Một buổi chiều chủ nhật “Rồi hóng mát thuở ngày trường”
(Nguyễn Trãi). Hết đi lên rồi đi xuống tưởng chừng như con đường
bê tông của xóm họ Giáo mòn đi một chút. Vậy mà cũng đã 16
giờ rồi. Không do dự, gọi cho Trương Phước Châu rủ Hoàng Công
Đính (những người con Kế Môn, Châu sống ở làng, Đính ở Đà Lạt
và tôi ở Đà Nẵng) xuống Điền Hải gặp các bạn học cũ như đã
hẹn. Châu bảo Đính bận rồi, với lại hắn hẹn bữa nào xong
việc họ, khoảng 19, 20 tháng 2 âm
lịch gì đó, sẽ thu xếp gặp
nhau một bữa. Nghe Châu nói mà phiền. Cứ khất hẹn thế này sẽ
lần lữa mãi thôi. Mình bảo Châu gọi lại cho Đính. Một hồi lâu,
Châu gọi, bảo với mình : “Đính bận việc rồi”. Rõ chán mớ
đời. Vậy thì… lại đi xuống đi lên…
Đang thõng thượt cả cõi lòng thì ông anh họ gọi về nhà thờ
CỐ ở xóm Dừa, bàn chuyện cúng tế ngày mai. Vội vàng xuống
cùng các anh chị bàn việc chung. Bỗng có chuông điện thoại reo.
Bụng thầm bảo, hay Châu gọi lại, thế thì còn gì bằng. Nhưng
không phải, Cảnh - đứa cháu gọi mình bằng cậu ruột - đang a lô :
“Cậu hả ? Xuống Điền Hòa ăn đặc sản ruộng đồng đi cậu”. Mình
vui quá, nhanh nhẩu : “Được. Được. Cậu xuống cháu hay thế
nào”. Đứa cháu nói : “Bảo Sỹ đánh xe xuống rồi đi luôn”. Thế
là xin phép các anh chị, cho em đi có việc một chút… và chuồn
nhanh.
Ngồi trên xe, mình như nghe tiếng khẩn thiết của Cao Hữu Lợi :
“Về quê thì gặp nhau một chuyến nghe”. Lâu quá chưa gặp lại.
Nhưng lại nghĩ, hai đứa cháu nói chỉ ngồi ăn lẩu cá lóc một
thời gian ngắn rồi về thì biết làm sao mà gặp đây. Mãi vẩn
vơ, xe đã xịch đỗ ở quán Hương quê, làng Thế Chí Tây gần giáp
giới với Thế Chí Đông. Ba cậu cháu vào quán chọn bàn, gọi đồ
ăn thức uống. Mình nhấp nhỏm, phải gọi cho các bạn mình. Gặp
nhau một thời gian ngắn cũng được. Đã đến đây rồi mà không
ngồi với bạn xưa thì coi sao được. Lại nghe lời nhắc thiết tha
của Lợi : “Về quê gặp nhau một chuyến nghe”.
Lấy máy, bấm số Cao Hữu Lợi. A lô, Dục đang ở đâu đó. Mình
đang ở Đà Nẵng và nhậu. Rứa à… Có chút gì đó như bánh tráng
ướt nước trong giọng của Lợi. Cầm lòng không đậu. A lô, đùa
đó, mình đang ngồi ở quán Hương quê, Điền Hòa đây, gọi các bạn
đến chơi. Rứa hả, mười lăm phút nữa có mặt, giọng Lợi giòn
tan.
Khoảng mười lăm phút. Trong bóng chiều nhá nhem, mình thấy một
người có dáng như Điệp nên lên tiếng : “Điệp hả”. “Không, Lợi
đây” . Đúng là Lợi rồi, vẫn còn những nét của ngày xưa. Bắt
tay nhau mà lòng rưng rưng. Hai đứa học trò nhà quê, học trường
HƯƠNG ĐIỀN, trường quận, lúc ấy mới học đệ thất, đệ lục vậy
mà bây giờ đã lên lão rồi. Vẫn tay trong tay, mình nhìn Lợi,
còn bạn thì cứ cười cười : “Nghe Dục gọi, mình ngờ ngợ mà”…
Ý Lợi là nghi mình đã về quê và nói dối để đùa thôi. Ngồi
xuống đi, làm một li mừng hội ngộ đã, mình bảo. Một lát sau
thì Cao Hữu Điệp tới, rồi Nguyễn Dương đi vào. Bạn bè gặp nhau
tay bắt mặt mừng. Nguyễn Dương cứ tính toán mãi : “Phải đến
hơn 40 năm rồi. Không bốn sáu năm. Từ hồi đệ lục, tức là năm
1966 bây giờ mới gặp Hoàng Dục. Đúng là bốn mươi sáu năm mới
gặp lại bạn xưa”. Nghe Dương nói mà lòng bồi hồi khó tả. Kỉ
niệm xưa lũ lượt tìm về. Bốn ông lão hóa thân thành bốn cậu
học trò 12, 13 tuổi ngày xưa tắm mình trong không gian ngày cũ.
Quá khứ che khuất hiện tại, khiến bốn ông lão mãi sống giữa
bầu khí thân thương mà quên có hai đứa cháu mình đang hiện
diện. Người cũ, chuyện xưa tràn ra theo giọng hoài niệm thiết
tha. Nào là cái phòng học tre tranh năm lớp đệ thất bọn mình
học. “Năm đó mi (Dục) ngồi giữa tau với thằng Dương”. Điệp kể.
Nào là có nhớ thầy Tác, thầy Thanh,… không ? Nào là Quảng, cô
nữ sinh xinh đẹp ngày nào. Quảng à, Quảng mới về thăm, cùng
nhau hát ka-ra-ô-kê vui lắm, Điệp khoe. Mình nhìn Điệp mà nhớ
chuyện ngày xưa và đùa : “Ngày xưa lớp trưởng Điệp biết “đàn”
sớm lắm”. Nào là Hồ Thị Liên, Trần Thị Liên, Nguyễn Thị Thanh
Tuyền,… những bóng hồng trong mắt của những chàng trai vừa
biết chút chút về cái đẹp về giới. Nào là Nguyễn Thanh Ghiên,
Phan Hoàng, Nguyễn Đức Di, Hoàng Quang Bình,… Nào là… bao bạn
xưa đã đi vào cõi vĩnh hằng vào thời điểm 1975 và trước đó
bởi chiến tranh. Điệp bảo : “Mình là lớp trưởng nên giữ danh
sách. Mình hay kiểm tra xem, mới biết lớp mình có hơn mười mấy
bạn đã giã từ cõi tạm”. Chiến tranh chẳng mỉm cười thân
thiện và thánh thiện với ai cả là thế!
Chuyện càng về sau càng bén. Hình như, không chiu được sự vắng
mặt của Châu và Đính, Lợi lại gọi. Châu đang bận lai rai với
bạn bè. Đính không thể đi một mình. Lợi đâm gắt : “Thì đi xe
máy, mười lăm, hai chục phút chớ mấy!”. “Chắc Đính không đến
đâu. Bữa nào xong việc họ rồi gặp cũng được”. Mình bảo thế.
Dương hỏi mình về Trần Đình Thụy : “Mầy nhớ hắn và Cơ, em gái
hắn không ?”. “Nhớ chứ”. Mình bảo. Điệp cho biết, bây giờ hắn
ở Mĩ rồi, đi HO. Thụy thì mình có gặp lại hắn khi hắn học
Văn khoa. Mình có về nhà hắn mấy hôm, cùng một người bạn nữa
là nhà thơ Nguyễn Đức Bạtngàn, hiện ở Canada. Năm 1972, hắn bị
động viên rồi từ đó không biết tin gì. Với các bạn, sở dĩ
cho đến nay mới gặp lại vì mình “lưu lạc” nhiều nơi trên con
đường dạy học. Năm 1966, mình vào Đã Nẵng học trường Trung học
Phan Châu Trinh, rồi ra Huế học Đại học Sư phạm. Quê hương chỉ
cách mấy chục cây số, gần nửa ngày đò, nhưng chiến tranh đành
phải ngậm ngùi nhìn về và nhớ thôi. Rồi ra trường lên Đắc
Lắc, rồi cuộc mưu sinh của thầy giáo đầy vất vả nữa. Sau này,
khi về dạy trường chuyên, mình cũng có về làng chạp mộ nhưng
không đều và ở lại chỉ một đêm nên ngay cả Châu ở cuối làng
mà cũng ít gặp nữa là. Cũng buồn thật đó, nhưng thôi, được
gặp là quý rồi.
Lợi lại nhấp nhỏm bấm điện thoại. Lần này là a lô cho Nguyễn
Công Mót đang ở Bình Định, Mót đang dạy học ở đó. Dương bảo
Dục nhớ Mót không. Nhớ sao không. Ai mà quên hắn được. Lợi nói
chuyện với Mót rồi chuyển máy cho mình. A lô, Mót đó hả, Dục
đây. Nhớ không. Nhớ á. Ừ, lâu quá… Các bạn ngồi với nhau vui
quá. Mình không có duyên may. Mót than. Không gặp được thì điện
thoại, mình bảo. Có tiếng cười, ôi chao, thằng Dương thì chỉ
biết nghe chứ chẳng bao giờ gọi; thằng Lợi thì khi nào say mới
gọi. Mót bảo. Lợi gọi cho Thứ và ai đó nữa. Kỉ niệm như căng
lên, ngân vang những âm tiếng yêu thương trong lòng mỗi đứa, à
không bốn lão ông.
Dễ đã hơn 19 giờ rồi. Nâng li nào. Còn mấy chai uống hết rồi
chia tay, bữa nào gặp lại đông đủ hơn. Lại những cái bắt tay
đầy luyến níu và hẹn gặp. Cả bốn chậm rải bước, hình như
chẳng ai muốn ra về.
Bắt tay lần nữa. Mốt mình vào Đà Nẵng, thứ sáu tuần sau lại về làng.
Vậy à, thứ bảy tuần sau gặp lại, nghe…
Lên xe nhưng có cảm giác thiếu thiếu một điều gì. Hóa ra quên
đem máy ảnh, làm mấy pô ghi lại khoảnh khắc đáng quý này.
Tiếc thật!
Con đường lên làng ngập đầy bóng tối, gió từ cánh đồng nhè
nhẹ thổi mang một chút se lạnh của đêm quê, nhưng trong lòng
mình như đang ấm lên, sáng lên vẻ đẹp của tình bạn và của
những kỉ niệm xưa.
Kế Môn, 5 - 3 - 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét