Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

274. THƠ HUY CẬN

I. Tiểu sử và sự nghiệp văn chương:
    1. Tiểu sử:
    - Huy Cận tên là Cù Huy Cận, sinh ngày 31-5-1919, tại Đức Ân, Đức Thọ, Hà Tĩnh; trong một gia đình nông dân nghèo.
    - Học vỡ lòng ở quê. Năm 1939 vào Huế học tú tài, tham gia viết một số bài bình luận văn học đăng ở báo Tràng An, Sông Hương với bút danh: Hán Quỳ.

    - Năm 1938, đăng thơ bài “Chiều xưa”; Tháng 11- 1940, xuất bản tập thơ Lửa thiêng (3000 bản).
    - Tháng 6 năm 2001 được bầu Viện sĩ viện Hàn lâm thế giới về thơ tại Vêrona - Italia.
     2. Sự nghiệp văn chương:
    a. Trước năm 1945: Lửa thiêng (1940), Vũ trụ ca, Kinh cầu tự (1942).
    b. Sau năm 1945 - 1975: Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Đất nở hoa (1960), Bài thơ cuộc đời (1963), Những năm sáu mươi (1968), Từ chiến trường gần đến chiến trường xa (1973), Ngày hằng sống ngày hằng thơ (1975).
     Thơ viết cho thiếu nhi: Hai bàn tay em (1967), Phù Đổng thiên vương (1968), Thiếu niên anh hùng họp mặt (1973).
    c. Sau năm 1975: Ngôi nhà giữa nắng (1978), Hạt lại gieo (1984), Chim làm ra gió (1991), Lời tâm nguyện cùng hai thế kỉ (1997).
II. Hành trình thơ Huy Cận:
     1. Lửa thiêng:
     a. Huy Cận bước vào thi đàn bằng tâm hồn đa cảm, đa sầu; bằng nỗi khắc khoải không gian “hóa thân của thiên đường, của sự hòa đồng nguyên thủy thuở xưa” (Đỗ Lai Thúy). Huy Cận, nhà thơ của “một chiếc linh hồn nhỏ - Mang mang thiên cổ sầu” ấy đã dâng tặng đời tập thơ Lửa thiêng. Đúng như cái tên của nó, dù tập thơ có chĩu nặng lòng sầu nhân thế; nhưng Lửa thiêng trước sau vẫn là một ngọn lửa thiêng, ngọn lửa tâm linh thơ, một nguồn sáng của “niềm tin vào lương tri con người” (Hà Minh Đức). Do đó mà Huy Cận đã nhìn thấy được bóng dáng xưa của ngọn nguồn dân tộc, cảm được mạch sầu vũ trụ, nhịp buồn nhân gian và nhận ra bản thể của con người trong sự sống của thiên nhiên:
                Tai nương nước giọt mái nhà
                Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn
   

                             (Buồn đêm mưa)
        Hay:
                Hay lòng chàng vẫn tủi nắng sầu mưa
                Cùng đất nước và nặng buồn sông núi
   

                             (Mai sau)
    Nỗi buồn của Lửa thiêng là nỗi buồn của một hồn thơ yêu đời, yêu sống, của một tình yêu quê hương tha thiết của thi nhân.
    Tâm thức thi nhân trong Lửa thiêng luôn hướng tới đấng thiêng liêng để nói về nỗi đau khổ của kiếp người, của thân phận chính mình:
                    Hỡi thượng đế tôi cúi đầu trả lại
                    Linh hồn tôi là một kiếp đi hoang
                    Sầu đã chín xin người thôi hãy hái
                    Nhận tôi đi dầu địa ngục thiên đàng.

    Huy Cận nhìn đâu cũng thấy con người tội đồ, một bản thể tội lỗi luôn tự sám vì thấy sự ham muốn đam mê là nguồn cội khổ đau:
                    Tôi đâu biết thịt xương là sông núi
                    Chia biệt người ra từng xứ cô đơn
     

                           (Trình bày)
                    A thân thể một cái bình tội lỗi
                    Đất sơ sinh đã hóa lại bùn lầy

                                (Thân thể)
                    Thân quá nặng nên hồn sa xuống thấp
                    Chớ giận chi những kẻ mất thiên đường
     

                           (Thân thể)
    Cũng như các tác giả văn học lãng mạn khác, Huy cận nhìn thế giới có sự phân cực: trần thế và thiên đường; con người đối lập hồn  với xác. Trong Lửa thiêng phần hồn là lương tri, là sự tự ý thức của nhà thơ.
    Huy Cận tìm về nẻo xưa, thời xưa, nhưng không là cảm hứng hoài cổ quen thuộc trong thơ ca trung đại. Thơ Huy Cận tuy buồn, nhưng thanh thóat, cảm xúc và nghĩ suy về cuộc đời.
    Lửa thiêng nói nhiều đến hiện tại đầy thấm thía và xót xa.
         b. Quan niệm nghệ thuật về con người trong Lửa thiêng:
    - Huy Cận đặt con người trong quan hệ thể xác với linh hồn, thực và mộng. Nhà thơ thường nói đến “thân”, nhưng quan tâm nhất vẫn là “lòng”, “tấm lòng”, tình đời tình người sâu nặng. Từ cảm hứng thương thân chuyển dịch đến cảm hứng thương lòng. Thương thân là ý thức thực tại. Thương lòng là ý thức sự cô đơn giữa đời.
                    Nhưng cô độc đã thầm ghi trên trán
                    Lòng lạc loài ngay từ thuở sơ sinh

                                                           (Trình bày)
                    Lòng chàng xưa chốn nọ với nơi này
                    Đây hay đó chỉ dựng chòi cô độc

                                                            (Mai sau)
    Thơ Huy Cận thường nói đến khái niệm “lòng”: lòng hoảng hốt, lòng lạnh, lòng ru, lòng sầu, lòng buồn, lòng quạnh hiu,... Nhưng ông không trách đời, trách người mà tự trách, cắt nghĩa buồn đau từ bản chất tâm hồn mình:
                    Vì ta đợi cho nên người chẳng đến
                    Người ta xa, xa từ buổi sơ sinh

                                                             (Bi ca)
                    Chàng yêu lắm nên bị người hắt hủi
                    Chàng yêu lâu nên thiên hạ lìa xa.

                                                              (Mai sau)
            - Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Huy Cận là con người tấm lòng. Nếu Xuân Diệu cảm thụ thế giới bằng các giác quan mà đặc biệt là cảm giác thì Huy Cận cảm thụ thế giới chủ yếu bằng tâm hồn, bằng tấm lòng rộng mở suy tư. Con người tấm lòng là một phương diện tạo nét độc đáo trong quan niệm nghệ thuật của Huy Cận trong Lửa thiêng.
               Cảm nhận thế giới bằng tâm hồn nên thơ Huy Cận “hồn” tràn ra đến mênh mang. Đó là : hồn tôi, hồn em, hồn xưa, hồn quen, hồn bơ vơ, hồn lưu lạc, hồn đơn chiếc, hồn goá bụa, hồn nhớ thương, hồn bằng ngọc, hồn yên tĩnh,…
                    - Hồn bơ vơ tôi đi dạo giữa đời
                                              (Cầu khẩn)
                    - Hồn bơ vơ không biết tựa vào đâu
                                                (Trò chuyện)
                    - Hồn tôi đây thiên hạ bỏ lìa xa
                                                 (Trình bày)
                    - Linh hồn tôi goá bụa
                    Đơn chiếc giữa trần gian

                                         (Ê chề)
                    - Hồn đơn chiếc như đảo rời dặm biển
                    Suốt một đời như núi đứng riêng tây

                                         (Mai sau)
       Theo quan niệm của Huy Cận, hồn là yếu tố tinh thần gắn liền với niềm tin và lương tri của con người, là thế giới trong sáng thanh cao đối lập với cuộc đời trần tục.
    - Con người trong thơ Huy Cận là con người linh hồn được nghiệm sinh theo ba hướng : Không gian – thời gian, thiên đường – quá khứ, trần gian hiện tại.  Và cuối cùng, con người linh hồn  neo đậu ở tọa độ quá khứ - trời xưa:
                    - Đêm mơ lay ánh trăng tàn
                     Hồn xưa gởi tiếng thời gian trống dồn

                                                   (Chiều xưa)
                    - Da chiều mới tỏ sao Hôm
                    Màu thanh thiên đã vào ôm giữa hồn
                    … Gió qua là ngọn triều lên
                    Hiu hiu gió đẩy thuyền trên biển trời
                    Chở hồn lên tận chơi vơi
                    Trăm chèo của Nhạc muôn lời của Thơ
                    Quên thân như đã quên giờ
                    Tê mê cõi biếc bến bờn là đâu
       

                                                    (Trông lên)
    Và giữa trời xưa ấy, hồn thơ Huy Cận trú ngụ trong thiên nhiên và đã gặp hồn dân tộc.
        c. Không gian nghệ thuật:
Tuy vậy, Lửa thiêng cũng là một mảnh hồn tươi trẻ của Huy Cận nên có những bài thơ trong trẻo, hồn nhiên. Với Huy Cận, tấm lòng đẹp nhất đáng nâng niu nhất là tấm lòng của tuổi học trò mơ mộng, bởi đấy là khoảng thời gian mà : “Lòng mới nở giữa tay đời ấm áp”. Đó là thuở mộng thần tiên :
                      - Gió thổi sân trường chiều chủ nhật
                      - Ôi! Thời thơ bé tuổi mười lăm
                      Nắng hoe rải nhặt hoa trên đất
                      Đời dịu vừa như nguyệt trước rằm

                                                              (Học sinh)
                    - Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong
                      Hôm xưa, em đến mắt như lòng
                      Mở bừng ánh sáng, em đi đến
                      Gót ngọc dồn hương bước toả hồng

                                                              (Áo trắng)
    Đây là một không gian mở rộng, không gian của sự giao cảm, giao hoà tâm tình. Bên cạnh Tựu trường, Học sinh, Áo trắng; còn có những bài thơ như Tự tình, Đi giữa đường thơm, Ngậm ngùi, ... Huy Cận đã đưa con người từ cõi thực vào cõi mộng:
         + Đi giữa đường thơm: Nhà thơ đưa người đọc đi từ không gian làng quê đến với không gian tấm lòng (Lòng sẵn giắt ít hương hoa tưởng tượng), chiếc cầu nối hai bờ hư thực. Và rồi, tâm hồn con người như đắm chìm trong thế giới phi không gian và phi thời gian.
                    Cả không gian hồn hậu rất thơm tho
                    Gió hương đưa mùi, dìu dịu phất phơ.
         + Ngậm ngùi: Từ không gian vườn hoang bàng bạc sắc nắng chia hai, sẻ nửa; nhà thơ dẫn dắt người đọc vào thế giới của giấc mơ hòa hợp tình yêu:
                         Sợi buồn con nhện giăng mau
                     Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây
                         Lòng anh mở với quạt này
  

                  Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
    Sự hòa cảm tâm hồn ấy đã thu hẹp dần cõi thinh không bát ngát vào trong hồn người, và hồn người chỉ còn là:
                      Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau
                Và:
                      Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.

    Lửa thiêng có không gian nội tâm thông giao với không gian ngoại cảnh tạo nên sự hoà quyện giữa thực và ảo, giữa cảnh và tình, giữa hồn với hồn. Hồn thơ Huy Cận luôn chiếm lĩnh không gian tầng cao, không gian đa chiều mà Tràng giang là một bài thơ tiêu biểu.
        d. Thời gian nghệ thuật
           - Khi Đỗ Lai Thuý nhận xét hồn thơ Huy Cận là hồn thơ khắc khoải không gian, không có nghĩa trong thơ của ông không có niềm bâng khuâng về thời gian. Chỉ có điều : thời gian nghệ thuật trong thơ ông được chuyển hoá vào không gian, tạo thành một hồn thơ náu mình trong  không – thời gian hoà quyện.
          - Thơ Huy Cận vẫn có nét rưng rưng về thời gian,  vẫn có cảm giác thời gian : thời gian vũ trụ và thời gian trần thế, nhưng thời gian nhân thế là cảm giác nổi trội nhất.
            Nhà thơ hình dung cuộc đời của mỗi người là những chặng hành trình qua không gian và trong vòng thời gian nhân thế. Đời người luôn vận hành chuồi theo dòng chảy của thời gian nhân thế, dòng chảy của cuộc đời.
           + Trong Lửa thiêng, Huy Cận hay nói đến “đời”, “dòng đời”. Thời gian nhân thế vừa thuận chiều với thời gian vũ trụ nhưng vừa lặp lại theo vòng luân hồi của những kiếp người. Và khi thời gian kiếp người lặp lại thì thời gian tự nhiên ngừng trôi, lúc ấy con người có thể gặp lại người xưa, trò chuyện với người xưa. Như thế, thời gian nghệ thuật trong Lửa thiêng là thời gian quá khứ.
             Quá khứ ấy có thể là quá khứ gần và quá khứ xa. Nhưng dù thế nào chăng nữa thì hồn thơ Huy Cận trong Lửa thiêng luôn mải miết lội người dòng thời gian nhân thế để tìm hồn xưa và hoài niệm những chặng đời tươi đẹp trong quá khứ. Đấy là thuở niên thiếu, tuổi áo trắng nhiều cảm xúc và lắm mộng mơ. Cho nên, nhà thơ sống ở thực tại mà tưởng nghĩ nhiều đến thời tươi ấy bằng niềm hoài nhớ da diết và đẩy thời ấy đến mút cuối của thời gian quá khứ :
                    - Gió thổi sân trường chiều chủ nhật
                    Ôi thời thơ bé tuổi mười lăm

                                        (Học sinh) 
                    - Giờ náo nức của một thời trẻ dại
                    Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương
                    Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường
                    Rương nhỏ nhỏ với linh hồn bằng ngọc.
   

                                    (Tựu trường)
              Tâm trạng hoài niệm quá khứ của Huy Cận không chỉ dừng lại ở một đời người mà còn hướng tới quá khứ xa xưa của loài người. Trong tâm thức của nhà thơ, thời xưa xa ấy, loài người đã sống một cuộc sống êm đềm hạnh phúc mà ngày này đã vỡ rạn, không còn nữa :
                    Nghìn năm trước thuở các người mơ mộng
                    Yêu trăng sao và thương nhớ gió mây
                    Mê giai nhân, liễu mảnh với hồ đầy
                    Màu năm tháng cũng ngậm ngùi thế nhỉ

                                  (Trò chuyện) 
                Thuở ấy con người hoan ca cùng vũ trụ, giao hoà cùng tạo vật thiên nhiên. Thuở ấy tâm hồn con người luôn bằng an hạnh phúc, không bâng khuâng nhớ trời rộng sông dài, không giằng xé giữa hai bờ thực mộng.
                    Thời khắc đang đi nhịp thái bình
                    Dịu dàng gió nhạt thổi mây xanh
                    Hàng cây mở ngọn kêu chim đến
                    Hạnh phúc xem như chuyện đã đành
     

                                   (Bình yên)
          Thuở ấy nhịp thời gian êm ả lắm, tạo nên Đẹp xưa, Chiều xưa thật bình yên, trong đó không gian êm đềm quyện hoà với thời gian man mác để hồn xưa trú ngụ :
                    Đêm mơ lay ánh trăng tàn
                    Hồn xưa gửi tiếng thời gian trống dồn
       

                                     (Chiều xưa)
                 Trong không thời gian thuở xa xưa ấy, hồn thơ Huy Cận như một kẻ lữ thứ cô đơn trên hành trình tìm về nguồn cội loài người, tìm đến với cái nôi thiên nhiên bình yên, nhưng càng đi càng thấy heo hút :
                    Đi rồi, khuất ngựa sau non
                    Nhỏ thưa tràng đạt tiếng còn tịch liêu …
                    Trơ vơ buồn lọt quán chiều
                    Mái nghiêng nghiêng gửi buồn heo hút người

                                          (Đẹp xưa)                   
            + Trong Lửa thiêng còn có thời gian hiện tại. Hiện tại là điểm xuất phát của hành trình tìm về quá khứ. Quá khứ là ước mơ, còn hiện tại là nỗi buồn.
                    Lòng em nhớ lòng anh từ vạn kỉ
                    Gặp hôm nay nhưng hẹn đã ngàn xưa
                    Yêu giữa đời mà hồn ở trong mơ
                    Tình rộng quá đời không biên giới nữa

                                      (Tình tự)
             Với Huy Cận hiện tại ấy là thời gian chiều : Chiều tê cúi đầu, Chiều mồ côi, Chiều vĩnh biệt, Chiều quạnh quẽ, Chiều tận thế,…
                     - Nắng chia nửa bãi chiều rồi
                     Vườn hoang trinh nữ xếp đối lá rầu
                                                                                        Ngậm ngùi)
                    - Chàng yêu lắm nên bị đời hắt hủi
                    Chàng yêu lâu nên thiên hạ lìa xa
                    Chàng tự tình bằng những khúc bi ca
                    Chàng tâm sự với buổi chiều quạnh quẽ.
                                                                                            ( Mai sau)
                    - Ai chết đó ? Nhạc sầu chi lắm thế
                    Kèn đám ma hay ấy tiếng đau thương
                    Của cuộc đời ? Ai rút tự trong xương
                    Tiếng nức nở gửi gió đường quạnh quẽ
                    Sầu chi lắm trời ơi chiều tận thế

                                 (Nhạc sầu)
          - Thời gian nghệ thuật trong Lửa thiêng đã góp phần bộc lộ niềm khát khao chảy bỏng và cũng là nỗi thất vọng lớn của Huy Cận. Nhà thơ khao khát bất tử cùng thời gian khi tìm về quá khứ loài người, mơ gặp hồn ta trong vũ trụ ; nhưng cuối cùng chỉ thấy bóng mình đổ dài bơ vơ trên con đường thời gian vô tận :
                    Một chiếc linh hồn nhỏ
                    Mang mang thiên cổ sầu
    

                                 (Ê chề)                     
     2. Vũ trụ ca:
         Vũ trụ ca là cuộc hành trình tâm thức thi ca đến với một không gian thanh cao trong sạch, miền đất hứa của một linh hồn trong trẻo:
                    Sóng tự bờ đêm lên tới tấp
                    Trăng sao đưa đẩy nhịp vô cùng
                    Hai bờ sống chết đời ru võng
                    Trăng rộng, triều xa, gió cảm thông.
    

                                   (Lượng vui)
     Coĩ tiêu dao của Trang Tử.
    Trong Vũ trụ ca, không gian chủ yếu là không gian bầu trời:
                    Đi trong đêm rộng nghìn xa vắng
                    Ta đã theo sao đến đỉnh trời
                    Ta tạm nguôi quên buồn thế hệ
                    Tâm tư bè bạn gió trăng ơi.

                                    (Tao phùng)
    Vũ trụ ca mang ý nghĩa giải thoát về tinh thần:
                    Ta đi về đâu ta chẳng biết
                    Chỉ biết trời xanh là ta say
      

                                  (Xuân hành)
nhưng đậm chất Đạo gia và có tính chất ảo tưởng.
   3. Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa, Bài thơ cuộc đời: Những tập thơ này đã khẳng định một bước tiến mới trong cảm xúc tư tưởng thơ Huy Cận. Hồn thơ ông hướng về những người lao động, nói thay họ vẻ đẹp của niềm vui lao động:
                    Rồng không bay ở bốn đầu mái rạ
                    Nhưng cuộc đời dưới mái đã về ta.

                                   (Thợ mộc)
 Và ngợi ca vẻ đẹp hài hòa trong đời, sự cảm nhận sâu sắc sự hòa hợp giữa người và người trong xã hội.
    4. Những năm sau mươi, Chiến trường gần đến chiến trường xa, Ngày hằng sống ngày hằng thơ: Ca ngợi chủ nghĩa yêu nước anh hùng, tầm vóc thời đại của dân tộc ta. Con người nhìn nhận trong mối quan hệ với quê hương đất nước, chiều dài lịch sử dân tộc:
                    Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững
                    Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa
                    Trong và thật : sáng hai bờ suy tưởng
                    Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa.
   

                                 (Đi trên mảnh đất này)
     5. Ngôi nhà giữa nắng, Hạt lại gieo, Chim làm ra gió, Lời tâm nguyện cùng hai thế kỉ (ít tiếng vang)
     6. Điều đáng nói, thơ Huy Cận sau cách mạng tháng Tám vẫn là nỗi khắc không gian. Hồn thơ Huy Cận hướng vào không gian mà giao hòa với tạo vật, và nghe ngóng sức sống đang lên lặng thầm mà mạnh mẽ từ sâu thẳm linh hồn tạo vật vũ trụ:
                    Nghe nhân thơm trong trái nặng
                    Nghe nhựa ấm trong cành thưa.
  

 Ông cảm nhận về biển:
                    Trưa kim cương biển chóa hồn ta
                    Nước long lanh xuống tự thiên hà
       

                                         (Biển)
                    Thuyền không giao nối đây qua đó
                    Vạn thuở chờ mong một cánh buồm

                                        (Đảo)
                    Cái vui đầu sóng buồn chan sóng
                    Cùng lặn chiều hôm nét đỏ au
    

                             (Ta viết bài thơ gọi biển về)
                    Hai bờ sống chết đời ru võng
                    Trăng rộng, triều xa, gió cảm thông

    Cảm nhận Kim Tự tháp:
                    Mênh mông sa mạc. Cát làm ngày
                    Cát làm đêm nữa. Trăng phơi cát
                    Sao sáng đằng xa hay cát bay.

                                (Trò chuyện với Kim Tự tháp)
                    Thời tươi trẻ nằm nghiêng vì giân tủi
                    Nay ta đi cái nghiêng ấy hờn ai
                    Hờn tạo hóa bày ra chi bóng tối
  

                    Sao tâm linh phải mang hận hình hài.               
    Tóm lại, Huy Cận là nhà thơ của tình đời tình người và tình yêu sự sống. Điều đó thể hiện qua tư duy thơ, tư duy nghệ thuật: nhìn cuộc đời qua sự sống cỏ cây. Đó là cái nhìn thế giới đậm dấu ấn tinh thần dân tộc.
III. Kết luận
   1. Cả cuộc đời cầm bút, Huy Cận làm say lòng người chỉ với "Lửa thiêng" bởi ở đấy ta gặp một cái tôi trữ tình chân thành và gáu xúc cảm:
                    Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm

                    Gió trăng ơi nay còn nhớ người chăng ?
                    Hơn một lần chàng đã gửi cho trăng
                    Nỗi hiu quạnh của hồn buồn vô cớ
                    Thuở chàng sống thì lòng chàng hay nhớ
                    Nỗi nhớ thương không biết đã tan chưa ?
                    Hay lòng chàng vẫn tủi nắng sầu mưa ?
                    Cùng đất nước mà nặng buồn sông núi ?
                                                                                          (Mai sau)
   2.  Thơ Huy Cận kết tinh tiếng nói của nhiều miền đất nước. Thơ ông thấm đẫm  tinh thần dân tộc nhưng vẫn rất hiện đại. “Huy Cận đi lượm những chút buồn rơi rác để rồi sáng tạo nên những vần thơ ảo não. Người đời sẽ ngạc nhiên vì không ngờ vì một ít cát bụi tầm thường thi nhân lại có thể đúc thành bao nhiêu châu ngọc” (Hoài Thanh).  
   3. “Khi chiếm lĩnh cuộc sống bằng thơ, Huy Cận đã lấy hồn mình làm chất liệu. Đẩy nó lên đến tột cifng con đường Thơ mới nói chung, còn với thi sĩ nói riêng đã biến đổi cái hiện thực khách quan ấy bằng việc lộn trái nó ra, nhúng tất cả vào không gian tâm trạng của riêng mình” (Lê Bảo).
                                                                  ______________________                                                                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét