Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

266. HỘI NGỘ TRÒ XƯA

      Buổi sáng đi làm về. Từ ngoài bước vào nhà, sự thay đổi cường độ ánh sáng làm đôi mắt hơi tối đi. Mặc dầu vậy vẫn thấy một phụ nữ đang ngồi trong nhà cùng với bà xã. Cả hai cùng cười ra vẻ bí mật. Mình có cảm giác khuôn mặt phụ nữ ấy rất quen thuộc, lục lọi trí nhớ vẫn không nhận ra được. Mình đâm ra hoài nghi chính mình. Có lẽ sự thay đổi ánh sáng nên mình trông gà hóa cuốc. Mà không, trông người ấy có vẻ quen mà. Lớn tuổi trí nhớ người ta trở nên không đáng tin
chút nào. Điều không đáng nhớ lại cứ hiện hình án ngữ trong óc, điều tha thiết, mong cầu phải được nhớ lại thì cứ tối như hũ nút, chẳng le lói chút nhớ nào. Bỗng, người phụ nữ  lên tiếng : “Thầy vẫn chưa nhớ ra em à ?” Giọng cũng có vẻ quen, ai thế nhỉ ? Mình cảm giác trong khoảnh khắc này, mình là bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân khi thấy người đàn bà lạ –  người con dâu nhặt, dâu theo không - trong nhà bà. Trong đầu   mình cứ xoay xoáy những câu hỏi rất tâm trạng. Ai thế nhỉ ? Quái nhỉ ? Sao thế nhỉ ?...
      Mắt đã trở lại trạng thái cân bằng theo nguyên lí bảo toàn “cái nhìn”. Mọi vật trở nên sáng rõ hơn. Chà, trong nhà có thêm một cậu con trai nữa. Nãy giờ cậu ta im tiếng ngồi nép vào góc bàn nên chả thấy. Đúng rồi, cậu ta… Mình nhủ thầm. Và như Archimedes, mình bỗng nói lớn lên : “Thằng cu con Bích đây mà”. Nghe mình nói như thế, bà xã  lên tiếng : “Nhận ra rồi”, người phụ nữ kia cũng reo lên : “Thầy nhận ra em rồi”. Những tiếng cười giòn dã vang lên. Không gian căn nhà như tràn ngập tiếng cười. Đúng thầy đã nhận ra em, em Nguyễn Thị Bích của trường THPT nội trú vừa học vừa làm Ama Trang Lơng đây mà. Hơn 30 năm rồi còn gì. Thuở ấy em còn là cô nữ sinh non choẹt bây giờ đã trở thành một phụ nữ già dặn, hèn gì thầy khó nhận ra em. Sau hơn 30 năm gặp lại, biết bao điều muốn nói, muốn nghe cứ nháo nhào trộn lẫn vào nhau. Em còn ở chơi nhà thầy cô vài ngày nữa mà. Thầy cô và em sẽ nói chuyện nhiều… nhiều cho thỏa mà. Thế gì còn gì bằng.  
      Kể từ giây phút gặp lại này, mình cảm giác như được trở về sống lại trong không gian của trường nội trú Ama Trang Lơng, tỉnh Đắc Lắc. Thời ấy, cái thời bao cấp, thầy trò đều xa nhà, đều thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Cho nên, thầy trò yêu thương nhau, đùm bọc chia sớt cho nhau những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống. Cả trường nội trú là một gia đình lớn. Các thầy phần lớn còn rất trẻ, chủ yếu từ trường Đại học sư phạm Huế về đây giảng dạy. Các em học sinh thì đủ hoàn cảnh. Có em người dân tộc rất nghèo, có em từ Đà Nẵng theo cha mẹ đi kinh tế mới ở Hòa Thành, huyện Krông Pắc, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ,… Bao nhiêu em là bấy nhiêu cảnh đời. Thuở ấy, mình là thư kí Hội đồng giáo dục, có chức năng như một Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn và chăm lo học tập, ăn ở nội trú cho các em. Và mình được gọi là “già” nhất, vì ra trường trước các thầy cô khác nên có điều kiện gần gũi các em hơn. Các em rất thương vợ chồng mình, riêng Bích đã dành một tình cảm đẹp cho bà xã mình, đến nỗi ba mẹ em ở tận xã Quãng Phú xa xôi cũng lên thăm và nhận cô giáo của con mình làm con nuôi. Đây là một tình cảm không dễ gì có được trong hoàn cảnh khó nghèo, người ta lo cơm áo đủ mệt rồi, còn đâu mà quan tâm đến người khác. Trước tấm lòng của bố mẹ Bích, mình và bà xã chỉ biết kính cẩn mà nhận lấy, nhận lấy với tất cả sự yêu thương và tri ân. Từ đó, vài ba tuần ngày thứ bảy chủ nhật, mình và bà xã vượt mấy chục cây số đường đất đỏ về chơi với hai cụ. Lâu lâu các cụ lại lên thăm với những thức quà quê, khi chục trái bắp tươi, vài kí nếp, lúc thì vài cân đậu phụng chưa bóc vỏ, đậu xanh,… Trong căn phòng nhỏ của gia đình mình lại có thêm nhiều tiếng cười, tiếng nói của một gia đình lớn, gia đình nhiều thế hệ như một cây nhiều nhánh sum suê.
     Năm 1980, khi Bích tốt nghiệp THPT cũng là lúc mình lên công tác ở Phòng Đào tạo và Bồi dưỡng ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắc Lắc. Từ đó, do bà xã một nơi, mình một nơi, và nhất là lo xin về Đà Nẵng cho bằng được, nên ít gặp Bích và các cụ. Năm 1983, hai vợ chồng mình về được Đà Nẵng. Lúc đầu còn thư qua thư lại với Bích, nhưng rồi thư cũng thưa dần và mất liên lạc.  Bao nhiêu lần bà xã qua các em học trò Ama Trang Lơng cũ tìm cách nối lại liên lạc với Bích mà không được. Thậm chí bà xã còn “lệnh” các em phải đôn đáo thế nào đó tìm cho được Bích, nhưng vẫn bặt âm!
     Như nước muôn đời vẫn về nguồn, năm 2011, Bích đã tìm gặp bạn bè cũ và lấy số điện thoại của mình. Thế là thầy trò nối lại kênh thông tin về nhau. Hóa ra, từ khi tốt nghiệp, Bích học trung cấp rồi lấy chồng người Hòa Phong, Hòa Vang. Hai vợ chồng lập nghiệp ở huyện Chư M’nga. Đời sống khó khăn, chính Bích cũng không liên lạc với bạn bè. Rồi…chồng của em bị bệnh hiểm nghèo và  qua đời. Khó khăn và nỗi đau  đã làm em mất thăng bằng tâm lí. Em lại càng co rút lại trong nỗi cam chịu đau khổ, cô đơn để nuôi con lớn khôn. Mãi cho đến khi 3 đứa con trai vào đại học, em mới “lai tỉnh” dần. Lúc ấy em mới vui vẻ gặp bạn bè và biết số điện thoại của mình như đã nói ở trên.  
     Từ đó, cô trò  luôn liên lạc với nhau, rồi hẹn nhau gặp mặt ở Đắc Lắc. Vậy mà bây giờ lại hội ngộ ở Đà Nẵng. Có niềm vui nào hơn. Thầy trò, cô trò lại bên nhau hàn huyên ôn lại chuyện xưa, rồi chuyện nay để ngậm ngùi về dâu bể cuộc đời.
     Và cũng để nâng niu mãi mãi một chữ tình.  
               HD, 28-3-2012


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét