chịu thua” “tượng đá thử thách thời gian” là bài thơ “Nghỉ hè”. Sở dĩ, khẳng định như thế vì thế hệ chúng tôi đã thực sự rung động và đã mang bài thơ dọc theo hành trình đời của mình. Và những người thầy giáo  dạy văn bị chữ ám như chúng tôi vẫn còn nhớ đến Xuân Tâm và đã từng thả “chiếc lá thơ” đó vào dòng sông tâm hồn của học sinh mình để nó cùng thời gian miên viễn chảy trôi.
      Nhớ cái ngày xưa, khi còn tuổi nhỏ, bài thơ đã thực sự rung động tâm hồn tôi. Cứ mỗi lần hè về, trong lòng chúng tôi lại vang lên :
                                Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,
                                Đoàn trai non hớn hở ru nhau về.
                                Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
                                Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!
      Mặc dù, có là cậu học sinh từ nông thôn ra phố thị để học hay không, những câu thơ ấy vẫn đong đầy tâm trạng chúng tôi. Tuổi nhỏ hồn nhiên, ưa chạy nhảy vô tư, mê đánh đáo, đánh bi, mê ô quan và vui chơi giữa cuộc đời.  Cuộc đời trong con mắt ngây thơ của những cậu học trò nhỏ cũng chỉ là một sân chơi không rào giậu. Không gian cuộc đời là nơi trẻ thơ tung tăng ca hát và mơ mộng như Giang Nam từng viết : “Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường – Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ – Ai bảo chăn trâu là khổ - Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao - Những ngày trồn học đuổi bướm cạnh cầu ao – Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc – Có cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích – Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)” (Quê hương). Thế mà phải ngày hai buổi đến trường, ngày hai buổi giam mình trong lớp học, tuổi nhỏ nào mà không thấy quẩn chân. Và cứ thế chín tháng đằng đẳng miệt mài sách vở… đóng khung và lặp mòn. Trong tâm trạng ấy mới thấy “giờ cuối cùng” của năm học “đã hết” là cả một sự vỡ òa của niềm vui “sung sướng quá”. Chính khoảnh khắc ấy sẽ mở ra trong trí trưởng, trong mơ ước của “đoàn trai non” cả một không gian bay nhảy, không gian tươi đẹp. Đọc câu thơ mang màu sắc cảm thán “Ôi  tất cả mùa xuân trong mùa hạ!”, ta có cảm giác nó chứa đựng sự nghịch lí. Nhưng nhìn từ tâm trạng của những học trò nhỏ mới thấy câu thơ không là hiện thực mà là ước mơ, không diễn tả quy luật thời gian, sắc màu của mùa mà nói lên quy luật tâm lí, sắc màu tâm trạng của con người. Mùa hạ mà không có “Cái nóng nung người nóng nóng ghê”. Thay vào đó là bầu khí của mùa xuân, mùa xuân của niềm hạnh phúc được trở về bên “Thầy mẹ đợi, em trông”, được đi trên con đường làng thân thuộc có “huyết phượng nở thành bông”, được thơ thẩn, leo trèo giữa “vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt”. Cảm xúc thơ như thế là một cảm xúc thật, mà đã là cảm xúc thật nên mới là thơ hay.
       Từ sự bùng vỡ cảm xúc vào “giờ cuối cùng đã hết” ấy, tâm trạng của “đoàn trai non” trong thơ cứ thắt thỏm trải theo từng bước đi của thời gian. Ở lằn ranh thời gian mong manh giữa quá khứ và hiện tại, sách, bài không còn trong tâm trí mà đã “vẫy tay” giã biệt lùi về dĩ vãng : “Trong khoảnh khắc sách, bài là giấy cũ”. Đêm thì “Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ”, bởi “Chờ đêm nay; sáng sớm bước lên tàu”. Ngay trong giây phút giã từ bạn học “Tay bắt tay, hồn chẳng chút bùi ngùi”, tưởng tâm hồn khô cứng, nhưng không phải vậy, vì với tuổi học trò, nghỉ hè đâu phải là chia li. Và nhất là ở khoảnh khắc chuẩn bị trở về “miền quê” yêu thương, những cậu “trai non” ý thức về mình hơn là quan tâm đến người khác ấy làm sao có thể “nhốt” được tâm trạng “sung sướng quá”  của mình đúng như nhà thơ đã viết : “Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui”.
      Đấy, “Nghỉ hè” đã tạo được sự đồng cảm với thế hệ chúng tôi, và với những ai đã từng cắp sách đến trường bằng tiếng nói trữ tình tuổi thơ như thế đấy. Với sự đồng điệu cảm xúc nói trên, và qua thời gian, tôi nghĩ bài thơ sẽ không nép mình sau bức màn thời gian. Bài thơ sẽ được bạn đọc yêu mến mà vén bức màn thời gian kia. Và Xuân Tâm (1916 - 2012) dù có là nhà thơ cuối cùng của “Thi nhân Việt Nam” đã ra đi thì người thơ ấy vẫn không là người cuối cùng mãi sống trên thi đàn dân tộc ta.  Bởi trong lịch sử thi ca không hiếm những thi sĩ sống cùng thời gian với một và chỉ một bài thơ.
HD, 9 - 2 – 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét