Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

213. XUÂN RỒNG NÓI CHUYỆN VẼ RỒNG

Còn ba ngày nữa là năm Nhâm Thìn sẽ đến bắt tay và chào thân thiện người dân Việt. Trong không khí chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc, dù có thế này thế khác, không ai muốn ăn một cái tết buồn thiu, ai cũng chuẩn bị một cái gì đó cho tết đậm đà màu sắc dân tộc. Mình cũng chẳng khác gì hơn, chỉ có điều tranh thủ rảnh rỗi viết bài góp tiếng cùng xuân : “Xuân rồng nói chuyện vẽ rồng” qua bốn câu chuyện vẽ rồng sau đây :




    1. Câu chuyện thứ nhất. Ở Việt Nam có câu chuyện Trạng Quỳnh vẽ rồng. Trong một cuộc thi tài vẽ đẹp và nhanh, mọi người tự chọn đề tài và cắm cúi vẽ, còn Trạng Quỳnh thì đến phút chót mới vẽ. Trạng Quỳnh nhúng mười đầu ngón tay mình vào nghiên mực, rồi đặt mười đầu ngón tay lên giấy và kéo xuống thành mười đường uốn lượn. Trạng nộp họa phẩm của mình sớm nhất. Khi được hỏi vẽ gì, Trạng bảo vẽ rồng đất. Trạng được giải vì vẽ tới mười con rồng đất mà vẫn hoàn thành sớm nhất, trong khi đó các họa sĩ khác mỗi người chỉ vẽ một sự vật vậy mà vẫn chậm như rùa.
      2. Câu chuyện thứ hai. Truyền thuyết Trung Quốc có câu chuyện : “Xưa có một vị vua muốn vẽ hai con rồng để treo hai bên ngai vàng, bèn rao truyền khắp dân gian, ai vẽ tranh rồng đẹp nhất sẽ được trọng thưởng. Nghe rao truyền, những họa sĩ tài ba trong nước ùn ùn kéo về kinh đô, nhưng không ai vẽ vừa lòng đức vua. Bỗng có một họa sĩ trẻ đến, tâu : - “Bệ hạ muốn vẽ bức tranh ấy, thì xin cho hạ thần một loại lụa quý, dệt bằng 10 thứ tơ của loài tằm được ăn loại lá dâu ở trên độ cao 7000 thước (một thước Tàu bằng bốn tấc thước Tây) ở Tần Sơn. Khi có tơ, phải tuyển những tay thợ dệt xuất sắc để khi dệt không để lỗi một sợi tơ nào trên mặt lụa...” Nhà vua đồng ý, hẹn năm sau. Đến hẹn, chàng họa sĩ đem lụa về hang núi, hẹn 3 năm sau mới hoàn thành, và lấy cái đầu bảo đảm cho sáng tác của mình!
      Ba năm sau, chàng họa sĩ trẻ trung ngày trước bỗng trở nên tóc trắng như bông, đến dâng vua hai bức tranh. Nhà vua hớn hở mở ra xem, chỉ thấy mỗi bên tấm lụa chỉ có hai đường sổ dài từ trên xuống dưới! Vua và triều thần cùng ngơ ngác. Tức giận, không cần tra vấn lời nào, vua truyền lệnh chém đầu người họa sĩ.
      Từ đó nhà vua không nguôi nỗi buồn, tìm vui trong thú đi săn. Đến một hang núi, hỏi ra thì đó là hang động của người họa sĩ nọ. Vua tò mò vào xem. Vừa vào cửa động, nhà vua thấy hai bức tranh vẽ rồng treo trên hai bên vách đá, nét vẽ cực kỳ sống động. Rồng vẽ trên bức tranh như đang nhe nanh vờn vuốt!
      Gió lay, hai tấm lụa chao động, nhà vua tưởng chừng hai con rồng đang lượn khúc, chào đón đấng chí tôn! Vua buột miệng : - “Hảo tài hoa! Phải chi nhà ngươi dâng hai bức tranh nầy thì đáng được phong hầu!”. Nói xong, bùi ngùi thương tiếc... Vào bên trong nữa, vua lại thấy hai bức tranh rồng y như hai bức tranh trước, nhưng đường nét ít hơn, vẫn không kém phần linh động. Vua nói : - “Thần bút diệu kỳ! Tài ba nầy đáng được phong vương!” Ngậm ngùi một lúc rồi đi vào tiếp, lại thấy hai bức tranh vẽ rồng y như hai lần trước, nhưng lại càng ít đường nét hơn, song, tranh toát ra sự thoát tục phi thường. Hai con rồng như ẩn, như hiện, như thăng, như giáng. Nhà vua rụng rời tay chân, nghẹn lòng thốt lên : - Ôi! tài hoa nghìn năm khó thấy, chia đôi thiên hạ cũng chưa vừa! Ta đã hại lầm người rồi!”. Lại bước vào thêm nữa thì.... vua thấy hai tấm lụa, nhưng trên đó không vẽ hai con rồng như 3 lần trước, mà chỉ vẽ có hai sọc dài từ trên xuống dưới y như hai “bức tranh” mà họa sĩ dâng vua ngày nào! Thấy thế, nhà vua suy nghĩ, tần ngần nhìn mãi, nhìn lâu thấy hai lằn vẽ ấy hóa ra hai con rồng đang bay lượn trên lụa. Vua lắc đầu, thở dài ngao ngán cho sự kém hiểu biết của mình!
      3. Câu chuyện thứ ba. Thời Nam Bắc triều (Trung Quốc) cách đây khoảng 1500 năm, có một người rất họa sĩ vẽ rồng tên là Trương Tăng Dao. Trình độ vẽ rồng của ông đã đạt tới mức truyền thần. Tương truyền, Trương Tăng Dao vẽ bốn con rồng trắng ở trên tường chùa An Lạc ở Kim Lăng rất tuyệt mĩ. Nhưng điều khiến người ta khó hiểu là cả bốn con rồng này đều không vẽ mắt. Mọi người cảm thấy khó hiểu thì Trương Tăng Dao giải thích rằng : “Vẽ mắt thì có khó gì, nhưng đã vẽ thêm mắt thì tôi chỉ lo những con rồng này sẽ phá tường bay lên mà thôi”. Đám người nghe vậy đều không tin, họ khẩn khoản mời Trương Tăng Dao vẽ thêm mắt để xem rồng có thật sự bay lên hay không. Trước yêu cầu của mọi người, Trương Tăng Dao đành phải cầm bút vẽ mắt cho rồng. Trương Tăng Dao vừa mới vẽ xong mắt cho hai con rồng thì trời bỗng mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng, sau đó bỗng nghe “Ầm” một tiếng rồi bức tường nứt ra. Mọi người nhìn kỹ mới thấy hai con rồng trắng này đã vút lên  vờn trong đám mây rồi bay thẳng lên trời. Còn hai con rồng chưa vẽ mắt kia vẫn nằm nguyên trên tường. Đến lúc này mọi người mới tin là thực.
      4. Câu chuyện thứ tư. Trong “Tam Quốc Chí” có đoạn, khi Tào Tháo bị bệnh nặng thèm ăn gan rồng. Tạ Từ xin diện kiến, lấy bút vẽ một con rồng trên lụa, giống y như thật, xong dùng dao mỗ bụng máu chảy dầm dề, đoạn Tạ Từ móc gan rồng ra dâng Tháo. Tào Tháo kinh hoàng, cho là ma thuật truyền lệnh bắt, Tạ Từ leo lên lưng rồng bay mất.

    Rồng đã từ năng lực tưởng tượng siêu việt của con người, ở đâu đó trong cõi hỗn mang bay vào cuộc sống thực. Và cũng từ đó, trong quan niệm của người châu Á, rồng đã trở thành một linh vật, trở thành một biểu tượng văn hóa, một tín ngưỡng tâm linh phương Đông, riêng với người Trung Quốc thì rồng tượng trưng cho sức mạnh và trí tuệ.
    Về phương diện vũ trụ, theo quan niệm dân gian, rồng có thể xem như là thần mưa. Rồng ở tận Long cung, giữa biển Nam Hải. Rồng theo lệnh ông trời mà làm mưa. Khi ông trời thoải mái trong lòng, tinh thần lâng lâng niềm vui, thì rồng đem nước tưới đều khắp một số vùng ở trần gian khiến không khí ôn hòa, dịu mát; dân tình sảng khoái, cỏ cây hớn hở khoe màu. Khi mặt đất khô khát, dân khắp thôn cùng xóm vắng đang dậy lên lời cầu khẩn : “Lạy trời mưa xuống – Lấy nước tôi uống – Lấy ruộng tôi cày – Lấy đầy bát cơm,…”, thì ông trời bèn tỏ ra nhân từ sai rồng cõng nước phun mưa để người dân canh tác, trồng trọt. Khi ông trời đầy bụng, ấm đầu, hay đang trong tâm trạng bực tức, giận dữ, rồng theo lệnh cứ bay trên cao đổ nước ào ạt xuống mặt đất. Những lúc như thế khắp cả bầu trời lúc ấy tối đen, mưa vần vũ dữ dội, gió ầm ào gào thét, sấm chớp nhoáng nhoàng đinh tai, lóa mắt. Và rồi nhà sập, cây đổ, nước dâng lên mênh mông trắng xóa xóm làng. Cái năm Thìn, 1964, trận lụt khủng khiếp ở miền Trung nước Việt là một mình chứng hùng hồn cho tính khí thất thường này của ông trời.
    Về phương diện xã hội, từ xa xưa khi chế độ phong kiến ra đời, rồng trở thành biểu tượng của những “ông trời con”, cha truyền con nối trong tất cả các triều đại phong kiến phương Đông. Tất nhiên, mỗi con rồng biểu tượng cho một “ông trời con” lại có khí chất, trí tuệ, nhân cách, số phận khác nhau; nên lịch sử về rồng cũng rất đa dạng và phong phú. Có rồng ốm đau, có rồng tráng kiện; có rồng mệnh yểu, có rồng sống thọ; rồng này là minh quân, rồng kia là hôn quân; rồng này là Kiệt, Trụ, rồng kia là Nghiêu, Thuấn, Văn Vương; lại có rồng Lê “Ngọa triều” lấy mía đặt lên đầu sư mà róc, không xem lời dạy của Khổng Tử trước thánh thần thì phải “kính nhi viễn chi” là gì cả, Lê Chiêu Thống “cõng rắn cắn gà nhà” đến nỗi các tác giả “Hoàng Lê nhất thống chí” đã đóng đinh ông ta vào tấm “bia miệng” đàm tiếu của muôn đời : “Nước Nam từ khi có vua có chúa đến bây giờ chưa có ông vua nào hèn hạ như thế”; có rồng Trần Nhân Tôn giữ nước và là một Phật Hoàng đất Việt, Lê Thánh Tôn tài hoa, biết trọng dụng người tài, đem lại cho đất nước sự phát triển, phồn thịnh,… Thời xưa rồng là thế, còn thời nay, rồng có ý nghĩa biểu tượng khác đi. Với các nước Đông Nam Á, rồng dùng để chỉ tốc độ phát triển nền kinh tế  của các nước trong khu vực. Tùy theo chính sách, sự điều hành kinh tế của chính phủ và sự tăng trưởng GDP của mỗi nước mà rồng có nhiều kiểu biểu hiện khác nhau : rồng ẩn, rồng hiện, rồng nằm, rồng đi, rồng chạy, rồng bay là là, rồng bay cao cao, rồng vút lên “xanh kia thăm thẳm từng trên”,… Rồng không chỉ đi vào trong lĩnh vực chính trị, kinh tế mà còn xâm nhập vào nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn như địa hạt văn học nghê thuật. Với văn học nghệ thuật, trong kiến trúc, các đình chùa miếu mạo, cung điện, lăng tẩm đều có hình tượng rồng. Rồng uốn mình oai phong trong các bích họa, hay ở các tranh điêu khắc vữa trên tường, hoặc là những tượng rồng trên các nóc đình, chùa, lăng miếu với tư thế “Lưỡng long chầu nguyệt”, “Lưỡng long tranh châu”. Trong hội họa, lại có những danh họa với những bức tranh vẽ rồng độc đáo, họ không những được tranh của mình bất tử hóa mà cuộc đời của họ, hoạt động sáng tạo của họ cũng được bọc trong không khí đượm màu sắc truyền thuyết.  Bốn câu chuyện vẽ rồng ở trên là những minh chứng sống thực cho thuật vẽ rồng. Không những thế, những câu chuyện trên còn đem đến cho người đọc sự thích thú bởi mỗi truyện có một nét đặc sắc riêng nhưng nếu nhìn từ góc độ văn học nghệ thuật, chúng ta vẫn tìm thấy trong từng câu chuyện những tầng nghĩa sâu xa.
                                               (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét