Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

287. VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC (p2)

III. Mối quan hệ giữa văn hoá và văn học.
     Bakhtin: “Văn học là một bộ phận không thể tách rời của văn hoá. Không thể hiểu nó ngoài cái mạch nguyên vẹn của toàn bộ văn hoá một thời đại trong đó nó tồn tại, không được tách nó khỏi các bộ phận khác của văn hoá, cũng như không được như người ta vẫn làm, là trực tiếp gắn nó với các nhân tố xã hội; kinh tế vượt qua đầu văn hoá. Những nhân tố xã
hội, kinh tế tác động tới toàn bộ văn hoá nói chung và chỉ thông qua văn hoá, cùng với văn hoá mới tác động tới văn học” (Một số vấn đề cần lưu ý khi nghiên cứu văn học quá khứ, Các vấn đề của khoa học văn học, Nxb KHXH, Hà Nội, 1990, tr. 316), “Văn hoá như một dòng thác chảy mạnh mẽ ở bề sâu, thật sự có tác động đến nhà văn,...” (tài liệu đã dẫn, tr. 363)
    M. Kagan: “Nghệ thuật một mặt trở thành sự tự ý thức của văn hoá, mặt khác trở thành mã (code) của văn hoá” (Tiếp cận văn hoá học để nghiên cứu nghệ thuật sân khấu, Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, số 3/1983, tr. 95)
     Goeth: “Nếu xem xét một tài năng lớn thì luôn biết rằng con người ấy đã biết vận dụng những giá trị ưu việt của cha ông mình và chính nhờ vậy anh ta đã trở thành vĩ đại” (Dẫn theo Nguyễn Duy Bắc, Bản sắc dân tộc trong thi ca cách mạng, tr. 8)
    G.N. Pôpêlôp: “Dấu ấn của các truyền thống văn hóa dân tộc ... cách này hay cách khác đều in đậm ở chủ thể lời nói trữ tình” (Dẫn luận nghiên cứu văn học).
     Phương Lựu: “Tính dân tộc lại càng xuyên thấm trong việc thể hiện hình tượng và nhân vật, kể cả nhân vật trữ tình với những tâm hồn và tính cách dân tộc” (Tìm hiểu nguyên lí văn chương, tr. 154)
IV. Sự thể hiện văn hoá trong thơ ca dân tộc.
     1. Tình yêu quê hương đất nước qua những biểu tượng làng:
       a. Xã hội Việt Nam cổ truyền dựa trên cơ sở nền văn minh nông nghiệp, nền văn minh lúa nước lấy tổ chức làng làm nền tảng. Làng là chiếc nôi văn hoá của người Việt. Làng là nơi sinh tồn của những con người: cùng chỗ, cùng huyết thống và cùng lợi ích. Và Nước chính là sự kéo dài mở rộng của làng. Làng là đơn vị tế bào của nước” (Phan Ngọc, Tâm lí người Việt Nam trong lịch sử, tr. 36).
       b. Làng là một sinh quyển có những hằng số gần gũi, thân thiết và gắn bó: Cây đa, bến nước, con đò, dòng sông, cánh đồng, cánh cò, non xanh nước biếc, nhịp chày giã gạo, tiếng chuông chùa, trẻ mục đồng, tiếng sáo diều, hội hè, truyền thống phong tục tập quán khác,... Chính những biểu tượng văn hoá làng quê đã đi vào văn học trở thành những hình tượng nghệ thuật thấm đậm tình quê của các nhà văn nhà thơ.
              “Làng anh có con sông êm
              Cho em tắm mát những đêm mùa hè”

                         (Ca Dao)
              “Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
               Bóng chiều man mác có dường không
               Theo hồi kèn mục trâu về hết
               Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”
                    (Trần Nhân Tông – Thiên Trường vãn vọng)
               “Ba lần trong chiêm bao tìm về làng cũ
                Luống đem nước mắt lẫn máu thấm mồ tổ tiên”

                    (Nguyễn Trãi – Trong thuyền về Côn Sơn cảm tác)
         Cảnh vật trong thơ Hồ Xuân Hương thường là những chùa chiền hang động, thắng cảnh quen thuộc: “Hang Cắc cớ”, đèo Ba Dội”, chùa Quán Sứ”, Động Hương Tích”, Hang Thanh Hoá”, “chùa Thầy”,...
         Nguyễn Khuyến đã quyện chặt hồn mình vào trong những biểu trưng sinh thái làng cảnh vùng Hà Nam cũ: Chim chóc, cây cối, hoa lá, con trâu, con vịt, con gà, con chó, đường làng, ngõ trúc, ao chuôm,...
         Phong trào Thơ Mới bức tranh quê hiện lên giàu có phong phú và thấm đượm cảm xúc chân thật tình cảm quê hương của các nhà thơ Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Tế Hanh, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Anh thơ,...
         Hà Minh Đức: “Dường như trên chất liệu thi ca này hồn thơ dễ nhập vào nguồn mạch của truyền thống dân tộc, nói lên phần thiết tha, quyến luyến một cách chân thực nhất và cũng là trong sáng nhất của đời mình. Ở các tác giả này nông thôn không chỉ là đề tài, là cảnh vật, phong tục tập quán mà sâu xa hơn là mảng hồn thơ trong trẻo nhất ở mỗi người bắt gặp hồn quê hương, đất nước” (Thời gian và trang sách)
         Trong thơ ca Cách mạng, làng quê lại có những hằng số mới:
             - Mái rạ:
                 “Bao năm rồi gửi lại quê hương
                  Mái lều gianh tiếng mõ đêm trường
                  (...)
                  Làng xuôi, xóm ngược mái rạ như nhau”
  

                              (Hồng Nguyên - Nhớ)
                 “Làng tôi nghèo nho nhỏ bên sông
                  Gió bấc lạnh lùng. Thổi vào mái rạ”
       
                    (Hoàng Trung Thông – Bao giờ trở lại)
                 “Mái tranh ơi hỡi mái tranh
                  Trải bao mưa nắng mà thành quê hương”
  

                            (Trần Đăng Khoa)
              - Gắn với mái rạ nghìn năm thương thuộc ấy là những cảm nhận về cây lúa, hạt gạo, ổ rơm,...
                  “Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm
                   Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng
                   Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm
                   Của những cọng rơm xơ xác gầy gò
                   Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta
                   Riêng cái ấm nồng nàn như lửa
                   Cái mộc mạc lên hương của lúa
                   Đâu dễ chia cho tất cả mọi người”

                              (Nguyễn Duy – Hơi ấm ổ rơm)
                  “Trong cuộc đời bình yên tự ngàn xưa
                   Gần gũi nhất vẫn là cây lúa”
     
                         (Xuân Quỳnh - Cỏ dại)
                  “Anh nhớ không những con đường quê ta
                   Thân thương từ thuở nhỏ
                   Bao năm tháng đi về trên ngõ
                   Bao hoàng hôn rậm rịch bước chân trâu
                   Đường lập loè đom đóm bay cao
                   Ta ghé cửa nhà nhau xin lửa
                   Nghe hoa súng bờ ao se sẽ nở
                   Da diết lòng hương dịu tự vườn cau”
             
                 (Lưu Quang Vũ - Những con đường quê ta)
                  “Bản mường ơi chiều xuống rồi nhẹ nắng
                   Mà lúa vàng trĩu nặng cả đồng ta
                   Đàn bò mộng đang về ngang suối vắng
                   Suối bỗng vàng như chở nắng chiều xa”
                  
            (Lê Anh Xuân - Nắng chiều)
                  - Con đê làng:
                   “Con đê dài
                    Mặt đê in dấu chân ta từ những ngày thơ ấu
                    ...
                   Con đê làng
                   Mùa chiêm ta phơi rơm
                   Mùa tằm em đem phơi kén
                    ...
                   Con đê là nôi của chim
                   Ra đê thả diều
                   Tiếng sáo tre gọi mùa lúa chín”
                     
      (Văn Thảo Nguyên – Con đê làng)
                        
                   “Đất nước nơi nào cũng gặp những con đê
                    Từ đời Lý, đời Trần... không nhớ nữa
                    Bao thế hệ qua rồi, đê vẫn đó
                    ...
                    Sông thì quen từ thuở trong nôi
                    Những bờ bãi xóm làng tôi đã thuộc
                    Màu đỏ thẫm củ khoai, màu vàng nhạt bắp ngô”
                         
  (Xuân Quỳnh – Thơ dọc triền sông)
               - Dòng sông: Sông là hằng số của ý niệm về quê hương của người Việt.
                    “Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng
                     Mỗi con người gắn bó một dòng sông”
                    
     (Bế Kiến Quốc - Những dòng sông)
                    “Quê hương tôi có con sông xanh biếc
                     Nước gương trong soi tóc những hàng tre”
                    
      (Tế Hanh - Nhớ con sông quê hương)
                    “Sông Hồng ơi! Dông bão chẳng thay màu
                     Rùa thần thoại vẫn nhô lưng đội tháp”

                           (Bằng Việt - Trở lại trái tim mình)
                    “Bạn cho tôi tranh bạn vẽ sông Đà
                     Bông lau tím, buổi chiều quê, bến bãi...
                     Câu thơ cũ  trời mây tôi ngắm mãi
                     Sóng đôi bờ ru vỗ tuổi thơ xa.

                     Không về núi. i vẫn nhìn thấy núi
                     Cái màu xanh đáy nước sắc Ba Vì!
                     Ra thế đó những sắc màu của đất
                     Vẫn chìm sâu trong đáy mắt người đi.
                  
           (Ngô Quân Miện – Tranh sông Đà)
                - Con cò:

                    “Việt Nam đất nước ta ơi
                     Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
                     Cánh cò bay lả rập rờn
                     Mây mù che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”
   
                           (Nguyễn Đình Thi)
                    “Xưa mẹ ru con
                     Cũng tiếng võng này
                     Cánh cò trắng muốt
                     Bay bay bay bay”

                       (Trần Đăng Khoa - Tiếng võng kêu)
                     “Con còn bế trên tay
                      Con chưa biết con cò
                      Nhưng trong lời mẹ hát
                      Có cánh cò đang bay:
                     “Con cò bay la
                      Con cò bay lả
                      Con cò cổng phủ
                      Con cò Đồng Đăng...”
                      Cò một mình cò phải kiếm lấy ăn
                      Con có mẹ con chơi rồi lại ngủ
                     “Con cò ăn đêm
                      Con cò xa tổ
                      Cò gặp cành mềm
                      Cò sợ xáo măng...”
                      Ngủ yên, ngủ yên cò ơi chớ sợ
                      Cành có mềm mẹ đã sẵn tay nâng
                      Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân
                      Con chưa biết con cò con vạc
                      Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
                      Sữa mẹ nhiều, con ngủ, chẳng phân vân
                                    *
                      Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên
                      Cho cò trắng đến làm quen
                      Cò đứng ở quanh nôi,
                      Rồi cò vào trong tổ
                      Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
                      Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi.
                      Mai khôn lớn, con theo cò đi học
                      Cánh cò trắng bay theo gót đôi chân
                      Lớn lên, lớn lên, lớn lên,...
                      Con làm gì?
                      Con làm thi sĩ
                      Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
                      Trước hiên nhà
                      Và trong hơi mát câu văn.
                                    *
                      Dù ở gần con
                      Dù ở xa con, lên rừng xuống bể,
                      Cò sẽ tìm con
                      Cò sẽ yêu con
                      Con dù lớn vẫn là con của mẹ
                      Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con
                      À ơi!
                      Một con cò thôi
                      Con cò mẹ hát
                      Cũng là cuộc đời
                      Vỗ cánh qua nôi.
                      Ngủ đi ngủ đi
                      Cho cánh cò cánh vạc
                      Cho cả sắc trời
                      đến hát
                      Quanh nôi.
            
             (Chế Lan Viên – Con cò)
               - Cây tre:
             Tre xanh của Nguyễn Duy
             “Một cành tre nhỏ đủ làm quê hương”
                         (Lưu Trùng Dương – Mây biên giới)
             “Lá tre thon như những con thuyền nhỏ
             Trôi bềnh bềnh như bỗng giấc mơ xưa”
            
             (Quang Huy - Kỉ niệm màu xanh)
         2. Tình nước qua biểu tượng về Tổ Quốc trong chiều sâu văn hoá lịch sử:
           a. Trong thơ văn xưa:
            - Nguyễn Trãi nhận thức sâu sắc gương mặt riêng của Tổ quốc: Gương mặt văn hoá qua Bình Ngô đại cáo.
            - Phan Bội Châu:
             “Non sông riêng một nước nhà
             Làm cho nổi tiếng Lạc Hồng
             Vẻ văng dòng dõi con Rồng cháu Tiên” 
 
                        (Ái quần)
             “Năm ngàn vạn họ đồng tông
             Da vàng máu đỏ con dòng Hùng Vương”    
    
                      (Ái chủng)
            - Nguyễn Quyền:
             “Hồn xưa dòng dõi Lạc Long
             Con nhà Nam Việt, người trong giống vàng”   
                     (Kêu hồn nước)
        b. Trong thơ văn nay:
            Trong cảm nhận và miêu tả hình tượng Tổ quốc ở phương diện lịch sử văn hoá, các nhà thơ hiện đại đã sáng tạo nhiều mô-típ, biểu tượng, hình ảnh về sự hình thành của dân tộc.
        - Nòi giống Lạc Hồng:
            “Đất này là đất quê hương
            Cùng chung máu thịt giang sơn Lạc Hồng”
            
          (Xuân miễn – Gói đất miền Nam)
            “Đất là nơi Rồng ở
            Lạc Long Quân và Âu Cơ
            Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”
           
           (Nguyễn Khoa Điềm - Đất nước)
           “Tôi yêu đất nước này lầm than
                                                 ....
            Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
            Một tấm lòng cũng trứng Âu Cơ
            Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng”
           
           (Trần Vàng Sao – Bài thơ
                       của một người yêu nước mình)
            “Bên giếng tôi ngồi nghe gió động
            Lật từng trang sử mở giang san
            Bên giếng tôi ngồi lắng nghe hồn nước
            Cây cỏ thì thầm chuyện thuở hồng hoang
            Một vòm trời xanh thu vào vòng nhẫn ngọc
            Thấy bao la bờ cõi Văn Lang
            Vẳng nghe mặt thành vua thổi ốc
            Thúc voi cày về chậm chậm bước hoàng hôn
            Thấy công chúa làm nương xong, ngồi chải tóc
            Cười với gương xanh má điểm hồng”
            
           (Bàng Sỹ Nguyên – Bên giếng Ngọc đền Hùng)
        - Văn hoá dân gian:
            “Muối mặn ba năm, gừng cay chín tháng
           
Cha mẹ chúng tôi dạy ghét yêu
            Yêu lời ru vời vợi những câu Kiều
            Thương cái bờ sông thân cò lặn lội
            Yêu tiếng sấm tháng ba gọi lúa chiêm trỗi dậy”
            
           (Xuân Quỳnh – Chúng tôi)
            “Bên kia sông Đuống
            (...)
            Cười như mùa thu toả nắng”
            
          (Hoàng Cầm – Bên kia sông Đuống)
            “Những người vợ nhớ chồng...
            (...)
            Những người dân nào đã góp tên ông Đốc.....”
                   
   (Nguyễn Khoa Điềm - Đất nước)
                                                                            I
            “Thấm vào hồn trong tiếng võng mẹ đưa
            Thấm vào trưa trong tiếng gà xao xác
            Những câu ca lưu lạc
            Nghe trầm luân kiếp người

             Bác xẩm mù, em bé mồ côi
            Hồn quê kiễng lẫn vào trong cát bụi
            Tiếng hát chẳng no lòng người đói
            Giọng ngân gầy lắt lay

            Qua cầu gió bay
            Áo em rách qua cầu gió lạnh
            Khúc đàn bầu xôn xao trăng ánh    
            Buốt ngón tay người đàn
            Hồn Trương Chi nhập trong gỗ bạch đàn
            Người hay hát đã tan thành nước mắt
            Cô Kiều khóc trong bốn dây li biệt
            Sao mẹ bắt con buồn từ thuở trong nôi.

            Người ơi! Trăng ơi!
            Cái lá rừng ơi!
            Chỉ thấy gọi mà không nghe lên tiếng
            Mưa ngoài ngàn ngoài ruộng
            Hạt mưa nào là em.

            Chưa hát câu hàn huyên
            Đêm hội ngắn đã vào câu giã bạn
            Ba cánh đồng trăng sáng
            Quan họ ơi! Em về.

            Hoa súng xinh hoa súng nở ngoài đìa
            Hoa súng đẹp chẳng đẹp người đánh giậm
            Em tát nước đồng sâu áo lấm
            Trăng vàng phơi không khô.
                       II
             Bao giờ nổi can qua
             Những ước vọng xô nhau lên rồi lại xuống
             Bao thế kỉ chỉ đổi thay rồng phượng
             Bãi lau già ra hoa
             Hát lên ngời cháy dạ người ca
             Hát lên đá đau nét rìu nét chạm
             Dãi lòng lên gỗ thắm
             Nửa chừng thương ruột cây.

             Nón tơi mưa cha đội bão đi cày
             Mẹ gánh gạo gánh con nhà quan cao cửa đóng
             Áo mã phu lẫn trong màu võng lọng
             Giữa đêm dài chú Tễu hát nghêu ngao.

             Cứ hát đi con hạc khát bay cao
             Ơi con hạc đội đèn trong trướng phủ
             Cứ mỗi lần người nhà quan thắp lửa
             Lại cháy lòng nghe cánh vỗ trời xa

                                                                                        
                        (Vũ Quần Phương – Dân ca)
        - Đất nước văn hoá đất nước anh hùng:
             “Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
             Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn”
                       
(Chế Lan Viên - Tổ quốc bao giờ 
                                        đẹp thế này chăng?)
          Ta đã yêu Việt Nam đẹp, Việt Nam thơ, bát ngát câu Kiều,                       
             Bờ tre mái rạ.
        
    Mái đình cong cong như bàn tay em gái giữa đêm chèo.
             Cánh cò Việt Nam trong hơi mát xẩm xoan, cò lả
             Cái đôn hậu nhân tình trong nét chạm chùa Keo”
    
                     (Chế Lan Viên - Thời sự hè 72-Bình luận)
             “Ta nối liền ta trong bể dọc thời gian
             Câu thơ thế kỉ hai mươi liền hơi với hồn cha ông trong
             Truyện Kiều, Chinh Phụ”
              
           (Chế Lan Viên - Sổ tay thơ)
             “Ta ra đi từ nền văn minh trên lưu vực sông Hồng
               Cả dân tộc bay theo hình chim Lạc”
              
            (Chế Lan Viên – Ngày vĩ đại)
              “Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững
               Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa
               Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng
               Sống hiên ngang mà nhân ái chan hoà”
              
             (Huy Cận – Đi trên mảnh đất này)
              “Lũ chúng tôi lớn lên
               Con gái đi học về còn biết ra sông gánh nước
               Con trai còn biết Lục Vân Tiên và đọc thơ mụ Đội cho bà
               Qua hoàng thành cha ông gọi tôi ù ù trong họng súng thần công
               Hịch Cần Vương tưởng còn vang qua chín cửa
               Sắc đẹp nghìn xưa thắm từng trang lịch sử”

                             (Nguyễn Khoa Điềm - Đất ngoại ô)
      
    V. Kết luân.
         1. Văn hoá là cội nguồn sâu xa của văn học.
         2, Qua những biểu tượng văn hoá được thể hiện bằng những hình tượng nghệ thuật, văn học thực sự đã có được lớp trầm tích văn hoá dân tộc đậm đà bản sắc.

                                Hoàng Dục
                                Biên soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét