Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

270. NHỚ TRỊNH CÔNG SƠN

  Hôm nay, đúng là ngày mười hai năm trước đây, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đặt chân lên “đường xa vạn dặm”. Bồi hồi tưởng nhớ nhạc sĩ tài hoa này, tôi để lòng theo những nhạc phẩm của ông, đọc những bài viết về ông, bỗng nhiên thèm viết một vài dòng ngắn để tưởng nhớ “người hát rong” kì lạ giữa cuộc đời này.
     Thế là ướm bút lên trang giấy theo chỉ dẫn của cảm xúc. Vậy mà cứ lóng ngóng mãi. Tình thì
bảo viết, nhưng trí lại chưa mở ra một ý tưởng nào. Bởi tôi như quá thấp trước tượng đài ngất ngưởng của nhạc sĩ được xây bằng chữ nghĩa ngợi ca ông. Về cuộc đời và sáng tạo của Trịnh Công Sơn thì đã có cả một đại ngàn văn chương dành cho ông. Viết về nhạc ông thì không đủ kiến thức và độ nhạy bén để thẩm định. Viết về ca từ trong nhạc của ông, người ta đã đồng tình với nhau : ca từ của Trịnh Công Sơn là thơ, hát nhạc Trịnh là hát thơ.
      Lại nghĩ. Thời gian cứ sống đời sống của nó, nhưng những gì là cái đẹp, những gì là nghệ thuật vẫn cứ vượt lên thời gian để vĩnh tồn. Nhạc sĩ chính là một trong những con người mà trời trao cho sứ mệnh cao quý làm đẹp cuộc đời, làm cho tâm hồn con người không còn là gỗ đá nữa mà nhạy cảm hơn để  dễ dàng rung động trước vẻ đẹp của nhạc - biểu tượng vẻ đẹp của tâm hồn, từ đó con người biết yêu thương, biết tử tế với nhau hơn. Vì vậy, người nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp không bao giờ bị thời gian che khuất. Cái chết đối với họ chỉ là sự hóa thân để hằng hữu trong tâm hồn người yêu nghệ thuật. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng thế. Có cần gì tôi góp chữ tụng ca ? Nhưng nghĩ lại, là một người tiếp nhận âm nhạc và cũng là một con người, sao tôi lại không nhận ra sự thật : “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” cho dù chỉ “để gió cuốn đi”. Vậy thì… cớ sao tôi cứ mãi để cho ngọn bút bâng khuâng ?      
     Thôi thì “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Tôi sẽ tưởng niệm nhạc sĩ qua cảm nhận một trong những vần thơ không đề của chính ông. Vội vàng lật giở “Trịnh Công Sơn - cuộc đời, Âm nhạc, Thơ, Hội họa và suy tưởng”, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2005, và ghi lại chính xác bài thơ này:                                                        
                 Ở đây nếu ở trăm năm
                Xa em tôi có hằng trăm nỗi buồn
                Ở đây nếu ở đây luôn
                Xa em tôi sẽ hồn nhiên ngậm ngùi
.         
                                                            
    Bài thơ viết trong thời gian Trịnh đi thăm Canada vào năm 1992. Không có tựa, đầu bài thơ chỉ có dòng “lạc khoản” : “Thơ đùa chiều 22 Avril ở Montréal với bạn”. Dòng “lạc khoản” nêu rõ hoàn cảnh ra đời của bài thơ có không gian, thời gian, mục đích sáng tác cụ thể. Nếu đọc “hồn nhiên” cũng chỉ cảm nhận được ngần ấy thôi. Nhưng nếu lắng lòng mà đọc, đọc để “nghe trộm” tâm tình của người thơ trong văn bản thì sẽ thấy dòng đề từ ngắn ấy ẩn giấu một cái gì rất lạ và cũng rất thơ. Rõ ràng, nếu hiểu đây là bài thơ đùa với bạn vào chiều ở Avril, Montréal cũng không sai nhưng nếu hiểu, nhà thơ với bạn đùa “chiều 22 Avrl ở Montréal” thì cũng đúng. Cách hiểu thứ nhất có phần thật thà. Cách hiểu thứ hai đã chạm được phần hồn vía của câu chữ nên cũng thấu cảm được xúc cảm tâm tình của người viết. Hóa ra Trịnh không làm thơ đùa với bạn mà cùng bạn đùa với thời gian, đùa với “chiều”, đùa với khoảnh khắc khép lại một ngày, đùa với dấu hiệu đóng lại vòng hữu hạn của phận người! Cụ thể là đùa vời thời gian đang trôi qua “ở đây”, ở cõi tạm này. Mà đùa có nghĩa là đã nắm được thời gian trong tay, hiểu được bản chất của nó, của sự sống, cho nên không nhìn đời bằng cặp mắt buồn tối  như “Tôi có chờ đâu có đợi đâu – Đem chi xuân lại gợi thêm sầu – Với tôi tất cả đều vô nghĩa – Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau” (Chế Lan Viên), ngược lại nhìn đời bằng cặp mắt sán lán “Hãy cứ vui chơi cuộc đời - Dù ngày mai em như chim bay (…) Hãy cứ vui như mọi ngày - Dù chiều nay không ai qua đây” (Hãy cứ vui như mọi ngày) hay “Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời - Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy - Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi” (Bên đời quanh hiu).

                                                            Thủ bút của Trịnh Công Sơn

      Đúng đùa với “chiều” đời nên bài thơ vỏn vẹn bốn dòng thơ, hai cặp câu lục bát lặp lại cấu trúc nhưng không khép kín kiểu như : "Con kiến mà leo cành đa - Leo phải cảnh cụt leo ra leo vào – Con kiến mà leo cành đào – Leo phải cành cụt leo vào leo ra” (Ca dao) mà mở ra đến vô cùng. Nếu bài ca dao rút về bóng tối thì bài thơ cuả Trịnh hướng ra ánh sáng. Đó là cái mở ra của thời gian, từ “trăm năm” đến “đây luôn”. Chữ “luôn” là niềm khao khát thời gian không giới hạn trong không gian đời. Đó là sự trùng điệp mà nâng cao, mở rộng tâm trạng, từ “hằng trăm nỗi buồn” đến “hồn nhiên ngậm ngùi”. Cho nên, ta hiểu vì sao bài thơ có hai chữ “nếu” tấu lên bằng giọng giả định cợt cười rất có duyên. Giọng đùa nhưng mang màu sắc chiêm nghiệm về tình yêu và thân phận. Hiểu như vậy mới thấy bài thơ nhỏ những có chiều sâu triết mĩ. Suy tư thơ là tình xa và tình hòa hợp, tình ngắn ngủi và tình thiên thu, đời hữu hạn hay vô hạn,…Tất cả đều được thời gian “định phận”. Dù thế, tình yêu đôi lứa vẫn mặn nồng, tình yêu cuộc sống vẫn tinh khôi như thuở mới cất tiếng khóc chào đời.  Thơ hay lấy cảm xúc làm hình hài chứa đựng cốt tủy tư tưởng là thế. Cái mà người ta rung động với thơ là cảm xúc, nhưng cái để người ta nhớ thơ và sống với thơ là tư tưởng, là triết mĩ. Bài thơ của Trịnh Công Sơn đã có đủ các yếu tố thẩm mĩ đó nên xúc cảm được lòng tôi.
      Bài thơ ngắn lại không đề nó cho tôi nghĩ đến ca dao, chỉ có điều chàng trai trong ca dao không xưng “tôi”, không thể hiện rõ, cụ thể ý thức cá nhân cá thể. Rõ và đúng hơn là cái tôi trong ca dao là cái tôi làng xã, cái tôi công đồng; còn cái tôi trong bài thơ này là cái tôi thị dân, cái tôi đô thị. Hiểu như thế để thấy rằng bài thơ là cảm xúc tâm tình của con người hiện đại nhưng không xa rời mạch nguồn dân tộc, ngược lại vẫn thấm đẫm hồn xưa đất nước.
      Bài thơ với tôi là thế. Viết bài này tôi không muốn khẳng định hay đề cao tài năng thơ của Trịnh Công Sơn, điều đó đã có thời gian. Cuộc đời và sáng tác của Trịnh đã thực sự ngậm hương, làn hương đó sẽ được ngọn gió thời gian làm lan tỏa vào vô cùng. Còn tôi, bài này tôi dành để tưởng niệm một nhạc sĩ tài hoa của dân tộc Việt Nam thế kỉ XX.
HD,1-4-2012

3 nhận xét:

  1. Em chào thày! Em cũng là một học sinh yêu văn chương. Em mới biết trang web của thày nhưng em đã thấy rất hay và tìm được ở đây nhưng tư liệu văn học thực sự giá trị. Năm mới, em chúc thày luôn dồi dào sức khỏe, yêu nghề, và tiếp tục có những bài viết đăng tải để học trò yêu văn bốn phương có nơi mở rộng thêm kiến thức.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn em dã ghé vào thăm. Thầy chỉ viết những gì mình thấu cảm thôi. Chỉ mong có ích cho chính mình và cho người đọc dù chỉ một chút thôi. Thế cũng vui lắm rồi. Mong em có những phản hồi. Năm mới chúc em mãi trẻ trung, học giỏi.

    Trả lờiXóa
  3. thầy cho em hỏi : ý nghĩa bài hát để gió cuốn đi là gì ạ

    Trả lờiXóa