Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

206. QUÁ TRINH HIỆN ĐẠI HÓA VHVN 1900-1945

  Quá trình hiện đại hóa văn học
  từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945

I) Dẫn nhập:
    1. Hiện đại hóa văn học là một quá trình, theo quy luật: kế thừa và tiệm tiến của văn học. Và đặc biệt trong sự tràn lấn, giao lưu với  văn hóa văn học phương Tây, qua trình ấy có tính chất tiếp biến, từ văn hóa văn học ngoại lai thành văn học dân tộc với tất cả những tính chất cổ điển và hiện đại của nó.
    2. Nhưng vấn đề hiện đại hóa diễn ra ở bình diện nào, vấn đề cơ bản nào làm thay đổi diện mạo của văn học. Phải chăng đó là sự thay đổi về: ý thức cá nhân của nghệ sĩ, quan điểm văn học, hệ thống chủ đề, hệ thống hình tượng, thể loại, ngôn ngữ văn học,... làm rõ những nét truyền thống và những nét cách tân hiện đại của văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945.
II) Quá trình hiện hóa văn học Việt Nam đầu XX-1945:
     1. Cắm mốc cho quá trình hiện đại hóa:
        1.1. Có nhiều ý kiến: 1930, 1932, lại có ý kiến 1920 (sự kiện văn chương của Nguyễn Ái Quốc). Thực ra, những yếu tố, mầm mống cho chất hiện đại đã có trong văn xuôi chữ Quốc ngữ từ những năm cuối thế kỉ XIX , tiêu biểu là "Truyện thầy Lazaro Phiền" của Nguyễn Trọng Quản in ở Sài Gòn năm 1887, một tác phẩm có tính tiên phong và hiện đại cả nội dung lẫn hình thức.
        1.2. Mốc 1900 là hợp lí, bởi văn học Việt Nam đi vào quỹ đạo hiện đại hóa là xuất phát từ bản thân đời sống văn học, những chuyển động của nó và từ góc nhìn văn học bằng thế kỉ: Thế kỉ XX, văn học Việt Nam chuyển động và vận động theo một hướng mới, một quá trình mới. Quá trình này không tách rời quá trình biến đổi của lịch sử trong một tình thế tất yếu khách quan: yêu cầu canh tân đất nước và cũng nằm trong xu hướng chung của khu vực châu Á.
    2. Chữ Quốc ngữ với sự phát triển thơ ca:
        2.1. Chữ Quốc ngữ và vai trò hiện đại hóa thơ ca dân tộc:
    2.1.1. Những năm cuối thế kỉ XIX, thực dân Pháp bỏ chữ Hán, bỏ thi cử cũ. Những năm đầu thế kỉ XX, trí thức yêu nước Việt Nam cổ súy việc dùng chữ Quốc ngữ, tạo điều kiện nâng cao dân trí, tự cường dân tộc. Trong số đó tiêu biểu có Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Quý Cáp,... và các nhà nho trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục:
                    Trước hết phải học ngay chữ Quốc ngữ,
                    Khỏi đôi đường tiếng, chữ khác nhau.
                    Chữ ta, ta đã thuộc làu,
                    Nói ra nên tiếng, viết câu nên bài.
                                    (Nguyễn Phan Lãng)
    Từ những phong trào trên, bước sáng thế kỉ XX, ngôn ngữ văn học dựa trên ngôn ngữ nói. Quốc ngữ trở thành quốc văn. Chữ Quốc ngữ là dấu hiệu nhưng cũng là nhân tố tích cực đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa và góp phần hoàn tất quá trình hiện đại hóa văn học, hiện đại hóa thơ ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự,... .
         2.1.2. Chữ Quốc ngữ ghi lại lời ăn tiếng nói hằng ngày, tiếng nói đời sống, Chữ Quốc ngữ làm thay đổi quan niệm văn học, nên nhanh chóng trở thành phương tiện đắc lực cho các nhà văn, nhà thơ sử dụng trong nghề văn của mình. Các nhà thơ quan niệm: Làm thơ là truyền bá tư tưởng yêu nước, thức tỉnh và kêu gọi hợp quần tự cường, tự chủ; làm thơ là thể hiện tình cảm một cách tự nhiên. Tình cảm thay đổi, thơ phải thay đổi.
     Câu thơ Việt bắt đầu có sự rõ ràng, sáng sủa. niêm luật bị phá bỏ. Thơ không bị ràng buộc bởi hình thức. Tình cảm trong thơ được thể hiện phong phú và chân thật.  Hoài Thanh: "Tôi quyết rằng trong lịch sử thơ ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên,... và thiết tha rạo rực như Xuân Diệu." (Thi nhân Việt Nam).
         2.1.3. Chữ Quốc ngữ ghi lại lời ăn tiếng nói của đời sống phong phú, thơ gần đời sống hơn, chất thực được gia tăng. Thơ Quốc ngữ trọng trực tiếp, diễn đạt tinh tế vóc dáng và tâm hồn, cảnh vật và con người với những cảm nhận riêng độc đáo, giàu cảm xúc, giọng điệu.
    - Thơ Tản Đà là vẻ đẹp quê hương, xứ sở, đất trời phảng phất sông thu, sương thu, khói htu, trăng thu, "lá thu rơi rụng".
    - Thơ Trần Tuấn Khải là cảnh gánh nước đêm, là anh Khóa đi, anh Khóa về.
    - Thơ Thế Lữ là tiếng sáo diều trên bầu trời cao rộng, là nỗi nhớ một thời oanh liệt của một con hổ khát khao tự do.
    - Thơ Xuân Diệu là khát vọng sống, khát vọng yêu với những sớm xuân, chiều thu, những đêm trăng và mùi hoa bưởi.
    - Thơ Huy Cận có cảnh chiều tà, cồn cát, đường làng thơm mùi rơm rạ, bãi sống, "củi một cành khô lạc mấy dòng".
    - Thơ Hàn Mặc Tử có "đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng", có cô gánh thóc "dọc bờ sông trắng nắng chang chang", có cô gái thôn Vĩ bên những hàng cau, những vườn cây "mướt xanh như ngọc".
    - Thơ Nguyễn Bính có thôn Đoài, thôn Đông, vườn trầu, hàng cau, giếng nước, cây đa và những mối tình quê dang dở.
    - Thơ Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân rực rỡ cảnh chợ Tết, cảnh trẩy hội mùa xuân, cảnh buổi sáng ra đồng, bến đò ngày mưa, cảnh làng quê với những sinh hoạt và công việc từ ngàn xưa lưu lại.
    - Thơ Chế Lan Viên, những bài thơ ngậm ngùi cảm thương cho một quốc gia đã mất.
    Thơ Quốc ngữ đã tạo nên một thời đại của chữ TÔI và thi pháp hiện đại trong thi ca. Cảm xúc chủ quan qua cá thể hóa được thể hiện phóng túng trong những câu thơ không bị gò bó bởi khuôn khổ và niêm luật. Thi tứ thay đổi thì thể thi cũng thay đổi. Vũ Ngọc Phan: "Người ta nhận thấy một phong trào rõ rệt: các nhà thơ đã đi từ những lối rất bó buộc đến những lối thật tự do, để rồi quay về với cái phải chăng có tính chất Việt Nam không  quá thiên về Tàu như xưa, cũng không thiên quá Tây như trước" (Nhà văn Việt Nam hiện đại).
         2.1.4. Chữ Quốc ngữ với sự thay đổi hình thức thơ:   
     Tản Đà từng nêu tuyên ngôn về văn chương mới:
                    Nếu không phá cách bỏ vận luật
                    Khó cho thiên hạ đến bao giờ.
    Từ đây đã có sự chuyển đổi về nhiều mặt. Trước hết là thơ dịch. Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ La fontaine, Con ve sầu và con kiến không theo thể cách cũ, đăng trên Đông Dương tạp chí, số 40, năm 1914 :
                    Ve sầu kêu ve ve
                    Suốt mùa hè
                    Đến gió bấc thổi
                    Nguồn cơn thật bối rối
                    Một miếng cũng chẳng còn
                    Ruồi bọ không một con...
    Còn Tản Đà thì phá vỡ khuôn khổ câu thơ cũ khoảng từ năm 1914 với bài Hoa rụng trong Khối tình con:
                    Đang ở trên cành bỗng chốc rơi
                    Nhị mềm cánh úa
                    Hương nhạt màu phai
                    Sống chửa bao lâu đã hết đời
                    Thế mà hoa lại sướng hơn người.
    Năm 1921, Tản Đà viết Cảm thu, tiễn thu:
                    Từ vào thu đến nay
                    Gió thu hiu hắt
                    Sương thu lạnh
                    Trăng thu bạch
                    Khói thu xây thành
                    Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
                    Sông thu đưa lá bao ngành biệt li.
    Năm 1925 trong Giấc mộng con, Tản Đà lại viết:
                    Non xanh xanh
                    Nước xanh xanh
                    Nước non như vẽ bức tranh tình
                    Nước non tan tành
                    Giọt lệ tràn năm canh.
    Thơ Tản Đà đã "phảng phất chút bâng khuâng, chút phóng túng của thời sau" (Hoài Thanh-Thi nhân Việt Nam) và hình thức tự nhiên như giọng điệu tiếng Việt, khi ngắn khi dài tương tự những bài sa mạc, những bài phong dao của dân gian.
    Năm 1932, Phan Khôi kết án thơ cũ câu thúc và ông trình làng thơ một bài thơ "đem ý thật có trong tâm khảm mình phả ra bằng những câu có vần mà không bó buộc bởi niêm luật gì hết".
                    Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa
                    Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh                                                                                                                                                      kề nhau than thở
                    Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng. Mà lấy nhau                                                                                                                                                            hẳn đà không đặng
                    Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi bằng sớm liệu mà                                                                                                                                                             buông nhau.
                                                                                           (Tình già)
        2.1.5. Thay đổi từ ngữ, tạo sự kết hợp từ ngữ mới:
     Những cách sử dụng kết hợp từ ngữ mới đậm chất biểu cảm, có khả năng diễn tả được những rung động tinh tế đa dạng tâm hồn con người, vẻ đẹp thiên nhiên và những biến thiên xã hội.
    Có thể so sánh:
                    Thú thiên nhiên đâu bằng Hương Tích
                    Đã thanh cao cảnh lịch trăm chiều
                    Người thì vui sô, lạp, ngư, tiều,
                    Kẻ thì thích yên hà phong nguyệt,
                    Kho vô tận những thế nào chưa biết,
                    Thú hữu tình sơn thủy thật là vui.
                    Khi đăng lâm có lối lên trời,
                    Mây dưới gót đủ xanh, đen, vàng, đỏ, trắng.
                                (Dương Khuê -Cảnh Hương Tích)
                    Hôm nay đi chùa Hương
                    Hoa cỏ mờ hơi sương
                    Cùng thầy me em dậy
                    Em vấn đầu soi gương...
                    Em đi chàng theo sau
                    Em không dám đi mau
                    Ngại chàng chê hấp tấp
                    Số gian nan không giàu
                            (Nguyễn Nhược Pháp- Đi chùa Hương)
    Với Dương Khuê, chùa Hương là một thiên nhiên kì thú đầy sắc màu, có non nước, có tài tử giai nhân; từ ngữ đã được khách thể hóa, phù hợp với sự diễn tả mối quan hệ giữa người và cảnh. Con người tách ra khỏi thiên nhiên, chiêm ngưỡng thiên nhiên trong tâm thế an nhàn, tĩnh tại.
    Với Nguyễn Nhược Pháp, chùa Hương hiện lên qua một bảng từ ngữ gần gũi với đời sống, diễn tả được tâm hồn trong sáng trong sáng của một cô thiếu nữ lên chùa mà lòng thì hé mở niềm xao xuyến của tình yêu.
    Từ ngữ đời sống phong phú tạo nên những cách diễn đạt, kết hợp từ, ngữ sáng tạo thể hiện đúng sự tinh vi và cảm quan phức tạp.
                    Mây biếc về đâu bay gấp gấp
                    Con cò trên ruộng cánh phân vân
                    Chim nghe trời rộng dang thêm cánh
                    Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần
                            (Xuân Diệu - Thơ duyên)
                    Rưng rưng hoa phượng màu thương nhớ
                    Son đậm trên thành một sắc xưa.
                            (Huy Cận)
                    Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi
                    Bên rừng thổi sáo một hai Kim đồng
                    Tiếng đưa hiu hắt bên lòng
                    Buồn ơi! Xa vắng mênh mông là buồn.
                            (Thế Lữ - Tiếng sáo Thiên Thai)
    Từ ngữ tiếng Việt đã thực sự dậy lên hương thơm, tràn thấm những sắc màu của nhạc, của hoa, của tâm hồn. Tiếng Việt giàu có nên có sự kết hợp từ ngữ biến hóa rất nghệ thuật.
    2.1.6. Theo lối tả thực, trực tiếp rõ ràng, bảng từ ngữ mới mở rộng, biến đổi những hình thức cũ, tạo ra hình thức thơ mới. Dù kế thừa thơ ca truyền thống nhưng vần nhịp đã đổi thay. Đường luật vắng bóng. Lục bát vẫn được trân trọng. Thơ bảy, tám chữ, năm chữ có khả năng tấu nhạc, khi réo rắc, khi êm đềm.
                    Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
                    Đàn ghê như nước lạnh trời ơi!
                    Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
                    Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người.
                            (Xuân Diệu - Nguyệt Cầm)
                    Đêm hôm ấy em mừng
                    Mùi trầm hương bay lừng
                    Em nằm nghe tiếng mõ
                    Rồi chim kêu trong rừng.
                            (Nguyễn Nhược Pháp - Đi chùa Hương)
    Thơ hai chữ một sáng tạo đặc biệt độc đáo:
                    Từng giọt
                    Tơi bời
                    Mưa rơi
                    Gió rơi
                    Lá rơi
                    Em ơi!
                            (Nguyễn Vỹ - Sương rơi)
    Thơ tám chữ dựa vào thể hát nói, vin vào hình thức thơ phương Tây định hình thể thơ tám chữ Việt Nam vần liên tiếp từng cặp một:
                    Làng tôi vốn làm nghề chài lưới,
                    Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
                    Khi trời trong, gió nhẹ sớm mai hồng,
                    Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
                    Chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã,
                    Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt Trường Giang.
                            (Tế Hanh - Quê hương)
    Trong thơ mới, thơ tự do chỉ là một phần nhỏ, nhưng từ ngữ, cấu trúc câu, vần nhịp lại rất đáng chú ý:
                    Sớm nay tiếng chim thanh
                    Trong gió xanh
                    Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
                            (Đoàn Phú Tứ - Màu thời gian)
    Như vậy chữ Quốc ngữ ra đời và phát triển đã đánh bật "cuộc xâm lăng của văn xuôi", từ xung khắc đi đến sự "hòa giải với truyền thống" (Trần Đình Hượu).
        2.2. Sự phát triển thơ ca từ 1900 đến 1945:
    2.2.1 Cuộc cách mạng thơ ca từ đầu thế kỉ XX nằm trong dòng chảy của quá trình hiện đại hóa đất nước, hiện đại hóa đời sống, tư tưởng văn hóa của dân tộc. Sự phát triển thơ ca trong giai đoạn này vẫn có sự chuyển giao của các thế hệ nhà thơ.
    2.2.2 Thế hệ nhà thơ của những năm 1900 đến 1932:
        - Phan Bội Châu: Là một nhà nho chí sĩ yêu nước và cách mạng. Thơ ca của ông có sự biến đổi về nội dung tư tưởng, ý thức hệ; nhưng thể loại vẫn chưa có gì đổi thay, có chăng là từ ngữ bớt đi tính uyên bác, gần với đời sống hằng ngày hơn. Trước sự phát triển rầm rộ của phong trào thơ mới, ông viết ba bài: Uống rựou dưới trăng, Khóc hòa phú và Khóc bạn trẻ. Uống rượu dưới trăng có hồn và đậm chất thơ hơn cả.
                    Ta say, mày say, chẳng bao giờ rời
                    Chốc lại trông trăng, trăng mỉm cười
                    Mình với trăng với bóng thành ba người
                    Chén đầy chén với, chén đầy rồi lại chén vơi
                    Mình dậy múa, bóng theo hoài
                    Mình ngồi hát, trăng nghe chơi.
    Bài thơ có sự cách tân thể tài nhưng nội dung cảm xúc vẫn cũ, vẫn in dấu thơ ca cổ điển phương Đông. Nhà thơ một mình với trăng, với vũ trụ để cảm nhận cái vĩnh hằng vô cùng của không- thời gian đối lập với kiếp người hữu hạn. Bài thơ vẫn nằm trong hệ thống đề tài cũ: chủ thể trữ tình - trăng - rượu, hướng tới sự cô đơn và yên tĩnh.
        - Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: Là một nhà nho tài tử, Tản Đà bộc lộ cái tôi của mình rõ nét trong thơ nhất. Cái tôi khoe tài (Xuống ngọn bút mưa sa gió táp - Vạch câu thơ quỷ thảm thần kinh), cái tôi đa tình (Người đâu cũng giống đa tình - Tưởng là ai, lại là mình với ta) của nhà thơ rất thích hợp với cái nhẩn nha, uyển chuyển của thể từ khúc, ca trù và phong thi (ca dao) nhằm thể hiện nội dung cảm xúc trữ tình tình yêu. Tình yêu trong thơ Tản Đà có cái tế nhị, nhẹ nhàng của tài tử giai nhân, nhưng cũng có lúc vội vàng, giục giã. Dẫu sao, ứng xử tình yêu trong thơ ông vẫn có nét đẹp của ca dao:
                    Mỗi năm mỗi tuổi
                    Như đuổi xuân đi
                    Măng mọc có lứa
                    Đôi ta có thì
                    Chơi đi thôi
                    Chơi mau đi thôi!
                    Cho trống thủng,
                    Cho chiêng long,
                    Cho cờ quấn ngược,
                    Kẻo cái già xồng xộc nó thi theo sau.
                            (Chơi xuân kẻo hết xuân đi)
Tuy vậy cấu trúc nghệ thuật ca dao trong bài thơ đã bị phá vỡ. Tản Đà nhìn đời bằng con mắt phong tình ái ân nên để cho nguồn cảm xúc tự do chảy tràn, bất chấp vần luật, âm điệu. Ngay cả thể thơ thất ngôn trang nghiêm dưới ngọn bút của Tản Đà cũng trở nên xộc xệch, buông thả; âm điệu khuôn thước trong niêm luật cũng trở thành tiếng nói ngang ngang, khác lạ:
                    Chơi lâu, nhớ quê về thăm nhà
                    Đường xa, người vắng, bóng chiều tà
                    Một dãy lau cao, làn gió chạy
                    Mấy cây thưa lá sắc vàng pha.
                            (Thăm mã cũ bên đường)
                    Cách phố Hà Nội gần không xa
                    Thú đâu hơn thú Trại Hàng Hoa
                    Có dịp đi chơi buồn giải buồn
                    Trưa lên hóng mát ngồi ngâm nga.
                            (Chơi Trại Hàng Hoa)
    Có thể nói, Tản Đà là người mở đường chuyển dịch từ câu thơ ngâm sang câu thơ nói. Thơ Tản Đà có nhiều chất liệu cuộc đời trần tục, đời sống thị thành đang tư sản hóa, cho nên hình thức cũ biến dạng trở nên phóng túng tự do hơn. Thể thơ bảy chữ liền nhau tạo một vần bằng:
                    Chàng đi xa cách, nhớ quê hương
                    Quê hương, đất khách người một phương
                    Mong chàng chẳng thấy, lòng ngùi thương
                    Buồng không, canh vắng, bóng in tường.
                            (Thu khuê oán)
    Cho dù có cách tân, nhưng thơ Tản Đà chưa thể hòa vào dòng thác thơ mới (1932-1945). Là con người tài tử, ông chỉ thể hiện cái tôi hồn nhiên, nhẹ nhàng chứ chưa ý thức khẳng định nó. Là con người đa tình, ông yêu mà không cần chung thủy, không đi đến hôn nhân. Là con người trần tục trong nếp sông nhà nho, ông vẫn giữ được nét ung dung, kiểu cách. Vì vậy, ca dao, từ khúc, hát nói là phương thức biểu hiện thích hợp với tư tưởng, cá tính của ông. Cả nội dung và hình thức, Tản Đà chỉ cách tân trên những gì quen thuộc của truyền thống.    
        - Á Nam Trần Tuấn Khải: Là nhà thơ cùng thời với Tản Đà, nhưng cảm hứng thơ lại nghiêng về yêu nước thương nòi.  Thơ Trần Tuấn Khải rất phong phú về hình thức biểu hiện, nhưng đáng chú ý là thể thơ lục bát, "câu hát vặt" là lục bát biến thể ngân nga, chậm rãi như giọng điệu sa mạc, thêm nhiều ý tứ, rất linh họat, vì vậy tâm trạng được thể hiện cụ thể, sinh động và tha thiết hơn.
                    Anh khóa ơi! Lúc đêm thâu ngồi tựa chốn buồng điều
                    Một mình em mở quyển Kim Vân Kiều em đọc em ngâm
                    Đọc đến câu: "Đã nguyền đôi chữ đồng tâm"
                    Giật mình tưởng khách xa xăm em lại sầu.
                                (Mong anh khóa)
    Tâm trạng yêu nước bùi ngùi, man mác bao trùm lên khắp sáng tác của Trần Tuấn Khải. Bài Gánh nước đêm (1917) lời giản dị, ý tứ sâu xa:
                    Em bước chân ra
                    Con đường xa tít
                    Con sông mờ mịt
                    Bên vai kĩu kịt
                    Nặng gánh em trở ra về
                    ... Cái bước đêm khuya thân gái ngại ngùng
                    Nước non gánh nặng
                    Cái đức ông chồng hay hỡi có hay?
                    Em trở vai nay.
    Bài thơ đúng là nỗi đau mất nước, một lời kêu gọi kín đáo mà không kém thiết tha. 
   (còn tiếp)

1 nhận xét:

  1. Bác làm cái link của các phần liên quan thì người đọc mới tìm được bài.

    Trả lờiXóa