Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

232. CÙNG MỘT CHỮ TÌNH

       Đến N2 vì đã tạo cảm hứng và gợi ý tưởng cho bài viết này.

       Xin đừng hiểu nhầm đây là một câu chuyện tình ướt sũng nước mắt, thậm chí giàu kịch tính hoặc nhuốm màu sắc lãng mạn; khi bài viết này được đặt tên như thế. Thực ra, bài viết này chỉ bàn đến nét tâm lí ứng xử, tâm lí phản tỉnh của hai nhân vật trữ tình qua hai câu thơ :
        Mẹ cha thì nhớ thương mình
        Mình đi thương nhớ người tình xa xôi

                       (Nguyễn Bính – Thư gửi thầy mẹ)
 Và :
       Cha mẹ sinh tôi thằng con bất hiếu
       Thề thốt thương người hơn cả song thân

                       (Nguyễn Tất Nhiên – Tình một hai năm)
       Hai câu thơ nhưng cùng vang vọng một chữ tình, cho dù được sáng tác bởi hai tác giả ở hai thời kì khác nhau, hai vùng đất khác nhau, hai môi trường văn hóa khác nhau. Câu thơ của Nguyễn Bính “trú ngụ” giữa một bức “Thư gửi thầy mẹ” bằng thơ “Ai về làng cũ hôm nay – Thư này đưa hộ cho thầy mẹ tôi”. Vì vậy, bài thơ có phần nghiêng về tâm sự, tâm tình, thiên về giọng kể, nhưng không kém phần xa xót, ăn năn : “Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!”. Đấy là tâm trạng của một đứa con  xa quê, “Hành phương Nam”,  quyết tâm tìm đến với thị thành để làm ăn, kiếm tiền phụng dưỡng cha mẹ nhưng tay trắng vẫn hoàn trắng tay : “Con dan díu nợ giang hồ – Một mai những tưởng cơ đồ làm nên – Ai ngờ ngày tháng lưu niên – Đã không gọi chút báo đền dưỡng sinh”. Hay câu thơ của Nguyễn Tất Nhiên lại có vai trò đóng lại để ngân vang cảm xúc luyến ái trong một bài thơ tình sầu về một mối tình ngắn ngủi “Tình một hai năm” nhưng là tình tận hiến, rót cạn về phương em : “Và thơ tôi gom hết cho người – Rất tội nghiệp như dòng sông nước cạn”. Dẫu “Tình một hai năm chưa phải tình dài”, “Tình một hai năm chưa bạc mái đầu” nhưng người  tình đã “cắn nỗi sầu đau”, đã nghe lòng mình run lên nỗi “sợ tàn phai” và “Vẫn ngậm tình về như buổi ngậm tình đi”.
     Dẫu ở trong hai bài thơ có đề tài khác nhau, thể loại khác nhau, nhưng hai câu thơ cũng tìm được tiếng nói chung, tạo thành một cặp đôi sánh bước cùng thời gian mà đi vào tâm thức người đọc mọi thời. Những người yêu thơ có thể không thuộc hết hai bài thơ, nhưng mấy ai không nhớ hai câu thơ ấy. Bởi chúng rất kiệm lời mà nói lên được sức mạnh của tình yêu đôi lứa, nói được cái nghịch lí của tình cảm trong quan hệ giữa chủ thể trữ tình với người tình và với cha mẹ mình. Hai câu thơ có cấu trúc tương phản đã thể hiện hai nét đẹp trong muôn vàn nét đẹp tình nghĩa của con người trong các mối quan hệ xã hội.  Nói một cách khác, hai câu thơ đều toát lên vẻ đẹp tình nghĩa của chủ thể trữ tình, của con người Việt Nam,  qua hai cung điệu tình cảm : tình yêu đôi lứa và tình cảm gia đình. Đồng thời, hai câu thơ cũng đã thể hiện độ lệch tâm lí có tính quy luật của hai thứ tình cảm đã nêu. Ai cũng biết “Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” (Ca dao), nhưng lại không tránh khỏi : “Gió sao gió mát sau lưng – Bụng sao bụng nhớ người dưng thế này ?” (Ca dao). Cuộc sống là thế, con người là thế. Mà đã là con người tâm lí làm sao có thể cân phân, rạch ròi và khách quan! Cha mẹ là người sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ ta nên người. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái là quan hệ huyết thống, truyền thống rất gần gũi và thiết thân;  còn với người tình thì “xa xôi”, là “người dưng”, là “người” có vẻ trung tính về tình cảm; vậy mà “Mình đi thương nhớ người tình xa xôi” hay “Thề thốt thương người hơn cả song thân”. Tình cảm giữa cha mẹ và con cái là tình cảm hai chiều, còn tình cảm của chàng trai trong thơ có khi chỉ là một chiều “Mình đi thương nhớ”,  có khi hai phía  “Thề thốt thương người”, nhưng dù thế nao vẫn không kém phần mãnh liệt và luôn sống trong trạng thái nhớ nhung “Nhớ ai bổi hổi bồi hòi – Như đứng đống lửa như ngồi đống than” (Ca dao), thậm chí nhớ đến kiệt cùng nỗi nhớ “Lúc nhớ nhớ cùng trong một tưởng” (Trần Tế Xương). Ở góc độ khác, tình cảm của con dành cho những đấng sinh thành là hiển nhiên, luôn hằng hữu; còn tình cảm đối với người tình là tình cảm dễ mất đi, đôi khi mong manh dễ vỡ,  tình cảm mang tâm lí chiếm hữu hoặc lo sợ không chiếm hữu được. Nói cho cùng, hai thứ tình cảm ấy không thể thay thế cho nhau và đều rất cần thiết trong đời sống tinh thần của con người. Tình cảm đối với cha mẹ đó là tình cảm cội nguồn, đó là tấc lòng hiếu thảo của con cái. Tình cảm dành cho người tình là tình cảm mang màu sắc giới tình, tình cảm làm nên sự phát triển đời sống xã hôi loài người, cho nên “Làm sao sống được mà không yêu – Không nhớ không thương một kẻ nào” (Xuân Diệu). Hay cực đoan như nhân vật trữ tình "ta" trong ca dao : "Mình về ta chẳng cho về - Ta nắm lấy áo ta đề câu thơ - Câu thơ ba chữ rành rành - Chữ trung chữ hiếu chữ tình là ba - Chữ trung thì để phần cha - Chữ hiếu phần mẹ đối ta chữ tình". Vì vậy, tâm lí ứng xử đối với cha mẹ hay đối với người tình có sắc thái khác nhau. Và nếu xét đến cùng, cái hơn thua trong “cái nhớ”, trong tâm lí ứng xử ấy cũng chỉ là cảm giác nên cũng rất tương đối… Thế thôi.
     Sự gặp gỡ của hai câu thơ, hai tình thơ là ở đấy. Tuy vậy, ở mỗi câu thơ vẫn có sự rẽ lối, mang màu sắc phong cách nghệ thuật riêng. Ở Nguyễn Bính là chất dân gian qua nghệ thuật sử dụng hư từ; ngôn ngữ mang màu sắc khẩu ngữ, luyến láy; điệu nói nhấn nhá, đẩy đưa; lối nói bóng gió, lấp lửng, kín đáo. Ở Nguyễn Tất Nhiên, thơ mang màu sắc thị thành, đầy chất thực tại, lối nói không quanh co mà thẳng thừng, ngôn ngữ thơ vừa trang trọng vừa bỗ bã, do vậy mà rất dằn vặt, đớn đau.
     Tóm lại, hai câu thơ dẫu khác nhau về thời gian ra đời, khác nhau về người sinh thành, khác nhau về phong cách; nhưng “cùng một chữ tình”, cùng bắt người ta nhớ đến nao nao trong lòng. Điều đó có thể bạn chưa đồng tình, cũng chẳng sao;… nhưng tại sao chúng ta không đọc lại hai câu thơ nhỉ :
          Mẹ cha thì nhớ thương mình
          Mình đi thương nhớ người tình xa xôi

  Và :
         Cha mẹ sinh tôi thằng con bất hiếu
         Thề thốt thương người hơn cả song thân.

                                                                       
            HD,  8-2-2012  
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét