Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

249. MỘT BUỔI SÁNG Ở QUÊ NHÀ

     Buổi sáng.  Sương giăng mắc khắp tám nẻo đất trời. Một mình, tôi đi bộ thể dục, xuống xóm Họ Giáo qua đường Ngang rồi rẽ xóm Họ Bùi. Một người phụ nữ ngược chiều, hình như cũng tha hương về dự Lễ Khánh thành đình làng hay Lễ Việc Tiếu nhánh họ như tôi. Tôi không nhìn rõ mặt, người phụ nữ ấy cũng chẳng để ý đến tôi, cứ thản nhiên, im lặng đi thể dục. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì, lòng nhẹ tênh, cũng đi trong lặng lẽ.
      Tuyệt vời biết bao, một sớm mai khi xuân còn ở lại với mùa. Không gian làng quê thật yên tĩnh và thật mát mẻ, khác với không gian đi bộ thể dục bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng mà tôi vẫn quen thuộc từng buổi sớm trong sinh hoạt đời thường. Tôi vừa đi vừa nhìn quanh quất cho đến khi bắt gặp con đường tỉnh lộ số 49, con đường mà người dân quê tôi quen gọi là đường Quan. Lặng yên đứng ngắm cảnh vật. Phía trước mặt tôi là cánh đồng làng, chếch chếch một chút về bên trái là Bến Dừa, xa xa khuất sau màn sương là Khút Đò Ngược, một khúc ngoặt chữ chi của dòng sông Ô Lâu. Đây là quãng sông rất sâu, nước xoáy mạnh, nhanh, chảy về phía phá Tam Giang, nên rất vất vả và nguy hiểm đối với những con đò ngược nước, từ phá Tam Giang ngược lên Vân Trình hay lên tận nguồn sông Thu Rơi. Người lái đò nào ngược dòng khúc này, chỉ lơ là trong thoáng chốc hoặc không vững tay chèo thì con thuyền sẽ “lặn” ngay xuống đáy sông làm bạn với nghêu sò ốc hến. Chính quãng sông này đã nở rộ bao nhiêu câu chuyện tráng sắc màu huyền thoại. Những câu chuyện này đã bám vào tuổi thơ và hoan hỉ sống trong kí ức của tôi, cũng như trong trí nhớ của bao nhiêu đứa con của làng đang sinh sống ở phương xa. Không cần lục lọi trí nhớ, những câu chuyện có vẻ hoang đường cứ lần lượt hiện về tươi rói trong tôi.
       Vào những đêm trăng đẹp, trăng lụa là rải rắc ánh sáng óng mềm soi tỏ khắp mặt sông, một đoàn thuyền rồng, sơn son thếp vàng giăng đèn kết hoa buông chèo giữa dòng. Từ những con thuyền đó, tiếng đàn sáo réo rắt cất lên và lan tỏa. Cả không gian trăng đêm huyền diệu như ngậm đầy âm nhạc ngũ cung khiến lòng người nao nao. Ai đã một lần chứng kiến cảnh tượng này thì một đời không thể quên được và luôn sống trong cảm giác mình đã và đang được sống giữa cõi thần tiên.  Những người lớn tuổi và bác tôi đã kể như thế. Thậm chí có người lớn còn thêu dệt. Cứ mỗi lẫn trên khút có đàn hát dưới trăng như thế đều có hai con rùa (có người bảo là trạnh) canh gác không cho người trần làm kinh động đến thế giới hoan lạc của thần tiên. Một hôm, có những người nông dân che trại trên cồn gần bến sông để làm đồng, họ nghe dưới trăng, trên sông nước tiếng đàn phách, tiếng sáo du dương trầm bổng đến mê hoặc lòng người, họ đã lần theo những nhạc khúc đó và im lặng thưởng thức. Bỗng một người trong bọn họ húng hắng ho. Nghe động cả đoàn thuyền trên sông biến mất. Sáng ra, ở khút đò ngược có xác hai con rùa nổi lên, tấp vào bờ.
        Ngày thơ bé, cứ mỗi bận rảnh rang khi sắp xếp hàng hóa, tính toan tiền nong một ngày chợ xong, bên mâm cơm dưới ánh đèn dầu mờ tỏ, mẹ đã kể cho tôi nghe câu chuyện về người em trai của mẹ, ông cậu ruột của tôi. Cậu tôi, theo lời kể vừa nuối tiếc vừa yêu thương của mẹ tôi là một thanh niên rất đẹp trai, rất phóng khoáng và đặc biệt có giọng hò đến mê hoặc lòng người. Một đêm trăng vằng vặc, cậu chèo chiếc đò mà mọi người vừa dở hết những bó lúa đi trả cho chủ đò. Cậu khoan thai chèo, chiếc đò lặng lẽ, nhẹ nhàng lướt tới tưởng chừng không làm vỡ ánh trăng soi trong nước. Qua khúc ngoặt linh thiêng – Khút Đò Ngược này, bỗng trên sông nước vọng vang tiếng hò trêu ghẹo trong trẻo của một cô gái, cậu tôi như mê mệt theo câu hò. Câu hò lúc thì vút bay lên cao tan loãng vào bầu trời trong vắt ánh trăng, lúc thì sà thấp xuống đùa giỡn, tình tự với nước sông dập dờn. Ý tứ câu hò có gì như e ấp gọi mời giao duyên, như suồng sã phong tình mà vẫn kín đáo. Cậu tôi như bị ma lực của tiếng hò hút lấy làm mụ mị đi. Cậu không thể nén lòng. Cậu ngừng chèo nhìn trời đất mông lung rồi cất tiếng hò đáp lại. Người trên thuyền, người không rõ bóng dáng trên sông nước cứ thế hò đối đáp rất xứng hợp. Cả hai sinh ra như là một cặp đôi hò đối đáp, cất lên những câu hò trữ tình luyến níu quyện chặt vào nhau. Mẹ tôi ngừng một lúc, rồi cam đoan, tiếng hò của cậu tôi và cô gái vô hình trên sông Ô Lâu, kết dính hơn cả sam nữa. Tôi từng nghe “quấn chặt như sam”, dù không biết đúng sai thế nào, nhưng tôi tin điều mẹ tôi nói về cặp đôi tiếng hò đối đáp ấy là đúng. Bởi sau cái đêm ấy, cậu tôi về bỏ cơm đắp chiếu nằm một mình trên bộ phản. Rồi cậu ốm liệt giường, thuốc thang, đồng bóng gì cũng không thuyên giảm. Cậu đã ra đi về bên kia cuộc đời mãi mãi ở cái tuổi hai mươi. Người ta nói cậu bị vương hay bị người âm yêu thương rồi bắt đi gì gì đó, thuở ấy tôi chả biết thế nào nhưng câu chuyện về cậu đã ám ảnh tôi, khiến tôi càng thương yêu và tự hào về một người cậu mà tôi chưa hề biết mặt, chỉ biết cậu với một “nấm cỏ khâu xanh rì”!
      Cái Khút Đò Ngược ấy, tôi cũng từng nghe kể rằng, ngày xửa ngày xưa khi làng mới dựng, có một ông thầy địa lí từ phương bắc ngang qua. Ông ta sững sờ đứng ngắm thế đất rồi nói với các bác trưởng tộc. Làng này nằm trong thế đất rồng ẩn. Cái đầu rồng là đất làng. Hai con mắt là hai bàu, cái miệng rồng là cái Khút Đò Ngược ngoài kia. Theo lời thầy địa lí, hai con mắt rồng, con mắt phải là bàu Đán, con mắt trái là bàu Môn. Bàu đáng nằm trên đường cấy giữa làng và rú cát thuộc ngụ Nhứt Tây. Đây là cái bàu có cây cối rậm rạp, cỏ mọc từng tảng lớn nổi trên mặt hồ mà thuở nhỏ tôi cùng các bạn chăn trâu nghịch ngợm đứng lên trên rồi chèo như một chiếc bè. Người ta nói bàu này có tính chất nguyên sinh, cung cấp nước cho các ruộng cạn nằm giữa đường Quan và đường Ngang (thường gọi là trưa). Bàu môn thì nằm ở Nhứt Đông. Bàu cũng rất rộng cung cấp nước cho ruộng làng. Thế đất làng như thế nên con cháu trong làng đời đời phát triển thành đạt trong mọi lĩnh vực. Lúc còn nhỏ, tôi không hiểu, nhưng rồi những năm ở Đại học Sư phạm Huế, tôi được chứng thực về điều đó. Làng tôi là một làng nghề - nghề làm nữ trang kim hoàn, mà ông Tổ là Ngài Cao Đình Độ. Bao thế hệ thợ kim hoàn truyền nghề cho nhau và đã phát đạt từ trong nước cho đến hải ngoại. Rồi trên con đường khoa cử, giúp nước có Tiến sỹ Nguyễn Thanh Oai, Hoàng Giáp Trần Dĩnh Sỹ. Người nối tiếp tư tưởng duy tân đất nước của Nguyễn Trường Tộ có Nguyễn Lộ Trạch với “Thời vụ sách thượng”, “Thời vụ sách hạ”,… Từ đó giúp tôi hiểu vì sao, làng tôi có Văn chỉ (người quê tôi vẫn gọi là Văn thánh) thờ Đức Khổng Tử và bảy mươi hai học trò của Ngài. Văn chỉ hiện nay vẫn còn ở xóm chùa cũ.  Người cùng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng xây dựng phong trào Duy Tân là Hồ Tá Bang, ông đã lập trường tư thục Dục Thanh mở mang dân trí cho thanh niên để đổi mới, làm mới đất nước. Rồi Bác sĩ Hồ Tá Khanh (tôi nghe ông có bằng Thạc sĩ mà Thạc sĩ y khoa ở Pháp thời đó là cao hơn Tiến sĩ ?) tốt nghiệp y khoa ở Pháp, giữ chức vụ Bộ trưởng Y tế trong Chính phủ Trần Trọng Kim,… Thời hiện đại có rất nhiều quan chức, có rất nhiều người đỗ đạt càng tô điểm thêm vẻ đẹp, bề dày văn hóa của làng. Tôi không nắm cụ thể nên không ghi ra đây, nhưng số người có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ  mà tôi biết cũng nhiều hơn số ngón của hai bàn tay tôi.
      Làng văn hóa với thế đất đầu rồng, tuyệt vời biết bao. Nhưng sau năm 1975, người ta đã lấp bàu Đán và bàu Môn vì lí do đơn giản có thêm đất canh tác. Thêm một vài mẫu đất có cứu đói, có làm giàu quê tôi không, có giúp đất nước phát triển không, tôi nghĩ là không. Có lẽ người ta trọng nông, trọng lúa gạo hơn văn hóa làng, hơn truyền thống tốt đẹp của làng. Có lẽ người ta không hiểu một điều giản dị : Còn truyền thống là còn dân tộc. Dân tộc còn một khi văn hóa còn. Nghĩ cũng lạ, ngày xưa là thế còn ngày nay lại lấp ruộng để bán đất cho kẻ này làm nhà kẻ kia làm "Siêu thị". Cứ cái đà này còn đâu nền "Văn minh lúa nước" của quê tôi, của Việt Nam. Nghĩ mà buồn. Đời phức tạp và lắm mâu thuẫn thật!
     Trời đã sáng. Tiếng trống ngoài đình vang lên dóng dã gọi mọi người ra đình để làm lễ khánh thành. Tôi như tỉnh giấc mơ. Quay lại, tôi vội đi nhanh, ngược lên xóm Bùi. Thế nhưng trong tôi hình như vẫn còn váng vất một điều gì. Hình như là tình quê.
                                               
Kế Môn, 4 - 3 - 2012


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét