Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

237. NGHĨ VỀ MỘT NGƯỜI THƠ

     Mưa cứ rả rích. Mùa xuân mà tưởng như mùa đông. Tạm ngưng công việc vì  có cảm giác mệt mỏi và hình như... nghe lòng có chút buồn xa xôi. Không hiểu chút buồn đó có phải là dư ba của những ngày trước khi phải viếng bạn thời trung học : Huỳnh Văn Thanh, hay đọc bài thơ "Tiễn bạn" của Cao Thông, hay xem clip "Thay lời chào vĩnh biệt"  do Ngọc Ân đưa lên trên blog của CHS PCT 64-71, hay là do ngoại cảnh!
     Trong tâm trạng đó, mình với tay lấy tờ báo "Đà Nẵng Chủ nhật" số ra ngày 19-2-2012 xem có gì có thể xua đi cái buồn váng vất ấy không.  Thế là bắt gặp một bài viết về Phùng Quán của Nguyễn Khắc Phê. Bài báo vinh danh nhà thơ suốt đời sống và viết theo "Lời mẹ dặn". Nhưng đấy không chỉ là tình cảm của người viết mà còn là tình cảm của nhân dân, những con người Thị xã Hương Thủy dành cho thi sĩ của làng quê Thủy Dương. Nhân dân đã dành một nới đẹp nhất trên ngọn đồi Thủy Dương để Phùng Quán và vợ là bà Vũ Thị Bội Trâm đời đời yên nghỉ. Từ đây, Phùng Quán có thể ngắm trời đất quê hương, và nói theo Nguyễn Khắc Phê, có thể câu cá ở hồ Thủy Dương một cách đường hoàng chứ không còn câu trộm cá ở Hồ Tây như ngày nào. Nhân dân chỉ mới nghe Hội đồng Nhân dân Thị xã Hương Thủy họp đầu xuân Nhâm Thìn, lấy tên Phùng Quán đặt tên một con đường trong Thị xã, thế là họ đã chuẩn bị trước biển hiệu số nhà và tên đường. Hay cũng chính nhân dân và những bạn bè của nhà thơ đã sáng lập "Quỹ khuyến học, Quỹ khuyến tài Phùng Quán". Quỹ đã cấp 13 học bổng cho các em học sinh Thủy Dương, Quỹ cũng đã  trao giải cho hai tác phẩm : tiểu thuyết "Xa Hà Nội" của Nhất Lâm và tiểu tuyết "Vùng sâu" của Tô Nhuận Vỹ. 
      Bài báo ngắn nhưng qua những gì mà nhân dân Hương Thủy dành cho đứa con quê hương, mình rất xúc động. Trong tâm trí mình bỗng hiện về một hình ảnh Phùng Quán trong "Ba phút sự thật", một Phùng Quán qua "Lời mẹ dặn" và một Phùng Quán sáng lán trong "Trăng Hoàng cung" vằng vặc.
      Thế hệ mình lớn lên một chút, có một chút suy tư, ai lại không nức lòng sảng khoái thả hồn theo những câu thơ "Lời mẹ dặn". Riêng mình, mình tự dặn lòng :
         Dù ai ngon ngọt nuông chiều
         Cũng không nói yêu thành ghét
         Dù ai cầm dao dọa giết
         Cũng không nói ghét thành yêu
      Rồi khi dấn thân vào con đường dạy văn, con đường đầy hoa hồng nhưng có gai, mình mới thấy để cầm bút không phải dễ dàng chút nào. Người cầm bút luôn thao thức : phải là một nhà văn hóa mới viết nhưng trang văn hóa. Những lúc trí nghĩ xoay quanh việc sống và viết của nhà văn như thế, những câu thơ trong "Lời mẹ dặn" lại vang ngân :
         Người làm xiếc đi trên dây rất khó
         Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
         Đi trọn đời trên con đường chận thật
      Những câu thơ ấy đâu chỉ là tuyên ngôn của riêng Phùng Quán, mà là tuyên ngôn của biết bao nhiêu thế hệ người cầm bút chân chính, và những câu thơ đó cũng là thông điệp mà nhà thơ của "văn chui, cá trộm, rượu chịu" gởi đến cho bạn đọc nhất là những ái có "duyên" với "bút mực", trong đó có người thầy giáo dạy văn. Nếu nhà văn nhà thơ là người sáng tạo, thì người thầy dạy văn là người tiếp nhận và cũng là người dẫn dắt học sinh đi tìm cái đẹp. Người dạy văn là người giúp học sinh biết rung cảm trước cái đẹp và để biết sống đẹp trong cuộc đời. Đấy là hai mặt của cái đích mà người truyền thụ văn chương phải hướng đến. Cho nên, cũng như người cầm bút, người thầy cũng xác lập một thái độ sống rạch rõi, dứt khoát, không chung đụng với cái xấu, cúi đầu trước cái ác :
              Tôi muốn làm nhà thơ chân thật
              Chân thật trọn đời
              Đường mật công danh không làm ngọt lưỡi tôi
              Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
    Và :
              Là nhà văn
              Tôi yêu tha thiết
              Sự ngay thẳng tột cùng
              Sự ngay thẳng thủy chung
              Của mỗi dòng chữ viết
                                     (Tôi thích viết trên giấy kẻ dòng"       
       Không dừng lại ở đó, trong "Trăng hoàng cung", Phùng Quán còn  khẳng định, nhà văn phải là một nhà nhân đạo, nhân văn; tác phẩm luôn ánh lên quầng sáng của tình yêu con người và cuộc đời, cho dù li rượu đời của người tạo tác văn chương có là rượu đắng đi nữa. Với nghệ sĩ không còn yêu thương hay không được yêu thương đồng nghĩa với cái chết. Trang văn sẽ khô héo khi không còn hơi ấm nhân tình :
              Lời yêu thương cũng không được nói
              Thì tôi xin chết
              Nhưng tôi không nói lời vĩnh biệt
             Vì tôi tin tôi sẽ hồi sinh
             Dù hỏa táng
             Dù chôn xuống chín tầng đất
             Trái tim dập nát của tôi vẫn thắm một khối tình.
                                     (Trăng hoàng cung , chương 13)
       Người dạy văn cũng thế. Bao giờ không còn yêu văn chương nữa, yêu học sinh nữa thì con người truyền thụ văn học ấy sẽ trở nên trống rỗng trên bục giảng, cho dù anh ta nói những lời có cánh.
      Thơ Phùng Quán, con người Phùng Quán là như vậy. Nói như Trịnh Thanh Sơn :
          Thơ Phùng Quán nằm không đọc được
          Thơ anh cần một quảng trường
          Giao thừa Tây Hồ dậy sóng
          Người về râu trắng như sương...
                     (Thơ Phùng Quán nằm không đọc được)
      Còn mình, là một thầy giáo dạy văn đã "bẻ phấn", nhưng có những phút giây tự hỏi : Khi còn trong không gian lớp học, mình đã có khi nào xao lòng trước cái xấu chưa, mình đã từng "vịn" câu thơ của Phùng Quán mà "đứng dậy chưa ? Hay mình nằm mà đọc thơ Phùng Quán ?
                       17- 2 - 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét