Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

305. TỰ KHÚC


TỰ KHÚC là bài viết của Lê Phan Quỳnh Trang, một học sinh chuyên văn của mình, nay đã là một cô giáo. Bài viết đã thể hiện sự trăn trở của Trang về nghề, về người dạy văn. Đúng hơn, bài viết là đem tấc lòng mà trang trải trong câu chữ về vấn đề ý nghĩa và giá trị sự sống của một đời người. Một cô giáo trẻ như thế là đáng trân trọng, nhất là trong thời buổi vật chất lên ngôi, "đồng tiền
trở thành một ông chủ xấu", nhưng giá trị đang bị đảo lộn, khoa học nhân văn không còn sức hấp dẫn với những người trẻ tuổi nữa dù họ có lòng với văn chương.

1. Một người thầy dạy Văn đã nói với tôi rằng: “Mọi cuộc chia tay đều có thể là cuộc chia tay cuối cùng”. Hôm nay, tôi ngồi đây. Nhưng biết đâu ngày mai… tôi ra đi… từ tạ nhân gian, từ tạ cõi đời này. Chẳng biết có “lẩn thẩn” không khi tôi nghĩ vậy. Nhưng có một điều tôi biết. Đó là: vì tâm niệm điều này nên tôi trọn vẹn hơn với từng phút giây đang sống, mỗi ngày đời đang trôi. “Nhắm mắt lại, mở mắt ra, thế là xong một ngày. Nhắm mắt lại, rồi không mở mắt nữa, thế là xong một đời”. Cuộc đời nhanh như một cái chớp mắt. Vậy, tôi làm được gì trong cái chớp mắt ngắn ngủi ấy, trong cái cuộc đời trần ai “như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao” này?!

2. “Ra đi là để trở về”, bằng cách này hay cách khác. Tôi “ra đi” từ những ngôi trường, từ những người thầy người cô đã tận tâm dìu dắt tôi từng ngày. Và hôm nay đây, tôi “trở về” với những lớp học, với những học trò thân yêu của tôi. Tôi chọn nghề giáo. Và nghề giáo cũng chọn tôi. Như một cơ duyên. Thời gian thấm thoắt… tôi đang bước vào năm thứ 2 của tuổi nghề. Ngẫm lại những gì đã và đang có với duyên nghiệp của cuộc đời, tôi nghiệm ra…

... Với nghề, tôi được sống trọn cùng đam mê. Niềm đam mê với văn chương. Niềm đam mê truyền cảm hứng cho người khác. Tôi quan niệm, mình chỉ truyền “lửa” được cho người khi bản thân mình cũng phải là “lửa”, cũng phải luôn “giữ lửa”. “Lửa” giúp tôi có thể rũ sạch mọi u buồn, mọi lắng lo, và thật sự “cháy” hết mình khi bước chân vào lớp, khi đến với các em…

… Với nghề, tôi có được ít nhất mấy mươi đứa con đang chờ tôi mỗi ngày. Tôi có lại được những cảm xúc vui buồn lẫn lộn, những vô tư con trẻ của một thời áo trắng, được lắng nghe những tâm sự và suy nghĩ vừa trẻ con vừa người lớn của thế hệ 9X, để tôi cảm thấy mình không rời xa tuổi trẻ. Tôi có thêm vào danh sách yêu thương của mình rất nhiều những tấm lòng… Để rồi, dù có những lúc mệt mỏi, tôi tự nhủ lòng: Ngày mai, các em đang chờ tôi…

… Với nghề, tôi có được những trở trăn, những đau đáu. Các em thấy chán Văn là vì đâu? Cái gì tồn tại ắt có lí do. Và cái có lí do ắt sẽ tồn tại. Nếu mình không thể bảo các em thay đổi: “Hãy thích Văn đi!” (bởi văn chương là con đường đi từ trái tim đến trái tim, không thể khiên cưỡng hay ép buộc được!), vậy thì thử thay đổi chính cách dạy của mình xem thế nào? Vậy thì phải tìm một phương pháp nào đấy để truyền đạt cho phù hợp với tâm sinh lí, với lứa tuổi của các em, để kiến thức đi vào các em một cách tự nhiên nhất!... Tôi mang những trăn trở đó vào trong từng bài giảng. Có những ngày lên lớp, tôi tự cảm thấy mình chưa thật sự làm tốt tiết dạy, chưa khơi gợi được hứng thú cho các em, cái cảm giác khó chịu cứ lẽo đẽo theo tôi. Khi tâm sự với một đàn anh trong nghề, anh nói một câu khiến tôi rất thấm thía: “Khi nào em không còn cảm thấy day dứt với bài giảng nữa, thì khi ấy em mới phải sợ, bởi vì điều đó có nghĩa là em đã thôi không còn tha thiết với nghề nữa rồi”!

… Với nghề, tôi có được niềm hồi hộp, háo hức khi chuẩn bị, khi đem những “chiêu trò” mới mà mình “thiết kế” để các em có thể tiếp cận được tri thức một cách tích cực và dễ dàng nhất. Để rồi, tôi nhận được sự đồng cảm của các em qua những đôi mắt háo hức, qua những cánh tay xung phong. Tôi nhận được niềm vui khi nhìn học sinh cùng mình đi trọn bài giảng với tất cả sự nhiệt tình sẵn có của các em, khi các em biết cách đặt ra những câu hỏi phản biện cho nhau và cho cả chính tôi bằng tất cả niềm khao khát được khám phá của trẻ thơ. Tôi không biết người ta gọi đó là gì. Nhưng tôi gọi đó là hạnh phúc! Nhỏ bé, giản dị, nhưng nó cho tôi thêm sức mạnh, thêm niềm tin để thực hiện những phương pháp, những cách thức mà tôi nghĩ ra được mỗi ngày.

… Với nghề, tôi được là tôi một cách trọn vẹn. Tôi muốn được hết mình, được trọn vẹn với mỗi việc mình làm và nghề cho tôi điều ấy. Tôi không hợp với cuộc sống kèn cựa, bon chen và nghề cho tôi cuộc sống thanh thản như tôi muốn. Tôi thích tôi của hôm nay phải tiến bộ hơn tôi của hôm qua và nghề với những trăn trở cùng tiết dạy đã khiến tôi lớn lên từng ngày. Để ít nhất, tôi không phải đỏ mặt xấu hổ khi nhìn lại bài giảng của mình. Để tôi không thấy chán mình, vì nói như “triết gia” Nam Cao thì “còn gì chán hơn là mình tự chán mình”. Để đến khi đi qua “cái dốc bên kia của cuộc đời”, ít nhất, tôi không hối hận vì những gì chưa làm được của ngày hôm nay…

3. Nhiều người đã, đang và sẽ nghĩ: đây là cái lí tưởng mộng mơ của một kẻ mới ra trường, mới chân ướt, chân ráo vào nghề. Cũng có thể họ đúng! Nhưng cũng có thể tôi đúng! Bởi lẽ, không phải vẫn còn rất nhiều thầy cô dù đã có mấy mươi năm tuổi nghề vẫn giữ trong mình niềm say nghề ấy hay sao!
4. Xuân Diệu từng nói: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Và người ta cũng nói: “Cơm áo không đùa với nghề giáo”. Rồi đây, vài ba năm nữa, những cơm áo gạo tiền thường nhật có làm tôi thay đổi niềm say sưa của mình?! Không biết rồi hai mươi năm sau, khi đọc lại những dòng này, liệu tôi có cảm thấy nực cười vì những suy nghĩ non trẻ của mình khi mới bước vào đời ngày hôm nay không?! Tôi không biết mình có đang như Hộ - “gã trẻ tuổi say mê lí tưởng” để rồi rơi vào bi kịch khi con nheo nhóc khóc ré đòi sữa, khi tiền mắm, tiền muối, tiền nhà, tiền điện… chồng chất, bao vây hay không?!...  Nhưng ít nhất, tôi biết, mình đang không sống kiếp “đời thừa”. Và ít nhất, tôi cũng biết, mình không có nhiều hơn một cuộc đời để sống cho trọn vẹn! 
5. Câu danh ngôn của James Dean mà tôi đọc được đâu đó: “Hãy sống như thể ngày mai bạn sẽ chết” không hiểu sao lại ám ảnh tôi đến lạ. Và rồi, tôi cứ “lẩn thẩn” sống theo triết lí ấy… Để trọn vẹn hơn với nghề… Để trọn vẹn hơn với chính mình.
Cứ như thế tôi sống…
Cứ như thế tôi đi…
Và cứ như thế, tôi cảm ơn cuộc đời!
            
             
   Lê Phan Quỳnh Trang
   (Tổ Ngữ Văn – Trường THPT Trần Phú)           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét