Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

240. THƠ HOÀNG CẦM

I. Vài nét về tiểu sử và sự nghiệp văn chương:
      1. Tên là Bùi Tằng Việt, bút danh: Hoàng Cầm (tên một vị thuốc đắng). Sinh năm 1922 tại thôn Lạc Thổ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (nay là Hà Bắc) trong một gia đình nhà nho nghèo.
     2. Tác phẩm chính:
    a. Kịch thơ: Kiều Loan (1942), Hận Nam Quan (1944), Lên đường (1944), Tiếng hát Trương
Chi (1957).
    b. Thơ: Bên kia sông Đuống (tập thơ – 1956), Tiếng hát quan họ (trường ca – 1956), Mưa Thuận Thành (1991).
    c. Truyện thơ: Men đá vàng (1989).
II. Con người thơ:
     1. Hoàng Cầm, con người thơ ấy không hề bước ra khỏi không gian tinh thần Kinh Bắc. Hồn thơ ông mãi lượn bay theo giọng hát quan họ, những làn điệu dân ca phong phú, tài hoa và đậm đà chất trữ tình của vùng quê Thuận Thành. Dù ông nhận ra và khẩn cầu:
                    Một lời quan họ bay lên dốc
                    Xin chớ dìu nhau xuống vực sâu
    Trong rất nhiều bài thơ ông luôn dạo khúc mạch đầu bằng sự hoài niệm Kinh Bắc:
                    Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc
                    Chiều xưa giẻ quạt voi lồng
                    Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc
                    Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông.
                                                                     (Đêm Thổ)
                    Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹ khóc
                    Con không cười
                    Con thoảng nhớ thoảng quên
                                                            (Đêm Kim)
                    Về Kinh Bắc phải đâu con nhắm mắt
                    Gài mảnh gương giàn thiên lí đợi tua rua
                                                            (Đêm Thuỷ)
                    Về Kinh Bắc tìm chơi đàn kiến lửa
                    Ngón tay di sợi chỉ nâu
                                                            (Đêm Hoả)
                    Về Kinh Bắc phải đâu con hé miệng
                    Khế chua vôi bột lồng tay
                                                           (Đêm mộc)
    “Sau này, qua bao nơi, nếm trải bao mưa nắng thăng trầm, ông vẫn đau đáu khôn nguôi về mảnh đất nơi mình cất tiếng khóc, tiếng cười đầu tiên. Nỗi niềm ấy ông kí thác vào Thơ. Và chỉ có Thơ thôi”. (Lời nói đầu, tập thơ "Bên kia sông Đuống", Nxb Văn hoá, Hà nội, 1993, tr. 7).
      Chính quê hương giàu truyền thống văn hoá ấy đã hàm dưỡng, hun đúc nên con người thơ của ông. Ông tự trưng ra con người thơ của mình trong bài “Tôi người làng quan họ”:
                    Tôi người làng quan họ
                    Quê mẹ bên này sông
                    Cách quê cha một dòng
                    nước trắng.
        Mẹ của ông:
                    Cô gái làng Xim mười bảy tuổi
                    Hát hay nổi tiếng khắp vùng
                    Khi cất lời ca
                    Những lứa hợp tình chuốt rơm bện ổ
                    Những vợ trái duyên chồng
                                  Khăng khăng giả của.
        Cha của ông:  
                    Lại có anh học trò
                    Bổi hổi bồi hồi
                    Xăm xăm một bước vượt sông
                    Trầu cau chẳng kịp cốm hồng
                    Xác pháo đã vùi ngõ mưa lầy lội.
        Tâm hồn ông:
                    Hai người chợt tiếc mừa xuân
                    Vội chắp lại đêm xuân thứ nhất

                    Nhờ đó tôi ra đời
                    (...)
                    Tôi lớn lên
                    Mang giọng mẹ tròn
                    Trong đôi mắt sáng...
     2. Nhưng cũng từ tình duyên của bố mẹ, tình vợ chồng “nghễnh ngãng như kèo đục vênh” hơn mười năm ấy đã gieo vào hồn ông một nỗi ám ảnh da diết. Nỗi ám ảnh càng da diết khi bao thế hệ liền anh liền chị, ở quê hương ông, tình cùng hướng mà đi về trái nẻo.
    “Thực tại nơi Hoàng Cầm cơ hồ thăng hoa tới những miền hư viễn của tâm linh. Rất nhiều đam si, rất nhiều trầm ẩn, nên không hiếm khoảnh khắc hồn thơ ông nhập vào vô thức” (Sđd, tr. 8).
    Có lẽ như thế! Ấn tượng tuổi thơ đã chuyển hoá  vào vô thức, thành linh hồn thơ của ông. Vì vậy, thơ ông có sự phóng túng Kinh Bắc, có sự rạn vỡ tình yêu, có cả những nẻo đường vô định trong sự kiếm tìm hạnh phúc.
    Phải chăng đó là tâm thức lưu đày trong “mê thiếp nghiệp oan tình” như ông viết:
                    Tập thơ một đời tôi gửi tặng một người
                    Tự lĩnh án chung thân trong tiếc hận
                    Một thời xanh và một khoảng quê hồng
                    Chịu xoá sạch vì ngang duyên trái phận
                    Vạch nét hằn sâu đáy mắt mê cung

                    Như hòn núi vọng vô phương hạnh phúc
                    Bao năm đau kết thành viên ngọc huyền quang
                    Ai biết nằm đâu? – Dáng màu vi diệu ấy?
                    Đứng im chìm, núi xám chít vành tang

                    Tôi may mắn gặp trăng sao trằn trọc
                    Nghe dòng thương ... tôi chép vôi
                                phút nguyên trinh
                    Là ánh chớp từ tâm linh bật khóc
                    Tặng lại người mê thiếp nghiệp oan tình
                            (Lời đề tặng – Hà Nội, cuối thu 1992)
    Và cũng với ông, những ám ảnh ấy trở thành dòng xoáy định mệnh cuốn xô ông theo nhịp “luân hồi”, mê si đeo đẳng chiếc bóng tình yêu:
                    Con đấy ư
                        Con đã về Kinh Bắc
                    Những cỏ Bông Thi
                        với dế đầu si
                    Những lá Diêu Bông
                        với đôi xe hồng
                    luân lưu thụ thai qua chín đời
               đằng đẳng            
                                                       đến khi con lọt lòng

                    Cây đu đủ sau nhà vừa bấm ngọn
                        đội mũ niêu đen
                            đi trong đêm mưa dầm
                    Mẹ đau trở dạ
                    Sinh con ra
                    Tiếng tù và xé canh ba
                    Báo hiệu một cơn giông nín lặng
                    Trống liên hồi ra đi
                    ngăn trận bão mênh mông
                    trong giọt lệ cuối hàng mi

                    Con đấy ư
                    mười ngày không khóc
                    mười thày lưng đờ đẫm
                            ven giường ẩm ướt

                    Mười đêm
                    Tiếng trống chèo vuốt ngực Châu Long
                    Bước sấp qua cầu nghẹ tiếng.
                                                     (Luân hồi)                   
III. Hoàng Cầm, người “ngủ lại giấc mơ dang dở”.
     1. Đọc tập thơ “Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, ta có cảm giác: “Một đời thơ dài nửa thế kỉ chắt lọc nên tập thơ này... có thể hình dung trọn vẹn chân dung tinh thần tự hoạ của ông” (Sđd, tr.7)
    Đấy là một chân dung tinh thần của một gã non trai đầy đam si tình yêu và hạnh phúc nhưng chẳng bao giờ nắm được tinh yêu trong tay mình.
    Gaston Bachelard (1884-1962): “Thơ ca chính là sự mơ mộng xoay quanh vật chất nguyên thuỷ, những yếu tố làm nên thế giới: lửa, nước, đất và không khí”. Những yếu tố tồn tại trong vô thức tập thể với tư cách là siêu mẫu (arrchetype).
    C.G Jung: “Nghệ thuật trong thực tiễn sáng tạo của mình là một hoạt động tâm lí và với tư cách đó nó có thể và nó cần phải được phân tích theo lối tâm lí học”
    Freud: “Những đặc trưng của sáng tác nghệ thuật mang tính cá nhân gắn lền với cảm xúc riêng tư, thầm kín của nghệ sĩ”
    C.G. Jung: “Quá trình sáng tạo như chúng ta nói chung có thể theo dõi được, là hà hơi sống cho siêu mẫu từ trong vô thức, là trải nó ra và tạo hình cho nó đến khi thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh”.
    C.G. Jung: “Từ sự không thoả mãn với đương thời, nỗi buồn sáng tạo dẫn đưa nghệ sĩ đi vào bề sâu cho tới khi tìm thấy trong vô thức cái nguyên sơ tượng có khả năng bù đắp lại cao nhất sự tổn thất què quặt của tinh thần hiện đại”.
    “Với một định hướng rõ rệt, ông kiên lòng tìm đến những chủ đề vĩnh hằng, những chân giá trị thách thức mọi xói mòn, xô giạt của thời gian lãnh đạm” (Sđd, tr.8).
    Bài thơ "Cỏ Bông Thi" như là một định mệnh ám ảnh tuổi thanh xuân:
                    Ngày mười bảy tuổi
                    Trót chơi cỏ Bông Thi
Từ đó, nhân vật trữ tình như bị tách ra khỏi ngoại giới, chỉ còng sống trong cõi tâm linh:
                    Cỏ Bông Thi phải cheo leo mõm đá
Bài thơ điệp trùng sự trống không:
                    Không trói mà không đi
                    Không canh gà
                    Không thu không
                    Mắt không mở
                    Đừng khép
Nhưng gợi ra một sự thật của một linh hồn vô vọng: “Em có vọng ai đâu mà hoá đá”.
    Thơ Hoàng Cầm luôn treo lơ lửng một chữ “không”. Một chữ không lơ mơ ảo thực nhưng đủ sức xô đẩy nhà thơ vào cõi vô thức, để chiêm nghiệm đến tận cùng nỗi cô đơn trong tình yêu và trong cuộc đời.
                    Dường như cánh gió không bay
                      Lời ca không hát rượu đầy không men
                    Dường như nhớ lại không quen
                      Một mình tôi... một mình em... lạ thường
                    Dường như trăng chếch bên giường
                     Tiếng gà tiễn biệt đêm trường lặng im
                                                          (Một mình)
    Bài thơ như phảng phất không khí liêu trai. Người thư sinh tìm bóng, bóng chưa thấy đâu mà chỉ thấy đêm tịch lặng buồn hiu vây bủa.
    “Cây tam cúc”:
                Nghé cây bài  ìm hơi tóc ấm
                Em đừng lớn nữa chị đừng đi
                Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
                Ổ rơm thơm đọng tuổi xuân thì
                ...
                Năm sau giặc giã
                Quan Dốc đồng áo đen nẹp đỏ
                Thả tịnh vàng cưới chị
                            Võng mây trôi
                Em đứng nhìn theo em gọi đôi.
    “Lá Diêu Bông”:
                Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
                Chị thẩn thơ đi tìm
                Đồng chìều
                    cuống rạ
                Chị bảo
                -    Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
                Từ nay ta gọi là chồng

                Hai ngày Em tìm thấy lá
                Chị chau mày
                -    Đâu phải lá Diêu Bông!
                Mùa đông sau Em tìm thấy lá
                Chị lắc đầu
                Trông nắng vãn bên sông
                Ngày cưới Chị
                Em tìm thấy lá
                Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

                Chị ba con
                Em tìm thấy lá
                Xoè tay phủ mặt Chị không nhìn

                Từ thuở ấy
                Em cầm chiếc lá
                Đi đầu non cuối bể
                Gió quê vi vút gọi
                Diêu Bông hời!...
                 ... ới Diêu Bông !...
    “Hai ngả”:
                    Anh đi về phía không em
                    Em đi về phía dài thêm bão bùng

                    Anh đi sắp đến vô cùng
                    Em đi sắp đến cánh hồng đang rơi

                    Bảy mươi đứng phía ngoẹn cười
                    Tám mươi đứng khóc nẻo đời chưa khô

                    Trăm năm nhào quyện hư vô
                    Biết đâu em vẫn lửng lơ hát buồn
    “Chùa Hương”:
                    Em trẩy chùa Hương phía giải oan
                    Mắt nghiêm màu Phật chật đò ngang
                    Phải cô công chúa con nhà Lý
                    Khép áo kinh kì mấy cửa hang?
                    ...
                    Chuông sớm có nghiêng về mộng cũ
                    Nhường em vướng tóc sợi mây xa?
                    Bàn tay chắp cánh chừng nguôi nhớ
                    Sao buộc làn hương thoảng lướt qua?
                    ...
                    Anh trẩy chùa Hương phía xót thương
                    Bến Trong bến Đục nửa chia đường
                    Hinh bồng chợt lắng chuông buông tím
                    Bỗng gặp em nằm đắp khói sương
                    ...
                    Anh giải oan em chẳng hết oan
                    Suối khuya cắt xé tiếng kêu than
                    Hỏi em xứ Phật nào yên tĩnh?
                    Em gượng cười soi bóng đá vàng
                    ...
                    Nửa đêm mùng bảy lặn trăng non
                    Anh hẹn em về cõi sáng hơn
                    Cầm tay em lạnh đưa đi mãi
                    Mê mải rừng mai thấp thoáng hương.
    “Gọi Đôi”:
                    ....
                    Em cầm lấy cõi mưa nhung
                    Miên man tơ óng xuôi vùng khe sâu
                    Em ngồi đâu Chị đứng đâu
                    Bỗng dưng hai đứa hai đầu hư không

                    Em cầm được cõi mưa nhung
                    Mờ chênh gối Chị đôi dòng ngẩn ngơ
                    Em chìm chưa? Chị nổi chưa?
                    Bỗng dưng hai đứa hai bờ tháng năm
                    ...
                    Song song có gặp bao giờ
                    Hai dòng lệ chảy, hai bờ sông trôi
                    Mưa nhung áp má bồi hồi
                    Nghe khô từng sợi mưa dài lặng im
                    Em không nổi, Chị không chìm
                    Chị tung gió tím, Em tìm sang xuân

                    Nằm trong mắt bão tuyệt trần
                    Mưa nhung tung cánh tuyệt trần...
                                        Em bay...
        “Chị Em xanh”:
                    Chị vỡ pha lê. Bùn vấy tay
                    Hồn trong Em chuốc Chị chìm say
                    Là Em cưới Chị xanh thiêm thiếp
                    Sinh một đàn con
                            Mây trắng bay.
        “Ngẩn ngơ”:
                    Em không đến. Thế là anh đã ngủ
                    Ngậm hình em lá ngọt tím môi chì
                    Em xa quá. Anh càng xa xa nữa
                    Cười ngây ngô qua phố ngợ ngàng đi
        “Xanh xưa”:
                    Đôi ba năm khép một vòng
                    Vòng cay xé lưỡi mắt ròng tuổi mưa
                    ...
                    Thôi em! Cỏ mịn chân đê
                    Anh đưa em nhẹ gót về xanh xưa
                    Chỉ tay xuống đất làm mưa
                    Mát chân em khoả lững lờ nguồn xuân
                    Tan rồi hạt bụi ái ân
                    Vướng mi em một đôi lần... phải không?
    “Anh đứng đây là đâu “:
                    Anh đứng đây là đâu
                    Em cười như lá mỏng
                    Khép cửa vào chiêm bao
                    ...
                    Em nói như gió nghẹn
                    Em nhìn như mưa nắng
                    ...
                    Anh đứng đây là em
    “Nước sông Thương”:
                    Rồi chị bảo em quên
                    Em tơ tưởng sao bắt em đừng nhớ
                    Buông tha Em
                    Buông Em
                    Sông Thương nước chảy đôi dòng
    “Hội Gióng”:
                    Chú bé lên ba là tướng võ nhà trời
                    Ai ngờ đã bốn nghìn năm manh mối
                    Xuân đến lụa the
                    Cầm gậy tre đi se duyên cô Tấm ông Hoàng
                    Vớt Trương Chi về gấm đỏ lầu Tây.
    “Em cứ về bên ấy”:
                    Dẫu xuân sang, em cứ về bên ấy
                    Váy Ngân Hà loang mặt Tiểu hùng tinh
                    Ở bên này sao Ngưu đứng vậy
                    Nghẽn mùa hoa mắt ướt hoà xanh...
    “Mai sau dù có bao giờ...”:    
                    Bao giờ Em xế về Em
                    Ôm cây cỏ đắng ngọt mềm trên môi
                    Cây dàn hoàng tử ngậm ngùi
                    Bởi đâu bão tố hé cười anh trăng

                    Bao giờ Anh xế về Em
                    Nắm tay được mấy hạt đêm Kim Kiều
                    Mấy là thương mấy là yêu
                    Mắt trăng hôm ấy mấy chiều đỏ hoe
                
                    Bao giờ Em xế về quê
                    Cỏ xanh có khóc một thề mai sau...?
    “Giọt mưa phương Nam”:
                    Mưa đi về anh mưa đi lưu li
                    Kinh Bắc hồng môi gái xưa kinh kì
                    Kinh Bắc lên men đằm hương vương phi
                    Giọt mưa phương Nam lệ nhoà qua mi.
    “Tinh anh thể phách”:
                    Em lại đi – Sao cứ đi
                    Ngẩn ngơ vũ trụ còn gì trong tay

                    Em trao vẹn cả bơ vơ
                    Cái đau băm nát lời thơ máu trào.

                    Chợt vui trẻ dại chợt buồn
                    Long lanh mắt sáng ngậm tròn giọt đau.                     
    “Về ngôn ngữ,... Đó là tiếng nói đầy ấm ức, đầy chiêm nghiệm và cũng tràn trề giải thoát. (...) chưa thấm mệt trước bờ bến ngôn từ” (Sđd, tr. 8)
    Màu sắc: 
                    Kìa dây muống dại kín Em rồi
                    Lắc đầu hoa tím rụng
                                              (Cỏ bồng thi)
                    Đầm ca dao sáo diều chiều lịm tím lưng trâu
                                              (Đêm Thổ)
                    Hành hương chợt lắng chuông buông tím
                                                      (Chùa Hương)
                    Chị tung gió tím, Em tìm sang xuân
                                                      (Gọi Đôi)
                    “Hương tím em về đậu giữa trang thơ”
                    “Trên ngực tròn hương tím thức đêm nay”
                    “Đài hương tím bỗng uốn mình nở rộ”
                    “Thoảng đài tím đậu mắt treo ghềnh”
                    “Em thay tím vì phương Nam lửa đỏ”
                    “Em không nói. Chiều nay không bóng tím”
                    “Ngậm hình em lá ngọt tím môi chì”
                                                             (Ngẩn ngơ)
    Hình và nhạc thơ:
                    “Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông”
                    “Chớp rạch dáng tiên vén xiêm xoã ngủ”
                    “Đầm ca dao sáo diều chiều lịm tím lưng trâu”
                                                             (Đêm Thổ)
                    “Chuông chiều cởi yếm”
                    “Chuông sớm đội khăn”
                    “Gió vào trăm cửa
                     Gió ra hồng da trinh nữ
                     Gió vào xanh quan lục
                     Gió ra vàng thớ mít
                     Ong bay vai áo tiểu thon mình”
                                                     (Đêm Thuỷ)
                    “Trăng lên chém đầu ngọn gió
                    Cành si bưng chậu máu chát chao
                    Cuối năm rì rầm tiếng khóc
                    Chàng ơi ngựa tía võng đào”
                                                     (Đêm Hoả)
                    “Lung linh hồn liệng quỳ khe núi”
                                                     (Dáng thơ)
IV. Kết luận :
     Hoàng là người thơ Kinh Bắc. Thơ ông tỏa ra hơi hướm Kinh Bắc, một Kinh Bắc văn hóa, Kinh Bắc tài hoa, đa tình. Nhưng đó là một Kinh Bắc để lại bao nhiêu ám ảnh đớn đau trong tâm hồn nhà thơ. Để từ đó, nhà thơ đã đem nỗi đau tình ấy mà phổ vào thơ, tạo nên một khí hậu thơ ẩm ướt chất tâm phân học được diễn đạt bằng ngôn từ ấm ức, chiêm nghiêm và tràn trề giải thoát.
     Và như vậy có thể nói rằng trên con đường thơ ca chật chội, lắm kẻ chen chân, bước chân Hoàng Cầm vẫn vững vàng trên lối đi riêng của mình trong suốt một đời sáng tạo.
                                               _______________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét