Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

265.CÓ THỂ BẠN KHÔNG TIN

     Buổi chiều, tranh thủ mười lăm phút giải lao, anh em trong phòng túm tụm vào nhau trò chuyện. Như tất cả mọi câu chuyện phiếm giữa bạn bè với nhau, mọi đề tài đều được khai thác triệt để, miễn sao đem lại không khí vui vẻ là được. Người thì nói đề tài tình yêu thời số hóa, kẻ góp tiếng cười 

bằng chuyện ông già mà ham… Người khác lại ngợi ca cái ngông của Cao Bá Quát,… Bỗng nhiên một anh từ đầu chỉ ngồi nghe bây giờ cười và lên tiếng :
       - Các bạn kể chuyện Cao Bá Quát làm tôi nhớ đến Nguyễn Công Trứ, xin hầu chư huynh : “Đang bị giáng làm lính thú Quảng Ngãi, Nguyễn Công Trứ khiêng kiệu cho quan tri phủ. Kiệu đi được một đỗi, quan tri phủ nhìn xuống các anh lính khiêng kiệu. Anh ta tái mặt nhận ra một trong các người lính khiêng kiệu có thầy học của mình, đó là Nguyễn Công Trứ. Quan vội cho dừng kiệu, đến bên thầy học, cung kinh mời thầy lên kiệu. Nguyễn Công Trứ bình thản nói : Không được đâu. Anh cứ làm việc của anh, còn tôi làm việc của tôi. Anh quan học trò ấy biết không thể nào lay chuyển được Nguyễn Công Trứ đành đi bộ với thầy”.
      Nghe xong ai cũng hoài nghi về “sự thực lịch sử” của câu chuyện. Anh bạn thấy vẻ mặt không mấy tin mình của người nghe nên đoan chắc rằng anh ta không hư cấu mà tôn trọng sự thật một trăm phần trăm.
      Kể cũng lạ với cái giai thoại này. Nguyễn Công Trứ có dạy học không nhỉ ? Anh học trò ở đây chắc là học trò trong công việc hành chính sự vụ, việc dân việc nước hay anh ta đã từng dưới trướng Tổng đốc Đông ? Chuyện cũng có vẻ thực, ít thì cũng được vài chục phần trăm. Ai chứ với Nguyễn Công Trứ cũng có thể tin đó là chuyện thật. Nguyễn Công Trứ đã từng lấy mo cau che sau đuôi con bò cái như là để che miệng thế gian. Nhà thơ của chí nam nhi là một con người ngông ngạo, xem thường những kẻ bị thịt, không nhân cách, không tài năng, nhưng khoác lác, nên ông luôn khoe tài : “Trời đất cho ta một cái tài - Giắt lưng dành để tháng ngày chơi”. Ông ngông nghênh giữa đời bằng “Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưỡng”. Ngay cả khi đi chùa, ông cũng vẫn giữ vẻ phong lưu, phong tình của cái thuở xưa giữa cánh đồng mênh mông “Thuyền quyên ứ hự anh hùng biết chăng ?” : “Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi - Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì” (Bài ca ngất ngưởng). Hơn nữa, Nguyễn Công Trứ từng “… nên tay ngất ngưởng - Lúc bình Tây cờ đại tướng - Có khi về Phủ Doãn Thừa Thiên” (Bài ca ngất ngưởng); nhưng cũng có khi bị giáng xuống làm lính thú. Năm 1843 vừa được thăng Binh bộ Tham tri ông bị vu cáo, triều đình cách hết chức tước, phát đi làm lính biên thùy ở Quảng Ngãi. Trong 28 năm làm quan, Nguyễn Công Trứ bị giáng chức và cách chức đến 5 lần, nặng nhất là lần bị tước hết chức làm lính thú.
      Mà thôi, bàn gì đến chuyện thực hư của câu chuyện. Anh em mình đâu phải là nhà sử học. Cái quan trọng là truyện “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Qua đó, truyện đã làm ta thấm thía đạo lí làm người, tình thầy trò. Và nhất là học được bài học sống và ứng xử của Nguyễn Công Trứ. Dù bị giáng chức làm lính thú khiêng kiệu, ông vẫn không nề hà, không mặc cảm, không đánh mất lòng tự trọng. Dù gặp học trò vẫn không lấy quyền uy của người thầy hay lợi dụng tình cảm thầy trò mà lơi là nhiệm vụ của mình. Câu nói của Nguyễn Công Trứ đã vạch rõ ranh giới giữa nhiệm vụ và tình cảm, giữa quan hệ tình nghĩa với quan hệ công việc và giữa người chịu ơn và người ban ơn. Trong công tác, khi thực thi nhiệm vụ không thể lẫn lộn và đánh đồng tất cả các mối quan hệ mà phải thực thi đúng chức năng, trách nhiệm của mình. Và trong cuộc sống, cũng như trong công việc luôn ý thức mình là ai, mình là gì và mình thế nào.
      Tóm lại, qua câu chuyện, đặc biệt là câu nói của Nguyễn Công Trứ, nó là một bài học nhận thức và một bài học sống đầy ý nghĩa cho chúng ta, cho những ai muốn sống tốt ở đời.
                                                                                                       27-3-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét