I. Tiểu sử và sự nghiệp văn chương:
1. Tiểu sử:
- Trần Tế Hanh, 20-6-1921, Đông Yên, Bình Dương, Bình Sơn, Quãng Ngãi.
- Đậu Tú tài triết học năm 1943.
- Bắt đầu làm thơ từ 1939, khi học trung hoc.
- 19-12-1946 tham gia kháng chiến, 1954, tập ra Bắc.
2. Sự nghiệp văn chương:
a. Thơ: Hoa niên (1945), Hoa mùa thi (1948), Nhân dân một lòng (1953), Lòng miền Nam (1956), Gửi miền Bắc (1958), Tiếng sóng (1960), Hai nửa yêu thương (1963)... Gửi anh và em (1992),...
b. Thơ thiếu nhi: Chuyện em bé cười ra đồng tiền (1961), Những tấm bản đồ (1965).
c. Dịch thơ:
II. Mấy đặc điểm thơ:
1. Cái tôi trữ tình tinh tế, thanh sạch, hồn hậu, trong trẻo:
- Cái tôi xúc cảm tự nhiên, nhìn cuộc đời bằng đối mắt cảm thông, yêu mến chân thành (cái tôi Hoa niên).
+ Cái tôi ấy neo đậu thuyền thơ của mình trong cái làng chài lưới với những con người sơng nắng nồng vị biển khơi: Quê hương.
+ Cái tôi khát khao sống gắn bó chan hòa:
Tôi sống miên man tránh tẻ buồn
Miệt mài hể hả đắm say luôn
Tôi thâu tê tái trong da thịt
Hương đất, hương đồng, chẳng ngớt tuôn.
(Lời con đường quê)
Buồn nhưng thanh sạch đầy mến thương:
Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.
(Những ngày nghỉ học)
- Từ năm 1942 - 1944: Cái tôi trong thơ Tế Hanh buồn nặng nề, có phần bế tắt:
+ Cái tôi nhỏ nhoi cô đơn:
Tàn tạ tâm hồn, hao gầy thân thể
Sóng buồn ta trôi về bể cô đơn
Và sau hết ta chỉ là ngấn lệ
Nằm rưng rưng trong mắt của đêm hờn.
(Trăng tàn)
+ Cái tôi chán chường, hoài nghi, buồn bã:
Gió lãng mạn thổi qua buồn thế hệ
Sóng thị thành tan rã cả lòng tin
Thuyết hoài nghi mờ xóa những Kinh nguyền
Buồn số kiếp đưa về cơn gió lạnh.
(Chùa)
- Sau cách mạng qua “Hoa mùa thi” (1949), Nhân dân một lòng (1953), cái tôi của chủ thể trữ tình trong thơ Tế Hanh là cái tôi công dân, cái tôi hành động.
+ Ở Hoa mùa thi là tâm thế hướng nội thì ở Nhân dân một lòng là tâm thế hướng ngoại và trở thành một phương thức trữ tình chủ yếu.
+ Thơ của Tế Hanh ,1945-1954, đã tạo ra được những nhân vật trữ tình mới, nhưng không có được tiếng vang.
- Từ 1954 - 1960, thơ Tế Hanh đạt độ chín. Cái tôi của ông đã hòa vào cái ta. Hồn thơ ông hòa vào chất thơ của đời sống một cách nhuần nhị:
Chiêm bao bừng tỉnh giấc
Biết là em đã xa
Trên tường một tia nắng
Biết là đêm đã qua.
Nên:
Giấc chiêm bao đêm trước
Soi sáng cả ngày sau.
(Chiêm bao)
Càng về sau, cái tôi của Tế Hanh càng thâm trầm, triết lí; nhưng luôn giao cảm với đời:
Chiều nay đứng ngắm tượng chàm
Đời thơ nhớ thuở “Điêu tàn” bạn ơi!
Nghĩ mình xuôi ngược khắp nơi
Mà trông tượng vẫn nụ cười ngàn năm.
(Tượng chàm)
Nói sao hết được em ơi!
Anh không thể bắt cuộc đời đứng yên
Em không thể mãi là em
Dẫu anh còn mãi cái nhìn ngày xưa.
(Cái nhìn)
- Cái tôi gắn bó thiết tha với quê hương:
Tôi thấy đười tôi gắn liền với biển
Từng con sóng vui, từng lượn sóng buồn.
(Tiếng sóng)
Thóang con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá.
(Quê hương)
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông.
(Nhớ con sông quê hương)
- Tình quê hương đã thành nguồn mạch trong trẻo nhất trong thơ Tế Hanh: Quê hương, Nhớ con sông quê hương, Trở lại con sông quê hương, Bài thơ mới về con sông xưa,... Và mảnh vườn xưa: Vườn cũ (1941), Vườn xưa, Vườn cũ (1975).
2. Không gian nghệ thuật:
- Không gian kí ức, không gian tâm tưởng: Trong không gian ấy, nỗi
nhớ như trở đi trở lại dai dẳng, khôn nguôi. Đây là nốt nhạc chủ đạo
trong điệu hồn nhà thơ và thơ ông.
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
(Quê hương)
Ô nhớ làm sao những mùa chim én
Ôi nhớ làm sao những mùa cá chuồn
(Nước chảy ngang)
Thương vương khắp nẻo, nhớ vang bốn bề
(Sống vội)
Tôi nhớ không nguôi ánh sáng màu vàng
Tôi nhớ cả những người không quen biết.
(Nhớ con sông quê hương)
Ngay cả tên những bài thơ của ông cũng là nỗi nhớ: Nhớ con sông quê hương, Nhớ mẹ, Bạn ơi! Hãy nhớ, Nhớ quy Nhơn,... Đó là sợi tâm tình nhớ trong hồn thơ Tế Hanh.
- Không gian quê hương đất nước: Tình yêu đất nước của Tế Hanh.
Thiên nhiên đất nước là nguồn xúc cảm thi ca vô tận trong thơ Tế
Hanh. Đặc biệt, Tế Hanh luôn cảm nhận tinh tế cái hồn thiên nhiên: giao
cảm tâm hồn sống với cái đẹp:
Trên tường một tia nắng
Biết là đêm đã qua
(Chiêm bao)
Xuân từ ngoại thành vào nội thành
Từng bước, từng bước, từng bước xanh
(Gặp xuân ngoại thành)
Thơ Tế Hanh cũng rất nhiều không gian mùa thu:
Em đi, trăng sắp độ tròn
Mùa thu quá nửa, lá giòn khua cây
Tiễn em trong cảnh thu này
Lòng ta muôn tiếng sao đầy lặng im.
(Mùa thu tiễn em)
- Tế Hanh viết nhiều về cây cỏ hoa lá với tất cả những vui buồn xao
động trong tâm hồn ông. Ông tả hoa quỳnh nở lung linh cảm xúc:
Trên hoa trăng sáng một vừng
Dưới trăng hoa nở bừng bừng nhụy bông
Hoa là trăng đậu cành cong
Trăng là hoa ngự trời trong người ngời
Hoa trăng với lại hồn tôi
Phút giây hư thực, đất trời trôi qua.
(Hoa nở theo trăng)
Tế Hanh cũng viết nhiều về trăng, về sông, về biển, về sóng.
III. Kết luận:
Tế
Hanh là một nhà thơ suốt đời sống trọn lòng với thơ ca với
quê hương. Thơ ông là tâm hồn trong trẻo của ông. Nngười đọc có
thể nhớ nhiều vần thơ của ông nhưng có lẽ để nhớ ông thì
người ta chỉ nhớ một tập thơ, "Hoa niên" là tập thơ đó, tập thơ mà người ta không thể nào quên.
______________________________
PHỤ LỤC:
Vườn Xưa
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trăng mặt trời cách trở
Như sao hôm sao mai không cùng ở
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu
Như tháng mười hồng tháng năm nhãn
Em theo chim đi về tháng tám
Anh theo chim cùng với tháng ba qua.
Một ngày xuân em trở lại nhà
Nghe mẹ nói anh có về hái ổi
Em ngước nhìn vòm cây gió thổi
Lá như môi thì thầm gọi anh về.
Lần sau anh trở lại một ngày hè
Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt
Anh nhìn giếng, giếng sâu trong vắt
Nước như gương soi lẻ bóng hình anh.
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa…
Tế Hanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét