Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

300. CƯỜI ĐỜI MỚI TƯƠI

       Cười là một vị thuốc bổ cho người yêu đời. Cười lại là thuốc đắng dã tật cho những ai lục phủ ngũ tạng có vấn đề. Cười có cái cười ra nước mắt, có cái cười ra âm thanh nhưng cũng có cái cười không ra cái gì cả, chỉ thấy cái miệng méo xệch thôi. Cười cũng có tốt có xấu, có tích cực có tiêu cực tùy thuộc vào người chủ cái cười đó có "tri túc" không, có nắm được khái niệm "độ" không. Cười
quá hóa cuồng. Không cười dễ mắc bệnh trầm uất như chơi. Cười đúng mực là bổ tâm trí
nhất. Nôm na cười là thế. Tuy vậy cần thấy, không phải muốn cười là cười được ngay. Phải có cái cớ để cười, nói theo kiểu thi pháp truyện cười là phải có cái gây cười, nói hợp với cách nói của dân gian là có ai đó cù léc thì mới khà khà được.
        Hiểu nguyên lí và đặc trưng  cái cười như thế, nên những lúc bụng dạ khó ở, mình phaỉ ba chân bốn cẳng xông xáo đi tìm cái gây cười. Cũng có khi không muốn cái cù léc nó làm mình hề một tiếng. Có lúc tìm được có lúc không, nhưng nếu tìm được dù ít ỏi thế là quý lắm rồi, vì ở đời mấy ai may mắn hoài mãi. Chẳng hạn như mấy ngày ni... 
    1. Mấy bữa ni nghe chuyện Trường Tiểu học Thực nghiệm ở Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn vật - mà ngán ngẫm cho phụ huynh thời nay. Dù sự việc kéo dài, dù báo chí đăng lùm xùm liên tiếp mấy kì báo, mình cũng mặc. Mình định bụng núp sau khẩu hiệu “Im lặng là vàng” để chẳng ai biết mình thế nào mà đánh giá được, hầu kiếm một chút nhàn tâm. Cái kế sách núp bóng buông câu thế mà lại hay. Nhưng sự đời lắm lúc cũng trái khoáy khôn lường, có những sự việc diễn ra bất ngờ chẳng ai tính toán được. Đời còn thế huống chi là một con người tầm thường như mình. Mình đã nhét cả kí bông gòn vào tai, đã đưa hai tay bưng hai mắt đã cố nhắm tít lại; nhưng đành bất lực. Có một cái gì đó nó như kiến bò nhồn nhột trong đầu mình. Hễ mở mắt và làm việc thì  thôi, cứ nhắm mắt lại là xuất hiện. Lúc đầu nó nhòe mờ, xa xôi,… râm ran sơ sơ thôi; sau đó càng hiện hình rõ nét dần và có vẻ “ngứa ngáy” khó chịu lắm lắm. Lúc đầu không biết là gì, sau định thần lại, hóa ra đó là chuyện trường thực nghiệm, chuyện đồn đoán của báo chí, dù không biết thật giả thế nào : Sở dĩ, phụ huynh thức khuya, dậy sớm, đội mưa, chen lấn,… để xin đơn cho con nhập học ở trường này vì nơi đây, GS Ngô Bảo Châu từng theo học. Đây là một tình huống mà mình hoàn toàn không muốn có, cho nên đành phải cười cho tươi đời… Và trong lúc cười, những câu chuyện cũ không biết ở đâu lũ lượt kéo về. Thôi thì… đã vậy, mình chỉ còn có cách ghi chúng ra đây.
      2. Ngày trước trong một lần về thăm làng, một anh bạn đã kể làm quà cho mình nghe câu chuyện  cười ra nước mắt : 
      Ông có nhớ bà Giáp ở xóm cây Vông không ? Mình kể ông nghe chuyện này. Bà Giáp có mang đứa con thứ sáu, sắp gần ngày nằm ổ vượt cạn, nhưng bà ta vẫn làm lụng rất khỏe. Một buổi sáng vào lều chứa phân tro để lấy phân bón ruộng, bà ta đẻ rớt thằng con trai ở đó. Sinh ra trong môi trường như vậy, ai cũng nghĩ tương lai thằng bé này chẳng ra gì. Thế nhưng, thằng bé lớn lên khỏe mạnh, khôi ngô, học rất  giỏi, thi đâu đỗ đó mà lại đỗ cao nữa. Sau hắn làm tới chức Giám đốc một công ty lớn. Từ đó, người làng mình đồn đại, những đứa đẻ rớt trong phân tro đều học thông minh và thành đạt trong đời. Không chỉ con bà Giáp mà trước đây trong làng cũng đã có nhiều đứa như thế. Chẳng hạn như… Cũng từ đó, nhiều bà làng mình ao ước được đẻ rớt đứa con trong lều phân lắm. 
      Ngừng một lát, anh bạn kể tiếp. Một lần mẹ mình kể, có ba người đàn bà gặp nhau, họ nói nhiều chuyện lắm. Trong lúc “phong trào tạm lắng”, một bà có vẻ mau mồm mau miệng nhất hỏi : Con trai chị thế nào rồi, chị An ? Cũng đang học nghề trên Huế, người phụ nữ tên An trả lời. Sao không cho cháu học chữ, cháu thông mình lắm mà! Bà kia thắc mắc. Bà An buồn rầu : Nhà nghèo quá chị ơi! Biết làm sao được. Bà kia vội quay sang người đàn bà còn lại : Chị Thông, còn con chị ? Cũng làng nhàng thế thôi, bà Thông nói, tôi cũng mong đẻ một đứa rớt ở chuồng phân để nó học giỏi cho nở mày nở mặt, nhưng nghĩ lại tội con mình quá, lại thôi. Nói xong, bà Thông hỏi ngược lại, còn chị thế nào ? Bà mau mồm trả lời: “Tôi đẻ rớt thằng con trai vào chuồng phân, tưởng may mắn, nhưng sao nó hậu đậu quá hai chị ạ. Thật buồn chết được mất". Nghe thế, bà An vỗ về : Buồn chi chị ơi. Người ta đẻ trong lều phân người, còn chị đẻ ở chuồng phân lợn thì hi vọng chi… Bà mau miệng ấp úng, thì tôi tưởng phân nào cũng là phân. 
      3. Còn đây là câu chuyện một anh bạn thời đại học kể:
       Một gia đình nọ chỉ có một cậu quý tử, nên cưng như cưng trứng. Dù chẳng dư giả gì, gia đình ấy cũng cố gắng đầu tư cho cậu ăn học với hi vọng cậu sẽ đổi đời và làm vẻ vang gia đình, dòng tộc. Bà mẹ và ông bố luôn luôn kể về những tấm gương thành đạt, và bao giờ cũng kết thúc : Con thấy không, ông ta thông minh lắm. Trán cao thế kia mà! 
       Thế là câu ấy ám ảnh cậu ta. Cậu ta nghĩ muốn thông minh phải làm cho trán mình cao, cao mãi… Từ đấy mỗi lần ngồi vào bàn học, cậu ta vừa cắm mắt vào sách vở và đọc to lên bài học vừa mân mê nhổ từng sợi tóc. Đêm nào cũng thế, tháng nào cũng thế, năm nào cũng thế, từng sợi tóc buồn rầu chia tay với đầu cậu ấy. Trán cậu có vẻ cao dần, cao hơn và cao hơn nữa, cho đến khi cậu lấy bằng Tiến sĩ thì tóc chẳng còn một sợi nào. 
       Cậu được mời giảng dạy tại một trường đại học, lương bổng rất cao. Nghe đâu, cậu dạy rất hay, học trò rất thích. Chỉ có điều, mỗi giờ giảng của cậu, cậu cứ đưa tay lên đầu như để nhổ tóc tưởng tượng, khiến học trò không nhịn được cười. Chuyện đó cũng chẳng sao. Bố mẹ cậu rất hạnh phúc. Và họ ước ao sẽ hạnh phúc hơn nữa nếu cậu lập gia đình. Dù gì cậu cũng đang ngấp nghé năm mươi rồi. Họ tìm đến nhiều nhà có con gái chưa chồng để đặt vấn đề, nhưng cậu chưa ưng ý ai cả. Bỗng một hôm, cậu dẫn về một cô gái trẻ, giới thiệu với bố mẹ : "Đây là cô gái mà con chọn. Cô ấy bán rau hành ngoài chợ nhưng nết na lắm. Chỉ có cô ấy mới không phụ bạc con thôi. Bố mẹ cưới cho con". Lễ cưới diễn ra thật long trọng. Cả gia đình cậu ngập trong hạnh phúc. Nhưng đùng một cái. Chưa đầy một tuần cô gái đâm đơn li dị. Người ta không biết tại sao. Những người tò mò nói, họ nghe cô gái ấy ghi trong đơn:  “… Đêm nào vào giường anh ta cũng chỉ nằm nhổ tóc tưởng tượng. Rồi đi vào giấc ngủ một cách rất ... bình thường… Và khi mê ngủ, anh ta quay sang túm tóc tôi mà nhổ…”
      5. Một câu chuyện nay, hai câu chuyện xưa. Câu chuyện nay thì tin được nhưng hai câu chuyện xưa cũng hơi khó tin vì không chắc là thực. Nhưng xem ra cũng chúng có thể “cù” để ta cười lên một tiếng cho đời ta tươi.
                                                        HD, 17-5-2012

   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét