Hội
họa là một loại hình nghệ thuật có lịch sử lâu đời. Trong
tiến trình phát triển, hội họa cũng đã trải qua nhiều trường
phái, xu hướng khác nhau như lập thể, tượng trưng, siêu thực,…
Nhưng dù con đường phát triển có phong phú đa dạng đến đâu, các
tác phẩm hội họa cũng nồng đượm hơi thở hiện thực cuộc sống
và in đậm phong cách nghệ thuật của cá nhân người cầm cọ. Và
nếu nhìn hội họa như một quá trình, hội họa và thời gian,
thì không chỉ cảm nhận vẻ đẹp sáng tạo, thông
điệp thẩm mĩ
của họa sĩ gởi gắm trong tranh mà còn, qua những con sóng thời
gian với sự nổi chìm của những bức họa, cũng cảm thức được
năng lực thưởng thức, khoái cảm thẩm mĩ của người xem tranh.
Hiểu như thế mới thấy bốn bức tranh vẽ rồng trong bốn câu
chuyện trên phần nào đã thể hiện vai trò, năng lực và mối quan
hệ giữa họa sĩ với người thưởng thức tranh, qua đó khẳng
định giá trị, số phận của tác phẩm hội họa.
1*. Những tác phẩm hội họa đến với cuộc đời bao giờ cũng
được sinh thành từ tài năng, trí tuệ và tâm hồn của họa sĩ.
Không có những con người đam mê đường nét, màu sắc thì không có
họa phẩm. Nhưng đến lượt mình, họa phẩm là “chứng tích” để
khẳng định những phẩm chất của họa sĩ. Nếu xét ở phương diện
người sinh thành những họa phẩm, từ Trạng Quỳnh trong truyện
trạng Việt Nam đến họa sĩ vô danh trong truyền thuyết Trung
Quốc; từ Trương Tăng Dao đời Nam Bắc Triều đến Tạ Từ đời Tam
Quốc, ở họ có những nét giống nhau và khác nhau. Tất cả các
họa sĩ ấy đều vẽ cùng một đề tài, ai cũng đều khao khát
khẳng định tài năng của mình, họ không để lại họa phẩm cụ
thể mà tác phẩm và tài năng của họ đã được văn học hóa, câu
chuyện sáng tác của họ đều phảng phất nét hoang đường, li kì
nhằm thăng hoa tài năng của họ. Tuy vậy, họ vẫn có những điểm
không giống nhau.
Nếu xét về phương diện mĩ học, cái thẩm mĩ, mỗi họa sĩ
trong các truyện trên không ai giống ai. Trạng Quỳnh vẽ tranh
bằng mực Tàu trên giấy, nhưng không nhằm mục đích đem đến cho
người thưởng thức sự rung động, khoái cảm thẩm mĩ. Ông trạng
Việt này vẽ mười con giun đất thì có gì là đẹp, ông ta đâu vì
cái đẹp mà vì lợi ích có tính thực dụng, đó là thắng thua
trong một cuộc thi. Tạ Từ vẽ tranh lụa, ông có hướng đến cái
đẹp, cái đẹp đó là con rồng vẽ mà như con rồng thật ngoài
đời, mổ bụng thì chảy máu, có thể moi gan ra để dâng Tào
Tháo; nhưng xét cho cùng cái đẹp chỉ là thứ yếu, cái đẹp
chấp nhận bị lãng quên, chấp nhận “lép như trấu” trước cái có
ích. Tranh lụa vẽ rồng của Ta Từ khẳng định, cái đẹp ra đời
chỉ để phục vụ cho đấng, bậc đế vương. Tranh vẽ rồng của
Trương Tăng Dao là tranh bích họa. Bốn con rồng vẽ trên tường
chùa An Lạc ở Kim Lăng là sự phối hợp có tính nghệ thuật
giữa hội họa và kiến trúc nhằm tôn vinh vẻ đẹp văn hóa Phật
giáo. Họa sĩ trong câu chuyện truyền thuyết khác hẳn ba người
vẽ rồng trên, đây thực sự là một họa sĩ, một họa sĩ chân
chính, bởi ông ta đã đem cuộc đời của mình ra mà tận hiến cho
cái đẹp. Để có tranh lụa vẽ một đôi rồng dâng vua, nhà hội
họa này sẵn sàng đánh đổi cả tuổi thanh xuân, “chàng họa sĩ trẻ
trung ngày trước bỗng trở nên tóc trắng như bông, đến dâng vua hai bức
tranh”. Ông ta đặt nghệ thuật lên trên cả sinh mạng của mình,
dám đặt cược : “lấy cái đầu bảo đảm cho sáng tác của mình!”. Có thể
nói rằng, với họa sĩ này chọn lựa duy nhất của ông ta là
nghệ thuật hay là chết. Sự sống của ông ta là nghệ thuật, cái
đẹp với ông ta cũng cần như máu luân lưu trong huyết quản, như
oxy cần cho sự sống thở. Vì vậy, phải ba năm, họa sĩ này mới
hoàn thành hai bức tranh vẽ rồng. Tất nhiên, thời gian nhiều hay
ít dành việc hoàn thiện một bức tranh đôi khi không nói lên
được điều gì cả. Nhưng với họa sĩ này, thời gian đã nói lên
niềm đam mê cái đẹp đến mãnh liệt, đến kiệt cùng tâm trí; ông
ta như không còn sống giữa đời rộng lớn nữa mà đang sống trọn
lòng trong thế giới nghệ thuật của mình. Qua hoạt động sáng
tạo của họa sĩ, ta có cảm giác giữa ông ta có sự gặp gỡ với
Giả Đảo qua bài thơ “ Nhị cú” : “Nhị cú tam niên đắc – Nhất
ngâm song lệ lưu – Cố nhân như bất thưởng – Quy ngọa cố sơn thu”
(Hai câu làm mất ba năm, - Một ngâm, lã chã hai hàng lệ rơi. - Tri âm
nếu chẳng đoái hoài, - Trở về núi cũ, nằm dài với thu.). Dù hoạt động
ở hai ngành nghệ thuật khác nhau, nhưng cả hai ông hình như đều
là những nghệ sĩ của chủ nghĩa duy mĩ : Nghệ thuật là cái
đẹp, nghệ thuật phải là nghệ thuật.
Nhìn từ phương diện tài năng, bốn người vẽ rồng mỗi người
cũng có nét riêng. Trạng Quỳnh cũng gọi là tài năng nhưng xét
tận cùng ý nghĩa của từ này thì chỉ là một tài vặt, có
tính chất láu cá, tinh quái. Vẽ tranh với Trạng là một cách
phô diễn cái tôi cá nhân chứ không hướng đến người tâm lí và
tình cảm thẩm mĩ của người thưởng tranh, hay đây cũng chỉ là
kiểu “chơi trạng”, “nói trạng” mà thôi. Vì vậy, cái gọi là
tài năng ấy cũng chẳng có giá trị gì. Trương Tăng Dao và Tạ
Từ đều tài năng. Họ vẽ rồng rất sống thực. Hình tượng rồng
qua cây cọ của họ đã thực sự có sự sống, sức sống riêng.
Người ta nói rằng, người nghệ sĩ tài năng là người đem đến cho
người thưởng thức cái cảm giác không phân biệt được đâu là
tác phẩm nghệ thuật, đâu là đời thực; người xem luôn bâng khuâng
trên ranh giới mong manh, mơ hồ giữa nghệ thuật và cuộc đời.
Trương Tăng Dao và Tạ Từ đã đạt đến đẳng cấp nghệ thuật nói
trên, chỉ có điều tài năng của hai ông có tính chất phù thủy,
ma quái nên tranh rồng của hai ông ít chất đời. Và một điều
đáng nói, Trương Tăng Dao biết “điểm nhãn” cho rồng thì rồng sẽ
trở thành một thế lực phá hoại có tính chất siêu nhiên, rồng
không còn biểu tượng của cái đẹp nữa mà là biểu trưng cho
cái xấu. Ông đã giải thích cho mọi người lí do tại sao ông vẽ
mắt cho bốn con rồng : “Vẽ mắt thì có khó gì, nhưng đã vẽ
thêm mắt thì tôi chỉ lo những con rồng này sẽ phá tường bay lên
mà thôi”. Xét cho cùng, Trương Tăng Dao tâm vẫn chưa tịnh, vẫn
muốn khoe tài, thêm mắt cho rồng cũng chỉ để đề cao cái tài
của mình, để phục vụ thị hiếu tầm thường của người xem. Còn
Tạ Từ thì đáng trách hơn khi ông đem tài năng, cái đẹp để phục
vụ cho thú vui vật chất, thèm ăn gan rồng, rất phàm tục và
cũng rất ngông ngạo của Tào Tháo. Tạ Từ đã biến nghệ thuật,
văn hóa tinh thần phi vật thể thành một thứ vật chất tầm
thường! Đó là chưa nói đến, ông ta lấy nghệ thuật để phục vụ
cho một con người “tuyệt gian” theo quan niệm đạo đức của người
Trung Hoa xưa. Vậy thì ai là họa sĩ thực sự tài năng ? Có lẽ
trả lời câu hỏi đó không khó. Người vẽ tranh rồng trong truyền
thuyết Trung Hoa là một tài năng hiếm có, một bản lĩnh sáng
tạo không phải người nghệ sĩ nào cũng có được. Tài năng của
người sáng tác tranh rồng này bộc lộ rõ nét qua sự thức ngộ
đớn đau của ông vua. Những bức tranh vẽ rồng của họa sĩ treo
từ ngoài vào sâu bên trong hang động là một tiếng nói khẳng
định chắc nịch nhất tài và tâm của ông ta. Những bức tranh
rồng ấy không còn là tranh nữa mà là lịch sử của một tài
năng; là sự chín dần đến chín muồi của nét bút; là sự vận
động chuyển hóa trong bút pháp từ thấp đến cao, từ họa hình
đến truyền thần hình tượng rồng. Bức tranh vẽ rồng cuối cùng
chỉ hai sổ sọc chạy dọc trên bức lụa là sự hài hòa nhuần
nhị giữa tâm và bút, giữa người và tranh. Người vẽ tranh đã
vượt qua biên giới của họa nhân đến với thế giới của thần họa
rồi. Hai sổ dọc trong hai bức tranh rồng của họa sĩ này khác
xa mười sọc dọc của Trạng Quỳnh biết bao. Tác phẩm này nằm im
lìm dưới mặt đất buồn bã còn tác phẩm kia bay lượn vui tươi
thanh thoát trên bầu trời xanh thẳm. Tuy nhiên, có một việc cần
nói thêm về người họa sĩ này, đó là ông ta qua tự tin về tài
năng nghệ thuật của mình, mà không biết cái họa cũng do đó mà
ra. Đấy là khi ông ta chỉ mới nắm được bản chất của sáng tạo
cái đẹp mà chưa thấu rõ bản chất của tiếp nhận nghệ thuật,
cho nên bi kịch đã đến trong đời ông.
Từ hai khía canh nêu trên, cũng có thể thấy rõ mối quan hệ
giữa nghê thuật và hiện thực qua bốn bức tranh vẽ rồng. Bức
tranh mười con rồng đất của Trạng Quỳnh bám rất chắc vào hiện
thực, nhưng đấy là một hiện thực xù xì, thô tháp. Trong khi
đó, một tác phẩm nghệ thuật không sợ thời gian làm băng hoại
thì nó chỉ hút nhụy hiện thực để rồi hòa quyện với trí
tưởng tượng, sau cùng mượn tài năng người nghệ sĩ và các
phương thức, phương tiện nghệ thuật mà sinh thành. Còn với ba
họa sĩ kia, họ vẽ một con vật không hề tồn tại trong hiện
thực mà chỉ sống trong ước mơ, trong niềm khao khát lãng mạn
của con người. Cho nên, nếu tranh rồng của họ có thiếu hụt
chất thực cũng là điều tất nhiên, và nếu người xem tranh có
tâm lí này, thái độ kia thì cũng không thể trách được.
Hai con rồng lớn kết bằng hoa tại Sài Gòn, Tết Nhâm Thìn, 2012
2*. Tác phẩm hội họa chỉ có giá trị thực khi có người tiếp
nhận thưởng lãm của nó. Chính người xem tranh chứ không ai khác
sẽ ngăn cản lớp bụi thời gian bám lên bức tranh này hoặc mặc
cho lớp bụi kia thỏa sức bám dày lên tranh. Cho nên, nói chuyện
vẽ rồng qua bốn câu chuyện trên nếu chỉ dừng lại ở lĩnh vực
người sáng tác thì chưa đủ mà phải dông dài một chút về
người tiếp nhận nghệ thuật tranh rồng.
Khẳng định gia trị một tác phẩm nghệ thuật nói chung và tác
phẩm hội họa nói riêng xưa này là một cuộc đấu gián tiếp
không “cân sức” giữa cá nhân nghệ sĩ và người tiếp nhận. Cũng
chính vì vậy, tác phẩm nào làm rung động người tiếp nhận từ
thế hệ này sang thế hệ khác, từ vùng đất này sang vùng đất
khác sẽ có giá trị vĩnh cửu, sẽ “trẻ mãi không già”, “trường
sinh bất lão”. Dù biết là thế, nhưng vẫn có một sự thực về
người tiếp nhận đó là khi họ quay lưng với tác phẩm, đưa tác
phẩm vào miền quên lãng. Có hiện tượng ấy là do người tiếp
nhận rất phong phú và đa dạng về tri thức và tâm thế. Có
người thích tranh này nhưng có người thích tranh kia. Có người
rung cảm và thật sự hiểu được ý nghĩa của tranh, nhưng cũng
có người xem tranh khen cái khung đẹp, xem tranh vẽ đàn bò tấm
tắc vẽ giống bò, người khác phục họa sĩ sát đất vì tạo
những nhát màu mạnh mẽ, thậm chỉ có người xem bức tranh siêu
thực mà cả không gian chỉ toàn màu vàng sẫm có tên “Đàn bò ăn
cỏ” thì hỏi, đàn bò đâu,…
Qua bốn câu chuyện vẽ rồng trên đã cho thấy người thưởng tranh
cũng nhiều loại khác nhau. Với tranh mười con rồng đất của
Trạng Quỳnh, người cảm nhận tranh là các vị giám khảo, mà đã
là giám khảo hẳn họ cũng có những tri thức nhất định về
hội họa, vậy mà họ chỉ chấm thao tác, tốc độ vẽ nhanh hay
chậm, họ chả chú ý gì đến nghệ thuật. Không biết họ chỉ chú
ý đến tài vẽ nhanh hay họ dốt nát về nghệ thuật hội họa!
Những người xem tranh của rồng của Trương Tăng Dao là những con
người bình thường. Họ tìm đến tranh không phải để thưởng thức
cái đẹp mà nhằm mục đích thỏa mãn tính hiếu kì. Họ không
biết được đâu là cái đẹp, đâu là cái xấu, cho nên dù họa sĩ
đã giải thích lí do tại sao không vẽ mắt cho bốn con rồng,
“Đám người nghe vậy đều không tin, họ khẩn khoản mời Trương Tăng
Dao vẽ thêm mắt để xem rồng có thật sự bay lên hay không”, để
rồi khi “Trương Tăng Dao vừa mới vẽ xong mắt cho hai con rồng thì
trời bỗng mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng, sau đó bỗng
nghe “Ầm” một tiếng rồi bức tường nứt ra”. Còn với tranh rồng
của Tạ Từ, nó ra đời không vì một lí tưởng thẩm mĩ nào cả
mà để thỏa mãn cơn thèm gan rồng của Tào Tháo. Xem ra Tào
không có mục đích thưởng thức hình tượng rồng trong tranh mà
muốn đề cao bản thân qua tâm lí thèm ăn gan rồng. Hoặc giả với
kẻ gian hùng đất “Ngụy” này tạo cớ ăn gan rồng để đo lòng
người hầu trừ khử kẻ tài năng thôi. Có lẽ như thế thật bởi,
kẻ gian hùng làm sao có sự rung động chân chính trước vẻ đẹp
cao cả của nghệ thuật. Cho nên, ta hiểu vì sao “Tào Tháo kinh
hoàng, cho là ma thuật truyền lệnh bắt, Tạ Từ leo lên lưng rồng bay
mất”.
Một trong bốn loại người xem tranh qua bốn câu chuyện trên, đáng
quan tâm nhất là ông vua trong truyền thuyết vẽ rồng. Ông vua
này là một con người yêu cái đẹp. Ông ta “muốn vẽ hai con rồng để
treo hai bên ngai vàng, bèn rao truyền khắp dân gian, ai vẽ tranh rồng
đẹp nhất sẽ được trọng thưởng”. Là người yêu cái đẹp, nên ông ta
sẵn sàng tìm danh họa vẽ rồng, ông ta bất chấp yêu cầu đầy
gắt gao của họa sĩ “xin cho hạ thần một loại lụa quý, dệt bằng 10
thứ tơ của loài tằm được ăn loại lá dâu ở trên độ cao 7000 thước (một
thước Tàu bằng bốn tấc thước Tây) ở Tần Sơn. Khi có tơ, phải tuyển những
tay thợ dệt xuất sắc để khi dệt không để lỗi một sợi tơ nào trên mặt
lụa...”. Tuy nhiên dụng tâm khó nhọc đã không giúp ông vua ấy
phát hiện ra vẻ đẹp tinh tế, sinh động và độc đáo của tranh
rồng do người họa sĩ phải mất ba năm mới hoàn thành. Ông ta
xem tranh mà lòng không thanh tĩnh và với tâm lí vội vàng. Tâm
hồn và trí nghĩ của ông ta bị thôi thúc bởi có được tranh đẹp
giống rồng hơn là tranh vẽ rồng như thế nào. Mà thói thường
hi vọng càng cao thì thất vọng càng lớn, nên không ngạc nhiên
gì khi đang hớn hở, ông ta rơi vào tâm trạng hụt hẫng, có cảm
giác bị họa sĩ lừa và đã ra lệnh chém người vẽ tranh. Cũng
may, ông vua này đã nhận ra sự dốt nát, sự vội vàng và tính
nóng nảy của mình khi đến hang núi nơi ở, vẽ và trưng bày
tranh rồng của họa sĩ nọ. Sau khi thưởng thức những bức tranh
rồng sống động treo từ ngoài treo vào, vua “lại bước vào thêm nữa
thì.... vua thấy hai tấm lụa, nhưng trên đó không vẽ hai con rồng như 3
lần trước, mà chỉ vẽ có hai sọc dài từ trên xuống dưới y như hai “bức
tranh” mà họa sĩ dâng vua ngày nào! Thấy thế, nhà vua suy nghĩ, tần ngần
nhìn mãi, nhìn lâu thấy hai lằn vẽ ấy hóa ra hai con rồng đang bay lượn
trên lụa. Vua lắc đầu, thở dài ngao ngán cho sự kém hiểu biết của
mình!”. Sự tự nhận thức là một nét đẹp tâm hồn của một ông
vua nói riêng và của con người nói chung, khẳng định tính người
chưa bị đánh mất trong “ông trời con” này. Không biết trên đời
này có nhiều ông vua như thế không, nhưng dẫu sao ta cũng hi vọng
sẽ có nhiều ông vua biết đau nỗi đau con người, biết tự sám
về tội lỗi của mình như thế và biết thưởng thức cái đẹp vì
kẻ biết trân trọng cái đẹp tuyệt nhiên không là kẻ ác. Đặc
biệt, qua trình tự cảm thụ tranh vẽ rồng của vị vua nói trên,
ta cũng rút ra một bài học lớn. Cảm thụ nghệ thuật không nên
vội vàng mà cần có tri thức, có sự nhạy bén, tinh tế và
cũng cần có một quá trình rèn luyện mài sắc cảm quan thưởng
thức cái đẹp.
Trên đây là phiếm bàn, thậm chí lạm bàn về bốn câu chuyện vẽ
rồng. Bài viết thể hiện cái nhìn chủ quan của người viết nên
có thể phiến diện. Mong bạn đọc lượng thứ bởi trong thâm tâm,
người viết chỉ mong góp một chút sắc xuân trong bức tranh xuân
Nhâm Thìn 2012.
HD, 20-1-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét