Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

298. SÀI GÒN VÀ NGUYÊN SA

Những năm tháng đi về dưới mái trường trung học của lứa tuổi tôi, không ai không một lần say sưa đọc những vần thơ của thi sĩ Nguyên Sa, hay miệt mài suy tư theo những bài giảng triết học của Giáo sư Trần Bích Lan đã được in thành sách hoặc cất tiếng ca những nhạc khúc mà Ngô Thụy Miên phổ thơ Nguyên Sa. Đặc biệt những cô nường học trò mà tâm hồn mộng mơ, thích đắm
mình tròng dòng thi ca trữ tình tình yêu, những dòng thơ mềm như lụa nhưng có pha lẫn một chút tinh nghịch của tuổi mới lớn, thì không ai không “ngưỡng mộ” nhà thơ kiêm giáo sư triết học này. Tôi cũng không ngoại lệ. Chỉ có điều tôi mê thơ mà không mê người như những cô nàng nõn nà nõn nường áo trắng Đồng Khánh, Hồng Đức, Gia Long,...
Một trong những bài thơ tôi thích là Tám phố Sài Gòn, nhưng thời ấy lại không thuộc hết bài. Trong tôi từ lâu chỉ vang vọng những hình ảnh thơ : “Guốc cao gót nhỏ mây vào gót – Áo luạ trăng mềm bay xuống thơ” hay “Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng – Vành môi nghiêng cánh xuống phân vân – Lưng trời không có bầy chim én – Thành phố đi về cũng đã xuân”. Đúng hơn qua những vần thơ ấy, trong tôi đã hiện hình một Sài Gòn hiện đại nhưng không hề mất đi nét lãng mạn. Tôi yêu Sài Gòn từ đó dù trước 1975, tôi chỉ một lần đến thành phố được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông" này.
Để bây giờ đọc toàn bộ bài thơ mới cảm hết những nét đẹp của Sài Gòn. Từ nhịp điệu buổi chiều chầm chậm đi hay buổi sáng chuyển nhanh theo vòng quay của bánh xe solex đến một Sài Gòn đang miệt mài nghiên cứu, học tập đều lung linh vẻ đẹp của cô gái 16, cô gái của nguồn hứng cảm thi ca. Làm sao tôi không rung động trước môi cười Sài Gòn vừa như một “vòng cung màu đỏ” vừa có “nét thu cong” mềm mại, quyến rũ và tình tứ. Và tất nhiên, như là một hệ quả tâm lí, trước nụ cười kia, tôi cũng như nhà thơ hồi hộp mơ ước và hi vọng : đôi môi cười thánh thiện và diễm tình ấy sẽ là chiếc cầu vồng nối đôi bờ nhớ của một mối tình thầm.
Cầu vồng bắc giữa mưa và nắng
Hay đã đưa dần sang nhơ thương
Làm sao tôi có thể lơ đãng trước “Sài Gòn gối đầu trên cánh tay” trong con mắt chiêm ngưỡng của thi sĩ đa tình và yêu cái đẹp đã bay lên hóa thành  “ánh trăng mười bốn” lụa là dịu dàng trong tiếng nhạc tình ái thơm tho... Phải chăng vì vậy mà trăng đã trở thành một điểm nhấn nghệ thuật, thể hiện niềm rung động của thi sĩ trước Sài Gòn như một người con gái đẹp, thùy mị và dịu dàng. Trăng đi về trong thơ với những hình dáng khác nhau nhưng vẫn mang một ý nghĩa biểu tượng. Đó là “mặt trăng”, “trăng sáng”, “ánh trăng”, “ánh trăng”, “trăng mềm”, biểu tượng cho cái đẹp, tình yêu và khát vọng tương lai.

Vì vậy, hôm nay tình cờ gặp lại “cố nhân” Tám phố Sài Gòn, tôi muốn ghi lại trọn vẹn bài thơ lên trang blog này vừa để yêu thêm cái thời lãng mạn vừa để tặng cho các bạn một thời trung học Phan Châu Trinh 1964-1971 của tôi.

TÁM  PHỐ SÀI GÒN
                        Nguyên Sa

Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều
Cánh tay tà áo sát vòng eo
Có nghe đôi mắt vòng quanh áo
Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo

Sài Gòn phóng xe Solex rất nhanh
Đôi tay hoàng yến ngủ trong gants
Có nghe hơi thở cài vương miện
Lên tóc đen mềm nhung rất nhung

Sài Gòn ngồi thư viện rất nghiêm
Tờ hoa trong sách cũng nằm im
Đầu thư và cuối cùng trang giấy
Những chữ y dài trông rất ngoan

Sài Gòn tối đi học một mình
Cột đèn theo gót bóng lung linh
Mặt trăng theo ánh đèn : trăng sáng
Đôi mắt trông vời theo ánh trăng

Sài Gòn cười đôi môi rất tròn
Vòng cung màu đỏ, nét thu cong
Cầu vồng bắc giữa mưa và nắng
Hay đã đưa dần sang nhớ mong

Sài Gòn gối đầu trên canh tay
Những năm mười sáu mắt nhìn mây
Chiếc tay tròn ánh trăng mười bốn
Tiếng nhạc đang về dang cánh bay

Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa
Thứ Bảy Sài Gòn đi Bonard
Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ

Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng
Vành môi nghiêng cánh xuống phân vân
Lưng trời không có bầy chim én
Thành phố đi về cũng đã xuân.
_________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét