Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

281. THƠ HUY CẬN (TT)

1. Huy Cận tham gia vào hoạt động văn chương khi còn học bậc Thành chung. Với bút danh Hán Quỳ, ông đã viết một số bài bình luận văn học đăng ở báo Tràng An, báo Sông Hương. Năm 1938, ông đăng bài thơ Chiều xưa trên báo Ngày Nay, số Tết. Sự nghiệp thơ ca của Huy Cận có thể chia là hai giai đoạn như sau :
     Trước năm 1945, Huy Cận trình thông hành để bước vào làng văn với tập Lửa thiêng (1940).
Tập thơ được xem là một trong những tập “toàn bích nhất của giai đoạn 1932 – 1945”. Với hơn 50 bài thơ, tập thơ đã khẳng định tầm vóc cao lớn của Huy Cận trên thi đàn thơ mới. Và dù có là đứa con đầu lòng, nhưng tập thơ đã thực sự kết tinh những đặc điểm cơ bản của hồn thơ Huy Cận, “một hồn thơ “mang linh hồn trời đất” và mang nặng tình đời, tình người và tình yêu sự sống” (Xuân Diệu).
      Sau năm 1945, Huy Cận tưởng như đã có lúc để cho cây bút tạm nghỉ trên hành trình sáng tác, nhưng thực ra đó là thời gian ông dùng để tích nhựa cho hồn thơ của mình. Đến năm 1958, nhà thơ đã bước tiếp trên con đường sáng tạo dài hơn nửa thế kỉ. Với độ chín của tài năng và tư tưởng cảm xúc, nhà thơ đã trở thành một cây đại thụ của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Và chính từ mùa thơ mới này, ông đã gửi lại cho đời một gia tài thơ đồ sộ gồm 20 tập.
       Sau chuyến đi thực tế dài ngày ở Quảng Ninh, nhà thơ đã ra mắt bạn đọc những tập thơ : Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Đất nở hoa (1960), Bài thơ cuộc đời (1963). Ba tập thơ đã thể hiện sự tìm tòi, thể nghiệm, đổi mới nghệ thuật thơ của nhà thơ. Ở những tập thơ này, hồn thơ Huy Cận rộng mới hơn, đời đã ùa vào tạo cho thơ nhiều sinh lực hơn. Thơ không còn là nỗi buồn của cái tôi đi một một mình giữa trời đất bao la nữa. Trong thơ,  cái tôi của nhà thơ say sưa, hoan ca cùng mọi người trong nhịp đời lao động mới, trong mối quan hệ gắn bó với cộng đồng xã hội. Cảm xúc thơ của ông đã hướng đến những mảnh đời, những số phận cụ thể đang lớn lên, đang hồng hào da thịt, đang tắm mát giữa suối nguồn hạnh phúc trong cuộc đời chung.
      Tập Hai bàn tay em (1967) là một tập thơ tiêu biểu trong những tập thơ viết cho thiếu nhi của nhà thơ Huy Cận. Đây là mảng thơ có hương vị đặc biệt, thấm đẫm tấc lòng thiết tha của nhà thơ đối với trẻ thơ, đối với cuộc đời. Cái tôi trữ tình của Huy Cận đã hoá thân vào những cô bé cậu bé hồn nhiên, ngây thơ để khám phá thế giới qua những hình ảnh ngộ nghĩnh : hai bàn tay cãi nhau, cuộc chơi trốn tìm với dế, hay “gió phùng má thổi”,…
       Những tập thơ : Những năm sáu mươi (1968), Chiến trường gần đến chiến trường xa (1973), Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (1975),…Thông qua số phận cá nhân để khái quát lên vẻ đẹp của cộng đồng và dân tộc. Đó là hài hoà giữa anh hùng và nghệ sĩ, giữa khí phách với lòng nhân ái của con người Việt Nam. Các tập thơ đã thể hiện cái nhìn của nhà thơ về con người trong mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, từ đó khẳng định sức mạnh của dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc. Riêng Ngày hằng sống, ngày hằng thơ là sự tiếp nối mạch thơ vui đằm thắm ngợi ca lao động dựng xây, ca ngợi cuộc sống tươi sáng. Hồn thơ Huy Cận vẫn hài hoà điệu sống của con người, của cây trái mùa màng bằng một tấm lòng trẻ tráng, hiền hoà và tha thiết thiết mê say.
       Từ năm 1975, Huy cận vẫn cần mẫn gieo hạt đều đặn trong vườn thơ ông. Và hạt đã nẩy mầm đâm chồi vươn lên thành những tập thơ : Ngôi nhà giữa nắng (1978), Hạt lại gieo (1984), Chim làm ra gió (1991), Lời tâm nguyện cùng hai thế kỉ (1997),…
        Tóm lại, với đời thơ dài, hồn thơ đã chín, Huy Cận đã có những mùa gặt vui thi ca trên cánh đồng đất nở hoa. Thơ ông thực sự có bản sắc riêng, một phong cách thơ thực sự ổn định, không thể trộn lẫn với ai, càng không bị nhoè mờ đi trước hình sắc thơ của các tác giả khác. Thơ Huy Cận đã có sự kết hợp hài hoà giữa hai nền văn hoá Đông – Tây, vừa mang sức sống mạnh mẽ của truyền thống, vừa có hơi thở và dấu ấn của thời đại mới. 
      2. Phong cách nghệ thuật thơ :
        Giữa vườn thơ mới, Huy Cận đã tạo được cho mình một luống hoa riêng, đậm dấu ấn cá tính sáng tạo của ông. Có thể điểm một vài nét đặc điểm phong cách thơ ông như :

       - Hồn thơ Huy Cận rất dồi dào và đa dạng. Hồn thơ ông từ xót xa trước phận người cô đơn giữa đời, giữa đất trời đến vui cùng nhân dân trước cuộc đời như đất nở hoa, như bài thơ ngọt lịm hương mật tình yêu sự sống. Thơ ông dù có màu buồn hay sắc vui đều là  tiếng nói yêu thương cuộc đời tha thiết, là lòng gắn bó sâu sắc với truyền thống dân tộc, là sự giao hoà giữa rộng rãi với vũ trụ, tạo vật thiên nhiên đất trời. Nhà thơ yêu đời nên thở dài xa xót trước nỗi cô đơn của con người trước vũ trụ “Không cầu gợi chút niềm thân mật – Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”. Nhà thơ yêu đời ngay cả khi đời cay đắng : “Yêu đời biết mấy cho bưa – Cả khi cay đắng đời chưa hết tình”.
       - Hình thức thơ đa dạng, nhưng nhuần nhị nhất vẫn là thể thơ lục bát, thể thơ bảy chữ, tám chữ của dân tộc. Lục bát là thể thơ thấm đượm “hơi thở của giống nòi” đã được Huy Cận kế thừa và phát triển tạo được một vẻ đẹp mới.  Lục bát Huy Cận cô đọng, đông đặc nhưng không bí hiểm. Lục bát Huy Cận mượt mà nhưng sâu lắng. Có người cho rằng  thơ lục bát Việt Nam có ba giai đoạn : lục bát ca dao, lục bát Nguyễn Du và lục bát Huy Cận. Nói như vậy cũng có cái lí của nó nhất là đối với thể lục bát trong thơ Huy Cận. Với ông, lục bát đã thấm vào hồn từ thuở nhỏ với những bài ví dặm 5 chữ xen những câu lục bát và lục bát Truyện Kiều của Nguyễn Du đã trở trở thành giai điệu vấn vương hồn ông. Thử lẫy ra đây một số bài để cảm nhận vẻ đẹp lục bát thơ của ông. Chiều xưa là bức tranh buồn thuở trước đã làm sống dậy tinh thần Á Đông qua những câu lục bát ngắn mà cách ngắt nhịp biến đổi tài tình : Ngàn năm sực tỉnh, lê thê - Trên thành non nhạt. Chiều tê cúi đầu. Ngậm ngùi là bài lục bát toàn bích, giàu chất thơ, giàu nhạc điệu, và giàu không gian : Nắng chia nửa bãi chiều rồi - Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu - Sợi buồn con nhện giăng mau - Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây. Buồn đêm mưa là biến tấu của điệu thức mưa. Những câu thơ lục bát như chao nghiêng theo tiếng mưa. Tiếng mưa do đó mà vang nhẹ như một cung đàn mau thưa, như một tiếng trò chuyện cùng vũ trụ nhỏ dần rồi vang vọng : Đêm mưa là nhớ không gian - Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la - Tai nương nước giọt mái nhà - Nghe trời nặng nặng nghe ta buồn buồn. Đẹp xưa là một bức tranh chấm phá những nét đẹp tạo vật thiên nhiên như một bức hoạ cổ nổi lên trong khung tranh lục bát đơn giản mà điêu luyện : Vi vu gió hút nẻo vàng -  Một trời thu rộng mấy hàng mây nao.
        - Thơ Huy Cận giàu chất triết lí qua nỗi khắc khoải không gian. Đi vào thế giới thơ Huy Cận, ta như sống trong cảm giác không gian. Không gian như rải ra rộng ngát trong thơ và trong hồn người. Đó là không gian mưa (Buồn đêm mưa), không gian vườn hoang (Ngậm ngùi), không gian con đường (Đi giữa dường thơm),  không gian thiên đường đã mất (Đẹp xưa, Chiều xưa, …),… Sau năm 1958 , không gian đậm nhất là không gian đời : Không gian biển (Đoàn thuyền đánh cá), không gian mưa xuân (Mưa xuân trên biển), không gian chùa (Các vị La hán chùa Tây Phương), không gian Kim tự tháp (Trò chuyện với Kim tự tháp),… Không gian trong thơ Huy Cận được vẽ ra bằng năm giác quan nên giàu sức biểu cảm. Và cũng vì thế, không gian thơ tưởng chừng cụ thể nhưng hoá ra mơ mộng, mang ý nghĩa triết học sâu sắc về con người cuộc đời và vũ trụ.  Ở Lửa thiêng, không gian là cõi biếc “hoá thân Thiên đường”. Nhà thơ như ở trong mặt đất cuộc sống lắm bụi trần mà hoài niệm đến “tê mê cõi biếc” biểu tượng của chân – thiện – mĩ, Thiên đường đã mất. Không gian Thiên đường ấy là không gian của nhạc và thơ, của cái đẹp mãi hút lấy tâm hồn hoài vọng tha thiết của thi sĩ : “Chở hồn lên tận chơi vơi – Trăm chèo của nhạc muôn lời của thơ” (Trông lên). Đến những vần thơ sau 1945, nhà thơ vẫn không thôi cảm giác không gian. Không gian mãi là câu hỏi triết lí nhân sinh mãi day dứt hồn trí ông. Đó là không gian thiền học – La Hán, nhưng cũng là không gian đời - chúng sinh : Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau – Quay theo tám hướng hỏi trời sâu – Một câu hỏi lớn. Không lời đáp – Cho đến bây giờ mặt vẫn chau (Các vị La Hán chùa Tây Phương). Đó là của một triết lí anh hùng mang màu sắc Việt Nam : Chẳng biết không gian ở đây có tất cả mấy chiều – Nhưng chắc chắn có chiều sâu sự thật – Những nhà hầm như cuộc sống soi gương (Chào Vĩnh Linh đất thánh). Và đó cũng là không gian nhức nhối câu hỏi phận người : Cát kêu lên nỗi hoài vọng lớn lao – Là cái chết khô, cát muốn hoá tế bào – Của tươi mát, thịt da, hoa lá – Thấy cái sống muốn mọc từ cát đá (Trò chuyện cùng Kim tự tháp).
        - Một hồn thơ hiện đại mà rất cổ điển :
         Nếu Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong tất cả những nhà thơ mới thì Huy Cận là nhà thơ có công tô bồi cho lâu đài thơ mới càng thêm lồng lộng sáng đẹp. Là một nhà thơ mới nhưng Huy Cận đã hoà vào đòng chảy của thơ mới một cách nhuần nhị những yếu tổ cổ điển của văn học trung đại Việt Nam, của Đường thi. Trong nỗi niềm “mang mang thiên cổ sầu” của người phương Đông xưa trước con người và vũ trụ, nhà thơ lồng vào đấy nỗi cô đơn của con người cá nhân ý thức cái tôi cá thể vừa tiếp thu được từ triết học và thơ ca phương Tây. Đúng như Vũ Ngọc Phan đã chỉ ra vẻ đẹp riêng của thơ Huy Cận qua Đẹp xưa, Tràng giang, Thu rừng, một vẻ đẹp trong sáng, thanh tao, cổ kính mang đậm phong vị Đường thi” : Nai cao gót lẫn sương mù – Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về - Sắc trời trôi nhạt dưới khe – Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng… . Cái tôi cá thể từ văn hoá văn học Pháp bước xuống cuộc đời để rồi cảm nhận nỗi cô đơn, bất lực của mình, nên ngoái nhìn về phía quê nhà, về phía truyền thống, mong cầu được sống vói cái ta làng xã ngày xưa. Thơ ông, do đó mà có sự hoà hợp giữa thi pháp thơ Đường với thi pháp thơ tượng trưng Pháp.

HD, 4- 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét