Ngày
xưa, khi còn ở quê nhà, cứ mỗi độ xuân về, tôi thường đi xem
tế lễ ở đình, ở Văn thánh của làng. Lúc ấy, tâm hồn thơ dại
của tôi như bị hút lấy bởi không khí trang nghiêm, thiêng liêng
và cũng mang màu sắc lạ lẫm của những buổi tế ấy. Lớn lên
một chút, khi mơ hồ nhận thức được tại sao làng tôi có Văn
thánh, tôi đành “bỏ quê” mà tìm đến
với thị thành. Nhưng cũng
từ đó, tôi đã biết tại sao suốt dải đất Ngũ Điền đầy nắng
gió, giàu cát trắng, không ở đâu có Văn thánh, chỉ làng Kế Môn
của tôi mới có điện thơ Đức “Vạn thế Sư biểu” Khổng Tử và
bảy mươi hai học trò của Ngài.
Theo kiến thức hạn
hữu của tôi, làng tôi thời Nguyễn có hai vị đại khoa. Vị đại
khoa thứ nhất, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Oai thì tôi biết theo nhiều
cách khác nhau. Khi học Đại học sư phạm
Huế, mỗi lần lên Ngọ môn chơi, tên của Tiến sĩ Nguyễn Thanh
Oai, người Kế Môn hiển hiện rõ nét trên tấm bia trước mắt tôi.
Trong lòng tôi lúc ấy dâng lên một niềm vui khó tả. Rồi qua
lịch sử, qua tìm hiểu tư tưởng và thơ văn của Nguyễn Lộ Trạch,
một nhà duy tân của quê hương, tôi hiểu thêm ông quan Tổng đốc
Ninh Thái, hàm Thượng thư họ Nguyễn này. Nguyễn Thanh Oai đậu Đệ
tam giác đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mão, Thiệu Trị thứ 3 (1843)
năm 28 tuổi.
Nhưng với vị đại khoa thứ hai là Đình nguyên Hoàng giáp Trần
Dĩnh Sỹ (1858 - 1914), tôi lại rất mù mờ. Tôi chỉ nghe tên ông
qua niềm tự hào của những người trong tộc Trần Duy, qua cách
xưng hô đầy ngưỡng mộ và tôn kính của
người dân làng tôi đối với ông : “Cụ Thượng họ Trần”. Rồi
thời gian đã giải mã để tôi hiểu cụ thể hơn Người đã làm
rạng danh dòng tộc và quê hương mình. Tôi tự dặn lòng có dịp,
sẽ viết một bài về Đình Nguyên Hoàng giáp Trần Dĩnh Sỹ.
Dịp đó đã đến khi tôi đọc mục “Những
nhân vật đi vào lịch sử” trên trang “Web Làng Kế Môn”. Đúng hơn,
chính bài viết của Lê Quang Thái về Trần Dĩnh Sỹ mà anh Đặng
Minh Hiền đăng lại trên trang Web đã kích mở cho cảm hứng trong
tôi tuôn tràn. Cho nên, khi về quê, nghe ở họ Trần Duy có “Sắc
phong của vua Duy Tân cho phụ thân" của ông, tôi đã tìm đến. Sắc
phong bằng chữ Hán, qua năm tháng chữ có phần mờ đi, bên dưới
có bản dịch chữ quốc ngữ. Dưới đây là sắc phong bằng chữ Hán
và bản dịch:
"Vâng
mệnh trời mở vận nước, Hoàng đế định rằng, người quân tử có
hiếu làm vẻ vang cha mẹ, không gì bằng để lại danh tiếng nơi
triều đình. Các loại ân tứ tất phải có nguồn gốc từ phẩm
cách xứng hợp với lẽ đạo, nhân vậy, niệm tình mà chiếu xét
khanh thần quá cố Trần Duy Tân, phụ thân của Thị Giảng học sĩ Tham biện nội các sự vụ
Trần Dĩnh Sỹ, đã thành tựu nuôi dưỡng con cái bằng đạo đức
của người xưa, dạy con có nghĩa phương, có năng lực làm quan và
biết khuyên con giữ chữ trung.
Quế tốt hương nồng mới biết phước ấm của ông cha dĩ vãng,
bóng rộng như cây xuân, sum suê như lá cây ngô đồng tận đầu
nhánh. Mới hay phước có rễ sâu, đạo lí đã hiến chương thì
tiếng thơm ắt hẳn vang vọng, nước nhà có sự vui mừng.Vì vậy
mà phụng chiếu của triều đình ban ân mừng cho khanh thần đã
quá cố, ngợi khen con khanh là vị quan có năng lực, nhiều triển
vọng phục dực triều đình, đáng ban thêm danh hiệu cao quý vẻ
vang hơn.
Nay đặc
cách ban tặng chức phụng thành Đại phu Hàn lâm viện Thị
giảng. Thật là đều bất hủ vậy thay, cái danh đó chẳng bao giờ
mục nát được. Tiếng vang đã làm cho rạng rỡ nơi chốn cửu
tuyền, lại càng tăng phước khánh, lại làm cho phước ấm càng
nối dài thêm, an ủi hương linh khanh ơn sâu dày truyền khắp mọi
nơi. Khâm tai.
Duy Tân năm thứ tư tháng chín ngày mười ba".
Đọc sắc phong, mới thấy cha ông xưa quý người tài đến nhường nào. Bậc vua chúa ngày xưa đã nhận thức rõ "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" (Thân Nhân Trung). Kẻ sĩ tài năng và tâm huyết với nhân dân, với văn hóa dân tộc, với sự phát triển bền vững của đất nước mãi mãi là rường cột, là lương đống không thể thiếu được của ngôi nhà Tổ quốc.
Sắc phong
là ân tứ của vua Duy Tân dành cho ông Trần Duy Tân, phụ thân ông
Trần Dĩnh Sỹ, nhưng thực chất là khẳng định tài năng, tâm
huyết, phẩm chất và giá trị của vị Hoàng giáp Kế Môn. Câu văn
“Hoàng đế định rằng, người quân tử có hiếu làm vẻ vang cha mẹ, không gì bằng để lại danh tiếng nơi triều đình"
đã bộc lộ sự trân trọng tài đức của kẻ sĩ của các vua xưa.
Tất nhiên, cái nhìn trong sắc phong vẫn nằm trong khuôn khổ đạo
đức của nho gia, mang màu sắc phong kiến, nhưng đã nói lên được
đạo hiếu của người con trong việc thờ cha kính mẹ,
tài đức mà kẻ sĩ đem ra khuôn phò làm rường cột gánh vác
việc nước như câu thơ của Nguyễn Trãi “Tài đống lương cao ắt cả
dùng”. Hiểu như vậy mới thấy những cụm từ “quân tử”, “để lại
danh tiếng nơi triều đình” vừa có ý nghĩa cụ thể vừa có nội
dung khái quát. Kẻ sĩ đem tài ra giúp triều đình, nhưng sâu xa
là giúp nước và cũng là để “có danh gì với núi sông” (Nguyễn
Công Trứ).
Nghĩ cho cùng, nếu Đình nguyên Hoàng Giáp Trần Dĩnh Sỹ không “là vị quan có năng lực, nhiều triển vọng phục dực triều đình”
thì sẽ không có sắc phong của vua Duy Tân. Xét trên bình diện
lịch sử của bản thân Trần Dĩnh Sỹ mới thấu được cái lí của
lời khen này. Nếu không có nội lực, căn cốt vững vàng, liệu
“cụ Thượng họ Trần” có được ân tứ “đặc cách ban tặng chức phụng thành Đại phu Hàn lâm viện Thị giảng”
không ? Đây là chức Thị lang hàm Tam phẩm, một chức vụ và
phẩm hàm không nhỏ trong xã hội phong kiến. Cái nội lực ấy đã
có trong công phu học tập dùi mài kinh sử, và sự mẫn tuệ của
trí óc của Trần Dĩnh Sỹ. Những phẩm chất này đã thể hiện
qua kết quả thi cử của ông.
Theo “Quốc triều khoa bảng lục”
của Cao Xuân Dục, một đại thần của Triều Nguyễn, ghi lại tên
họ, quê quán của tất cả những thí sinh thi đỗ các khoa thi Đình dưới
thời nhà Nguyễn từ khoa Nhâm Ngọ (Minh Mạng thứ ba - 1822) đến khoa sau
cùng năm Kỷ Mùi (Khải Định thứ bốn - 1919) thì Trần Dĩnh Sỹ đỗ đầu
trong kì thi năm Ất Mùi (1895) đời vua Thành Thái.
Nói một cách cụ thể hơn, khoa cử triều Nguyễn chọn “Những thí
sinh đỗ kỳ thi Hội sẽ được vào thi Đình. Sau khi yết bảng thi Hội, các
quan Chủ khảo và Tri cống cử căn cứ theo điểm các thí sinh ở các trường
thi, lập bảng Giáp (bảng chánh) và bảng Ất (bảng phó), mỗi thứ hai
bảng. Bảng Giáp ghi danh những người đỗ chính thức, bảng Ất ghi danh
những người lấy đỗ Phó bảng. Những người có tên trong bảng Giáp sẽ được
dự kỳ thi Đình.Và thời này không lấy Trạng nguyên, chỉ lấy đỗ:
I - Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ (cao nhất là Bảng nhãn, sau là Thám hoa);
II - Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ xuất thân hay Hoàng giáp) - ông hoàng;
III - Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân (đồng tiến sĩ xuất thân) - dân gian gọi là ông tiến sĩ;
và PB - Phó bảng.
Như vậy, Trần Dĩnh Sỹ đỗ chánh thức khoa thi Hội, được vào thi Đình (thi Đình do nhà vua khảo hạch,
ra đề và chấm bài) và ông đã đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất
thân. Năm này không có Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ. Có thể
tham khảo bảng sau :
Khoa Ất Mùi - 1895
I Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ (Thám hoa, Bãng nhãn) không có.
II Đệ nhị giáp Tiến sĩ cập đệ (Hoàng giáp)
1. Trần Dĩnh Sĩ
III Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (đồng tiến sĩ xuất thân)
1. Nguyễn Đức Huy 2. Nghiêm Xuân Quảng 3. Lê Phát 4. Đỗ Quân 5. Đàm Kiêm 6. Từ Đạm 7. Phạm Duy Du
Phó bảng :
1. Hoàng Mậu 2. Cao Xuân Tiếu 3. Phan Trân 4. Đặng Nguyên Cẩn 5. Nguyễn Tái Tích 6. Hoàng Hữu Hoàn 7. Đào Phan Quân 8. Vương Đình Trân 9. Từ Thiệp 10. Nguyễn Văn Chấn 11. Trần Tán Bình 12. Hoàng Đình Huyến
Và nếu vào triều Nguyễn, cả nước có 39 vị Đình
nguyên, thì tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ có hai vị là Đình Nguyên
Hoàng giáp võ Nguyễn Văn Vận, người Đông Xuyên, Quảng Điền; và
Đình nguyên Hoàng giáp văn Trần Dĩnh Sỹ, người Kế Môn, Phong
Điền.
Qua bảng trên, có thể thấy được tài năng của vị đại khoa làng Kế Môn họ Trần Duy.
Bên cạnh đó, qua sắc phong, vua Duy Tân đã hết mực ngợi ca phụ thân của vị Đình nguyên Hoàng giáp này đã “thành
tựu nuôi dưỡng con cái bằng đạo đức của người xưa, dạy con có
nghĩa phương, có năng lực làm quan và biết khuyên con giữ chữ
trung”. Có lẽ cũng không cần bàn gì thêm, nếu bàn thì
bàn về giáo dục gia đình, môi trường văn hóa gia đình đã giáo
dưỡng nên người tài. Gia đình là chiếc nôi văn hóa của xã hội
và cũng là môi trường giáo dục tốt nhất của con cái. Nói
đúng hơn, giữa gia đình và các thành viên trong gia đình có tác
động qua lại lẫn nhau. Không thể có hiện tượng : một gia đình
không văn hóa, một gia đình không có truyền thống, một gia đình
không lấy đạo lí làm nền tảng để giáo dục con cái mà lại có
được những đứa con ngoan, trò giỏi, công dân có ích và ngược
lại. Phải chăng đó là điều mà vua Duy Tân đã ghi : “Quế
tốt hương nồng mới biết phước ấm của ông cha dĩ vãng, bóng
rộng như cây xuân, sum suê như lá cây ngô đồng tận đầu nhánh. Mới
hay phước có rễ sâu, đạo lí đã hiến chương thì tiếng thơm ắt
hẳn vang vọng, nước nhà có sự vui mừng”.
Tuy vậy, như trên đã nói, sắc phong thể hiện cái nhìn mang
màu sắc phong kiến, nên có một điều đáng tiếc, đó là chỉ tán
dương công đức của phụ thân ông Trần Dĩnh Sỹ mà không nhắc gì
đến mẫu thân của ông, người mang nặng đẻ đau, đã dạy dỗ ông từ
khi còn trong bào thai (thai giáo) cho đến khi cất tiếng khóc
chào đời và trưởng thành.
Ngày nay, đọc lại sắc phong
của vua Duy Tân cho phụ thân Trần Dĩnh Sỹ, chúng ta vừa tự hào
về con người, quê hương Kế Môn, vừa rút ra bài học sâu sắc :
Gia đình là môi trường giáo dục tốt nhất giúp con cái nên
người, biết sống đúng với đạo lí, sống có ích. Truyền thống
gia đình là một nền tảng để con cháu vươn đến chân - thiện -
mĩ trong đời sống.
Riêng tôi, qua sắc phong này tôi hiểu
thêm nếu không có “địa linh” Kế Môn thì sẽ không có những “nhân
kiệt” như Đình Nguyên Hoàng giáp Trần Dĩnh Sỹ. Tôi tự hào quê
hương, nhưng tôi cũng rất ngậm ngùi vì Văn thánh làng tôi ngày
xưa to lớn, uy nghi, nay sao mà tiêu sơ quá đỗi!
Ôi, Văn thánh biểu tượng của đất học Kế Môn.
HD, 18-3-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét