Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

286. VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC (p1)

I. Vấn đề khái niệm.
     1. Từ nguyên:
        - (1) “Tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử”, (2) “Những hoạt động của con người nhằm thoả mãn các nhu cầu đời sống tinh thần (nói tổng quát)” (Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1996, tr. 1062)
        - “Mọi sự cần dùng về đời sống có tổ chức của một dân tộc như: kinh tế,
pháp luật, mĩ thuật, văn chương,...” (Lê Văn Đức (chủ biên), Việt Nam tự điển, quyển hạ, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1970, tr. 1749)
        - “Toàn thể những thành tựu của loài người trong sản xuất, xã hội và tinh thần” (Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 846)
        - “Sản vật tinh thần của loài người về phương diện pháp luật, kinh tế, nghệ thuật, v.v.” (Nguyễn Văn Khôn, Hán Việt từ điển, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1969, 1061)
        - Văn hoá là phương thức giáo hoá con người – Văn trị giáo hoá. (Lưu Hướng, năm 77-6 TCN)
        - Văn hoá: “Culture (Anh), Kultur (Đức), Kultura (Nga); tất cả có gốc từ  Cultus animi (La tinh) có nghĩa là trồng trọt tinh thần. Vậy cultus nghĩa là văn hoá được hiểu ở hai khía cạnh: trồng trọt, thích ứng với tự nhiên, khái thác tự nhiên và giáo dục đào tạo cá thể hay cộng đồng để họ không còn là con vật tự nhiên, và họ có những phẩm chất tốt đẹp” (Trần Quốc Vượng (chủ biên), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục (tái bản lần thứ ba), Hà Nội, 2001, tr. 17-18)
     2. Khái niệm của các nhà nghiên cứu
       - “Văn hoá chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người cho nên ta có thể nói rằng: Văn hoá tức là sinh hoạt” (Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb Bốn Phương tái bản, Sài Gòn, 1951, tr. 13)
       - “Văn hoá, theo nghĩa rộng, là cái tự nhiên được biến đổi bởi con người, bao hàm cả kĩ thuật, kinh tế,... để từ đó hình thành một lối sống, một thế ứng xử, một thái độ tổng quát của con người đối với vũ trụ, thiên nhiên và xã hội, là cái vai trò của con người trong vũ trụ đó, với hệ thống những chuẩn mực, những giá trị, những biểu tượng, những quan niệm ... tạo nên phong cách diễn tả tri thức và nghệ thuật của con người.” (Trần Quốc Vượng, Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy nghĩ, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 2000, tr. 35-36)
       - “Văn hoá là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” (Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam, Trường ĐHTH, Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr. 20)
       - “Không có cái gì gọi là văn hoá cả và ngược lại bất kì vật gì cũng có cái mặt văn hoá. Văn hoá là một quan hệ. Nó là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng và thế giới thực tại. Quan hệ ấy biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của một tộc người, một cá nhân so với một tộc người khác, một cá nhân khác. Nét cá biệt giữa các kiểu lựa chọn làm cho chúng khác nhau, tạo thành những nền văn hoá khác nhau là độ khúc xạ” (Phan Ngọc, Văn hoá Việt Nam và cách tiếp cận mới, Nxb Văn hoá thông tin, Hà nội, 1993, tr.105)
       - “Khái niệm văn hoá mà chúng ta thường dùng trong nghiên cứu, lí luận lại chỉ những thức có quan hệ đến văn minh tinh thần như triết học, sử học, văn học, mĩ học, âm nhạc và cả tôn giáo, v.v... Có một khái niệm rộng hơn về văn hoá, đó là tất cả những gì loài người sáng tạo ra, là tổng hoà của văn minh vật chất và văn minh tinh thần, bao gồm các chế độ điển chương trong đời sống chính trị, sự trao đổi sản xuất trong đời sống kinh tế, việc ăn mặc trong đời sống xã hội, .v.v... Nghĩa là tất cả những gì con người bằng lao động thể xác và lao động trí não tạo nên. Lại còn có cái gọi là văn hoá tầng sâu, chỉ kết tinh của tinh thần dân tộc được hình thành trong những điều kiện tự nhiên và điều kiện lịch sử nhất định, cũng có nghĩa là đặc trưng văn hoá và bộ mặt tinh thần của một dân tộc.” (Ngô Chính Vinh, Đại cương lịch sử văn hoá Trung Quốc, Nxb Văn hoá thông tin, Hà nội, 1994, tr. 16).
        - “Văn hoá là một tổng thể phức tạp, bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, phong tục và cả những năng lực thói quen mà con người đạt được trong xã hội” (Taylor – nhà nhân loại học người Anh – sách Văn hoá nguyên thuỷ, xb năm 1871, dẫn theo Ngô Chính Vinh, Đại cương lịch sử văn hoá Trung Quốc, Nxb Văn hoá thông tin, Hà nội, 1994, tr. 16).
        - “Văn hoá, về phương diện động, là cuộc phát triển tiến bộ mà không ngừng của những tác dụng xã hội về kĩ thuật, kinh tế, tư tưởng, nghệ thuật, xã hội tổ chức, những tác dụng ấy tuy liên tục mà vẫn riêng nhau. Về phương diện tĩnh thì văn hoá là trạng thái tiến bộ của những tác dụng ấy ở một thời gian nhất định, và tất cả các tính chất mà tất cả các tác dụng ấy bày ra ở các xã hội loài người” (Félix Sartiaux, dẫn theo Đào Duy Anh trong lời tựa cuốn Việt Nam văn hoá sử cương)
        - “Văn hoá là tấm gương nhiều mặt phản chiếu đời sống và nếp sống của một cộng đồng dân tộc” (Dẫn theo Trần Quốc Vượng, 100 năm giáo thoa văn hoá Đông Tây).
        - “Tất cả những gì không phải là thiên nhiên đều là văn hoá. Bản năng là “vốn có”, do đó cũng là thiên nhiên” (Dẫn theo Trần Quốc Vượng, Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr. 28). Như vậy, có thể gọn lại: văn hoá là sự chế ngự bản năng.
     3. Khái niệm văn hoá của UNESCO:
        “Văn hoá hôm nay có thể coi là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và cảm xúc quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hoá bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và những tín ngưỡng. Văn hoá đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân. Chính văn hoá làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lí tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lí. Chính nhờ văn hoá mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm tòi không biết mệt những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên nhữnh công trình vượt trội lên bản thân” (Tuyên bố về những chính sách văn hoá - Hội nghị quốc tế do UNESCO chủ trì từ 26-7 đến 6-8- 1982 tại Mehico)
II. Những nét đẹp văn hoá dân tộc Việt.
     1. Cơ sở hình thành:
       Theo GS Trần Quốc Vượng: “Trên diễn trình lịch sử nước Việt, dân tộc Việt nhận nhiều ảnh hưởng văn hoá – chính trị Trung Hoa Đông Á song vẫn luôn luôn duy trì nền tảng văn hoá, môi cảnh địa – nhân văn Đông Nam Á của mình” (Văn hoá Việt Nam tìm tòi suy nghĩ, tr. 24). Có thể tóm tắt quan điểm của ông về sử hình thành bản sắc văn hoá Việt Nam như sau:
       - Địa - văn hoá tạo nên bản sắc văn hoá bắc bán đảo, gió mùa; đã phán ánh rõ nét trong huyền khởi nguyên Họ Hồng Bàng (Mẹ tổ Âu Cơ (tiên) từ núi xuống lấy Bố tổ Lạc Long Quân (rồng) từ biển lên, hôn nhân bản địa và biển vào, trồng lúa nước. 
       - Địa - lịch sử: Nam tiến, Cảng thị (đầu CN – TK XVII), Ảnh hưởng Phật Giáo.
     2. Hằng số văn hoá của người Việt.
       a. Tính biểu trưng văn hoá:
          - Văn hoá là một biểu tượng:
             + Leslie A. White (nhà văn hoá người Mĩ): “Văn hoá là tên được đặt cho một lớp sự vật và sự việc phụ thuộc vào năng lực tượng trưng hoá và được xem xét trong văn cảnh ngoài cơ thể con người”, “Văn hoá như là mô hình và hình thái”. Những biểu trưng văn hoá do con người tạo ra đó là chiếc chìa khoá kì diệu của văn hoá con người. Nắm được chìa khoá đó có thể nắm bắt được tất cả bí mật của văn hoá con người... biểu trưng là ngôn ngữ của văn hoá” (Dẫn theo Nguyễn Duy Bắc, tlđd, tr. 25)
             + R. Alleau (nhà văn hoá học người Mĩ): “Truyền thống văn hoá truyền lại những biểu tượng” (Dẫn theo Nguyễn Duy Bắc, tlđd, tr. 26)
             + Trần Quốc Vượng: “Văn hoá là một hệ chuẩn mực, mật mã, biểu tượng”.
             + Phan Ngọc: “Con người tạo ra vật mới theo mô hình có sẵn trong đầu óc anh ta. Do đó anh ta cùng một lúc sống hai thế giới, thế giới thực tế và cái thế giới biểu tượng vì con người không có cách lao động nào ngoài cách làm theo cái mô hình có sẵn trong thế giới biểu tượng cho nên vai trò của văn hoá là cực kì to lớn đối với đời sống thực tế” (Một nét bản sắc văn hoá Việt Nam, tr. 39)
             + E. Durkheim: “Con người sáng tạo biểu trưng văn hoá, dùng biểu trưng để thống nhất con người, để thông tin, lưu truyền, để tác động và để thấy được diện mạo tinh thần của con người” (Dẫn theo Nguyễn Duy Bắc, tlđd, tr. 27)
         - Những biểu tượng văn hoá của người Việt: Theo GS Trần Quốc Vượng có ba biểu Tượng: Nước, Rồng, Tre. 
          “Tính sông nước là một đặc trưng văn hoá Việt Nam (...) người Việt đã đồng nhất không gian xã hội, cộng đồng lãnh thổ, Tổ quốc của họ với nước. Và phổ xã hội của họ mở rộng dần, bắt đầu từ cái nhà qua họ hàng, xóm làng tới quốc gia - nước” (Trần Quốc Vượng, tlđd, tr. 42)  
          Theo các tác giả sách “Cơ sở văn hoá Việt Nam” thì "Môi cảnh nhân văn Địa – văn hoá" đã tạo nên “hai tính trội của văn hoá Việt Nam truyền thống: sông nước và thực vật (Văn minh thực vật, văn minh thôn dã, văn hoá lúa nước)” (tr. 35).
          Chính hai nét trội văn hoá này đã in đậm trong đời sống hằng ngày của con người Việt Nam như ở, đi lại và ăn. Tính thực vật còn thể hiện trong đời sống tâm linh là tục thờ Cây. Yếu tố nước mang tính chất phổ quát nên đã tạo sắc thái riêng biệt trong kĩ thuật canh tác, cư trú, ở, ăn, tâm lí ứng xử, sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng tôn giáo,...
     b. Hằng số văn hoá:
         -  Khả năng ứng biến: Nhu – cương, công - thủ.
         - Duy tình, duy cảm, duy nghĩa trong quan hệ người - người, người - tự nhiên, người - tâm linh; thái độ trách nhiệm với thế hệ sau thể hiện qua khái niệm phúc đức.
          - “Văn hoá Việt Nam là một văn hoá nhân cách luận” (Phan Ngọc, Thử xét văn hoá – văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr. 20), “Nhân cách  là sự đánh giá của chính mình về mình, cũng như của những người khác về mình, căn cứ không phải vào của cải, chức vụ, tài năng, học vấn, vào mọi cái tôi có sẵn, mà căn cứ vào quan hệ đối xử giữa tôi với mọi người” (Phan Ngọc, Sđd, tr. 21)
          - “Văn hoá Việt Nam cũng là một nền văn hoá đầy nữ tính. Nó giàu tình thương, lòng nhân hậu, đức hi sinh, ít thiên về lí trí mà thiên về tình cảm. Nó đậm chất trữ tình, thiên về âm nhạc và thơ ca. Nó rất ưa chuộng cái đẹp, sự tô điểm, thích những đường cong mềm mại, những âm điệu luyến láy (ngay cả trong giọng hát đàn ông). Văn hoá nữ tính có một sức mạnh đặc biệt - sức mạnh của cái mềm, của nước.” (Lê Ngọc Trà, Thách thức của sáng tạo thách thức của văn hoá, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2002, tr. 293), “Trong văn hoá Việt Nam Còn có một yếu tố nữa cũng bắt nguồn từ bản thân đời sống dân tộc và có một ý nghĩa quan trọng đối với số phận dân tộc – đó là tính cộng đồng  (...). Tinh thần cộng đồng ấy quả là một sức mạnh lớn lao, tăng cường khả năng chống đỡ tự vệ, giứp dân tộc ta vượt qua bao cơn thử thách, tồn vong” (Lê Ngọc Trà, Sđd, tr. 293-294)   
          - Chính từ môi cảnh nhân văn, sinh quyển văn hoá, Địa – văn hoá nói trên đã hình thành những không gian văn hoá  đặc thù Việt Nam: Gia đình - làng - nước
          Chính từ những thành tố văn hoá này mà giáo sư Phan Ngọc đã viết: “Tôi gọi văn hoá Việt Nam là văn hoá 4 F, bởi vì bốn thành tố quyết định diện mạo của văn hoá này có thể dịch ra bốn từ tiếng Anh bắt đầu bằng chữ F. Đó là Tổ quốc (Fatherland), Gia đình (Family), Thân phận (Fate), và Diện mạo (Face)” (Phan Ngọc, Thử xét văn hoá – văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr. 24). 
                                                                                                                     (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét