Tôi và mẹ
từ Cầu Hai (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) trở về quê cũng
đã ba năm. Ngày ấy tôi chỉ mới 6 hay 7 tuổi gì đó. Mẹ tôi từ
làm ruộng chuyển sang bán buôn ở chợ xã Điền Môn. Sáng, trời
còn nhờ nhờ mẹ tôi đã ra khỏi nhà, chiều tối mịt mới về.
Còn tôi, hết học lại lo cơm nước, hết rau heo đến chăm vườn
tược và… vui chơi với lũ bạn lóc nhóc quanh xóm. Hết ngày dài
lại đêm thâu, cuộc sống của hai mẹ con tôi diễn ra đều đều như
thế.
Thế rồi, một hôm mẹ tôi bảo : Từ nay mẹ con mình nên đi chùa,
lễ Phật. Ai cũng có một niềm tin, một tín ngưỡng nào đó. Với
lại, mẹ con mình đi chùa để cầu siêu cho ba con. Tôi chưa biết
tí gì về chùa chiền, về tôn giáo, nhưng trước lời dạy của mẹ
cũng vui vẻ nghe theo. Vậy là trong sinh hoạt đời thường đều
đều ấy có thêm việc đi lễ chùa vào những ngày rằm, mồng một.
Ngày ấy, tôi thường ngược lên xóm cùng ở ngụ Nhứt Tây để lễ
chùa. Chùa làng tôi, không biết xây dựng từ bao giờ, thuở ấy
còn nghèo nàn lắm, thoạt trông có vẻ tiêu sơ nhưng rất uy nghi.
Tôi nhớ đâu như là… chùa tọa lạc ở một khoảng đất rộng , cách
xóm cậu tôi ở một xóm, xây bằng táp-lô, nền tráng xi măng,
mái tranh,… Trông thì thế, nhưng bước vào chánh điện, điện thờ
Phật cũng rất trang trọng và uy nghiêm. Trước tiền đường của
chùa có hai pho tượng đồng đã ngã màu xanh đen có điểm màu
xanh gỉ đồng, gọi là ông Thiện và ông Ác. Tôi không hiểu tại
sao lại có hai pho tượng này và tại sao tên hai pho tượng là
thế. Thời ấy chả ai giải thích cho tôi rõ, còn với tôi, hai pho
tượng là cả một kí ức không phai mờ. Hằng ngày đến chùa tôi
vẫn lặng lẽ ngắm từng pho tượng. Pho tượng bên trái, mắt mở
to, mày xếch, trông như đang giận dữ nhìn tôi, ngầm bảo với tôi
rằng đừng làm gì sai trái, sẽ bị trừng phạt đó. Pho tượng bên
phải, có khuôn mặt nhân từ, đôi mắt bao dung, nụ cười vị tha
như kín đáo khuyên tôi luôn làm việc tốt và nếu có lỗi lầm gì
thì hãy đến với ngài, ngài sẽ xá tội cho. Chính hai pho
tượng đó đã mê hoặc tôi, khiến tôi siêng năng đi chùa hơn. Lúc
bấy giờ tôi không hiểu tại sao lại thế. Lớn lên tôi mới hiểu.
Sở dĩ hai pho tượng ấy là động lực đến chùa của tôi là do
những ngày tháng ấy tôi còn tuổi nhỏ chả hiểu gì về ý nghĩa
kinh tạng, những chuyện đọc kinh, quỳ lạy lễ Phật chưa thật
hấp dẫn tôi, chỉ có nét mặt, đôi mắt và hình dáng oai phong
lẫm liệt của ông Thiện và ông Ác đã ngấm ngầm “thị phạm”,
tạo ra một tâm lí hướng thiện trong tôi. Tôi nghĩ đi chùa là để
làm việc thiện, việc tốt thế thôi, mà tuổi nhỏ nào lại không
thích được khen vì làm được một việc tốt, việc có ích.
Rồi một hôm, chùa làng tôi mở hội trai đàn chẩn tế. Tôi và
mẹ được quy y. Tôi không còn nhớ cụ thể buổi lễ quy y hôm đó
như thế nào. Tôi chỉ biết có rất nhiều người đang quỳ thật
cung kính trong niệm Phật đường, uống từng lời thuyết pháp của
Thượng Tọa Thích Thiện Minh. Thượng tọa là bổn sư, dẫn dắt
chúng tôi quy y Tam Bảo : quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng;
dạy chúng tôi biết gìn giữ ngũ giới : Không được nói dối;
không được tà dâm; không được trộm cắp;… Quy y xong, mẹ tôi có
pháp danh là Nguyên Định còn tôi là Nguyên Truyền. Từ đó, tôi
trở thành một con chim Oanh Vũ trong Gia đình Phật tử Kế Môn.
Tôi được đào luyện tu tập từ Mở mắt, Chân cứng, Cánh mềm và
Tung bay. Từ đó, ngôi chùa nghèo đã trở thành nơi thiêng liêng
nhất, nơi tôi sống trong tín ngưỡng văn hóa, nơi đi về của tâm
thức tôi. Và ngôi chùa làng, không gian văn hóa tâm linh đã thổi
bùng thêm lên trong tôi ngọn lửa tình quê, tình làng nghĩa xóm.
Tôi yêu quê hương qua rất nhiều sự vật hiện tượng, trong đó có
ngôi chùa làng tôi.
Lâu lắm rồi, tôi không còn nhớ chính xác những khuôn mặt huynh
trưởng, những đoàn viên trong gia đình Phật tử của tôi. Tôi chỉ
còn nhớ đến anh Khuyến, anh Phiệt, chị Mễ, chị Thơ,… và một
số bạn bè khác như Ghiên, như Liên, như Hương, như Hiền… đã cùng
tôi sống dưới ngôi chùa cũ cho đến khi chùa mới được xây dựng
phía đông họ Hoàng, giữa làng tôi. Tôi không còn nhớ chính xác
ngôi chùa mới được xây dựng vào năm nào. Hình như những năm đầu
của thập niên 60 của thế kỉ XX. Để xây dựng chùa mới, các
bác trong khuôn hội, trong đó có bác Thất Chức của tôi, đã chia
nhau đi khắp các tỉnh miền Nam vận động dân làng đang sinh sống
làm ăn ở đấy đóng góp kinh phí, rồi đi thăm các chùa ở Huế
để lấy mẫu kiến trúc nhằm xây dựng chùa làng. Bác Thất Chức
của tôi rất nhiệt tình và xông xáo trong những việc này. Bác
nói bác đi khắp các tỉnh, rồi cùng các bác trong khuôn hội
thống nhất lấy mẫu chùa Vĩnh An, nằm ở đường vào cống Lương Y
làm mẫu thiết kế cho chùa làng. Qua bao nhiêu khó khăn, ngôi
chùa khang trang, uy nghiêm cũng đã hoàn thành lấy tên là VẠN
PHƯỚC TỰ. Rồi những ngày đáng nhớ như đúc tượng Phật, đúc
đại hồng chung, rước tượng, rước chuông, rồi khánh thành, cầu
an,… bao nhiêu là lễ hội. Tôi đã sống trong bầu khí của những
lễ hội tôn giáo thiêng liêng đó. Rồi những những ngày lễ Vu
Lan, lễ Phật đản, chúng tôi được cắm trại khi thì ở sân chùa,
lúc thì ở sân vận động Đại Lộc, khi thì ở chùa Điền Hải,…
Những cuộc cắm trại ấy đã để lại trong tôi bao nhiêu là ấn
tượng đẹp. Và đáng nhớ nhất là những ngày chủ nhật sinh hoạt
gia đình Phật tử, chúng tôi học Phật pháp, học thủ công, học
morse, gút, se-ma-pho,…đặc biệt là học làm chủ lễ trong một
buổi lễ Phật. Tôi đã từng hạnh phúc vì đã được làm chủ lễ.
Chiến tranh đã đẩy tôi ra khỏi làng quê năm 1966. Từ đó, chùa
làng đã trở thành niềm hoài niệm thiết tha trong tôi. Rồi học
tập và công tác, tôi ít khi về quê, nhưng cứ mỗi lần về tôi
lại đến chùa làng bồi hồi tìm kỉ niệm. Chùa Làng là không
gian lưu dấu tuổi thơ tôi, nối dài hơn tình yêu nơi chôn nhau cắt
rốn của tôi. Và mỗi lần bước qua tam quan, đặt chân lên những
bậc tam cấp của chùa, tôi cảm giác lòng mình thanh thản đến
lạ. Tôi lại đến bên ông Thiện và ông Ác để ngắm nghía như
những ngày xưa cũ. Cho dù, với tôi bây giờ hai pho tượng đồng
đứng ở trước lầu chuông trống, không còn là bí mật nữa. Đó
là hai vị Hộ Pháp - Kim cương. Những Ngài Kim cương cầm vũ khí
bảo vệ hai bên chùa (rất tiếc bây giờ hai thứ vũ khi đã mất,
người ta tạm thời thay bằng hai cây trường xi măng khảm mảnh chai
màu nâu), có tâm sáng, cứng rắn như kim cương, nhờ thế mà bảo
vệ được Phật pháp. Kim cương thường đội mũ kim khôi, viền giữa
khoảng thóp lại hai bên má, điểm nhiều vật li, mặc áo giáp
“nhẫn nhục” hình thức võ tướng, nhằm cản sự chướng ngại tác
động vào thâm tâm, chạm nhiều biểu tượng linh thiêng. Kim cương
thân hình to lớn biểu hiện sức mạnh vô lượng, vô biên. Mặt hiền
là ngài Khuyến Thiện, mặt có vẻ dữ là ngài Trừng Ác, cả
hai ngài tay trong thế cầm vũ khí, chân đi giày vô ưu. Sách vở
và thời gian đã cho tôi kiến thức ấy, nhưng với tôi ông Thiện
và ông Ác của chùa làng tôi, của quê tôi vẫn có nét riêng mà
chỉ riêng tôi mới thấy. Nét riêng ấy là hai Ngài là con người
Kế Môn, bảo về chùa làng tôi để cho tôi, người dân quê tôi hôm
qua, hôm nay và mãi mãi được sống trong “ánh đạo vàng”.
VẠN PHƯỚC TỰ – chùa làng tôi, không gian hoài niệm của tôi.
HD, 10-3-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét