Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

301. TƯƠNG GIAO

Nhà thơ xứ Phù Tang Buson nhả chữ :

Những chiếc lá rơi!
Khi gió tây thổi đến
Chúng tràn cả về đông.
Bài thơ viết về những chiếc lá khô vàng rơi xuống, chúng được cơn gió từ phía

tây thổi dạt về đông. Nếu nói tả thì bài thơ chỉ phác thảo một vài nét tạo vật. Nhưng nếu nói thơ cốt thể hiện linh hồn của sự vật hiện tượng thì cũng không có gì đáng băn khoăn vì bài thơ đã chuyên chở được điệu hồn, sự sống của lá và gió. Mọi vật tưởng chừng đã sống, đang sống và sẽ sống đời sống tự nhiên đúng như bản chất của chúng. Lá rơi, gió thổi từ tây sang đông. Nghìn năm trước chúng vận động như thế, nghìn năm sau cũng chẳng thay đổi đường bay, phương đến. Sự vật chỉ sống khi sống đúng bản chất của mình. Nhưng quan trọng nhất là sự sống ấy không khuôn mình trong vỏ bọc cá thể mà cởi bỏ lớp áo riêng tây để cùng tương giao, hòa hợp một cách diệu kì. Sự hòa hợp ấy nằm trong tinh thần của chữ "chúng" mà nhà thơ không do dự đặt vào dòng cuối của bài thơ.
Cũng tinh thần hòa hợp tạo vật làm nên vẻ đẹp huyền nhiệm của vũ trụ ấy, nhà thơ Chiyo tinh tế hạ bút:

Một nhành bìm bìm hoa tía
Quấn quanh chiếc gàu
Ta sang hàng xóm xin nước thôi.
Trước đây khi cảm thụ bài thơ này, nhiều người đã nghiêng mình trước ứng xử nhân đạo với nhành hoa bìm bìm, và cũng nhiều bạn trầm trồ thán phục trước tấc lòng yêu quý và thái độ nâng niu cái đẹp của nhà thơ nữ Nhật Bản này. Cùng một tác phẩm nhưng mỗi bạn đọc có một góc nhìn dựa trên cơ sở một tầm nhìn khác nhau. Điều đó chẳng có gì là lạ. Tuy vậy, nếu nhìn bài thơ từ "con mắt thiền học" thì lại khác. Nhà thơ sang nhà hàng xóm xin một ngụm nước uống buổi sáng không chỉ vì trân trọng cái đẹp mà còn sợ phá vỡ sự thân mật  tuyệt diệu của nhánh dây leo với chiếc gàu múc nước sau một đêm yên tĩnh.
Còn nhà thơ Onitsura thì tìm thấy tiếng ngàn thông thầm thì trong gió lạnh:

Một làn gió lạnh
Không gian tràn ngập
Tiếng ngàn thông thầm thì.
Giọng thơ nhẹ nhàng, điệu thơ khoan thai. Không gian thơ vận động từ hẹp đến rộng, từ "một làn gió lạnh" đến "tiếng ngàn thông thầm thì". Cái nhìn của nhà thơ từ một điểm mà mở ra cái diện vô cùng bát ngát. Điều thú vị ở đây là dù thông và gió là hai sự vật riêng lẻ, nhưng trong trời đất này chúng mãi "sống cùng" với nhau. Cả hai hòa điệu gài lồng vào nhau như sự sống ngàn đời của chúng và của đất trời.
Ba bài thơ, ba tác giả nhưng có chung một điểm nhìn. Tạo vật thiên nhiên từ vô thủy đến vô chung đều giao hòa như bản chất vốn có của chúng.
                                                                                                                                            HD, 18-5-2012   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét