Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

235. TẢN MẠN CÙNG MƯA XUÂN - LÊ PHAN QUỲNH TRANG

     Em Lê Phan Quỳnh Trang học sinh chuyên văn của THPT Lê Quý Đôn, khóa 2003-2006. Em đạt giải BA môn Ngữ Văn Quốc gia khi đang học lớp 11. Hiện đang giảng dạy môn văn tại trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng.TẢN MẠN CÙNG MƯA XUÂN đã được đăng trên tạp chí NẮNG SỚM số xuân 2012.  Rất thích bài này nên đã xin phép tác giả đăng lại tren blog của mình.
      Không hiểu vì sao nhưng tôi vẫn thường mặn mà với những tình khúc buồn hơn là những giai điệu réo rắt vui tươi trong âm nhạc. Tôi vẫn thường tìm thấy mình trọn vẹn khi đến với những cuộc tình không thành hơn là những hồi kết tốt đẹp trong thơ ca. Dù đang yêu và được yêu nhưng đôi lúc, tôi lại lẩn thẩn mơ hồ lo lắng về một sự biệt li hay lỡ dở nào đấy. Tôi thấy mình giống Xuân Quỳnh ở cái dự cảm chia xa…
Có lẽ bởi thế mà tôi yêu thơ Nguyễn Bính! Và tôi rung động khi gặp Mưa xuân!
Ngạn ngữ Rumani từng có: Yêu đương thì ngắn ngủi. Than thở thì dài lâu. Cơ chừng rất đúng trong câu chuyện này. Một phút hẹn hò. Một lời nhắn nhủ. Để rồi niềm nhớ, sự chờ mong, nỗi buồn tủi là mãi mãi…
      Mở đầu bằng lời tự giới thiệu mộc mạc mà đằm thắm, hồn hậu của chính em về em, thi  phẩm đã “định vị” trước cho người đọc ấn tượng về một cô thiếu nữ trong sáng lớn lên trong nhịp điệu khung cửi, trong sự bao bọc tình yêu của mẹ. Bài thơ có ba lần nhắc đến lời của mẹ dành cho em. Trong mỗi lời nói tưởng như bâng quơ ấy chắc chắn ẩn chứa rất nhiều những dặn dò, những lo lắng kín đáo và ý nhị của tấm lòng một người mẹ dành cho đứa con gái ngây thơ của mình:
                                 Hội Chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
                                 Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay,

                                 Em xin phép mẹ vội vàng đi,
                                 Mẹ bảo: Xem về kể mẹ nghe.

                                 Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ,
                                 Mẹ bảo: Mùa xuân đã cạn ngày.
      Mẹ lo lắng cho em rất nhiều cũng bởi: Em chưa từng rời khung cửi để đến với cuộc đời đầy sóng gió ngoài kia! Giới thiệu như thế cũng để “định vị” rằng: cuộc hẹn hò bữa ấy với em là cuộc hò hẹn đầu đời với những nhịp điệu rung động ban sơ của trái tim em!
     Tôi thấy, Nguyễn Bính thật sự tinh tế ở cách biểu đạt những xốn xang rất đỗi con gái của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”:
                                   Lòng thấy giăng tơ một mối tình,
                                   Em ngừng tay lại giữa thoi xinh.
                                   Hình như hai má em bừng đỏ,
                                   Có lẽ là em nghĩ đến anh.
      Với Nguyễn Bính, màu má gái chưa chồng chính là sắc xuân thì. Và cái bừng đỏ của khuôn mặt em chính là màu của Mưa xuân đấy! Em nói hình như, em bảo có lẽ thế thôi, nhưng thật ra mọi thứ đều đã quá mười mươi! Niềm mong nhớ trong em là có thật! Hành động em ngừng tay lại giữa thoi xinh và ngẩn ngơ… 1 mình khiến tôi nhớ đến cái phút dừng kim nghĩ ngợi gì của cô thiếu nữ trong Xuân nhật tức sự của Sư Huyền Quang. Có phải mọi trái tim “tương tư” tình đầu đều rơi vào trạng thái như thế?! Trong niềm nhớ mong anh, em ngửa bàn tay để đón lấy những hạt mưa đầu tiên của đất trời, những hạt tình đầu tiên của cuộc đời. Em mân mê mưa hay mân mê giọt lòng – giọt tình của chính mình?! Thổn thức trong thơ là một tiếng lòng mộc mạc nhưng tình tứ. Tôi tìm thấy tôi và mọi thiếu nữ tìm thấy mình trong em…
Mang tâm trạng:
                                           Một chờ, hai đợi, ba trông
                               Bốn thương, năm nhớ, bảy tám chín mong, mười tìm
                                                                                              (Ca dao)
      Em vội vàng xin phép mẹ, tất tả đến với hội chèo, đến với anh cùng biết bao hồ hởi, biết bao hi vọng, biết bao khát khao về một cuộc gặp gỡ lãng mạn:
                                          Dù ai cho bạc cho vàng
                              Chẳng bằng trông thấy mặt chàng hôm nay
                                                                                    (Ca dao)
      Ấy vậy mà… Đáp lại em là gì?
      Bóng dáng người thương chẳng thấy đâu!… Hụt hẫng… Thất vọng… Và cô đơn lầm lụi đến ghê người! Hi vọng nhen nhóm trong em mãnh liệt để rồi em như rớt mình, như rơi tõm xuống hố sâu của nỗi tủi buồn…
                                   Mình em lầm lụi trên đường về,
                                   Có ngắn gì đâu một dải đê!
                                   Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt,
                                   Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya.
       Cũng chừng ấy cảnh vật nhưng giờ đây sao tất cả đổi khác quá! Nói như cách nói của Chu Văn Sơn, không gian Dương bản đã hóa thành Âm bản. Tất thảy với em có còn đẹp đẽ, có còn nghĩa lí gì đâu khi không gặp anh! Ai dám chắc trên đường về lầm lụi ấy, giọt mưa xuân không cùng vị với giọt nước mắt em… Nhưng lối hờn giận của em cũng rất Nguyễn Bính. Có trách cứ đấy, nhưng không ngoa ngoắt, không đay nghiến…  Nghe vẫn như lời trách yêu, như chút giận hờn vu vơ… Đủ để ta đồng điệu và đủ để ta thương cảm!
       Bài thơ khép lại bằng hai câu hỏi:
                                  Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày!
                                  Bao giờ em mới gặp anh đây?
                                  Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ,
                                  Để mẹ em rằng: hát tối nay?
      Da diết. Xa xót. Đầy ám ảnh… Phút giây hạnh ngộ đã có. Mà phút giây tái ngộ dường xa xăm. Bao giờ cho đến ngày sau hay bao giờ cho đến ngày xưa? Xuân cạn ngày hay em đang dần cạn xuân? Em hoài nghi… Nhưng em vẫn mong chờ...  Có lẽ bởi với em, yêu còn là thương. Và có lẽ, bởi Nguyễn Bính là “thi sĩ của thương yêu”.
      Tôi có cảm giác, mọi thứ trong Mưa xuân – trừ em - đều rất đỗi mơ hồ, mông lung như làn mưa bụi lất phất, giăng lớp sương mỏng khắp không gian thơ kia. Thời gian em đến với anh là bữa ấy. Bữa ấy – cái mốc đáng nhớ của cuộc đời em - là bữa nào? Không xác định, không rõ ràng như thời điểm ba năm trước trong tình duyên dang dở của cô lái đò bên bến sông ngày nào! Chỉ biết bữa ấy gắn với hội chèo làng Đặng đi qua ngõ! Người giăng tơ một mối tình – và cũng là người “giăng tơ một mối sầu” trong em - là anh, vậy mà cả bài thơ, không có một câu chữ nào giới thiệu rõ về anh! Chỉ biết anh xuất hiện đột ngột và cũng biến mất không lời báo trước! Nhưng tất cả những mơ hồ đó lại làm câu chuyện em kể hiện lên rất thật. Phải chăng mơ hồ là một trong những vẻ đẹp của tình yêu?! Hay đấy là sự mơ hồ của những éo le, những trái ngang luôn rình rập, không lường trước được của cuộc đời?! Có người bảo, chàng trai phụ tình và đáng trách. Nhưng tôi nghĩ khác! Biết đâu trong sự biến mất mơ hồ của anh lại hàm chứa một sự không may, một bất hạnh nào đấy dành cho anh. Ai dám chắc mình biết tất thảy rủi may, bể dâu của sự đời? 
       Sáng tác Mưa xuân lúc vừa tròn 18 tuổi – mối tình đầu cùng nàng thơ – với Nguyễn Bính đã là một sự lỡ dở, một sự không trọn vẹn… Phải chăng nỗi đoạn trường, đa đoan đã vận vào đời người, đời thơ từ thuở ấy? Ta vẫn thường tiếc cho sự lỡ làng trong thơ Nguyễn Bính, và ước mong mọi đôi lứa đều trọn vẹn, sum vầy. Nhưng nếu điều đó xảy ra, thì âu chừng, thơ Nguyễn Bính sẽ không còn là thơ Nguyễn Bính nữa. Và khi ấy, nếu mọi thứ vẹn tròn (dẫu chẳng – bao - giờ - có - thể - vẹn – tròn) thì thơ tình Nguyễn Bính sẽ không sống - lâu và sống - sâu đến tận ngày hôm nay!
      Tôi chợt nhớ đến câu ngạn ngữ Pháp: Trong tình yêu, ước mơ vẫn hơn là nắm giữ, rồi lại nghĩ lẩn thẩn: lỡ dở đôi khi cũng là một cái đẹp - cái đẹp khiến người ta không thôi ám ảnh và không thôi khao khát! Và những câu chuyện tình lỡ dở trong thơ Nguyễn Bính đâu phải chỉ là chuyện của một người. Nó còn là câu chuyện của mọi thân - phận - yêu, là câu chuyện của mọi kiếp người, kiếp đời. Tình yêu và cuộc đời chẳng bao giờ toàn vẹn với bất kì ai! Nhưng dẫu cho mọi sự có thể không vẹn tròn, vẫn luôn tin rằng: thế nhân sẽ luôn sống trọn vẹn với tình yêu này và với cuộc đời này…

                    Lê Phan Quỳnh Trang
                   (Giáo viên Văn, THPT Trần Phú) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét