Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

248. VỀ QUÊ

      Hôm nay, lúc 13 giờ 30, cả nhà mình về quê. Đây là dịp về quê đông đủ nhất của đại gia đình nên ai cũng vui. Nhất là có thêm hai mục đích nữa. Đó là về dự lễ Khánh thành đình làng vừa mới tôn tạo xong. Lễ hội khánh thành được tổ chức rất trọng thể, ba ngày ba đêm, có những sinh hoạt văn hóa đặc sắc. Đó là việc tổ chức cúng tế của  anh em cùng một ông CỐ của mình, nhân họ Hoàng của mình VIỆC TIẾU. Lễ hội VIỆC TIẾU cứ 12 năm tổ chức một lần. Trước khi họ tổ chức, các chi, rồi nhánh phải thực hiện trước. Cho nên anh em mình cũng không ngoại lệ.
      Xe đang bon bon trên Quốc lộ 1A về phía bắc, bỗng mọi người trên xe đều reo : Cầu An Lỗ rồi. Mình bảo anh tài chậm lại rồi rẽ vào con đường ngang qua chợ An Lỗ, hướng về chợ Nịu. Trước đây, muốn về quê mình phải vòng ra đến Mỹ Chánh, Quảng Trị, chạy theo vòng cung gần 140 km, nên mất hơn bốn tiếng đồng hồ, nay về đường chợ Nịu chỉ tốn khoảng 3 tiêng hơn vì chỉ có 125 km. Thực ra, không chỉ có hai con đường này mới về quê mình được mà còn có nhiều con đường khác. Đó là đường ở thị trấn Phò Trạch, Phong Điền ngang qua nhà Lưu niệm Danh tướng Nguyễn Tri Phương, đó là đường về Sịa, đường qua cầu Tam Giang (cầu bắc qua phá Tam Giang) có thể đi từ Bao Vinh, đi từ đường Bà Triệu, thành phố Huế hay đi từ quốc lộ 49, từ đường rẽ Phú Bài, đường đi về cửa Tư Hiền,... Trong tất cả các con đường đó, đường qua chợ Nịu là gần nhất.



      Xe lại rẽ hướng cầu Nịu, ngang qua đình làng Phong Lai. Anh tài bảo : Đường liên thôn mà thế này thi tốt quá. Mình bảo : Rộng rãi và êm ru phải không ? Anh tài gật đầu và nhấn ga, chẳng mấy chốc xe đã hướng về cầu Hòa Xuân, cây cầu nối liền Hòa Xuân và Đại Lộc (Đại lược trong "Thuyền về đại lược duyên ngược Kim Long"). Đến chợ Đại Lộc, rẽ hướng Tây, xe leo lên cầu bắc qua khe Kế Môn - Khe này được xem là ranh giới giữa Kê Môn và Đại Lộc. Xa xa thấp thoáng bóng cờ xí. Ngôi đình làng nổi lên trên nên ruộng xanh ngít và màu xanh đạm đỏ nâu của cây cối, của nhà thợ họ, nhà cửa của dân làng ở phía sau đình dọc theo đường ngang. Đã nghe rõ hơn tiếng trống, tiếng Bù - rù (một loại chiêng đồng, âm thanh phát ra : bù... ù.... rù...u...., dùng trong tế lễ).



      Đến gần đình làng, mình bảo anh tài : Thôi dừng xe một chút để chụp mấy tấm ảnh. Bây giờ cũng đã trễ lễ cúng cô hồn rồi. Đã 17 giờ 40 rồi mà lễ lại bắt đầu từ 17 giờ. Xe dừng mọi người xuống tranh thủ xem cúng, mình cũng tranh thủ chụp vài tấm ảnh. Bỗng đâu cái thưở xa lắc hiện về. Trong đầu mình hiện lên những "thước phim kí ức" thuở "chân sáo đường làng" ngày xưa. Hễ mỗi lần làng hay các họ cũng lễ cô hồn thì y như rằng cái đám lít nhít của mình có mặt rất sớm. Cái lũ nhóc nhà quê đứa thì giả đò lảng ra, đứa thì túm tụm lại, nhưng tất cả đều có một ý nghĩ : Phải giành cho được nhiều thức quà nhất. Đứa nào cũng nghiêm trang, nhưng trống đánh trong ngực, vì người lớn cúng tế sao mà lâu thế!  Mặc người lớn áo nhiễu xanh, khăn đóng; mặc người lớn cung cúc lạy; mặc người lớn hô : "hờn... bái....", "chiết tửu", hay "tiến trà",...; lũ trẻ chúng tôi như bị hút về phía các mâm cỗ cúng cô hồn thật nhiều thức, thật đầy ắp. Nào là các mâm quả như ổi, mận, đào, đu đủ, xoài, bưởi, quýt, câm; củ thì có môn, nưa, khoai, sắn; rồi mía, rồi đậu phụng luộc,.... Mâm nào mâm nấy gọi mời quá đáng! Xin đừng nghĩ chúng tôi đói lâu năm. Lũ trẻ chúng tôi ham vui thôi. Với lại cái gì chụp được, giành được, mới thú vị, ăn mới ngon.


      Và đây rồi.... cái phút "chụp giựt thỏa thích" đến rồi. Lễ xong. Người lớn bưng các mâm cúng ra phân phát cho trẻ con. Nói phân phát cho oai vậy thôi. Bởi chưa kịp phân phát, cái lũ lít nhít đã xô đẩy, xen lấn ùa vào, đứa chụp đứa giựt, đứa la, đứa hét ỏm tỏi. Thậm chí, có khi người bưng mâm ngã xuống, các thức quà cúng rơi xuống đất, mặt đất tối om. Thế là, tất cả bò xuống, tay mò mẫm kiếm tìm, toàn tay là tay, chả thấy trái ổi, củ khoai, củ sắn đâu cả! Và khi một đứa nào mò được, nó nhảy cỡn lên, hươ hươ thức quà, nét mặt hả hê, chỉ có điều không biết reo toáng lên như Ác-si-mét: Ơ-rê-ka,... ơ-rê-ka.


      Ôi, ngày xưa, cái ngày xưa sao mà êm ru và hồn nhiên đến thế.
      Đang vơ vẩn, bà chị giục : Mau lên nhà, không thì thực phẩm hư hết. Mình lên xe mà tiếc hùi hụi. Xe chạy về phía ngụ Nhứt Tây, gần giáp giới với làng Vĩnh Xương, nhà thờ CỐ của anh em mình ở đó. Chiều dài của làng hơn 2 cây số rưỡi mà mình cảm giác chưa đầy gang tấc. Mình cứ ngoài đầu nhìn về phía đình làng đến sái cả cổ.
      Tiếng trống chiêng đã ngưng. Chằng biết bọn trẻ ngày nay "chụp giựt" các mâm cỗ thể nào? Có như mình ngày ấy không ?
      Thôi thì... Ngày mai xuống dự lễ khánh thành cũng được !
                                                                                    
                           HD, 3 - 3 - 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét