Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

244. THƯ VIỆN LÀNG TÔI

         Cách người Kế Môn trau dồi tri thức

      Làng Kế Môn (xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế) có một thư viện làng được một  người con của làng xây dựng với gần 5.000 đầu sách đủ các lĩnh vực, phục vụ nhu cầu tìm hiểu kiến thức của hàng nghìn người dân ở “vùng sâu” Phong Điền.
     Về làng Kế Môn, trên con đường thênh thang chạy sát bờ xôi ruộng mật, những ghế đá, hàng cây rợp bóng mát được những người con của làng - là doanh nhân thành đạt khắp mọi miền đất nước tài trợ xây dựng. Thư viện làng Kế Môn tọa lạc trên diện tích chừng hơn 400m2 trong khuôn viên một ngôi nhà rường đã hơn 100 tuổi. Hơn 10 năm trước, ông Hồ Huệ, một người thợ kim hoàn, hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh đã tặng khu đất và ngôi nhà rường rồi tự tay mua sắm sách báo làm thư viện miễn phí cho bà con nơi đây.

      Với gần 5.000 đầu sách trên tất cả mọi lĩnh vực là nguồn tư liệu phong phú cho người dân ở đây học tập, nghiên cứu mở mang kiến thức. Đặc biệt, nơi đây còn có sách về nông nghiệp giúp bà con nông dân tìm hiểu mở mang kiến thức, học hỏi cách làm hay từ sách, báo mang áp dụng vào sản xuất. Vào thư viện làng Kế Môn một hình ảnh dễ bắt gặp là những người nông dân một đời chân lấm tay bùn, quần ống săn ống thả tranh thủ giờ chiều rỗi việc đồng áng lại say sưa bên chồng sách xấp báo.

      Ông Hồ Tả Khanh, Trưởng thôn Kế Môn, góp ý: "Để phát triển vùng nông thôn Việt Nam, theo tôi việc thành lập và duy trì những thư viện làng như Kế Môn thật bổ ích. Bằng chứng là sau hơn 10 năm thành lập, đời sống tinh thần của bà con nơi đây được nâng cao hẳn, góp phần xây dựng làng văn hoá, đào tạo lớp trẻ là chủ nhân tương lai của làng".
       Anh Hồ Tả Khiêm, một nông dân ở đây, chia sẻ: “Tui thấy sách ở thư viện làng ni rất phong phú. Nước miềng đa số bộ phận người dân ở nông thôn, có được thư viện làng như ri thật bổ ích cho những nông dân như chúng tôi. Ở làng quê làm chi mà tiếp cận được với sách báo, nhưng ở Kế Môn, ra ngõ, vào thư viện làng là có sách, báo đọc ngay". Trong không gian ấm cúng của ngôi nhà rường, 4 tủ sách, 2 giá đựng được xếp đặt ngay ngắn. Trong các tủ, sách được phân ra từng lĩnh vực như: sách y học, lịch sử, nông dược, văn chương, giới tính…ngoài nguồn tư liệu về sách khá dồi dào, thư viện làng còn có cả truyện tranh, báo chí các loại luôn được cập nhật từng ngày.

      Thư viện làng còn có gian phòng riêng trưng bày về nông cụ như cối xay, oi đựng cá…, mô tả những công việc đồng áng của người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng. Chị Đặng Thị Thảo, người quản lý thư viện, cho hay: “Mỗi ngày thư viện đón hàng trăm đọc giả không chỉ là người dân trong xã mà con các xã lân cận đến tìm tư liệu, nghiên cứu sách báo". Đặc biệt ở thư viện làng còn có một “bảo tàng” về nông cụ là điểm tham quan thú vị cho nhiều du khách. Những nông cụ gợi lên hình ảnh người nông dân lam lũ, nó phù hợp với đa số người dân ở tỉnh nhà đều gắn với ruộng đồng.

                                                                  DUY PHIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét