Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

282. QUẢ DƯA GANG


      Lang thang vào thơ haiku, bỗng gặp Shiki :
                                                               Trăng lặn vào mây:
                                                               Sao ta lại không mượn tạm
                                                               Một quả dưa nhỏ mọng nước ?

      Đọc bài thơ, tự dưng trí nghĩ như  bị đẩy dạt trôi về miền tuổi nhỏ ở quê nhà. Cái thời ấy, không kể lũ bạn chăn trâu, mình hội đủ ba thứ mà khi nhắc đến ai cũng thở dài ngán ngẫm, ba thứ đó là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Chỉ có điều mình là thằng được đánh giá là “hoang
ngầm”, trông tẩm ngẩm tầm ngầm thế mà trổ trời mà lên. Nói oan thì có oan, nói không oan thì chẳng sai chút nào. Một trong những trò hoang nghịch của mình lúc ấy là ăn trộm dưa gang.
      Thật ra, dưa gang thì chẳng xa lạ và cũng chẳng quý hiếm gì đối với những người nhà quê, nhưng bữa ăn quê mùa. Dưa cắt lát chấm ruốc ghém với rau thơm. Dưa thái mỏng bóp muối chấm nước mắm ớt. Dưa muối chua, thái mỏng chấm nước mắm ớt. Dưa thái lớn kho nước làm canh. Dưa ăn chơi, chẳng cắt gì cả chỉ cầm hai tay đưa lên rồi xuống đầu gối, thể là gãy đôi, và cứ thế mà cắn nhai dòn tan, mát ngỏ cả ruột. Những món dưa gang trong bữa ăn tưởng chừng ngán lên tận cổ, thế mà với tôi và lũ bạn vẫn cứ thèm đi ăn trộm dưa. Vào mùa dưa, ruộng này ruộng kia người vun luống trồng dưa, đến kì quả lớn đi ngang, chao ôi thèm đến lạ. Thế là cứ trông cho hết mùa trăng để mò xuống ruộng dưa mà bứt quả, rồi cùng lũ bạn góp vào mà ăn chung với nhau.


      Có một bận, mới nhập hội “đạo chích dưa gang”, lóng ngóng chẳng mò được trái nào, đành ăn ké với bạn. Chúng nó cười và bảo thằng này hậu đậu. Đành chống chế, tại trời tối thui, có thấy chi mô!. Chúng nó lại cười. Một thằng dày dạn kinh nghiệm, thành thuộc trong nghề “trộm dưa” mách nước, truyền nghề. Mày ngu vừa vừa thôi. Ai lại dùng cái bàn tay bé tẹo của mày mà mò mò vào đêm tối, làm sao mà bứt được dưa gang. Nghe đây này. Nếu mò được luống dưa rồi, mày nằm xuống mà lăn, nghe lưng cộm lên là quả dưa đó, cộm nhiều dưa lớn cộm ít dưa bé. Tha hồ mà chọn mà bứt. Hiểu chưa ? Hiểu rồi. Quả là trăm hay không bằng tay quen, đi một đêm dài học được một bài khôn khôn. Từ đó, mình trở thành diệu thủ dưa gang, danh tiếng nổi hơn cồn.
      Cho nên,  hôm nay đọc bài cú của Shiki, thấy mình và nhà thơ thiền sư này sao mà có chỗ giống nhau dữ. Chỉ khác một điều, giá như ngày xưa mình có hồn thơ lai láng, mình biết thơ haiku chắc sẽ làm bài thơ không y chang thì cũng na ná Shiki rồi. Không chỉ làm một bài mà cả một ngàn bài không biết chừng. Không giống sao ? Thì đây, Chimoyo Horioka, một tăng sĩ Phật giáo, Hội trưởng Hội Phật tử Cambridge, bình bài thơ của Shiki như sau :
      “Một đám mây lướt qua, che khuất vầng trăng. Cảnh vật bên dưới bỗng chốc tối sầm lại. Sẵn có luống dưa ngay bên cạnh, kẻ ngắm trăng chợt thèm vị dưa tươi mát. Ngắt một quả dưa nhỏ để nhấp nháp, thực lòng cho rằng đó là mượn tạm, chẳng hề toan tính vụng trộm. Ai lại nỡ trách kẻ ngắm trăng vô tư như thế ? Xét cho cùng, người ta không thể sống chỉ bằng cách ngắm trăng suông” (Thiền trong Hội họa – Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2004, tr.28).
       Không, không khác lắm. Một bên là quả dưa ăn trộm, dù đó chỉ là trò hoang nghịch của trẻ nhỏ. Dù hồn nhiên vẫn là hành động cố ý làm hại đến người khác. Một bên là quả dưa “mượn tạm” để sống mà vươn đến “lãnh địa” của cái đẹp của thực chứng diệu ngộ. Một bên không có quả dưa vẫn sống, một bên đã thấu hiểu nguyên lí thiền : “Bản chất thực tại của cuộc sống vốn hiện hữu trong những sự vật và sinh hoạt đời thường”.
       Đúng thật, đúng thật! Một quả dưa mà hai cái nhìn đạo và đời rất khác nhau.
   HD, 22-4-2012     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét